Tự tạo hệ thống lưu trữ dữ liệu đám mây

07/04/2014 09:25 GMT+7

(TNO) Sau đây là cách thiết lập hệ thống lưu trữ dữ liệu đám mây tại nhà bằng việc sử dụng loại ổ cứng My Cloud của WD.

(TNO) Những dịch vụ lưu trữ miễn phí trên mạng vốn mang nhiều hạn chế như: dung lượng lưu trữ thấp, nguy cơ bị mất dữ liệu cao khi quyền kiểm soát dữ liệu thuộc về đơn vị cung cấp dịch vụ, bị làm phiền bởi các đoạn quảng cáo khi tải dữ liệu về máy. Vậy làm thế nào để giải quyết các vấn đề nói trên?


Các phụ kiện trong ổ cứng My Cloud

Sau đây là cách thiết lập hệ thống lưu trữ dữ liệu đám mây tại nhà bằng việc sử dụng loại ổ cứng My Cloud của WD, một giải pháp lưu trữ dữ liệu cá nhân vừa xuất hiện trên thị trường, cho phép người dùng tự tạo một hệ thống lưu trữ dữ liệu theo ý thích của mình (loại ổ cứng này đang có các phiên bản 2 TB, 3 TB và 4 TB).

My Cloud sở hữu một chiếc đèn LED nhỏ duy nhất ở mặt trước, dùng để hiển thị tín hiệu nguồn (cố định khi được khởi động và nhấp nháy khi có dữ liệu được lưu thông). Ngoài ra, dựa vào tín hiệu đèn LED, người dùng có thể tự theo dõi tình trạng của thiết bị: màu xanh là ổn định, màu trắng là ngắt kết nối khỏi mạng, màu đỏ là đang có lỗi phần cứng. Phần mặt sau của ổ cứng có cổng kết nối gigabit (giúp kết nối với internet), cổng kết nối nguồn và cổng kết nối USB 3.0 cho phép hỗ trợ kết nối các thiết bị lưu trữ USB ngoài.

Tạo đám mây cho riêng mình

Bước 1: Kết nối ổ My Cloud vào router mạng tại nhà. Khi khởi động, My Cloud sẽ tự chạy một bài kiểm tra bằng cách nhấp nháy đèn LED ở mặt trước và sẵn sàng cho việc sử dụng trong vòng dưới 30 giây.


Thực hiện thao tác tải phần mềm cài về máy

Bước 2: Sau khi kết nối ổ cứng, hãy mở trình duyệt và truy cập vào trang setup.wd2go.com/?mod=product&device=mc. Bấm vào “Download Setup Software” để tải xuống hướng dẫn cài đặt My Cloud. Sau khi hoàn tất việc tải xuống, màn hình hướng dẫn sử dụng My Cloud sẽ hiện lên, bấm vào tùy chọn Get Started và thực hiện theo các thiếp lập hệ thống tự động của WD.

Bước 3: Sau khi đảm bảo rằng hệ thống mạng đã ổn và có thể kết nối với internet, phần mềm cài đặt của WD sẽ phát hiện và hiển thị serial number, đồng thời cũng chỉ định cho thiết bị một địa chỉ IP riêng.

 
Ổ cứng sẽ tạo ra một địa chỉ IP để người dùng lấy dữ liệu từ xa

Trong giao diện vừa xuất hiện, thực hiện việc đăng ký một tài khoản cho WD Personal Cloud Service (Dịch vụ đám mây cá nhân của WD). Để truy cập các dữ liệu của mình từ bên ngoài hệ thống mạng nội bộ, tất cả những gì chúng ta phải làm là cung cấp một địa chỉ email và sử dụng tài khoản này để lấy dữ liệu trên ổ ở bất cứ nơi đâu, miễn là có kết nối internet.

Bước 4: Sau khi cài đặt xong, hãy kích hoạt My Cloud, sẽ thấy menu của bảng điều khiển My Cloud gồm 6 mục: Home, Users, Shares, Cloud Access, Safepoints và Settings.


Thiết lập các tùy chọn để lưu trữ và chia sẻ dữ liệu từ xa

Đối với Users, người dùng có thể thêm và phân quyền cho những thành viên trong gia đình, hoặc bạn bè để họ có thể truy cập vào đám mây cá nhân này, tương tự như một dịch vụ trực tuyến vậy. Ở bên dưới của Users là danh sách các thư mục được chia sẻ trong My Cloud, người dùng chính (admin - cũng là người sở hữu My Cloud) có thể phân quyền cho từng thư mục được chia sẻ với từng người dùng khác nhau.

Ở phần Shares, người dùng có thể tạo thư mục mới, thiết lập các quyền truy cập, tùy chọn xem thư mục có được sử dụng rộng rãi hay không. Bạn cũng có thể kích hoạt tính năng đa phương tiện cho thư mục để trình chiếu nội dung dữ liệu lên các thiết bị giải trí tại nhà.

Cách lấy dữ liệu từ xa

Tải về phần mềm WD My Cloud dành cho máy tính để bàn tại setup.wd2go.com, sau đó bạn có thể truy cập vào các thư mục và tập tin được chia sẻ trong đám mây cá nhân My Cloud, cũng như gửi các thư mục và tập tin cho bạn bè dưới dạng liên kết qua email để tải dữ liệu về máy.

Đối với các thiết bị di động, bạn chỉ cần tải ứng dụng WD My Cloud miễn phí trên App Store (iOS), Google Play (Android) hoặc WinStore (Windows Phone) để lấy dữ liệu từ xa. Với cách làm này, dù bạn đi bất cứ nơi đâu và miễn sao máy có kết nối với internet là bạn có thể lấy được dữ liệu mọi lúc mọi nơi.

 
Phiên bản lấy dữ liệu từ xa trên thiết bị Android

Ngoài ra, ứng dụng WD My Cloud chạy trên thiết bị di động còn có khả năng tương tác với các dịch vụ lưu trữ đám mây miễn phí khác, như Dropbox, Google Drive và SkyDrive (giờ đã được đổi tên thành OneDrive).

Bên cạnh đó, WD cũng tích hợp một tính năng sao lưu khác với tên gọi Safepoint trong tài khoản quản trị của My Cloud. Điểm đặc biệt của Safepoint là việc sao lưu không chỉ dừng lại ở dữ liệu mà còn cả các thông số cài đặt, cấu hình như danh sách các user, các thư mục được chia sẻ, các thông số thiết lập trên My Cloud, cũng như các phần sao lưu được tạo ra thông qua các phần mềm như WD SmartWare, Apple Time Machine, Windows 7 Backup, Windows 8 File History. Các thông tin này được lưu vào thiết bị lưu trữ gắn ngoài thông qua cổng kết nối USB hoặc kết nối trong cùng mạng nội bộ, phòng trường hợp lỗi ổ cứng.

Lưu ý: Với vai trò là một hệ thống lưu trữ đám mây từ xa nên My Cloud phải luôn trong tình trạng mở và được kết nối với internet liên tục. Ổ cứng được dùng trong My Cloud là ổ WD Red - có khả năng hoạt động 24/7.

Thành Luân
(Ảnh chụp màn hình)

>> Siêu lưu trữ dữ liệu
>> Box.net: Dịch vụ lưu trữ dữ liệu online hiệu quả
>> Biến các hộp thư thành nơi lưu trữ dữ liệu trực tuyến
>> WD công bố giải pháp lưu trữ đám mây My Cloud
>> WD giới thiệu thiết bị lưu trữ mới độc đáo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.