Hậu quả kinh hoàng của chiến tranh hạt nhân

06/04/2014 03:00 GMT+7

Một cuộc xung đột hạt nhân tầm khu vực đủ sức kích hoạt quá trình hạ nhiệt trên toàn cầu, làm tổn hại tầng ozone và gây nên hạn hán kéo dài.


Một vụ thử bom hạt nhân trên quần đảo san hô Enewetak vào tháng 11.1952 - Ảnh: Wikipedia 

Trong suốt thời kỳ Chiến tranh lạnh, nhân loại nơm nớp lo sợ có thể nổ ra chiến tranh hạt nhân giữa các siêu cường Mỹ, Liên Xô. Lúc đó, giới chuyên gia cảnh báo một cuộc xung đột như vậy có thể mang đến “mùa đông hạt nhân”, chỉ tình trạng khói mù, tro bụi bao trùm khí quyển và che mất mặt trời. Hậu quả là hầu hết sinh vật có thể chết lần mòn do thiếu thực phẩm, nạn đói lan tràn. Ngày nay, nguy cơ chiến tranh hạt nhân quy mô nhỏ vẫn đang tiềm tàng giữa các thế lực hạng trung.

Để dự đoán ảnh hưởng đối với khí hậu, các nhà khoa học lập mô hình trên máy tính về cuộc xung đột hạt nhân giả định giữa Ấn Độ - Pakistan, với khoảng 100 quả bom tương tự bom gây thảm họa Hiroshima, tức mỗi quả tương đương 15.000 tấn TNT. Họ tái tạo các phản ứng bên trong và giữa khí quyển, đất đai, băng trên biển thuộc hệ thống khí hậu của trái đất. Kết quả cho thấy ảnh hưởng thật khủng khiếp. “Hầu hết mọi người đều ngạc nhiên khi biết được thậm chí một cuộc chiến hạt nhân nhỏ ở bên kia địa cầu cũng có thể làm gián đoạn khí hậu trên toàn cầu trong ít nhất 1 thập niên, và thổi bay tầng ozone suốt 10 năm”, chuyên san Earth’ s Future dẫn lời trưởng nhóm Michael Mills của Trung tâm quốc gia về nghiên cứu khí quyển ở Colorado (Mỹ).

Các chuyên gia dự đoán những cơn bão lửa có thể gieo rắc khoảng 5,5 triệu tấn carbon đen lên tầng cao của khí quyển. Lớp tro bụi này sẽ hấp thu nhiệt lượng từ mặt trời tỏa ra, làm nguội đi bề mặt bên dưới. Các mô hình giả định cho thấy sau một cuộc chiến như vậy, nhiệt độ trung bình trên bề mặt địa cầu sẽ lập tức sụt xuống khoảng 1,5 độ C, mức thấp nhất trong hơn 1.000 năm. Ở một số nơi, nhiệt độ thậm chí còn lạnh hơn nữa, khi mà phần lớn Bắc Mỹ, châu Á, châu u, Trung Đông trải qua mùa đông với nhiệt độ giảm hơn từ 2,5 đến 6 độ C so với bình thường, còn mùa hè cũng bớt nóng do nhiệt độ thấp hơn từ 1 đến 4 độ C. Diễn biến này sẽ kéo theo tình trạng sương giá hủy hoại mùa màng.

Không dừng lại ở đó, tro từ những vụ cháy hấp thu nhiệt lượng trong khí quyển, đốt nóng tầng bình lưu kích hoạt các phản ứng hóa học làm tầng ozone bị hủy hoại. Mất đi lớp bảo vệ, tia cực tím từ mặt trời dội thẳng xuống mặt đất nên vào mùa hè, lượng cực tím ở vùng vĩ độ trung (như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỹ, Afghanistan…) sẽ tăng từ 30 đến 80%, đe dọa sức khỏe con người, ảnh hưởng nông nghiệp và hệ thống sinh thái trên đất liền và biển cả. Đồng thời, lượng mưa giảm trên toàn cầu, dẫn đến nguy cơ cháy rừng ở các khu vực như Amazon khiến tình trạng khói mù càng trầm trọng hơn.

Các báo cáo trước đây dự đoán rằng nhiệt độ toàn cầu sẽ khôi phục trong khoảng 10 năm, nhưng nghiên cứu mới nhất cho rằng tình trạng trên phải diễn ra hơn 25 năm do diện tích biển băng gia tăng khiến nhiệt lượng từ mặt trời bị phản xạ đẩy ra ngoài không gian, và tình trạng giảm nhiệt đáng kể ở các vùng biển. Dựa trên báo cáo mới, chiến tranh hạt nhân, dù nhỏ, vẫn có thể khiến nhiệt độ toàn cầu giảm xuống trong 1/4 thế kỷ, góp phần làm giảm lượng mưa và ảnh hưởng đến hoa màu. Phát hiện trên một lần nữa cảnh báo nguy cơ tiềm tàng đối với nền văn minh nhân loại, khi hiện có hơn 17.000 vũ khí hạt nhân nằm trong tay các thế lực quân sự. 

Hạo Nhiên

>> Iran có thể chế bom hạt nhân trong 1 tháng?
>> Những tai nạn rơi bom hạt nhân
>> Vụ nổ ở Texas "khủng khiếp như... bom hạt nhân
>> Tiến sĩ bom hạt nhân" nói Bình Nhưỡng sẽ không “dại gì” gây chiến
>> Iran “sẽ sớm có bom hạt nhân”

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.