15 năm Tư vấn mùa thi: Giải đáp băn khoăn về chọn nghề

10/03/2014 03:00 GMT+7

Ngày 9.3, trong chương trình Tư vấn mùa thi do Báo Thanh Niên phối hợp tổ chức với Bộ GD-ĐT diễn ra tại Quảng Ngãi, các chuyên gia đã giải đáp rất cặn kẽ những thắc mắc của học sinh về ngành nghề.

Ngày 9.3, trong chương trình Tư vấn mùa thi do Báo Thanh Niên phối hợp tổ chức với Bộ GD-ĐT diễn ra tại Quảng Ngãi, các chuyên gia đã giải đáp rất cặn kẽ những thắc mắc của học sinh về ngành nghề.

15 năm Tư vấn mùa thi: Giải đáp băn khoăn về chọn nghề

Phụ huynh cũng đến tham gia và đặt câu hỏi với ban tư vấn trong chương trình Tư vấn mùa thi diễn ra tại tỉnh Quảng Ngãi - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Học nông nghiệp chỉ làm việc ở nông thôn ?

Nguyễn Hồng Anh, lớp 12A3, Trường THPT Trần Quốc Tuấn, nêu một câu hỏi rất thú vị: “Cho em hỏi học ngành nào ra trường kiếm tiền nhanh nhất?”. Giải đáp băn khoăn này, tiến sĩ Lê Công Toàn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng, tư vấn: “Đầu tiên, cần phải nói rõ là trong nước và cả thế giới không ai quy định ngành nào kiếm tiền nhiều và nhanh nhất. Tôi chỉ có thể khuyên các em nên chọn ngành theo năng lực bản thân và cần có niềm đam mê với ngành học đó (đam mê cả cuộc đời chứ không phải là nhất thời) và xem xét hoàn cảnh kinh tế gia đình để chọn ngành. Thứ hai, không có ngành nghề nào làm ra nhiều tiền nhanh. Chỉ có lao động cộng thêm sáng tạo sẽ cho cuộc sống tốt hơn. Tuy nhiên, nếu không có khát vọng lớn thì sẽ không có sự nghiệp lớn. Các em hãy cứ khát vọng để chọn nghề phù hợp cho mình”.

Đặt câu hỏi qua đường dây nóng, một học sinh tỉnh Quảng Nam thắc mắc: “Học nông - lâm nghiệp có nhất thiết phải làm việc ở nông thôn, phải chân lấm tay bùn hay không? Em cũng sợ học khối ngành này ra trường lương ít hơn các ngành kinh tế”. Thạc sĩ Vũ Thu Hương, Giám đốc Trường ĐH Lâm nghiệp (cơ sở 2), tư vấn: “Học khối ngành nông - lâm nghiệp trong thời điểm hiện nay không nhất thiết phải làm việc tại nông thôn mà vẫn có thể làm việc ở các thành thị. Chẳng hạn, ngành công nghệ chế biến lâm sản có thể làm tại các nhà máy liên quan đến gỗ ở thành phố, học lâm sinh làm tại công ty cây xanh, vườn quốc gia… Lương các ngành này cũng không ít. Sinh viên của trường đi làm lương khởi đầu cũng khoảng 4 - 5 triệu đồng/tháng”.

Tư vấn cho học sinh về một số ngành có thể học xong quay trở về phục vụ địa phương, thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, cho biết tại Quảng Ngãi có Khu công nghiệp Dung Quất, trong đó có Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Để làm việc ở  đây, cần nhân sự 2 lĩnh vực vận tải, dầu khí. Khai thác sản xuất dầu khí có các trường đào tạo như ĐH Bách khoa TP.HCM, ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), ĐH Dầu khí (Vũng Tàu), ĐH Bách khoa Đà Nẵng… Ở lĩnh vực vận tải, Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM đào tạo thuyền viên tàu, trong đó tàu dầu vận chuyển từ nơi này sang nơi khác. Nhu cầu nhân lực hiện nay rất cao.

Hài hòa giữa nguyện vọng của ba mẹ và đam mê của bản thân

 Một học sinh Trường THPT Trần Quốc Tuấn nhờ tư vấn: “Gia đình muốn em học ngành kế toán nhưng em lại đam mê học kiến trúc. Vậy em nên nghe lời bố mẹ hay theo đam mê của em?”. Tiến sĩ Phạm Sỹ Hùng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - Kế toán, cho biết: “Giữa nguyện vọng gia đình và đam mê cá nhân rất nhiều lúc không hài hòa. Em nên cân nhắc dựa trên một số căn cứ. Một là định hướng của gia đình, kế đến là sở thích bản thân, điều kiện gia đình có đủ tài trợ trong 4  năm học không?... Vì vậy, bản thân em và gia đình nên trao đổi bình đẳng, chia sẻ thông tin, mạnh dạn đối thoại cùng bố mẹ để tìm ra phương án hài hòa và tốt nhất”.

Nguyễn Hồng Ngọc, học sinh Trường THPT Trần Phú, hỏi: “Năm nay em thi khối D và muốn học du lịch. Nhưng em nghe nói làm ngành du lịch đi rất nhiều nên có thể ế chồng”. Tiến sĩ Trần Mạnh Thành, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Bách Việt, tư vấn: “Đây là ngành đang phát triển, nhu cầu  cao. Hướng dẫn viên du lịch là người phải đi theo hướng dẫn cho đoàn khách du lịch nên ngoài đam mê còn phải có sức khỏe để phù hợp các chuyến đi. Nhưng du lịch còn có nhiều công việc khác có thể làm ở văn phòng”.

Đỗ Hồng Quang, lớp 12A1, Trường THPT Trần Quốc Tuấn cho biết bị loạn thị nhưng muốn thi khối quân sự  thì được không? Thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ  cho biết theo thông báo, năm nay các trường quân sự có nới rộng điều kiện sơ tuyển liên quan đến thị lực. Tuy nhiên, để biết cụ thể, cần liên hệ Ban chỉ huy quân sự quận, huyện để biết thêm thông tin cũng như cách cam kết dự thi như thế nào.

 Chương trình Tư vấn mùa thi sẽ tiếp tục diễn ra tại Bình Định vào ngày 11 và 12.3.

Đăng Nguyên - Hiển Cừ

>> 15 năm Tư vấn mùa thi: Giúp hoc sinh tiếp cận thông tin mới
>> 15 năm Tư vấn mùa thi: Giải đáp những thắc mắc cụ thể
>> 15 năm Tư vấn mùa thi: Nhiều phương thức hỗ trợ học phí
>> 15 năm Tư vấn mùa thi: Chọn hướng đi vừa sức  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.