Học sinh Ninh Thuận thắc mắc về việc làm của ngành điện hạt nhân

15/03/2014 14:50 GMT+7

(TNO) Sáng 15.3, chương trình Tư vấn mùa thi năm 2014 do Báo Thanh Niên tổ chức diễn ra ở Ninh Thuận. Tại đây, nhiều học sinh đã thắc mắc về nguồn nhân lực phục vụ cho ngành điện hạt nhân tỉnh nhà.

(TNO) Sáng 15.3, gần 3.000 học sinh lớp 12 trong toàn tỉnh Ninh Thuận đã có mặt tại Trung tâm văn hóa tỉnh để theo dõi chương trình truyền hình trực tiếp Tư vấn mùa thi năm 2014.

 
Học sinh háo hức tham gia chương trình tư vấn - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Chương trình do Báo Thanh Niên phối hợp với Bộ GD-ĐT tổ chức.

Cơ hội việc làm ngành hạt nhân

Trước thông tin về việc nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận sẽ lùi thời gian khởi công xây dựng, học sinh Nguyễn Hoàng Thanh Trúc, lớp 12A1, Trường THPT Chu Văn An, lo lắng: “Hiện nay có thông tin ngành hạt nhân vẫn tuyển sinh dù nhà máy điện hạt nhân lùi xây dựng, vậy tụi em học xong sẽ có việc làm không ạ, vì 4 năm nữa nhà máy chắc vẫn chưa xây xong?”.

Ông Trần Ngọc Ánh, Phó giám đốc Ban quản lý Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, chia sẻ: “Hiện nay ban quản lý vẫn tiến hành công việc Chính phủ giao. Năm nay, chúng tôi sẽ chuẩn bị các bước khởi công các hạng mục phục vụ thi công. Năm 2015 sẽ khởi công khu quản lý vận hành, khu chuyên gia ở tại TP.Phan Rang Tháp Chàm”.

Ông Ánh cho biết khi nhà máy xây xong sẽ cần tới 2.200 lao động. Trong đó, 880 kỹ sư trình độ ĐH và sau ĐH, 925 trình động CĐ các ngành. Riêng ngành điện hạt nhân là gần 420 lao động. “Các em cứ an tâm thi và học các ngành này vì ra trường sẽ có cơ hội việc làm cao”.

Học sinh Lê Đồng Thảo Nguyên, lớp 12, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, thắc mắc: “Năm nay tỉnh có tuyển ngành điện hạt nhân đi du học ở Nga không? Điều kiện tham gia như thế nào?”.

Ông Trần Ngọc Ánh thông tin: “Năm 2013, Bộ GD-ĐT đã tuyển 70 thí sinh đi Nga theo hiệp định của 2 nước Nga và Việt Nam. Điều kiện: học khối A, A1, đạt 23 điểm kỳ thi ĐH, điểm bình quân 3 môn học trong 3 năm THPT là 7,5 trở lên. Nếu sinh viên đã học năm nhất thì điểm bình quân học kỳ 1 là trên 7,7. Sinh viên sẽ được hỗ trợ mức sinh hoạt phí cao gấp 1,2 lần so với mức cao nhất (1.440 USD/tháng so với 1.200 USD/tháng). Chỉ tiêu năm nay chưa có, do vậy các em hãy theo dõi thông tin trong thời gian tới”.

Học hàng hải có cần biết bơi lội?

Băn khoăn về điều kiện khi học ngành khoa học hàng hải, học sinh Trần Ngọc Tuấn, Trường THPT Nguyễn Trãi, hỏi: “Ngành khoa học hàng hải có yêu cầu gì về sức khỏe hay khả năng bơi lội?”.

Thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ tư vấn: “Ngành này có 2 chuyên ngành là điều khiển tàu biển và vận hành khai thác máy tàu thủy. Có một số yêu cầu về sức khỏe như sau: nam phải có chiều cao từ 1,64 m trở lên, nữ từ 1,60 m. Cân nặng từ 45 kg trở lên. Tổng thị lực 2 mắt đạt 18/10 trở lên, không mắc bệnh mù màu. Bên cạnh đó, phải nghe rõ khi nói thường cách 5 m và nói thầm cách 0, 5m”.

Thạc sĩ Vũ cho biết thêm, kỹ năng bơi lội là một trong những yêu cầu của ngành nghề. Tuy nhiên khi trúng tuyển vào trường, sinh viên sẽ được đào tạo học phần về bơi lội.

Về cơ hội việc làm, thạc sĩ Vũ cho rằng hiện nay hệ thống cảng biển nhiều, Việt Nam đã tham gia thị trường hàng hải thế giới nên nhu cầu tuyển dụng rất lớn. Nếu sinh viên đáp ứng được các yêu cầu theo tiêu chuẩn quốc tế thì rất dễ kiếm việc với mức lương cao.

Trong khi đó, học sinh Nguyễn Thị Ngọc Tiến, lớp 12A1, Trường THPT Ischool, quan tâm tới ngành y dược theo đề án hỗ trợ kinh phí của tỉnh nhà.

Ông Nguyễn Anh Linh, Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Ninh Thuận, thông tin: “Từ năm 2008, UBND tỉnh Ninh Thuận ra quyết định về việc hỗ trợ kinh phí cho thí sinh trúng tuyển hệ chính quy vào các trường ĐH y dược trong cả nước từ năm 2011 đến 2020. Năm 2013, 16 thí sinh trúng tuyển vào ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã được tài trợ toàn bộ học phí và hằng tháng được hưởng trợ cấp”.

Mỹ Quyên

>> Tư vấn mùa thi sôi động tại Phú Yên
>> ‘Tiếp sức’ cho tư vấn mùa thi
>> 15 năm Tư vấn mùa thi - Có được việc làm: Nhờ chiều cao hay năng lực ?
>> Hàng ngàn học sinh Bình Định được tư vấn mùa thi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.