Chuyện khó tin ở đại học tư - Kỳ 8 : Kẽ hở từ luật định

04/04/2014 10:33 GMT+7

Bức tranh không sáng sủa của hệ thống trường ĐH, CĐ tư phần lớn do sự rối rắm, phức tạp, khó hiểu của các quy định. Để giải quyết, phải đi từ gốc và cần trả lời công tâm những câu hỏi từ thực tế.

 
Những lộn xộn của Trường ĐH Hùng Vương trong thời gian qua bắt nguồn từ những sai lầm trong chính sách - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Trường ĐH hay doanh nghiệp?

Luật Giáo dục ĐH đã quy định rõ mục tiêu của giáo dục ĐH khác với doanh nghiệp từ cốt lõi. Luật Giáo dục ĐH có hiệu lực từ tháng 1.2013 nhất quán một tinh thần: giáo dục ĐH là vì lợi ích của cộng đồng và xã hội.

Luật Doanh nghiệp xác định chức năng của doanh nghiệp là kinh doanh và nhằm mục đích sinh lợi. Như vậy, trường ĐH khó có thể tổ chức theo mô hình doanh nghiệp mà vẫn đảm bảo mục tiêu của giáo dục ĐH. Thế nhưng các văn bản định hướng cho hoạt động của trường ĐH tư thục lại được xây dựng theo cơ chế của một doanh nghiệp cổ phần, ở đó người càng có nhiều tiền càng có tiếng nói quyết định.

GS Trần Phương, Hiệu trưởng Trường ĐH quản lý và kinh doanh Hà Nội cho rằng: “Theo mô hình công ty thì ai bỏ vốn nhiều người ấy phải nắm quyền chi phối. Trường ĐH cần vốn thật, nhưng năng lực trí tuệ mới là quyết định. Một công ty có thể chấm dứt hoạt động bất cứ lúc nào theo quyết định của các chủ sở hữu, một trường ĐH thì không thể như vậy. Trường bỗng nhiên ngừng hoạt động có nghĩa là phá tung các cam kết xã hội với hàng vạn người, hậu quả rất phức tạp…”.

Xét về mục tiêu, trường ĐH nhằm đào tạo con người, nghiên cứu khoa học; doanh nghiệp nhằm mục tiêu sinh lợi. Sự khác biệt cốt lõi và đã được luật hóa này không chỉ chi phối đến hoạt động đào tạo của trường ĐH mà còn đến những tài sản mà trường ĐH tích lũy và sở hữu.

Có phải tất cả trường dân lập đều chuyển qua tư thục?

Điều 48 luật Giáo dục năm 2005 vẫn công nhận sự tồn tại của 3 loại hình trường ĐH: công lập, dân lập và tư thục. Quyết định 122/2006 của Thủ tướng Chính phủ ghi rằng: “Cho phép các trường ĐH dân lập chuyển sang loại hình trường ĐH tư thục”.

Như vậy cả luật Giáo dục và Quyết định của Chính phủ đều không có điều nào bắt buộc các trường ĐH dân lập phải chuyển hết thành tư thục. Nếu trường đủ điều kiện, có mong muốn, tự đánh giá việc chuyển là cần thiết và đảm bảo sự phát triển ổn định của trường thì “cho phép” chuyển. Trong hồ sơ chuyển, mục đầu tiên là tờ trình của hội đồng quản trị về việc chuyển đổi loại hình, cho thấy việc chuyển đổi phải xuất phát từ nguyện vọng và điều kiện của từng trường. Thế nhưng, thực tế việc này lại diễn ra ồ ạt với lý do “bắt buộc phải chuyển” khiến nhiều trường lâm vào tình trạng lộn xộn, bát nháo mà Trường ĐH Hùng Vương là điển hình.

Có phải xuất phát từ việc cho rằng chỉ còn một số ít (19) trường ĐH dân lập, mà các trường này cũng đang đều phải chuyển đổi sang loại hình tư thục, nên luật Giáo dục ĐH có hiệu lực năm 2013 xác định chỉ có 2 loại hình cơ sở giáo dục ĐH: công lập và tư thục?

Hiện tại các trường đang kẹt giữa hai bộ luật lớn này, và các cơ quan quản lý chắc chắn cũng đang kẹt trong những khó khăn càng ngày càng chồng chất khi hướng dẫn chuyển đổi loại hình.

Tài sản chung được dùng vào mục đích gì?

Đây là tài sản sau một số năm trường hoạt động đã lớn hơn nhiều so với tài sản ban đầu, thuộc sở hữu tập thể của trường. Vì thế, tài sản này chỉ thực sự có giá trị khi được dùng để phục vụ trực tiếp cho mục tiêu đào tạo.

Nếu tài sản này phải chuyển thành quỹ, đưa về hội đồng quản trị quản lý, mà hội đồng quản trị trường tư thục (theo cách hướng dẫn của các dự thảo thông tư 2013) lại gồm đa số là những nhà đầu tư, thì thực chất là đưa về phía những người có tiền quản lý. Như vậy là tước bỏ hẳn vai trò làm chủ của cán bộ, giảng viên, nhân viên. Khi ấy, tài sản này có phục vụ mục tiêu đào tạo hay không là do quyết định của chỉ các nhà đầu tư mà thôi.

Trong khi đó Quyết định 63/2011/QĐ-TTg năm 2011 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế trường ĐH tư thục ban hành theo Quyết định 61/2009/QĐ-TTg đề cập đến chuyện xử lý khối tài sản chung này theo hướng trở thành vốn điều lệ của trường ĐH tư thục, được chia cổ tức hằng năm, có đại diện, đáp ứng được 2 mục tiêu: bảo toàn vốn và phát triển trường. Nhưng năm 2013 lại ra đời một dự thảo khác hoàn toàn với Quy định 63, gây hoang mang cho các trường.

Viên Ninh

>> Đại học tư thục đang bị buôn bán!
>> Đồng tiền chi phối, đại học tư bất ổn - Kỳ 3: Thay đổi những quy định không hợp lý
>> Đồng tiền chi phối, đại học tư bất ổn - Kỳ 2: Nhập nhằng lợi ích công, tư
>> Đồng tiền chi phối, đại học tư bất ổn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.