Suýt mất chân, tay bởi... bác sĩ

18/03/2014 09:00 GMT+7

Nhiều bệnh nhân gửi đơn đến các cơ quan chức năng tố cáo năng lực khám chữa bệnh, y đức... của một số y, bác sĩ Khoa Ngoại chấn thương - Bỏng, Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định.

 Anh Hạnh đang nằm một chỗ sau 5 lần phẫu thuật - Ảnh: Nguyễn Hoàng
Anh Hạnh đang nằm một chỗ sau 5 lần phẫu thuật - Ảnh: Nguyễn Hoàng

Tháng 5.2013, anh Nguyễn Văn Hạnh (42 tuổi, ở thôn Xuân Phương, xã Phước Sơn, H.Tuy Phước, Bình Định) bị tai nạn giao thông dẫn đến gãy 2 chỗ xương ống cẳng chân trái. Tại Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Bình Định, anh Hạnh được các bác sĩ  (BS) Khoa Ngoại chấn thương - Bỏng mổ kẹp nẹp ốc vào xương. 10 ngày sau, anh Hạnh xuất viện. Khoảng 2 tháng sau, vết thương của anh Hạnh bị vỡ nẹp, chảy dịch ra bên ngoài... Anh Hạnh trở lại BVĐK tỉnh Bình Định và được BS Trương Kim Hùng, Phó trưởng khoa Ngoại chấn thương - Bỏng, mổ tháo ốc nẹp chân và điều trị vết thương. Sau đó, anh Hạnh được phẫu thuật lần 3 để đặt khung sắt cố định bên ngoài nhưng bàn chân của anh vẫn không cố định được mà cứ lúc lắc gây đau đớn. Tuy nhiên, anh Hạnh vẫn được xuất viện.

Tháng 11.2013, không chịu nổi những cơn đau, anh Hạnh nhập viện lần thứ 4 và được các BS nhổ hết khung sắt bên ngoài, để bàn chân lủng lẳng, không cố định được. Các bác sĩ giải thích với anh Hạnh là muốn giữ chân rất khó nên phải cắt bỏ cho nhanh. Anh Hạnh đồng ý nhưng vì không có tiền nên xin về nhà tìm nhà hảo tâm giúp đỡ. Khi được hỗ trợ tiền, anh Hạnh đến BVĐK tỉnh Bình Định lần thứ 5 thì được một điều dưỡng tên Trung ở phòng khám số 2 giới thiệu ra Phòng khám đa khoa T.M ở đối diện với BVĐK tỉnh Bình Định gặp BS Hùng.

Tại Phòng khám đa khoa T.M, BS Hùng nói: “Giờ cắt bỏ chân cũng uổng nhưng để làm chân lại thì phải mổ rất nhiều lần nữa”. Theo BS Hùng, để có đôi chân bình thường, anh Hạnh phải mổ ít nhất là 3 lần nữa, trong đó lần đầu mất khoảng 10 triệu đồng, các lần sau sẽ đơn giản hơn nhưng không dám chắc ca mổ sẽ thành công 100% vì có thể có những biến chứng bất thường...”.

Không đủ tiền nên anh Hạnh tiếp tục vào Khoa Ngoại chấn thương - Bỏng của BVĐK tỉnh Bình Định và được các BS lên lịch mổ cắt chân. Tuy nhiên, một BS trong khoa biết hoàn cảnh của anh Hạnh nên đề nghị anh đến BVĐK TP.Quy Nhơn để chính BS này mổ, đặt khung sắt và điều trị miễn phí. “Gãy xương ống chân thực ra không phải phức tạp lắm theo nhìn nhận của nhiều BS nhưng tại sao BS Hùng đã mổ 1 lần và BS Vinh (BS Nguyễn Quang Vinh, Trưởng khoa Ngoại chấn thương - Bỏng của BVĐK tỉnh Bình Định) mổ 3 lần mà bệnh tình của tôi vẫn không khỏi và sau đó lên lịch mổ cắt cụt chân của tôi? Các BS không làm hết trách nhiệm hay tay nghề yếu để chân của tôi ngày càng nặng nề thêm?”, anh Hạnh bức xúc.

Gia đình bệnh nhân Trịnh Kim Trung (19 tuổi, ở xã An Cư, H.Đak Pơ, Gia Lai) cũng làm đơn tố cáo BS Nguyễn Quang Vinh tắc trách khiến bệnh nhân này suýt mất bàn tay. Chiều 20.10.2013, anh Trung bị vết thương đứt lìa tay trái phải cấp cứu tại BVĐK TX.An Khê (Gia Lai) và sau đó chuyển xuống BVĐK tỉnh Bình Định. Các BS Khoa Hồi sức ngoại mời BS Vinh xuống hội ý kiểm tra để mổ. Tuy nhiên, BS Vinh giải thích với gia đình anh Trung là nên vứt bỏ bàn tay, làm cụt cẳng tay vì không thể nối được. Sau đó, gia đình anh Trung đã liên lạc được với BS Trần Xuân Lợi, Phó chủ nhiệm Khoa Ngoại chấn thương - Chỉnh hình Bệnh viện Quân y 211 (Gia Lai) và được BS này hướng dẫn cách bảo quản bàn tay, đưa bệnh nhân về lại Gia Lai cứu chữa. Đến 2 giờ sáng ngày 21.10.2013, BS Lợi tiến hành ca phẫu thuật kéo dài 9 giờ đồng hồ và đã nối thành công bàn tay bị đứt lìa của anh Trung.

Chèo kéo bệnh nhân

Ngoài trường hợp bệnh nhân Nguyễn Văn Hạnh, gia đình anh Trần Thanh Lực (26 tuổi, ở P.An Phú, TX.An Khê, Gia Lai) cũng làm đơn tố cáo bị các BS, điều dưỡng chèo kéo ra các bệnh viện tư. Ngày 23.12.2013, anh Lực cùng ông Trần Thanh Hiệp (cha anh Lực) xuống BVĐK tỉnh Bình Định để tháo dụng cụ đinh nẹp vít ở cẳng chân đã mổ trước đó 15 tháng. Tại phòng khám số 2 BVĐK tỉnh Bình Định, điều dưỡng viên Bành Quang Khiêm xem phim chụp X-quang, hỏi thăm anh Lực rồi bảo về vì vết thương chưa lành nên không thể mổ. Cha con ông Hiệp van nài, điều dưỡng này nói cha con ông ra Phòng khám đa khoa T.M trước cổng bệnh viện để gặp BS Hùng.

Tại Phòng khám đa khoa T.M, BS Hùng khuyên anh Lực nếu có bảo hiểm y tế thì vào bệnh viện mổ, còn không có bảo hiểm y tế thì mổ ngay tại phòng khám này và mổ tại phòng khám sẽ về ngay, còn vào bệnh viện thì phải chờ lâu. “Hai lần tôi xuống khám tại phòng khám số 2 của BVĐK tỉnh Bình Định cũng bị các điều dưỡng, BS ở đó giới thiệu ra Phòng khám đa khoa T.M để gặp BS Hùng. Có phải các nhân viên y tế và BS Hùng móc nối với nhau để trục lợi bệnh nhân không?”, ông Hiệp thắc mắc.

Tuy nhiên trao đổi với báo chí, BS Trương Kim Hùng phủ nhận chuyện lôi kéo bệnh nhân.

 

Nguyễn Hoàng

>> Bác sĩ tắc trách, một trẻ sơ sinh suýt bị chôn sống
>> Bệnh nặng do bác sĩ tắc trách
>> Bệnh nhân tử vong do bác sĩ tắc trách?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.