Mở cửa tối đa cho doanh nghiệp

22/03/2014 03:00 GMT+7

Thảo luận về luật Doanh nghiệp sửa đổi ngày 21.3, Chính phủ nhất trí cao với đề xuất của Ban Soạn thảo về việc để cộng đồng doanh nghiệp được tự do kinh doanh những ngành nghề mà pháp luật không cấm hoặc hạn chế.

Thảo luận về luật Doanh nghiệp sửa đổi ngày 21.3, Chính phủ nhất trí cao với đề xuất của Ban Soạn thảo về việc để cộng đồng doanh nghiệp được tự do kinh doanh những ngành nghề mà pháp luật không cấm hoặc hạn chế.

Mở cửa tối đa cho doanh nghiệp

Doanh nghiệp làm thủ tục đăng ký kinh doanh ở Sở KH-ĐT TP.HCM - Ảnh: D.Đ.Minh

Theo Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng, sau 9 năm thực thi luật Doanh nghiệp (DN) năm 2005 đã tạo lập được môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng hơn. Tuy nhiên, luật cũng bộc lộ những hạn chế về quyền tự do kinh doanh khi thủ tục để DN khởi sự, gia nhập thị trường còn phức tạp, chi phí tốn kém hơn mức cần thiết. Đồng thời, bất cập trong luật khiến quản trị của công ty kém linh hoạt. “Đây chính là lý do khiến môi trường kinh doanh của VN bị đánh giá thấp trên các bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh của thế giới”, ông Dũng nói.

“Chi phí rẻ hơn, an toàn và hấp dẫn hơn”

 

Nguyên tắc đổi mới tiếp tục được thực hiện theo hướng tự do kinh doanh. Doanh nghiệp được quyền kinh doanh tất cả các ngành nghề mà pháp luật không cấm hoặc hạn chế. Tạo thuận lợi hơn cho việc góp vốn thành lập, mở doanh nghiệp, chuyển nhượng vốn, rút khỏi thị trường

Ông Nguyễn Chí Dũng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư

Chính vì vậy, trong lần sửa đổi này, mục tiêu lớn nhất theo ông Dũng là DN sẽ được kinh doanh với chi phí rẻ hơn, an toàn và hấp dẫn hơn. Đặc biệt, nhiều nội dung tạo thuận lợi cho hoạt động thành lập DN, tạo bình đẳng giữa các thành phần; tăng cường bảo vệ quyền lợi cho các nhà đầu tư, cổ đông. “Nguyên tắc đổi mới tiếp tục được thực hiện theo hướng tự do kinh doanh. DN được quyền kinh doanh tất cả các ngành nghề mà pháp luật không cấm hoặc hạn chế. Tạo thuận lợi hơn cho việc góp vốn thành lập, mở DN, chuyển nhượng vốn, rút khỏi thị trường”, ông Dũng cho hay.

Theo quy định hiện hành, ngành nghề được ghi trong giấy đăng ký kinh doanh (ĐKKD). Tuy nhiên lãnh đạo Bộ KH-ĐT nhìn nhận, khi khảo sát hầu hết các DN đều cho rằng quy định này gây phiền hà, làm tăng rủi ro và chi phí tuân thủ, cũng như chưa đảm bảo nguyên tắc DN được kinh doanh tất cả ngành nghề mà pháp luật không cấm hoặc không hạn chế. Do đó, dự thảo luật sửa đổi theo hướng không yêu cầu ghi ngành nghề kinh doanh trong giấy chứng nhận ĐKKD.

Nội dung này trong dự thảo luật nhận được sự đồng tình cao của Chính phủ. Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá đây là bước tiến bộ rất lớn sẽ giúp DN giảm chi phí, khiến môi trường kinh doanh tốt lên. Những điều pháp luật không cấm, theo Phó thủ tướng cần khuyến khích, như vậy sẽ cải cách được thủ tục hành chính. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý Bộ KH-ĐT cần xây dựng hệ thống dữ liệu đảm bảo quản lý, kiểm tra, giám sát được hoạt động của các DN trong từng ngành nghề.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi cho ý kiến cũng khẳng định chủ trương như vậy là hoàn toàn đúng đắn, nhưng khi mở ra thì cũng phải thận trọng trong khâu hậu kiểm, giám sát.

“Chương” riêng về doanh nghiệp nhà nước

 

Kiểm soát chặt dòng tiền đầu tư ra nước ngoài

Cho ý kiến về luật Đầu tư, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý hiện nay chủ trương không khuyến khích đầu tư ra nước ngoài, chỉ khuyến khích thu hút đầu tư trong nước. Vì vậy, việc bỏ cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài đối với các DN chưa phù hợp. Trước mắt cần phải giữ lại, đến thời điểm nhất định sau này mới bỏ. Nhưng khi giữ phải tạo điều kiện cấp phép thuận lợi hơn và đặc biệt phải kiểm soát chặt chẽ dòng tiền, ngoại tệ chuyển ra nước ngoài.

Những quy định pháp lý đối với doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã được loại bỏ ra khỏi luật từ năm 2005, nhưng lần sửa đổi này lại được đưa vào. Thứ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết luật có một chương riêng gồm nội dung quy định chức năng vai trò của DNNN, nguyên tắc bảo toàn phát triển vốn, tổ chức quyền chủ sở hữu vốn nhà nước trong DN… Tuy nhiên, quá trình soạn thảo nhiều ý kiến phản đối, đề nghị không xây dựng chương riêng vì luật DN chỉ quy định loại hình pháp lý không phân biệt tính chất sở hữu và thành phần kinh tế. Nếu đưa vào sẽ làm sai lệch kết cấu, tạo sự bất bình đẳng với loại hình DN khác.

Nhiều ý kiến cũng lo ngại đưa chương DNNN vào sẽ chồng chéo với luật Đầu tư và Quản lý vốn nhà nước đầu tư vào DN đang được xây dựng. Tuy nhiên, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng hai luật không mâu thuẫn với nhau. Vì chương về luật DNNN không quy định điều kiện ưu ái, chỉ quy định tính đặc thù, quản trị vì tiền nhà nước đưa cho DN chắc chắn phải quản lý. Nhưng về nội dung đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước thì ông Ninh đề nghị nên đưa sang luật Đầu tư và Quản lý vốn nhà nước đầu tư vào DN để tránh trùng lặp.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý Nghị quyết T.Ư đã kết luận rõ nền kinh tế thị trường định hướng XHCN gồm nhiều thành phần kinh tế cạnh tranh bình đẳng, nhưng kinh tế nhà nước là chủ đạo. Trong kinh tế nhà nước có nhiều thành phần nhưng DNNN là lực lượng nòng cốt. Do đó, cần phải có một khái niệm rõ ràng về DNNN trong luật, kể cả về chức năng, vị trí.

Thủ tướng lưu ý, khi đã lập ra DNNN thì phải quy định rõ, đặc biệt phải bơm vốn để DNNN có thể hoạt động, như DN tư nhân khi thành lập phải có vốn tự có. Ông yêu cầu Bộ KH-ĐT tiếp tục xây dựng một chương riêng về vai trò, vị trí và các đặc thù của DNNN, còn vấn đề quản lý vốn chuyển sang luật Đầu tư và Quản lý vốn đầu tư nhà nước vào DN.

Tạo hành lang cho “doanh nghiệp xã hội” phát triển

Đặc biệt, lần đầu tiên khái niệm rất mới về “DN xã hội” được đưa vào luật. Theo Bộ KH-ĐT, DN xã hội trước hết hoạt động vì mục tiêu xã hội, lợi nhuận thu được tái đầu tư cho xã hội hay môi trường theo như đăng ký, không chia cho các thành viên cổ đông như bình thường. Khái niệm DN xã hội được thừa nhận về mặt pháp lý, được làm rõ để phân biệt với DN thông thường.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đồng tình và cho rằng nên có quy định về DN xã hội vì đây là xu thế rất phát triển của thế giới. VN đã có và gần đây nghiên cứu kỹ nhưng theo ông Đam vẫn còn khá mơ hồ. Về cơ bản DN xã hội có 3 đặc trưng lớn là hoạt động vì mục đích xã hội; theo quy luật cạnh tranh trên thị trường và lợi nhuận dùng tái đầu tư cho mục đích xã hội. “Tôi lấy ví dụ rất nhỏ như đại học tư thục. Chúng ta định nghĩa nó là DN xong lại phân làm 2 loại, một loại có lợi nhuận và một loại phi lợi nhuận. Đây chính là mô hình DN xã hội. Nếu chúng ta quy định kỹ trong luật sau này rất đỡ cho các lĩnh vực khác như đào tạo nghề, giáo dục đại học. Tôi ủng hộ đưa vào luật để có quy định tương đối, tạo hành lang cho nó phát triển”, ông Đam kiến nghị.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng xác định trước đây DN xã hội được gọi là phi lợi nhuận, nhưng hoàn toàn không đúng. Bởi đã là DN hoạt động phải có lợi nhuận, nhưng quan trọng lợi nhuận đó ở mức nào, còn lại họ dùng để tái đầu tư cho mục đích xã hội. Do đó, khi đưa vào luật cần cân nhắc khái niệm “xã hội”, định nghĩa cho rõ. “Khi dùng từ xã hội thì nên cân nhắc như chủ trương xây nhà ở xã hội. Hiện nay có nhà nào không phải nhà ở xã hội. Do đó DN xã hội phải được làm rõ, chính sách hỗ trợ thế nào, hoạt động ra sao”, Thủ tướng yêu cầu.

Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI): Tăng cường hậu kiểm

Khi cơ quan nhà nước đăng ký thành lập DN có tính chất như đăng ký khai sinh, công bố công khai lên cho toàn xã hội biết về thực thể kinh doanh này, điều này không đồng nghĩa với việc xác nhận hay bảo đảm đó là DN tốt. Việc lừa đảo, vi phạm pháp luật đó là vấn đề của cá nhân và có hàng loạt các chế tài từ hành chính đến hình sự để xử lý. Kinh nghiệm cho thấy nếu hàng rào hành chính dựng lên thì thường sẽ ngăn chặn những người làm ăn chân chính nhiều hơn là loại trừ những người có ý định lừa đảo.

Gốc rễ khắc phục các điểm yếu này theo tôi là phải tăng cường và đổi mới công tác hậu kiểm của cơ quan nhà nước. Chẳng hạn như với một số nhóm DN, địa bàn, cá nhân có tình trạng, nguy cơ lợi dụng thành lập DN dễ dàng cho mục tiêu phi pháp thì cơ quan nhà nước có thể tăng cường tần suất kiểm tra, thanh tra, áp dụng chế độ giám sát chặt chẽ sau khi thành lập. Hay là có hệ thống thông tin kết nối quốc gia để tổng hợp thông tin nhằm phát hiện, đăng tải, cảnh báo các cá nhân đứng tên thành lập DN với mục đích phi pháp... Áp dụng cách thức quản lý cá nhân thành lập DN, ngành nghề, địa bàn phân loại theo mức độ rủi ro, theo cách mà ngành hải quan đang áp dụng khi phân luồng hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu là cách tạo thuận lợi tối đa cho những người có ý định kinh doanh chính đáng, khuyến khích chứ không cản trở họ.

TS Nguyễn Đình Cung,quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư: Chúng ta đã bước một bước tiến lớn

Quá trình thảo luận về cơ bản những tư tưởng, nội dung mang tính đột phá cải cách cho DN được Thủ tướng và hầu hết các thành viên Chính phủ đồng tình tôi cũng rất vui mừng. Điều quan trọng chúng ta đã bước một bước tiến lớn trong việc mở cửa cho DN tự do kinh doanh những điều pháp luật không cấm, tạo một môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Giảm thủ tục thành lập cho DN, cũng như giảm chi phí kinh doanh... Những điều mà Thủ tướng đã kết luận sẽ được chúng tôi tiếp thu để chỉnh sửa trong thời gian tới.

Có một thực tế, đúng là luật DN mà đưa DNNN vào thoạt nghe có thể thấy không phù hợp nhưng cần phải hiểu ở đây là thiết lập một cơ chế, một khung quản trị mới chứ không phải để phân biệt thành phần DN. Luật Đầu tư và Quản lý vốn đầu tư vào DN cũng đang xây dựng nhưng quan điểm của tôi rất rõ ràng, điều quan trọng hơn cả là tư duy mới, cách tiếp cận mới để thiết lập khuôn khổ mới thực sự hiện đại. Nội dung tương thích phù hợp với yêu cầu cải cách DNNN, không thể cơi nới trong hệ thống tư duy cũ và khuôn khổ cũ mà phải thay đổi bằng tư duy mới, cách tiếp cận mới.

A.Vũ - T.Tâm

Anh Vũ

>> Dự thảo luật Doanh nghiệp sửa đổi: Phù hợp thông lệ quốc tế
>> Dự thảo luật Doanh nghiệp sửa đổi: Tạo sân chơi bình đẳng, minh bạch
>> Thực hiện Luật Doanh nghiệp: Còn vô số "thủ tục nhánh, cành
>> Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư - Luật Doanh nghiệp: Có "mở" nhưng chưa đủ
>> Ban hành nghị định hướng dẫn Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư
>> Đề nghị hành nghề môi giới bất động sản phải theo Luật Doanh nghiệp  

 

 

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.