Lãnh đạo Bộ GD-ĐT: Những thay đổi khác chỉ có lợi cho các thí sinh

25/03/2014 13:40 GMT+7

(TNO) 14 giờ 30 chiều nay (25.3), Báo Thanh Niên kết thúc chương trình tư vấn trực tuyến truyền hình với chủ đề “Chọn ngành nghề phù hợp” tại trang www.thanhnien.com.vn.

Trong buổi tư vấn thứ 10 này, cùng với chuyên gia đến từ các trường, GS.TSKH Bùi Văn Ga - Thứ trưởng Bộ Giáo dục & Đào Tạo (GD - ĐT) sẽ giải đáp những băn khoăn của thí sinh và phụ huynh về các thông tin mới nhất kỳ thi tuyển sinh ĐH,CĐ 2014.

Ngoài ra, tham dự chương trình có chuyên gia đến từ các trường, gồm:

  • Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM.
  • Thạc sĩ Lâm Thành Hiển, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng.
  • Thạc sĩ Nguyễn Quốc Anh, Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM.
  • Thạc sĩ Văn Thị Thiên Hà, Giám đốc Hệ thống chương trình VN Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn.
  • Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân.
  • Thạc sĩ Trần Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường CĐ Viễn Đông.

Bạn đọc quan tâm có thể gửi câu hỏi về chương trình qua địa chỉ: www.thanhnien.com.vn hoặc điện thoại vào đường dây nóng trực tuyến số: (08).39256248. 

14 giờ 30 phút, học sinh lớp 12 trường THCS - THPT Hồng Hà (TP.HCM) đã có mặt đông đủ tại tòa soạn để tham gia chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến.

 
Anh Nguyễn Ngọc Toàn (bìa phải) - Phó tổng biên tập Báo Thanh Niên tặng hoa cho thứ trưởng Bộ GD - ĐT Bùi Văn Ga và các thầy, cô tham gia chương trình - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Đặc biệt, buổi tư vấn hôm nay có sự tham dự của GS - TSKH Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT.

Đại diện Báo Thanh Niên, nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn, Phó Tổng biên tập Báo Thanh Niên gửi tặng những bó hoa tươi thắm cho GS - TSKH Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cùng các thầy cô khác tham dự chương trình.

Mở đầu buổi tư vấn, nhà báo Thùy Ngân, Phó ban Thanh Niên - Giáo dục báo Thanh Niên cho biết, năm nay, kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ có nhiều điểm mới, cụ thể gồm: điều chỉnh chính sách ưu tiên khu vực, các trường được thực hiện quyền tự chủ bằng các đề án tuyển sinh riêng, Bộ GD-ĐT sẽ bỏ điểm sàn, một số vấn đề kỹ thuật trong việc xét tuyển…

Hiện học sinh vẫn còn bỡ ngỡ trước những thông tin mới này. Bản thân các trường ĐH, CĐ và THPT vẫn hiểu chưa chính xác về những đổi mới này. Hiểu được những băn khoăn này, GS-TSKH Bùi Văn Ga đã nhận lời mời của Báo Thanh Niên tham gia chương trình tư vấn trực tuyến tại www.thanhnien.com.vn trong chiều hôm nay để thông tin cho học sinh và độc giả của Báo Thanh Niên chính thức, chính xác và đầy đủ nhất về những thay đổi trong kỳ tuyển sinh ĐH,CĐ 2014.

 
GS - TSKH Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT giải đáp thắc mắc cho thí sinh, phụ huynh và bạn đọc báo Thanh Niên - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Sau lời giới thiệu của nhà báo Thùy Ngân, GS -TSKH Bùi Văn Ga thông tin những điểm mới, cần lưu ý trong kỳ thi tuyển sinh ĐH,CĐ sắp đến.

GS - TSKH Bùi Văn Ga cho biết: Năm nay có một số trường được tự chủ tuyển sinh. 62 đề án tự chủ tuyển sinh của các trường ĐH-CĐ đã được Bộ GD-ĐT chính thức thông qua. Trong đó, có những trường tuyển sinh riêng hoàn toàn, một số trường chỉ tuyển sinh riêng cục bộ một số ngành.

Năm nay, Bộ GD - ĐT cũng điều chỉnh một số chính sách về ưu tiên khu vực và đối tượng do hiện nay kinh tế - xã hội đã phát triển, khác 10 năm trước, nhằm đảm bảo sự công bằng cho TS. Bộ sẽ xác định tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào thay cho điểm sàn – đơn tiêu chí như trước. Như vậy, vừa đảm bảo nguồn tuyển cho các trường, vừa đảm bảo chất lượng đầu vào cho cấp ĐH-CĐ.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bùi Văn Ga khuyên học sinh rằng các em không cần bận tâm nhiều về những thay đổi mang tính kỹ thuật này. Điều quan trọng nhất đối với các em là chọn được ngành nghề nào phù hợp nhất với mình theo sở thích và sức học. Sau đó, các em sẽ chọn trường nào có ngành đó và theo dõi thông báo, quy định của trường để đăng ký dự thi.

“Có tuyển theo cách gì đi nữa thì thi cũng nằm trong chương trình phổ thông của các em và tuyển theo kết quả thi của các em. Vì vậy, đối với các em thì quan trọng nhất là phải tập trung học cho thật tốt, giữ gìn sức khỏe để có thể thi đạt được kết quả tốt nhất. Còn về quy chế, thủ tục nộp hồ sơ thì các em có thể nhờ thầy cô hỗ trợ”, Thứ trưởng Bùi Văn Ga nói.

Nói thêm về việc điều chỉnh chế độ ưu tiên theo khu vực, GS- TSKH Bùi Văn Ga lưu ý thêm: Phải điều chỉnh lại ưu tiên theo khu vực, có nhiều khu vực trước đây tình hình kinh tế xã hội khó khăn nhưng giờ đã khá lên, các điều kiện chăm lo cho học sinh cũng tốt hơn. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa thể bỏ chế độ ưu tiên được tuy số địa phương được ưu tiên theo diện KV1 đã giảm. Thời gian tới, vẫn tiếp tục phân tích phổ điểm để giảm dần diện ưu tiên.

 
Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM bổ sung thêm: Hướng đến sự hợp lý trong ưu tiên khu vực, trong những năm trước số thí sinh được ưu tiên KV1 rất lớn, chiếm 30 - 38%. Để bớt sự chênh lệch điểm giữa các khu vực, thí sinh ở KV1 cần được ưu tiên 1,5 điểm và KV2 được ưu tiên 1 điểm thì mới sánh bằng KV3. Để điều chỉnh phù hợp hơn về diện ưu tiên khu vực thì cần tiếp tục thống kê các phổ điểm để có thể giảm dần chế độ ưu tiên ở những khu vực điều kiện học tập, năng lực của học sinh đã khá hơn so với trước đây.

Bạn đọc gửi những câu hỏi đầu tiên: Trường ĐH Kiến Trúc TP.HCM và Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội được xem là thi chung hay thi riêng khi mà các môn (trừ môn năng khiếu của trường ĐH Kiến trúc) đều dùng chung đề với Bộ?

- Thí sinh thi rớt trường ĐH Bách Khoa Hà Nội có được dùng kết quả thi để xét tuyển qua các trường còn thiếu chỉ tiêu không? Tương tự, một số trường cũng đã ngỏ ý muốn xét tuyển các thí sinh không trúng tuyển vào trường ĐH Kiến trúc TP.HCM, chỉ dùng kết quả môn năng khiếu, thì có được hay không?

GS- TSKH Bùi Văn Ga - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT giải đáp: Đối với ĐH Bách khoa Hà Nội, trường này thực ra vẫn thi đề chung của Bộ nên thí sinh có thể sử dụng kết quả để xét tuyển vào trường khác cùng khối thi và khu vực thi.

Với Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM có đổi khối thi V thành V1, H thành H1. Theo quy chế tuyển sinh, những trường có thi năng khiếu, không tổ chức thi thì có thể sử dụng kết quả thi của trường có thi năng khiếu và thi môn văn hóa theo đề chung của Bộ. Như vậy Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM thi môn văn hóa theo đề thi chung của Bộ hai môn toán, văn và thi riêng môn năng khiếu nên thí sinh vẫn có thể dùng kết quả này xét tuyển vào trường khác với điều kiện cùng ngành, cùng khối V1 và H1. Trường xét tuyển khối V1 và H1 phải thông báo cho thí sinh biết ngay từ đầu.

Một phụ huynh đặt câu hỏi với Thứ trưởng Bùi Văn Ga về điểm ưu tiên khu vực như sau: “Trong sách những điều cần biết về tuyển sinh ĐH-CĐ 2014, quận Thủ Đức có 3 phường Bình Chiểu, Bình Thọ, và Tam Bình được xếp vào ưu tiên khu vực 2 (KV2). Vậy con tôi đang cư ngụ tại phường Tam Bình có được hưởng điểm ưu tiên trên KV2 không?  Xin nói thêm, học sinh của phường Tam Bình đều phải học ở trường cấp 3 Tam Phú và học sinh của phường Bình Chiểu phải học ở trường cấp 3 Hiệp Bình vì phường Tam Bình và phường Bình Chiểu không có trường cấp 3. Trong khi đó, phường Tam Phú và phường Hiệp Bình không nằm trong diện ưu tiên khu vực 2. Cảm ơn ông".

GS.TSKH Bùi Văn Ga - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT trả lời: Em không được tính vào diện ưu tiên KV2. Vì theo quy chế tuyển sinh, ưu tiên KV tính theo trường THPT mà học sinh theo học. Chỉ có trường hợp KV1 thì các em mới được ưu tiên tính theo hộ khẩu vì ở KV1 thường không có trường THPT nên các em hầu như đều phải học ở trường huyện.

Một bạn đọc hỏi: "Nếu hộ khẩu ở KV1 nhưng mới nhập cách đây 1 năm thì có được hưởng điểm ưu tiên ở KV1 không?"

GS - TSKH Bùi Văn Ga - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết: Bạn đọc có thể xem lại quyết định 477 và 539 của Bộ GD - ĐT để xem rõ hơn.

Một phụ huynh thắc mắc: Con tôi chọn 2 trường tổ chức thi chung khối A và khối B. Vậy có cơ hội để làm hồ sơ thi vào trường tuyển sinh riêng được nữa không? (Lâm Đồng)

Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM cho biết: Khối A và khối B được tổ chức thi ở 2 đợt khác nhau nên thí sinh hoàn toàn có thể đăng ký dự thi cả 2 khối.

Tuy nhiên, với một số trường có đề án tuyển sinh riêng, thí sinh phải lưu ý xem có tổ chức thi hay không, hay tổ chức xét tuyển và theo dõi thông tin đầy đủ, chính xác. Có một số trường chỉ tuyển học sinh tốt nghiệp THPT năm nay, có trường tuyển cả học sinh tốt nghiệp năm trước… Ví dụ như Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM có một số ngành chỉ xét học sinh tốt nghiệp THPT năm 2014.

 
Thí sinh lắng nghe khách mời tư vấn về những thay đổi trong kỳ tuyển sinh ĐH,CĐ 2014 - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Một độc giả ở quận Phú Nhuận (TP.HCM) đặt câu hỏi qua điện thoại: Em tốt nghiệp THPT trước năm 2013. Vậy việc xét tuyển ĐH có áp dụng cho kết quả tốt nghiệp những năm trước không hay chỉ lấy kết quả tốt nghiệp THPT năm 2014.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết: Đề án tuyển sinh riêng rất phong phú, mỗi trường ĐH-CĐ có một tiêu chí tuyển sinh, xét tuyển cụ thể. Vì vậy, TS phải tham khảo trực tiếp, cụ thể từng trường qua cuốn Những điều cần biết, website của các trường hoặc liên hệ trực tiếp các trường. Hiện nay, theo thông tin tôi nắm thì rất ít trường chỉ tuyển sinh theo kết quả tốt nghiệp 2014. Em nên tham khảo trực tiếp tại các trường.

Một bạn đọc ở Hà Nội hỏi: Em đang theo học một trường cao đẳng trên địa bàn Hà Nội, đến cuối tháng 8 mới thi tốt nghi ệp nhưng em muốn tham gia kì thi liên thông đại học năm nay thì có coi là thí sinh tự do không và nếu em chưa có bằng tốt nghiệp tạm thời thì vào phòng thi em phải đem theo các giấy tờ nào?

GS- TSKH Bùi Văn Ga- Thứ trưởng Bộ GD-ĐT giải đáp: Quy định thông tư 55 về việc thi liên thông không có gì thay đổi nên các em muốn thi liên thông thì phải thi theo đề thi 3 chung của Bộ, điều kiện là phải có bằng tốt nghiệp của trường cao đẳng hay trung cấp mà thí sinh đã học.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM lưu ý thêm: Theo quy định, đối với các thí sinh muốn thi liên thông thì phải đã tốt nghiệp một trường ở bậc cao đẳng hay trung cấp. Về mặt pháp lý đối với các sinh viên chưa tốt nghiệp trường cao đẳng hay trung cấp thì không đủ điều kiện dự thi.

"Nếu học ở khoa toán của ĐH Khoa học tự nhiên thì có thể chọn chuyên ngành nào, ra trường công việc ra sao?", một phụ huynh đặt câu hỏi qua điện thoại.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM chia sẻ: Đối với ngành toán Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, thí sinh học các môn chung khoảng 3 học kỳ đầu sau đó sẽ phân chuyên ngành như đại số, giải tích, hình học… Các em có thể tìm hiểu chi tiết hơn trên website của trường.

Tốt nghiệp ngành toán thì có thể đi dạy hoặc được giữ lại trường để học cao hơn, làm giảng viên. Sau khi bổ túc một số kiến thức, các em có thể đi dạy ở các trường khác. Sinh viên học ngành toán dễ được mời học tiếp về các ngành kinh tế như dự báo rủi ro,…

Một lần nữa GS.TSKH Bùi Văn Ga - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT đưa ra những nhắc nhở TS về việc chuẩn bị, ôn tập cho kỳ thi ĐH-CĐ: “Về cơ bản những đổi mới trong quy chế tuyển sinh năm nay không có gì ảnh hưởng lớn đến TS. Điều cần thiết nhất đối với các em là lo tập trung học tập, giữ sức khỏe tốt; chọn trường, chọn ngành phù hợp. Còn những thay đổi khác chỉ có lợi cho các em, tạo cho các em có nhiều cơ hội trúng tuyển và các trường có nguồn tuyển sinh, các em không cần phải quá bận tâm. Vì các thay đổi về mặt kỹ thuật tuyển sinh đó không ảnh hưởng kết quả thi của các em mà ảnh hưởng đến kết quả thi của các em chính là việc các em học tập, làm bài thi như thế nào”.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết thêm, đề thi ĐH-CĐ năm nay vẫn tiếp tục ra theo hướng đề mở, học sinh không phải học tủ, học thuộc lòng mà cần phải học hiểu. Nội dung ra đề đều nằm trong chương trình học THPT, lớp 12.

Nối tiếp chương trình tư vấn là những thông tin về quy chế tuyển sinh riêng của các trường.

 
Thạc sĩ Lâm Thành Hiển, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Thạc sĩ Lâm Thành Hiển, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng cho biết: Trường tuyển sinh theo 2 phương án: thứ nhất, thi theo đề thi 3 chung và trường dành 70% chỉ tiêu cho việc thi theo hình thức này.

Thứ hai, trường tổ chức xét tuyển điểm học bạ THPT, điểm trung bình của các môn trong khối xét tuyển phải từ 6 điểm trở lên. TS cũng có thể dùng kết quả thi theo 3 chung để xét tuyển. Trong hồ sơ xét tuyển, các em nên đánh dấu cả hai ô là thi chung và xét tuyển riêng để có thể tăng cơ hội vào trường.

Thạc sĩ Nguyễn Quốc Anh, Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM thông tin: Trường có đề án tuyển sinh riêng với 2 hình thức: Tuyển sinh theo đề thi 3 chung của Bộ GD-ĐT với 75% chỉ tiêu tuyển sinh (tổ chức 3 đợt thi: 2 đợt thi ĐH và 1 đợt thi CĐ);

Xét tuyển học bạ THPT với chỉ tiêu 25%. Điều kiện xét tuyển là điểm trung bình 3 môn thi phải từ 6 điểm trở lên để xét vào ĐH và từ 5,5 điểm trở lên để xét vào CĐ. Nhà trường không giới hạn xét tuyển đối với học sinh tốt nghiệp THPT năm 2014. Trường dành khoảng 1.300 chỉ tiêu để xét tuyển học bạ.

Trường nhận học bạ và bằng tốt nghiệp hoặc giấy tốt nghiệp tạm thời từ ngày 20 - 30.6. Kết quả đợt 1 sẽ công bố vào ngày 18.7.

Thạc sĩ Trần Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường CĐ Viễn Đông cho biết thêm: Trường vẫn tiến hành 2 hình thức tuyển sinh: thi theo đề thi 3 chung của Bộ. Nếu các em chậm trễ nộp hồ sơ sau thời gian quy định của Bộ là đến ngày 17.4 thì có thể đến các cơ sở của trường để nộp trực tiếp.

Thứ hai, trường tổ chức xét tuyển riêng với khoảng 30% chỉ tiêu và hình thức này tiến hành cho 11 ngành. Phương thức xét tuyển là lấy điểm 5 kỳ đầu ở bậc THPT của thí sinh. Đối với những thí sinh đã tốt nghiệp THPT ở những năm trước cũng thuộc diện xét tuyển này.

Thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 vào trường sẽ được ưu tiên hơn trong xét tuyển. Vì vậy, các em nên thi nguyện vọng 1 theo hình thức 3 chung và làm theo một hồ sơ để có thể xét tuyển điểm vào các ngành khác nếu không trúng tuyển nguyện vọng 1.

 
Thạc sĩ Văn Thị Thiên Hà, Giám đốc Hệ thống chương trình VN Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Thạc sĩ Văn Thị Thiên Hà, Giám đốc Hệ thống chương trình VN Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn thông tin: Trường có đề án tuyển sinh riêng với 2 phương thức: Dựa vào điểm kỳ thi 3 chung của Bộ GD-ĐT; xét học bạ kết quả học tập lớp 12. Nếu đạt điểm trung bình các môn lớp 12 là 6,5 điểm đối với bậc ĐH và 6,0 điểm với bậc CĐ, hạnh kiểm loại khá, là đủ điều kiện xét tuyển vào trường. Tôi lưu ý các em rằng dù xét tuyển theo phương thức học bạ thì phải nộp hồ sơ theo thời gian quy định của Bộ GD-ĐT.

Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, cho biết các thông tin tuyển sinh của trường: Trường ĐH Duy Tân vẫn xét tuyển từ kết quả của kỳ thi 3 chung vào tất cả các ngành, với 80% chỉ tiêu trong tổng chỉ tiêu tuyển sinh của trường. Đồng thời, trường cũng có đề án xét tuyển riêng - xét tuyển theo học bạ kết quả học tập 5 học kỳ THPT (lấy tổng điểm bình quân các môn theo khối tuyển sinh của từng ngành).

Đặc biệt, ngành Kiến trúc của trường có xét khối V1 (toán, văn, vẽ mỹ thuật) theo kết quả thi của các trường có thi đề chung của Bộ GD-ĐT. Ngoài ra, trường cũng tổ chức thi môn vẽ mỹ thuật (ngày thi là 29-30.7) theo đề án tuyển sinh riêng của trường.

Đề án tuyển sinh của trường áp dụng cho tất cả các thí sinh tốt nghiệp 2014 và trước đó. Em có thể tìm hiểu chi tiết tại website http://duytan.edu.vn/.

Một bạn đọc hỏi trực tiếp tại buổi tư vấn: Trường cao đẳng Viễn Đông có tổ chức dạy ngành điều dưỡng, vậy ngành này có yêu cầu về giới tính không? Em sẽ được học ở cơ sở nào?

Thạc sĩ Trần Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường CĐ Viễn Đông giải đáp: Ngành điều dưỡng của trường vừa tổ chức thi vừa có xét tuyển khối B. Nếu thi theo 3 chung thì bắt buộc thi 3 môn Toán, Hóa, Sinh còn xét tuyển thì hai môn bắt buộc là Sinh, Hóa và thí sinh có thể lựa chọn môn tự chọn là Toán hoặc Tiếng Anh. Ngành này tuyển cả nam và nữ và học tại cơ sở của trường ở Q.12.

Một bạn đọc đặt câu hỏi qua điện thoại: “Em muốn thi trường ĐH Kiến trúc TP.HCM khối V. Nếu không trúng tuyển vào ĐH Kiến trúc thì em có dùng kết quả thi đó để xét tuyển vào Trường ĐH Công nghệ TP.HCM được không hay phải thi môn năng khiếu của Trường ĐH Công nghệ TP.HCM?".

Thạc sĩ Nguyễn Quốc Anh, Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, trả lời: Năm nay, Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM thi khối V1 và H1 vào đợt 2. Vì vậy, nếu em muốn học ở trường ĐH Kiến trúc thì em thi đợt 2, còn muốn học Trường ĐH Công nghệ TP.HCM thì thi em đăng ký thi đợt 1, khối V ở trường.

Tuy nhiên, hiện trường Trường ĐH Công nghệ TP.HCM đang đăng ký xin Bộ GD-ĐT cho xét tuyển dựa trên kết quả thi ĐH khối V1 của trường ĐH Kiến trúc. Nếu được Bộ GD-ĐT cho phép thì em cũng có thể chỉ thi khối V1 ở trường ĐH Kiến trúc TP.HCM và lấy kết quả đó xét tuyển vào Trường ĐH Công nghệ TP.HCM trong đợt tuyển sinh nguyện vọng bổ sung.

 
Thạc sĩ Nguyễn Quốc Anh, Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Mặt khác, em cũng có thể lấy điểm môn vẽ của trường ĐH Kiến trúc TP.HCM, kết hợp với kết quả học tập THPT (điểm toán, văn) để xét tuyển vào Trường ĐH Công nghệ TP.HCM.

Học sinh Vĩnh Cường, Trường THPT Hồng Hà đặt câu hỏi: Ngành quản lý tài nguyên và môi trường thì cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp như thế nào?

Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân chia sẻ: Ngành này thuộc nhóm ngành quản lý. Ra trường có thể làm ở Sở, Phòng tài nguyên môi trường ở các quận huyện, các khu công nghiệp bộ phận tổ chức kiểm tra đánh giá công tác môi trường,…

Tiếp theo là một số câu hỏi dành cho trường ĐH Lạc Hồng.

* Ngành Đông phương học Trường ĐH Lạc Hồng là đào tạo những gì và cơ hội việc làm ra sao?

* Em thích ngành Tài chính - Ngân hàng và muốn thi vào ngành này, trường nào đào tạo ngành này không ạ?

 * Em muốn thi ngành Công nghệ kỹ thuật hóa học Trường ĐH Lạc Hồng. Tuy nhiên, ngành này điểm chuẩn tăng giảm liên tiếp trong những năm gần đây.

* Trường ĐH Lạc Hồng có những ngành nằm trong 207 ngành bị Bộ GD-ĐT yêu cầu tạm dừng tuyển sinh, vậy cho em hỏi đó là những ngành nào và đến bao giờ mới được tuyển sinh trở lại?

Ngành Công nghệ kỹ thuật điện tử, truyền thông thì em cần phải học nhưng môn nào, và ôn thi như thế nào? Hồ sơ đăng ký như thế nào? Học xong ra trường có dễ xin việc không?

* Em muốn hỏi năm nay trường ĐH Lạc Hồng có ngành mới không? Nếu có đó là những ngành nào? (Đà Lạt)

Thạc sĩ Lâm Thành Hiển, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng giải thích chung cho loạt câu hỏi trên:

Với ngành Đông phương học có khoa Đông phương học với 3 chuyên ngành: Nhật Bản học, Hàn Quốc học, Trung Quốc học. Trong quá trình học được học ngôn ngữ, văn hóa, truyền thống các nước này. Hiện nay Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam mạnh trong thời gian hiện nay nên cơ hội việc làm những ngành này khá cao. Các hiệp hội đào tạo nhân lực của những nước này cũng đến các trường đào tạo ngành này để cung cấp khóa học miễn phí, tổ chức ngày hội việc làm và chọn sinh viên đạt loại tốt để thực tập, làm việc ở nước của họ.

Ngành tài chính ngân hàng hiện nay đào tạo 2 mảng: tài chính và ngân hàng. Với ngân hàng hiện có các hiện tượng như sáp nhập, giảm nhân lực... Tuy nhiên, sau 4-5 năm sau thì chắc chắn sẽ hồi phục và nhu cầu sẽ tăng trở lại.

Ngành hóa học hiện chúng tôi đi sâu về mỹ phẩm và hương liệu. Nếu các em có điều kiện và mong muốn có thể học thêm một số tín chỉ nữa để có bằng dược sĩ đại học.

Ngành công nghệ điện tử truyền thông: tuyển sinh khối A, A1. Ngành này là nơi có đội Robocon vô địch Việt Nam.

Năm nay trường có ngành Luật kinh tế là ngành mới. Ngành này có 80% kiến thức về luật và 20% về kinh doanh. Nếu sinh viên học thêm khóa 6 tháng luật sư thì có thể hành nghề luật sư.

Một bạn đọc đặt câu hỏi qua điện thoại: “Em của em học rất giỏi tiếng Anh, muốn học điều dưỡng, tuy nhiên lượng sức học thì khó mà thi đậu khối B vào ĐH Y dược. Vậy có trường nào đào tạo hệ CĐ chính quy ngành điều dưỡng theo hình thức xét tuyển riêng có môn tiếng Anh không”.

Thạc sĩ Trần Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường CĐ Viễn Đông, trả lời: Trường đào tạo hệ CĐ chính quy ngành điều dưỡng, tuyển sinh theo kết quả kỳ thi tuyển 3 chung, khối B (Toán, Lý, Hóa).

Ngoài ra, trường cũng có đề án xét tuyển riêng: với ngành điều dưỡng thì xét tuyển theo kết quả học tập THPT trong học bạ của hai môn bắt buộc là Hóa, Sinh và chọn 1 trong 2 môn tiếng Anh hoặc Toán. Điều kiện xét tuyển là điểm bình quân 5 học kỳ đầu THPT mỗi môn phải từ 5,5 điểm trở lên.

 
Thạc sĩ Trần Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường CĐ Viễn Đông - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Tiếp theo là các câu hỏi dành cho trường ĐH Công nghệ TP.HCM: Em đăng ký nộp đơn vào ĐH Công nghệ TP.HCM khối ngành kinh tế nhưng sau muốn chuyển qua ngành kỹ thuật có được không?

* Ngành học Maketing của trường có khác gì với các trường khác?

* Em đang học ngành điện tử viễn thông ở trường Đại Học Hàng Hải Việt Nam. Năm nay em muốn thi lại ngành điện tử viễn thông vào trường ĐH Công nghệ TP.HCM. Vậy nếu em trúng tuyển thì kết quả của em tại Trường Hàng Hải có được bảo lưu không? Hay là phải học lại từ đầu?

* Em muốn thi vào trường nếu em không đậu ĐH có thể học CĐ được không? Và điểm xét tuyển từ ĐH xuống như thế nào? Nếu như thi được 9 điểm có thể học CĐ đươc không?

Thạc sĩ Nguyễn Quốc Anh, Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM thông tin chung: Trong trường hợp em muốn chuyển ngành cùng khối như thi khối ngành Kinh tế khối A sau đó em muốn chuyển qua ngành kỹ thuật khối A thì làm đơn lên phòng đào tạo của trường để được xem xét. Tuy nhiên, điều này rất hạn chế trừ khi em cùng khối ngành và điểm trúng tuyển ngành em đang học cao hơn điểm của ngành định xin chuyển.

Trường chưa đào tạo ngành marketing mà đào tạo chuyên ngành marketing trong ngành quản trị kinh doanh với các kiến thức về quản trị, định giá sản phẩm, phân tích thị trường...

Nếu em đang học chương trình cùng trình độ ĐH thì thầy khuyên em nên chọn hình thức xin chuyển trường học nếu em không là sinh viên năm nhất hoặc năm 4.

Ngoài ra, trường em chuyển tới phải có điểm bằng hoặc thấp hơn điểm trường em thi đầu vào với điều kiện cả hai trường đều chấp nhận. Trường hợp em thi lại thì em phải học lại hoặc học thêm các môn rất khác nhau do đặc thù từng trường. Nếu trường hợp em học CĐ thì không thể chuyển điểm, chuyển trường vì không cùng trình độ.

Nếu em đăng ký NV1 vào trường mà em không đậu ĐH thì nhà trường sẽ hướng dẫn để em có thể đăng ký vào hệ CĐ của trường.

Tiếp theo là nhiều câu hỏi dành cho Trường ĐH Duy Tân.

 
Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

* Em thấy Trường ĐH Duy Tân có trong danh sách các trường tuyển sinh riêng. Em tốt nghiệp ĐH này từ tháng 6.2012 vậy bây giờ em thi liên thông thì sẽ thi trong kì thi đại học tháng 7 sắp tới hay tham gia kì thi tuyển sinh riêng của trường?

* Theo em tìm hiểu thì trường ĐH Duy Tân có đào tạo liên thông đại học Dược? Vậy cho em hỏi năm 2014 chừng nào là có thông báo tuyển sinh?

* Trường có tổ chức thi liên thông CĐ lên ĐH cho các thí sinh tốt nghiệp CĐ đủ 36 tháng không? Hồ sơ thi liên thông vào trường mình theo đề chung của bộ, ngoài các phiếu dự thi trong hồ sơ thì tụi em có cần thêm giấy tờ gì không? Em tốt nghiệp tại trường vào 6.2012 vậy đến 6.2015 hay đến năm 2015 là em được liên thông thi đề trường ra?

Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân giải đáp chung: Những em tốt nghiệp trung cấp, CĐ dưới 36 tháng muốn liên thông lên thì phải thi kỳ thi chung của Bộ GD-ĐT với khối thi tương ứng. Nếu tốt nghiệp sau 36 tháng thì được dự thi với đề thi, kì thi của trường.

Năm nay, trường tổ chức tuyển sinh liên thông cho các em bằng kết quả kỳ thi 3 chung của Bộ GD-ĐT. Năm nay, trường cũng tổ chức kỳ thi liên thông chỉ cho ngành dược và điều dưỡng với đối tượng tốt nghiệp sau 36 tháng. Vì số lượng thí sinh dự thi ở các ngành khác số lượng rất thấp nên trường không tổ chức thi liên thông.

Đối với trường hợp tốt nghiệp năm 2012 thì với đề án tuyển sinh riêng của trường chỉ dành cho ngành kiến trúc, văn học, Việt Nam học, Quan hệ quốc tế bậc ĐH, ngành kỹ thuật môi trường và văn hóa du lịch bậc CĐ. Nếu tốt nghiệp CĐ năm 2012 thì phải thi kỳ thi 3 chung của Bộ; nếu tham gia đề án tuyển sinh riêng thì phải chọn ngành theo đề án và trình học bạ để bắt đầu học ngành học mới; Nếu không tham gia kỳ thi chung của Bộ thì em nên tìm việc làm để sau 36 tháng có thể tham dự kỳ thi của trường.

Bạn đọc hỏi: Ngành quản trị công nghệ truyền thông và ngành công nghệ kỹ thuật truyền thông khác nhau như thế nào?

Thạc sĩ Lâm Thành Hiển, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng tư vấn: Ngành quản trị công nghệ truyền thông thì học nhiều về cách thức quản lý truyền thông nhiều hơn còn ngành công nghệ kỹ thuật truyền thông không đi sâu vào quản lý mà đi sâu vào kỹ thuật, kỹ năng. Hiện nay, cơ hội việc làm hai ngành này đều như nhau.

Bạn đọc tiếp tục đặt câu hỏi: Em học ngành QTKD tại trường CĐ Viễn Đông. Khi học xong, muốn muốn liên thông lên trường ĐH Kinh tế thì thủ tục ra sao?

Thạc sĩ Trần Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường CĐ Viễn Đông giải đáp: Em tốt nghiệp CĐ là đã đủ điều kiện liên thông lên ĐH nhưng phải theo quy định của Bộ GD-ĐT là nếu em đã tốt nghiệp 36 tháng thì sẽ có thể tham gia kỳ thi liên thông riêng lên ĐH được mỗi trường ĐH tổ chức riêng. Em nên tìm hiểu thời gian và điều kiện dự thi tại trường ĐH mà em có nguyện vọng liên thông. Trong trường hợp em tốt nghiệp CĐ chưa đủ 36 tháng thì phải thi trong kỳ thi ĐH-CĐ.


Nhiều câu hỏi của thí sinh và phụ huynh gửi đến chương trình tư vấn - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Bạn đọc hỏi: “Giữa ngành Tin học ứng dụng và ngành quản trị kinh doanh thì cơ hội việc làm của ngành nào cao hơn? Học phí  bao nhiêu? Học phí của những học kì sau có phát sinh thêm không? Học ngành Tin học ứng dụng có chính sách miện giảm học phí không?

Thạc sĩ Trần Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường CĐ Viễn Đông trả lời: Theo kinh nghiệm của tôi thì trong bối cảnh kinh tế khủng hoảng như hiện nay các doanh nghiệp, các nước muốn vượt lên thì dựa vào công nghệ. Ngành tin học ứng dụng là ngành bước đệm cho sự phát triển của nhiều ngành. Nếu yêu thích về kiến thức toán thì nên học tin học ứng dụng; còn có khả năng kinh doanh thiên phú bẩm sinh thì các em có thể thành công.

Theo thông tin mới nhất thì Chính phủ vừa có chính sách là các em học ngành CNTT nói chung khi đi thực tập sẽ được hỗ trợ kinh phí.

Học phí của trường ổn định 4/6 học kỳ, học phí có thể cao hơn các trường công lập nhưng so với chi phí đầu tư của trường thì vẫn rẻ hơn.

Chính sách miễn giảm học phí sẽ áp dụng như công lập. Ngoài ra, trường cũng có chính sách cho các em vay tín chấp trang trải cho chi phí học tập.

Bạn đọc khác thắc mắc: Bằng cấp giữa CĐ nghề và CĐ chính quy phân biệt ra sao? Em nghe nói CĐ nghề là hình thức lựa chọn để liên thông lên ĐH cho nhanh thôi chứ bằng CĐ nghề sau này ra trường không được trọng dụng?

Thạc sĩ Trần Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường CĐ Viễn Đông chia sẻ: CĐ nghề do Bộ LĐ TBXH cấp, còn CĐ chính quy do Bộ GD-ĐT cấp. Về pháp luật thì 2 loại bằng cấp này có giá trị như nhau và cùng được liên thông lên ĐH như nhau.

Em đang học liên thông CĐ tại trường (hiện chưa tốt nghiệp), khi tốt nghiệp trường có giới thiệu trường để chúng em liên thông lên ĐH ngay không ạ?

Đại diện trường CĐ Viễn Đông giải đáp: Trường có hệ liên kết 2+2 với một trường ĐH ở Mỹ, học 2 năm CĐ ở CĐ Viễn Đông sau đó các em có thể liên thông học 2 năm ĐH ở Mỹ.

THANH NIÊN ONLINE 

>> Thi khối ngành công nghệ - viễn thông: Rất cần nhân lực trình độ cao cho tương lai
>> Thi khối ngành y, dược, sức khỏe và nông lâm: Thí sinh cân nhắc thật kỹ
>> Thi khối ngành khoa học xã hội - nhân văn, sư phạm: Nhu cầu xã hội rất cao
>> Thí sinh chọn khối ngành kinh tế, tài chính, luật: Việc làm trong tầm tay
>> Học lực trung bình khá vẫn có cơ hội vào khối ngành kỹ thuật - công nghệ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.