Trắng án sau khi... nhận tội

06/04/2014 09:00 GMT+7

TAND tỉnh Đồng Nai vừa xét xử sơ thẩm và tuyên bị cáo Nguyễn Thị Bằng (61 tuổi, ngụ tại TP.Biên Hòa, Đồng Nai) không phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và trả tự do ngay tại tòa cho bị cáo sau hơn 3 năm bị tạm giam.

TAND tỉnh Đồng Nai vừa xét xử sơ thẩm và tuyên bị cáo Nguyễn Thị Bằng (61 tuổi, ngụ tại TP.Biên Hòa, Đồng Nai) không phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và trả tự do ngay tại tòa cho bị cáo sau hơn 3 năm bị tạm giam.

Trắng án sau khi... nhận tội
Nguyễn Thị Bằng chờ tuyên án tại phiên tòa sơ thẩm vào ngày 24.3 - Ảnh: Thành An

Cáo trạng của Viện KSND tỉnh Đồng Nai cho biết, trong khoảng thời gian từ ngày 31.7.2009 đến 9.9.2009, Nguyễn Thị Bằng nói với nhiều người đang cần một khoản tiền lớn để kinh doanh bia và đáo hạn ngân hàng. Để mọi người cho vay tiền, Bằng đã trả lãi suất cao hơn ngân hàng và chỉ vay trong thời gian ngắn. Đồng thời cùng một thời điểm, Bằng vay tiền của nhiều người nhưng không nói cho ai biết và không cho các chủ nợ biết mặt nhau. Từ đó, các bị hại tin tưởng đưa tiền cho Bằng. Thực tế, sau khi vay được tiền Bằng không đầu tư kinh doanh bia, không đáo hạn ngân hàng, không đưa tiền cho ai vay lại. Sau một thời gian vay mượn, Bằng tuyên bố vỡ nợ.

Kết quả điều tra xác định Bằng đã lừa vay của 7 người với số tiền 2,5 tỉ đồng. Sau khi vụ việc vị vỡ lở Bằng chỉ hoàn trả được hơn 330 triệu đồng số còn lại hơn 2,1 tỉ đồng chiếm đoạt cho đến nay, không có khả năng trả lại.

 

Bị cáo nhận tội không có nghĩa là có tội. Tội phải quyết định một cách tổng thể trên cơ sở chứng cứ có tại hồ sơ phù hợp lời khai bị cáo tại tòa. Sinh mạng của bị cáo gắn liền với bản thân tôi, mình làm việc phải có trách nhiệm

Thẩm phán Trần Nam Phương

Đề nghị phạt từ 12 - 14 năm tù

Tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Bằng thừa nhận hành vi phạm tội của mình như cáo trạng truy tố. Ngay cả khi chủ tọa phiên tòa xét hỏi: “Bị cáo suy nghĩ như thế nào về hành vi của mình đối với các bị hại”? Bằng khai: “Hành vi của bị cáo là vi phạm pháp luật”. Nói lời sau cùng trước khi HĐXX nghị án, bị cáo cũng xin xem xét giảm nhẹ hình phạt để “sớm về với gia đình, xã hội để có điều kiện kiếm tiền trả nợ cho các bị hại”.

Trên cơ sở phân tích hồ sơ chứng cứ và lời khai của bị cáo và người bị hại tại phiên tòa, đại diện Viện KSND xác định, việc bị cáo Bằng không còn khả năng trả nợ nhưng vẫn gian dối huy động vốn của nhiều người là có ý đồ chiếm đoạt. Từ đó, đề nghị HĐXX tuyên mức án 12 - 14 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Bào chữa cho bị cáo, luật sư Trần Gia Minh (Đoàn luật sư Đồng Nai) cho rằng thân chủ của mình không gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản, bởi các bị hại đều biết rõ mục đích bà Bằng vay tiền. Hơn nữa, cân đối giữa số tiền bị cáo vay và cho người khác vay lại cùng với những tài sản khác vẫn còn dư trên 400 triệu đồng. Do đó, luật sư Minh đề nghị HĐXX xem xét lại vụ án, không buộc bị cáo vào tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản vì đây chỉ là quan hệ dân sự.

“Nhận tội không có nghĩa là có tội”

Sau khi nghị án, HĐXX đã tuyên bị cáo Nguyễn Thị Bằng không phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đồng thời tuyên bố trả tự do ngay tại tòa sau hơn 3 năm bị bắt tạm giam (bắt tạm giam vào ngày 9.12.2010).

Trao đổi với PV, thẩm phán Trần Nam Phương, chủ tọa phiên tòa cho biết, trong quá trình thẩm vấn các bị hại cho thấy việc họ đem tiền cho bị cáo vay là xuất phát từ lòng tin. Trong số 7 người được xem là bị hại trong vụ án, có 5 người đã từng cho bị cáo vay tiền và đều được thanh toán sòng phẳng. Các bị hại nói bị cáo có hành vi gian dối (vay tiền để kinh doanh bia, đáo hạn ngân hàng nhưng thực chất không có) là không rõ ràng. Vì trên thực tế, bị cáo vẫn có cửa hàng bán tạp hóa, kinh doanh bia. “Như vậy, trong trường hợp hành vi lừa đảo của bị cáo không rõ ràng, tỷ lệ 50 - 50 thì tòa sẽ nghiêng về hướng có lợi cho bị cáo. Vận mệnh của một con người nên không thể không cân nhắc được”, ông Phương lý giải.

Ngoài ra ông Phương còn cho biết, quá trình xem xét hồ sơ cho thấy bị cáo không có ý định chiếm đoạt tài sản của người khác. Do bị cáo cũng là nạn nhân trong việc đem tiền cho người khác vay nên mới phát sinh việc vỡ nợ. “Việc vay mượn chỉ là quan hệ dân sự. Trên cơ sở đó HĐXX đã tuyên bị cáo vô tội”, ông Phương cho biết.

Liệu có bỏ lọt tội phạm hay không khi bị cáo khai nhận hành vi phạm tội ngay tại phiên tòa? Ông Phương bày tỏ: “Chẳng có gì cả. Bị cáo nhận tội không có nghĩa là có tội. Tội phải quyết định một cách tổng thể trên cơ sở chứng cứ có tại hồ sơ phù hợp lời khai bị cáo tại tòa. Sinh mạng của bị cáo gắn liền với bản thân tôi, mình làm việc phải có trách nhiệm”.

Trong khi đó, ngày 3.4, Viện KSND tỉnh Đồng Nai đã kháng nghị toàn bộ bản án sơ thẩm để bảo vệ quan điểm buộc tội.

3 lần thay đổi thẩm phán

Sau khi tuyên bố vỡ nợ (ngày 9.9.2009), nhiều chủ nợ đã làm đơn tố cáo bà Bằng gửi cơ quan chức năng. Ngày 5.2.2010, Cơ quan CSĐT  - Công an tỉnh Đồng Nai khởi tố vụ án lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Sau đó, vụ án tạm đình chỉ (ngày 5.6.2010). Đến ngày 14.9.2010 vụ án được phục hồi điều tra; đồng thời thay đổi tội danh, khởi tố bị can tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ngày 9.12.2010 bà Bằng bị bắt tạm giam. Vụ án được TAND tỉnh Đồng Nai đưa ra xét xử 6 lần, với 3 lần thay đổi thẩm phán. Mãi đến ngày 24.3, bà Bằng được tuyên vô tội.

Hoàng Tuấn - Thành An

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.