Xét xử phúc thẩm 'kỳ án trộm dê' ở Bình Thuận

04/04/2014 15:20 GMT+7

(TNO) Sáng nay 4.4, TAND tỉnh Bình Thuận xét xử phúc thẩm vụ án 'trộm cắp tài sản' đối với Trần Thị Kim Nguyệt (43 tuổi, trú thị trấn Lương Sơn, huyện Bắc Bình, Bình Thuận), còn gọi là Kỳ án trộm dê.

Phúc thẩm kì án trộm dê ở Bình Thuận
Bị cáo Nguyệt tại tòa sáng nay - Ảnh: Quế Hà

Chủ tọa phiên tòa là thẩm phán Tòa hình sự Trần Thị Ánh Tuyết.

Tham dự phiên tòa và bào chữa cho bị cáo Nguyệt lần này có 5 luật sư, nhưng một luật sư xin vắng mặt (có một luật sư mới được cấp phép bào chữa).

Bị cáo Nguyệt được áp giải đến tòa bằng xe đặc chủng của Trại tạm giam Công an tỉnh Bình Thuận.

Có hơn 20 cán bộ cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp thuộc Công an Bình Thuận được điều đến để giữ trật tự phiên tòa.

Khác với phiên tòa sơ thẩm do TAND huyện Bắc Bình xét xử, ở phiên phúc thẩm này, do được tòa giải thích tường tận, nên bị cáo Nguyệt trả lời bình tĩnh và không la hét.

Buổi sáng, tòa tập trung làm rõ nguồn gốc đàn dê và những ai là chủ sở hữu đàn dê (54 con) trước khi Nguyệt lùa đi bán lúc rạng sáng 29.5.2005.

Bà Nguyễn Thị Lâm, chủ sở hữu đất trang trại khai tại tòa, trước đây có ý định bán đất cho Nguyệt từ khi Nguyệt còn đi tu. Nhưng khi Nguyệt về quê (hết đi tu) thì giấy tờ Nguyệt viết (bà Lâm chỉ ký) lại là bà bán đất làm trang trại cho cha dượng Nguyệt là ông Trần Văn Lý và mẹ của Nguyệt là bà Văn Thị Ỏn.

“Sau này tôi mới biết là Nguyệt và cha mẹ có tranh chấp về đất đai và đàn dê với nhau”, nhân chứng Nguyễn Thị Lâm khai tại tòa.

Bị hại Lê Thị Kim Y khai sau khi Nguyệt bị bắt giam, cha dượng của Nguyệt (ông Trần Văn Lý đã chết ngày 11.3.2014) có đến đòi số tiền mua trang trại. Bà Y nói đã trả đủ cho ông Lý 90 triệu đồng. Ngay lập tức bà Văn Thị Ỏn (mẹ Nguyệt) đứng dậy phản ứng và cho biết số tiền mà bà Y trả cho ông Lý là tiền hai người vay mượn nhau chứ không liên quan đến mua bán dê hay trang trại.

Ông Huỳnh Ngọc Thành, Phó trưởng Công an xã Sông Bình (thời điểm 2005, nơi có trang trại dê), khai tại tòa là sau khi có tranh chấp đàn dê giữa Nguyệt và bà Y ngay tại chuồng dê, xã cử ông đến làm trật tự. Sau đó công an xã lập biên bản nói rõ Nguyệt có 27 con dê, số còn lại là cha mẹ Nguyệt đã bán cho bà Y.

Dù nói rõ Nguyệt có 27 con dê, nhưng trong biên bản thể hiện rõ, Công an xã Sông Bình vẫn bàn giao hết đàn dê cho vợ chồng bà Y quản lý và chăm sóc.

Về bức xúc của bị cáo Nguyệt khi lùa cả đàn dê đi ngày 29.5.2005, chủ tọa phiên tòa nói: “Bị cáo khai trong hồ sơ là có cơ sở, rõ ràng là có 'công' của bị cáo trong đàn dê, cha mẹ bán đi mà không nói cho bị cáo biết nên bị cáo bức xúc và bị kích động”.

Cũng trong buổi sáng nay, tòa đã làm rõ những ai là chủ sở hữu đàn dê và đàn dê được hình thành như thế nào. Tòa hỏi Nguyệt mua dê của ai mà nói dê của mình trong đàn dê là “tôi có hai phần, cha mẹ chỉ một phần”. Nguyệt khai vanh vách tên 4 người mà Nguyệt từng mua dê ở hai xã Lương Sơn và Sông Lũy. Phiên tòa đi sâu vào những chi tiết có lợi cho bị cáo nhằm làm sáng rõ có hay không bị cáo bị oan sai.

Chiều nay, tòa sẽ chuyển sang phần tranh luận.

Quế Hà

>> Kỳ án' trộm dê vi phạm tố tụng
>> Kỳ án trộm dê' - bức ảnh lịch sử
>> Tuyên án vụ 'kỳ án trộm dê
>> Mất hồ sơ 'kỳ án trộm dê
>> Kỳ án trộm dê: Bị cáo nằm ngủ trước vành móng ngựa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.