Dám thay đổi để làm giàu

28/03/2014 03:00 GMT+7

28 tuổi, Nguyễn Lê Ngọc Chinh (ở thị trấn Dương Minh Châu, H.Dương Minh Châu, Tây Ninh) được biết đến nhờ dám thay đổi để thực hiện ước mơ, vươn lên làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương.

 
Nguyễn Lê Ngọc Chinh (thứ hai từ phải sang) chia sẻ kinh nghiệm làm mô hình “vườn - ao - hồ” khép kín với các bạn trẻ - Ảnh: Giang Phương

Cuối tháng 9.2013, Nguyễn Lê Ngọc Chinh vinh dự được T.Ư Đoàn trao giải thưởng Lương Định Của vì sản xuất, kinh doanh giỏi. Với mô hình trang trại “vườn - ao - hồ” được cải tiến từ mô hình “vườn - ao - chuồng”.

Sinh ra và lớn lên trong gia đình gặp nhiều khó khăn về kinh tế nhưng Ngọc Chinh vẫn theo đuổi con đường học vấn. Năm 2008, Chinh thi đầu vào ngành quản trị kinh doanh của Trường CĐ Công thương TP.HCM. Thời gian ở lại TP.HCM, Chinh trải qua nhiều nghề để có tiền ăn học và trong suy nghĩ, Chinh luôn ấp ủ sẽ trở về quê hương xây dựng một trang trại để phát triển kinh tế gia đình.

Năm 2011, sau khi tốt nghiệp ra trường, Chinh về quê lập gia đình và được ba mẹ cho ra riêng cùng hơn 5.000 m2 đất vườn. Sẵn vườn nhà rộng rãi lại gần khu vực hồ Dầu Tiếng nguồn nước thuận lợi, Chinh nghĩ đến việc đào ao nuôi cá lóc bông, xây hồ nuôi ba ba và trồng xen cây dừa xiêm trên bờ ao. Chinh bắt đầu khởi nghiệp bằng số tiền 120 triệu đồng vay ngân hàng để đầu tư nuôi 6.000 con ba ba giống.

Thế nhưng hơn một nửa số ba ba của Chinh chết trắng vì thiếu kinh nghiệm chăm sóc. Không nản chí, Chinh tìm đến các trại giống ở các tỉnh miền Tây để học hỏi cách chăm sóc, trị bệnh cho ba ba. Từ lứa ba ba đầu, Chinh tuyển ra hơn 2.000 con để nuôi thành ba ba giống. Tận dụng những khoảnh đất vườn còn lại, Chinh nuôi thêm 2 ao cá lóc bông với khoảng 23.000 con và mua hơn 100 cây dừa xiêm giống miền Tây về trồng trên bờ ao, hồ theo mô hình khép kín.

Chinh phân tích: “Điểm lợi của mô hình này là tận dụng triệt để nguồn nước, nguồn thức ăn”. Theo đó, cá lóc bông ưa nước sạch nên sau khi lọc nước cùng thức ăn thừa sẽ được chuyển sang hồ nuôi ba ba. Nước trong hồ ba ba được thay ra sẽ đưa vào hồ nuôi lươn. Nước trong hồ nuôi lươn sau đó được sát trùng, đủ tiêu chuẩn thải ra môi trường sẽ được sử dụng để tưới dừa”.

Áp dụng mô hình trang trại mới này, sau 3 năm, hơn 100 cây dừa xiêm cho đợt trái đầu tiên với doanh thu trung bình mỗi năm khoảng 20 triệu đồng, thu hơn 800 triệu đồng từ cá lóc bông và 200 triệu đồng từ ba ba giống và thịt. Tổng doanh thu từ trang trại đạt được hơn 1,2 tỉ đồng, sau khi khấu trừ các chi phí thì lãi hơn 240 triệu đồng/năm.

Từ mô hình trang trại này, mỗi năm hơn 20.000 con ba ba giống được cung cấp cho các xã lân cận. Chinh cho biết đã tạo điều kiện cho nhiều bạn thanh niên, nông dân từ các huyện Gò Dầu, Trảng Bàng, Tân Biên (Tây Ninh) và các bạn ngoài tỉnh đến tìm hiểu học hỏi kinh nghiệm.

Chinh tự tin chia sẻ: “Đa phần thanh niên nông thôn không có việc làm phải đi làm xa, nên đất sản xuất phải bỏ hoang không khai thác triệt để. Để thu hút nguồn nhân lực tại địa phương, sắp tới mình dự định sẽ tập hợp những thanh niên ưu tú muốn sản xuất kinh doanh để áp dụng mô hình kinh tế phù hợp ngay trên mảnh đất của mình. Trong đó, mình sẵn sàng hỗ trợ giống và kỹ thuật nuôi ba ba, cá lóc bông và xen canh nhằm tạo việc làm ổn định cho nhiều thanh niên địa phương”.

Thư gửi đại hội

Nghe thanh niên nói

 
Hội cần tạo ra một chương trình chẳng hạn như “nghe thanh niên nói - nói thanh niên nghe” để biết được những tâm tư, nguyện vọng của thanh niên hiện nay. Hiện tại, không chỉ riêng tôi mà bạn bè đồng trang lứa cảm thấy khó khăn nhất là chuyện an cư.

Vì thế, Hội cần liên kết với các tổ chức xã hội, tạo điều kiện để thanh niên có thể tham gia mua được nhà ở xã hội của nhà nước. Võ Anh Dũng  Giáo viên Trường THPT Nguyễn Tất Thành, Q.6, TP.HCM

Kết nối với thanh niên quốc tế

 
Trong thời gian tới, mình rất mong muốn Hội LHTN Việt Nam có những chương trình, hoạt động văn hóa văn nghệ đa dạng để tạo điều kiện cho thanh niên phát huy năng khiếu, sở trường của bản thân.

Bên cạnh đó, Hội cũng thường xuyên đứng ra tổ chức những chương trình kết nối, giao lưu với thanh niên vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo và thanh niên quốc tế để tạo thành mạng lưới cộng đồng thanh niên vững mạnh. Lê Hạnh Dung Sinh viên Trường ĐH Công nghệ TP.HCM

Cân bằng mục tiêu riêng - chung

 
Môi trường hoạt động thanh niên đã cho tôi điều kiện trưởng thành và được tiếp xúc với những cá nhân tâm huyết, sống có lý tưởng. Tuy nhiên, tôi nhận thấy tìm kiếm một công việc phù hợp với năng lực, đam mê và phát huy được thế mạnh bản thân, đồng thời đóng góp cho sự phát triển của xã hội là một trong những thách thức lớn đối với người trẻ. Vì vậy, làm thế nào để cân bằng giữa mục tiêu cá nhân và mục tiêu xã hội là điều trăn trở không chỉ của riêng tôi, mà cần có sự định hướng của tổ chức Đoàn, Hội.

Phải nhìn nhận rằng, thất nghiệp đang trở thành thực trạng đáng báo động. Do vậy, việc định hướng phát triển nghề nghiệp - một trong những mối quan tâm hàng đầu của người trẻ hiện nay, rất cần có sự hỗ trợ của các cơ quan, đoàn thể. Bởi lẽ, vấn đề này ảnh hưởng đến đời sống kinh tế, văn hóa, thể chất và tinh thần của không chỉ một thế hệ.

Chúng tôi hy vọng ngoài những hoạt động giao lưu cơ sở, Hội LHTN Việt Nam sẽ trở thành cầu nối hữu hiệu, mở rộng liên kết thanh niên trên các lĩnh vực khác như kinh doanh, khởi nghiệp, hoạt động xã hội... Phạm Thị Như Thùy Phụ trách nghiên cứu và phát triển thị trường cho công ty dầu nhớt của Mỹ tại TP.HCM

Lê Thanh - Như Lịch
(ghi)

Giang Phương

>> Làm giàu từ cây mít
>> Làm giàu không khó
>> Làm giàu nhờ nuôi cá kiểng
>> Làm giàu từ nấm
>> Nơi nông dân cùng làm giàu 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.