Cảnh báo từ vụ chó nuôi cắn nát mặt trẻ

05/04/2014 06:20 GMT+7

Vụ việc xảy ra ở H.Long Thành (Đồng Nai), dấy lên cảnh báo an toàn cho người nuôi chó dữ.

 
Bé P.H.N với vết thương do chó cắn - Ảnh: T.D


Nạn nhân là bé P.H.N (4 tuổi), nhập Bệnh viện (BV) Nhi đồng 2 TP.HCM ngày 29.3 trong tình trạng mặt bê bết máu, nhiều vết thương trên vùng mặt, đầu và sau gáy. Theo bác sĩ Lê Phước Tân, Phó khoa Chấn thương chỉnh hình BV Nhi đồng 2, nghiêm trọng nhất là vết thương dài 10 cm kéo từ sống mũi xé rách đến vành tai phải, một vết khác làm rách dài 7 cm bên má trái của bé. Người nhà cho bác sĩ biết, bé bị chó berger nhà nuôi cắn. Con chó cao khoảng 1,3 m, nặng hơn 30 kg, thường được cột ở sân để giữ nhà. Sáng 29.3, khi bé N. đi ngang thì bị chó vồ cắn tới tấp.

Hầu hết nạn nhân là trẻ em

“Tình trạng của bé N. may mắn không ảnh hưởng đến tính mạng, nhưng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tính thẩm mỹ về sau, vì thường những vết thương do chó cắn dù có phẫu thuật thẩm mỹ vẫn rất khó hoàn thiện và đẹp được. Vì thế các gia đình nuôi chó cần quản lý kỹ, không thả rông, rất nguy hiểm cho người trong gia đình và cho người khác”, bác sĩ Lê Phước Tân nói và cho biết tại BV Nhi đồng 2 mỗi năm có từ 5 - 10 trẻ bị chó cắn nhập viện; còn số bị chó cắn nhẹ đến khám, xử trí không nhập viện thì nhiều hơn.

 

Làm gì khi bị chó cắn?

 

Theo các bác sĩ, nếu bị chó, mèo cắn, trước tiên cần rửa vết thương thật kỹ bằng xà phòng đặc và nước muối 0,9%, rồi bôi cồn, hoặc dung dịch i ốt ít nhất 5 phút để giảm đến mức tối thiểu lượng vi rút xâm nhập vào cơ thể. Không băng kín hoặc khâu vết thương ngay. Sau đó lập tức đến BV để được xử trí, tiêm phòng.

T.T - L.N

Trước đó, đã có nhiều vụ chó berger cắn chết người, còn bệnh dại do chó gây ra thì rất nhiều. Theo thống kê, riêng năm 2013 cả nước có 300.000 người bị chó dại tấn công, trong đó 99 người tử vong. Theo ghi nhận của Viện Pasteur TP.HCM, bệnh dại tập trung chủ yếu là do chó nhà gây ra (chiếm hơn 96%), do mèo chiếm 3,6%. Phần lớn số ca mắc bệnh và tử vong rơi vào các cháu nhỏ dưới 15 tuổi, vì các cháu nhỏ thường tiếp xúc, đùa giỡn với chó, mèo. Bác sĩ Nguyễn Ngọc Anh Tuấn, Phó khoa Xét nghiệm lâm sàng Viện Pasteur TP.HCM, cho biết không ít trường hợp trẻ em bị chó nuôi tấn công làm rách mặt, bóc da đầu lòi xương sọ.

Mỹ cấm, nuôi tràn lan ở VN

Trong khi đó, tại VN, nhu cầu nuôi chó giữ nhà cùng sở thích nuôi chó “độc” của nhiều người đã khiến phong trào nuôi chó dữ ngày càng phát triển. Chỉ cần gõ lên web tìm kiếm từ khóa “mua bán chó...” là xuất hiện ngay hàng loạt trang web giới thiệu chó dữ, đi kèm hình ảnh giới thiệu và giá cả cụ thể. Các giống chó dữ đang có mặt tại VN hiện phải kể đến pitbull, rottweiller, bulldog, berger... Ông Nguyễn Văn Lãng, một người nuôi chó nổi tiếng ở TP.HCM, cho biết: “Xu hướng người nuôi chó chuyển sang các loại chó dữ đang rộ lên, mục đích là vừa có loài vật nuôi lạ, vừa có con vật bảo vệ chủ khi nguy hiểm. Chó pitbull và hậu duệ là bully có thể gọi là chó dữ, 2 con bully có thể sánh ngang với con cọp, vì nó rất khỏe, da dày, cấu trúc hàm răng đặc biệt nên nó đã cắn rồi là không nhả. Một số bang tại Mỹ đã cấm nuôi pitbull vì tính hung dữ của nó. Bully đã được lai tạo cho hiền đi, nhưng bản tính thì khó mà biến mất hoàn toàn”.

Theo một số người nuôi chó lâu năm, rottweiler là giống chó có bản năng bảo vệ mạnh mẽ, luôn sẵn sàng bảo vệ gia chủ một cách dữ dội nhất. Tuy nhiên, phải nuôi dạy loài này một cách chuyên nghiệp và kiên trì, nếu không chúng sẽ trở nên hung dữ rất nguy hiểm. Rottweiler và berger - một giống chó dữ khác có nguồn gốc từ Đức - hiện được nuôi khá phổ biến.     

Theo Thông tư 48/2009 và Quyết định 2810/2012 của Bộ NN-PTNT, người dân nuôi chó phải cam kết “5 không”: không nuôi chó mèo chưa khai báo với chính quyền địa phương; không nuôi chó mèo chưa tiêm phòng bệnh dại; không nuôi chó mèo thả rông; không để chó, mèo cắn người; không nuôi chó, mèo gây ô nhiễm môi trường. Thực tế, rất ít hộ dân khi nuôi chó, mèo tự giác đăng ký với chính quyền địa phương. Nhiều cán bộ phường, xã cho rằng việc đăng ký nuôi chó, mèo chủ yếu dựa vào ý thức của người dân nên ít khi áp dụng xử phạt, do đó tình trạng vi phạm vẫn thường xuyên diễn ra. Ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM, cũng nhìn nhận tình trạng chó dữ được nhập về nhiều và mua bán công khai, dễ dàng trên mạng “là một khó khăn đối với cơ quan chức năng”. “Về nguyên tắc thì khi mua bán, vận chuyển vật nuôi từ nơi này sang nơi khác phải khai báo, nhưng một mình lực lượng thú y thì không quản lý được vì liên quan đến lĩnh vực thương mại, cần có sự phối hợp với Sở Công thương và một số đơn vị khác”, ông Thảo nói.

Q.Thuần - T.Tùng - L.Ngọc

>> 80 người tử vong do bị chó cắn
>> Giảm rủi ro bị chó cắn
>> Chó cắn chết phụ huynh đưa con đi thi chỉ là tin đồn
>> Chó cắn người, chủ nhân đi tù
>> Bé sơ sinh bị chó cắn chết tại Mỹ 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.