Những 'biệt đội' tìm kiếm, cứu nạn thần tốc của Việt Nam - Kỳ 3: Nghề… ăn, ngủ cùng người chết

11/04/2014 09:18 GMT+7

(TNO) 'Nghề của chúng tôi là lúc sóng lớn người dân vào bờ còn anh em phải chạy ngược ra biển để cứu nạn', ông Lương Trường Phi, Phó giám đốc Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 3 (Trung tâm 3) chia sẻ.

>> Những 'biệt đội' tìm kiếm, cứu nạn thần tốc của Việt Nam - Kỳ 2: 'Đi mây về gió' tìm kiếm máy bay MH370
>> Những 'biệt đội' tìm kiếm, cứu nạn thần tốc của Việt Nam

Những 'biệt đội' tìm kiếm, cứu nạn thần tốc của Việt Nam: Nghề… ăn, ngủ cùng người chết 1
Tàu SAR xuất cảng đi cứu người

Ông Phi giải thích, những tai nạn trên biển xảy ra đa phần do sóng to gió lớn. Chính vì vậy mà anh em thuyền viên luôn sẵn sàng đối mặt với muôn vàn nguy hiểm để cùng tàu SAR rẽ sóng đại dương đi cứu nạn…

Vượt sóng dữ cứu người

Các thuyền viên của tàu cứu nạn SAR 413 và SAR 272 cho biết đến với nghề cứu nạn như một cái duyên tình cờ. Ban đầu anh em thuyền viên cũng chưa định nghĩa hết được việc cứu nạn là như thế nào, nhưng đã bắt tay làm việc rồi mới thấy ý nghĩa của nghề mình đang làm lớn lao biết dường nào.

Đại phó tàu SAR 413 Đinh Xuân Trường là một điển hình.

 

Lênh đênh trên biển cả tháng ròng để tìm thi thể

Năm 2008, khi tàu Đức Trí bị nạn khiến 13 thuyền viên chết. Anh Tin cùng các thuyền viên khác phải ở cả tháng trời trên biển kiếm nạn nhân. “Khi kiếm được thi thể, có những người chỉ còn thân nhưng không có đầu, có chân nhưng không có tay… nhìn tội nghiệp lắm. Có những thi thể được đưa vào bao mang vào bờ thì phần thịt cứ bong tróc ra từng mảng khiến anh em làm nhiệm vụ ai cũng nghẹn lòng”, anh Tin chia sẻ.

Để cứu được một người sống sót sau những tai nạn trên biển, có lúc anh em phải lên tàu SAR đi nhiều ngày liền mà không ai chợp mắt được. Hình ảnh của những người bị nạn đang ôm một mảnh gỗ chống chọi với các con sóng dữ để hi vọng được ai đó cứu vớt luôn hối thúc các thuyền viên công tác trên đội tàu cứu nạn.

Từng là giảng viên tại Trường đại học Hàng Hải ở Hải Phòng, từng là thuyền trưởng của các tàu chở hàng với trọng tải hàng chục vạn tấn, chỉ huy hơn 20 thuyền viên và có mức lương khủng nhưng vì biết được ý nghĩa của nghề cứu nạn mà anh Trường quyết tâm thay đổi môi trường làm việc mới, “đầu quân” cho Trung tâm 3.

Vì sao anh chọn nghề này? Anh Trường trả lời câu hỏi của chúng tôi với một tâm trạng đầy tâm huyết: “Đó là một cái duyên. Anh em, bạn bè của mình đang làm ở các trung tâm cứu nạn hàng hải trên cả nước nên mình được nghe họ kể nhiều về việc ra biển cứu người, vớt thi thể. Những câu chuyện anh em vượt sóng dữ, quên đi bản thân để cứu người mình thấy họ như những anh hùng của biển cả”.

Anh Trường bảo những câu chuyện cứu người đã ăn dần vào suy nghĩ của mình lúc nào không hay.

“Mình thấy nghề này cực khổ nhưng cứu được nhiều người, mang lại sự sống cho người bị nạn nên mình quyết định thôi chức thuyền trưởng xin về Trung tâm 3 để được đi làm việc nghĩa”, anh Trường tâm sự.

Sau khi nhận quyết định về công tác tại Trung tâm 3 (do Trường xin về), ngày 3.3.2014, Trường từ Hải Phòng vào ngay đơn vị mới ở Vũng Tàu để nhận nhiệm vụ. Ở trên tàu SAR 413 đến ngày 6.3 thì tối đó Trường nhận được lệnh cùng anh em thuyền viên ra biển cứu 17 thuyền viên của tàu cá TG 93839 TS cách mũi Vũng Tàu 12 hải lý.

“Lần đầu tiên nhận nhiệm vụ lại đi cứu được nhiều người khiến mình rất hạnh phúc. Càng nghĩ mình thấy công việc này càng ý nghĩa”, Trường chia sẻ.

Cứu 17 thuyền viên vào bờ an toàn thì chiều 8.3, Trường lại cùng các thuyền viên tàu SAR 413 rẽ sóng biển, vượt gần 500 hải lý để tìm máy bay MH370 của Malaysia Airlines mất tích bí ẩn.

Ăn, ngủ cùng… thi thể phân hủy

Là những người đầu tiên và lâu năm nhất của đội cứu nạn, vớt thi thể người chết trên biển phải kể đến thuyền viên Phạm Văn Tin, Lê Đình Chinh… của tàu SAR 413.

Thuyền viên Phạm Văn Tin tham gia công tác cho nhiều tàu hàng hải khác nhau nhưng khi nghe tin Trung tâm 3 tuyển nhân viên để về làm công tác cứu nạn, anh liền đăng ký và được tuyển dụng.

Có 8 năm công tác trong nghề tìm kiếm cứu nạn, anh Tin cho biết đã vớt đến hàng chục thi thể trôi nổi trên biển. Anh thường là người đầu tiên của đội khi thấy thi thể trôi dập dềnh trên biển là nhảy ngay xuống nước vớt nạn nhân lên bờ “để họ đỡ lạnh lúc nào hay lúc đó”.

Anh Tin kể có những thi thể lật úp trên biển khi được lật ngửa lên nhìn xác họ như trong phim kinh dị Mỹ. Mùi hôi từ xác chết rất khó chịu, hai mắt lồi ra, còn môi thì bị cá biển rỉa dần, ăn hết chỉ còn hàm răng trắng phếu…

“Thấy vậy, nhưng khi vớt họ lên rồi thì chúng tôi lại phải ăn, ngủ chung với họ vì nhiều ngày tìm vớt người chết trên biển, tàu không vào bờ được. Ban đầu nhìn thấy thi thể không dám sờ, nhìn… nhưng nghề này làm riết rồi quen. Bây giờ anh em thuyền viên ai cũng quen với việc vớt thi thể và ăn, ngủ cùng với thi thể trên tàu”, anh Tin nói.

Mới đây nhất là vụ chìm ca nô ở Cần Giờ làm 9 người chết, thi thể trôi nổi khắp nơi nên anh em thuyền viên hai tàu SAR 413 và SAR 272 phải ở nhiều ngày trên biển tìm kiếm nạn nhân.

Nạn nhân được vớt lên đều trong giai đoạn phân hủy, mùi hôi tanh kinh khủng. Khi những thi thể chưa đưa vào bờ được là bằng ấy thời gian anh em thuyền viên phải sinh hoạt, ăn, ngủ cùng với người chết. Mỗi bữa ăn anh em thuyền viên luôn thắp hương cúng cơm cho họ rồi mới đến lượt mình ăn.

Những 'biệt đội' tìm kiếm, cứu nạn thần tốc của Việt Nam: Nghề… ăn, ngủ cùng người chết 2
Một hành khách bị nạn ở Cần Giờ được nhân viên cứu nạn của tàu SAR đưa vào bờ an toàn

Những 'biệt đội' tìm kiếm, cứu nạn thần tốc của Việt Nam: Nghề… ăn, ngủ cùng người chết 3

Những 'biệt đội' tìm kiếm, cứu nạn thần tốc của Việt Nam: Nghề… ăn, ngủ cùng người chết 4

Những 'biệt đội' tìm kiếm, cứu nạn thần tốc của Việt Nam: Nghề… ăn, ngủ cùng người chết 6
Nhân viên cứu nạn đưa thi thể các nạn nhân vào bờ

Bài, ảnh: Minh Anh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.