Người xưa làm đẹp - Kỳ 5: Giữ dáng sau sinh

22/03/2014 00:45 GMT+7

Phụ nữ Huế xưa sau ngày lâm bồn phải trải qua thời gian 3 tháng 10 ngày với hàng trăm điều kiêng kỵ và tuân thủ nhiều phương pháp nghiêm ngặt.

Làm cho cơ thể trở lại săn chắc

Chuyện “nằm ổ” được bà Nguyễn Thị Thơ, năm nay 78 tuổi, đang sống tại P.Phú Hậu (TP.Huế), vốn là nữ hộ sinh tại Bệnh viện T.Ư Huế, là bà đỡ mát tay có tiếng tại Huế, kể lại tỉ mỉ.

 
Bà Nguyễn Thị Thơ kể lại chuyện ở cữ của người phụ nữ Huế sau sinh - Ảnh: Tuyết Khoa

Mẹ mất sớm nên bà Thơ được mẹ chồng nuôi ở cữ 7 đứa con rất kỹ theo tập tục người Huế xưa. Cho rằng để bụng thon không nhão xệ, hầu hết sản phụ xưa đều phải nằm than trong vòng 3 tháng 10 ngày để da thịt săn chắc và đảm bảo sức khỏe sau này ít đau ốm, nhức mỏi. “Trời lạnh còn đỡ, trời nắng vẫn phải nằm kín gió trong buồng với thau than đỏ rực phía dưới. Rồi ăn uống kiêng khem đủ điều. Cả tháng không được tắm gội, chải tóc... Khổ ghê lắm!”, bà Thơ hồi tưởng lại.

Sau khi sinh, bà Thơ phải ăn cơm với muối tiêu đến khi con rụng rốn thì thôi. Sau đó thì ăn cơm với thức ăn nhưng phải được nấu khô, không ăn món gì nhiều nước, chỉ toàn thịt kho rim, cá kho. Thỉnh thoảng để có sữa, bà được ăn giò hầm, vả kho thịt... Nhưng tất cả đều được nấu mềm vì sợ tổn thương đến răng sau này rụng răng sớm.

Kiêng khem nhất là tháng đầu tiên. Những ngày trong tháng, bà rất ít nằm ngửa mà thường đều nằm sấp (úp bụng xuống giường). Khi ăn uống cũng phải nằm sấp, dưới bụng là thau than đỏ lửa. Sở dĩ phải nằm như thế này là để ép phần bụng cho tiêu mỡ thừa, bụng nhỏ dần và eo thon trở lại.

Trong vòng một tháng sau khi sinh, sản phụ xưa nằm cữ không được tắm, thỉnh thoảng, chỉ được xông hơi bằng cách nấu một số lá cây như chanh, bưởi, sả, vú sữa... rồi dùng một chiếc chăn trùm kín toàn bộ cơ thể, bên trong là chiếc nồi nước lá đang nóng. Khí nóng của nồi nước lá sẽ giúp cơ thể toát mồ hôi để vệ sinh thân thể và loại bỏ độc tố.

Theo người xưa, đúng một tháng mới được đụng đến nước vì sau sinh lỗ chân lông thường nở ra. Nước dễ thấm vào cơ thể vừa không tốt cho cơ thể vừa xấu cho da. Chỉ tắm nước lá pha với nước được đun sôi. Nước lá này thường được nấu từ lá chanh, bưởi, sả. Sau khi tắm xong không mặc quần áo nằm trên giường tre. Phía dưới có hai thau than đỏ rực. Một thau để dưới chân, một thau phía trên đầu. Rồi dùng muối sống giã với gừng xát khắp cơ thể. Xát nhiều ở phần bụng để bụng thon gọn hơn. Sau khi khô thì phủi đi và xát thêm lần nữa.

Chải tóc bằng tăm

Đầy một tháng sau sinh, sản phụ mới được gội đầu bằng nước lá gồm chanh, bưởi, sả, lá dứa pha với nước đun sôi để nguội. Khi gội cần hết sức nhẹ nhàng vì chân tóc rất dễ tổn thương, gội xong, phải nằm trên giường và sấy khô bằng than. Bà Thơ nhớ như in mỗi lần gội đầu xong, mẹ bắt bà nằm trên giường. Dùng cái sàng tre hứng tóc. Phía dưới đầu là một thau than hồng, vừa quạt vừa hơ tóc. Những khi rối quá, vừa hơ mẹ vừa lấy tăm nhẹ nhàng vuốt vuốt, xỉa xỉa gỡ rối và làm thẳng tóc. Trong vòng 3 tháng 10 ngày, tuyệt đối không dùng lược vì sợ tổn thương chân tóc. Sau này tóc sẽ rụng và dễ đau đầu.

 
Cụ Hén dù đã 98 tuổi vẫn còn khỏe mạnh ngồi têm trầu ăn suốt ngày

Một trong những chuyện mà bà Thơ cũng như phụ nữ Huế sợ nhất là xông mặt. Việc xông mặt (háp) thực hiện liên tục 10 ngày sau sinh. Mỗi lần như vậy, sản phụ phải nằm sấp, cúi mặt vào thau than hồng để hơ. Đồng thời dùng khăn sạch bọc muối hạt giã mịn chấm nhẹ khắp mặt trong nhiều lần. Đặc biệt phải chấm kỹ ở đôi mắt. Theo bà Thơ, người Huế cho rằng làm như thế, da mặt sẽ săn chắc, đôi mắt sẽ to rõ và không bị sập mí.

“Thỉnh thoảng, mẹ lại nướng nghệ cho tôi ăn để đẹp da. Nhiều người còn đắp mặt bằng nghệ tươi giã nhuyễn. Thậm chí có người còn chuẩn bị trước đó một hũ nghệ tươi giã nhuyễn ngâm với rượu được chôn cất dưới đất mấy tháng trời để đắp mặt, thoa người trong thời gian nằm cữ”, bà Thơ cho biết.

Hiện nay, con dâu của bà Thơ vẫn đang nằm cữ theo kiểu truyền thống của người Huế nhưng có “thoáng” hơn trong chế độ dinh dưỡng, ăn nhiều chất, nhiều thứ hơn chứ không kiêng khem nhiều như ngày xưa.

Ăn trầu giúp chắc răng, diệt khuẩn

Thế hệ các cụ ngày trước, hầu như chẳng ai biết đến mùi vị của kem đánh răng, thế nhưng chẳng mấy ai đau răng, hôi miệng. Nhai cau trầu là cách hữu hiệu nhất trong việc chống sâu răng, diệt khuẩn, giúp răng khỏe, thơm miệng. Lá trầu có tính sát trùng làm chắc chân răng, không bị viêm sưng. Vị chát của cau làm cho chân răng co lại, ôm sát chân răng giúp hàm răng chắc, khỏe.

Nhà nghiên cứu Huế Hồ Tấn Phan đang lưu giữ tại TP.Huế hàng ngàn vật dụng ăn trầu của người xưa. Nhiều bình vôi, xoáy trầu hàng ngàn năm về trước. Theo ông Phan, ăn trầu đã là một tập quán không thể thiếu trong cuộc sống của người xưa. Đó là nét đẹp văn hóa. Nhưng ngày nay, người ăn trầu ít dần, chỉ có mấy người già, người trẻ hiếm khi biết đến vị trầu cau.

Tuyết Khoa

>> 300 tình nguyện viên Festival Huế
>> Xúc tiến thành lập Viện Y học cổ truyền tại Huế
>> Người xưa làm đẹp - Kỳ 4:: Hàm răng hạt huyền
>> Người xưa làm đẹp - Kỳ 3: Chải chuốt từng cọng tóc
>> Người xưa làm đẹp - Kỳ 2: Bí quyết dưỡng da chốn hoàng cung
>> Người xưa làm đẹp - Kỳ 1: Tìm người cà răng căng tai

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.