Lo ngại bệnh viện thành ổ dịch sởi

06/04/2014 09:00 GMT+7

Đến bệnh viện bị lây nhiễm sởi khiến bệnh trở nặng, thậm chí tử vong là mối lo ngại của nhiều gia đình bệnh nhân.

Đến bệnh viện bị lây nhiễm sởi khiến bệnh trở nặng, thậm chí tử vong là mối lo ngại của nhiều gia đình bệnh nhân.

Lo ngại bệnh viện thành ổ dịch sởi
Nhiều ca mắc sởi vẫn nằm chung phòng với các trẻ khác khiến bệnh có thể lây lan rộng - Ảnh: Ngọc Thắng

Điều trị viêm phổi, nhiễm thêm bệnh sởi

Thông tin từ Bệnh viện (BV) Nhi T.Ư ngày 5.4 cho biết mới đây gia đình một cháu bé 13 tháng tuổi (ở Vĩnh Phúc), bị viêm phổi sau điều trị tại BV Nhi T.Ư, sau đó ra viện về nhà thì bị mắc sởi. Cháu được gia đình đưa lại BV Nhi T.Ư, được tiếp nhận điều trị tại Khoa Truyền nhiễm. Tuy nhiên, do bệnh nặng, cháu đã không qua khỏi.

Chúng tôi vẫn nghi ngờ cháu bị nhiễm vi rút sởi khi khám, điều trị tại BV Nhi T.Ư. Khi vào đây, chúng tôi cũng gặp 2 bệnh nhân mắc sởi khác trước đó cũng từng điều trị bệnh khác tại BV Nhi T.Ư. Con trai tôi bị sởi và tai biến viêm phổi phải thở ô xy

Mẹ của bé Nguyễn Dương T.

Bác sĩ (BS) Trần Văn Học, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp BV Nhi T.Ư, cho biết gia đình đã có đơn yêu cầu BV bồi thường với lý do cháu bị nhiễm sởi khi điều trị tại BV dẫn đến tử vong. “BV đã trả lời bằng văn bản, giải thích để gia đình hiểu, trong mọi trường hợp, bệnh nhi tử vong luôn là điều đau xót và BV chia sẻ với gia đình về mất mát này. Nhưng có những tình huống do bệnh cảnh nặng, không thể cứu chữa”, BS Học nói.

Cũng theo BS Học, nguy cơ lây nhiễm chéo trong BV là có thể xảy ra và nguy cơ này luôn được khuyến cáo. Tuy nhiên, với trường hợp của cháu bé rất khó khẳng định lây từ BV hay cộng đồng vì nhiều trẻ tại gia đình cũng bị sởi.

Có mặt tại Phòng Cấp cứu Khoa Nhi BV Bạch Mai, chúng tôi cũng gặp trường hợp của bé trai Nguyễn Dương T. (11 tháng tuổi, ở Hà Nội), điều trị từ 10 ngày qua. Mẹ của bé T. cho biết trước khi vào Khoa Nhi BV Bạch Mai, hồi tháng 3 cháu vào BV Nhi T.Ư điều trị tại Khoa Dị ứng miễn dịch. Sau khi ra viện 10 ngày thì cháu bị sốt cao, phát ban. Gia đình cho cháu quay lại BV Nhi T.Ư được chẩn đoán mắc sởi, nhưng BV Nhi yêu cầu chuyển về BV Xanh Pôn (thuộc Sở Y tế Hà Nội) vì BV hết giường nội trú. Gia đình sau đó đã chủ động đưa cháu vào BV Bạch Mai điều trị. “Chúng tôi vẫn nghi ngờ cháu bị nhiễm vi rút sởi khi khám, điều trị tại BV Nhi T.Ư. Khi vào đây, chúng tôi cũng gặp 2 bệnh nhân mắc sởi khác trước đó cũng từng điều trị bệnh khác tại BV Nhi T.Ư. Con trai tôi bị sởi và tai biến viêm phổi phải thở ô xy”, mẹ của bé T. lo lắng.

Tại Khoa Nhi BV Bạch Mai, các trẻ mắc sởi vẫn nằm chung phòng với các bé có bệnh lý khác: tiêu chảy, viêm phổi thông thường. “Cũng có các gia đình lo ngại con mình bị lây nhiễm vì nằm chung với ca mắc sởi nhưng hiện tại chúng tôi cũng chưa thể sắp xếp riêng biệt được do bệnh nhân mắc sởi vào nhiều, toàn khoa nhi quá tải trong nhiều tuần qua, ngày cao điểm lên đến 127 bệnh nhi/50 giường bệnh”, TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai, cho biết.

“Dịch sở ghi nhận tại trên 50 tỉnh thành”

Liên tục trong hai tháng qua, nhiều BV quá tải vì bệnh nhi mắc sởi tăng cao bất thường, xuất hiện các ca nghi ngờ lây sởi trong BV nhưng Bộ Y tế vẫn chưa có giải pháp cụ thể nào để khắc phục. Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), thừa nhận: “Dịch sởi ghi nhận tại trên 50 tỉnh thành”, tuy nhiên ông Phu không cho biết số ca tử vong do sởi. “Con số này các BV có báo lên nhưng phải làm rõ thêm vì có thể bệnh nhân mắc sởi nhưng tử vong do có bệnh lý khác sẵn có”.

Lo ngại bệnh viện thành ổ dịch sởi
Bệnh nhi được điều trị tại BV Bạch Mai (Hà Nội)

Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, cho hay Khoa Truyền nhiễm của BV Nhi T.Ư đang quá tải với hơn 200 ca mắc sởi đang điều trị, phần lớn nằm ghép 2 - 3 trẻ/giường. Tại thời điểm có dịch này, nguy cơ lây nhiễm chéo trong BV là rất lớn không chỉ vi rút mà cả vi khuẩn.

Ông Khoa cũng cho biết đã đề nghị BV Nhi T.Ư và các BV có khoa nhi cần có khu vực khám sàng lọc tốt, khi có trẻ nghi mắc sởi nên được chuyển riêng biệt, tránh thấp nhất các trẻ nằm chung với các bệnh dễ lây nhiễm. Cần dành khu vực cách ly điều trị trẻ mắc các bệnh dễ lây nhiễm như sởi.

TS Dương Đức Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, BV Bạch Mai, cho biết: “BV đang khẩn trương rà soát lại và đang có kế hoạch sắp xếp, tăng cường nhân lực, thiết bị, vật tư để giảm các nguy cơ lây nhiễm chéo cho các bé điều trị. Tại Khoa Nhi của BV Bạch Mai chưa ghi nhận các trẻ bị lây sởi từ BV, tuy nhiên, các yếu tố nguy cơ này là có thể, cần chủ động để ngăn ngừa”.

TP.HCM: 600 trẻ mắc bệnh sởi

Tại Khoa Nhiễm của BV Nhi đồng 1 (TP.HCM) những ngày cuối tuần qua luôn có hơn 50 bệnh nhi mắc sởi điều trị nội trú. Nhiều trường hợp bị biến chứng viêm phổi, gần như ngày nào khoa cũng có bệnh nhi mắc sởi nặng trong tình trạng phải thở máy. Theo thống kê, từ đầu năm đến cuối tháng 3, có hơn 600 trẻ ngụ ở TP.HCM mắc bệnh sởi (chỉ tính số nhập viện điều trị nội trú, không tính số mắc nhẹ điều trị ngoại trú). Sau khi bệnh sởi gia tăng hồi tháng 2, TP thực hiện tiêm vét vắc xin phòng bệnh cho trẻ, đến nay qua 5 tuần thực hiện, đã tiêm được 32.000 liều. Trong khi đó, chỉ tiêu đặt ra tại TP là khoảng 95.000 liều.

Thanh Tùng

Nhiều trẻ mắc sởi tử vong

Ngày 5.4, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã ký công điện gửi chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố đề nghị tăng cường chỉ đạo phòng chống bệnh sởi và triển khai kế hoạch tiêm vắc xin phòng dịch sởi.

Bộ Y tế yêu cầu tăng cường phòng chống dịch sởi, đồng thời khuyến cáo các bậc cha mẹ chủ động đưa trẻ trong độ tuổi tiêm chủng (từ 9 - 24 tháng tuổi) chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi vắc xin sởi đến các cơ sở tiêm chủng để tiêm phòng vắc xin. Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế sớm để kịp thời khám, điều trị phòng các biến chứng và diễn biến nặng của bệnh sởi.

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), từ cuối năm 2013 đến nay, tại Việt Nam đã ghi nhận trên 5.000 trường hợp nghi mắc sởi tại 59 tỉnh, thành phố. Lứa tuổi mắc chủ yếu là trẻ nhỏ chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh sởi hoặc tiêm chưa đủ số mũi theo quy định. Mặc dù thời gian qua các địa phương đã triển khai các biện pháp phòng chống dịch và thực hiện kế hoạch tiêm vắc xin phòng chống dịch sởi tuy nhiên số mắc sởi tại nhiều địa phương có xu hướng giảm chậm nhưng không đáng kể. Đáng lo ngại đợt dịch này đã ghi nhận nhiều trường hợp tử vong ở trẻ nhỏ mắc sởi do đồng nhiễm các vi rút khác hoặc có bệnh lý khác nhưng mắc thêm sởi.

Liên Châu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.