Mỹ tăng hiện diện quân sự gần Ukraine

08/03/2014 03:45 GMT+7

Mỹ tiếp tục đưa thêm lực lượng đến các quốc gia gần Ukraine trong bối cảnh căng thẳng ở nước này vẫn chưa đến hồi kết.

Mỹ tiếp tục đưa thêm lực lượng đến các quốc gia gần Ukraine trong bối cảnh căng thẳng ở nước này vẫn chưa đến hồi kết.

Mỹ tăng hiện diện quân sự gần Ukraine
 Chiến hạm USS Truxtun của Mỹ đang tiến về gần Ukraine - Ảnh: Stars and Stripes

Hôm qua, Bộ Quốc phòng Ba Lan xác nhận trong tuần sau, Mỹ sẽ gửi 12 chiến đấu cơ F-16 và 300 binh sĩ để tập trận với nước này. Ban đầu, Lầu Năm Góc chỉ gửi một số máy bay vận chuyển nhưng thay đổi kế hoạch theo đề nghị của Warsaw để ứng phó với tình hình phức tạp tại Ukraine, theo tờ Le Figaro. Thông báo của Ba Lan được đưa ra chỉ một ngày sau khi Mỹ quyết định điều thêm 6 chiến đấu cơ F-15 và 1 máy bay tiếp liệu KC-135 để tham gia tuần tra không phận các nước láng giềng của Nga ở Baltic với NATO. Cùng ngày, Đài RT đưa tin tàu khu trục tên lửa USS Truxtun của Mỹ đã bắt đầu tiến vào biển Đen để tham gia tập trận với hải quân Bulgaria và Romania. Hải quân Mỹ tuyên bố cuộc tập trận được lên kế hoạch từ trước khi khủng hoảng ở Ukraine nổ ra nhưng giới quan sát cho rằng sự hiện diện của tàu chiến và máy bay Mỹ trong khu vực cũng nhằm gửi “thông điệp” đến Nga.

Cũng trong ngày 7.3, AFP dẫn lời Thủ tướng lâm thời Ukraine Arseny Yatseniuk yêu cầu “các nhóm vũ trang Nga” rút khỏi Crimea và ngừng ủng hộ phong trào ly khai tại đây. Theo ông Yatseniuk, sẽ “không có quốc gia nào” công nhận kết quả cuộc trưng cầu dân ý về việc Crimea sáp nhập vào Nga dự định tổ chức ngày 16.3. Quyền thủ tướng Ukraine cũng tuyên bố sẵn sàng đối thoại với Moscow khi những tay súng vũ trang nói trên rút đi. Tuy nhiên, điều này rất khó xảy ra vì đến nay, Nga vẫn khẳng định không liên quan và các nhóm “lính lạ” là lực lượng tự vệ địa phương. Trong khi đó, phát ngôn viên đơn vị quân sự biên phòng Ukraine Sergey Astakhov hôm qua cho biết từ ngày 24.2 đến nay có 30.000 “binh sĩ Nga” được đưa vào Crimea.

Cả Ukraine và phương Tây đều phản ứng dữ dội nguyện vọng quay lại với Nga của nghị viện Crimea và tuyên bố cuộc trưng cầu sẽ “vi phạm luật pháp Ukraine và quốc tế”. EU cũng đã chính thức đưa ra biện pháp trừng phạt đầu tiên nhằm vào Nga là quyết định tạm ngưng một số đàm phán về thị thực nhập cảnh với Moscow còn Mỹ thì chính thức ra lệnh hạn chế cấp thị thực đối với những cá nhân hoặc tổ chức Nga “đe dọa chủ quyền của Ukraine”. 

Nga nắm thế chủ động

Về phía Nga, các quan chức nước này lên tiếng chỉ trích những biện pháp trừng phạt của Mỹ và EU là làm tình hình thêm căng thẳng và “cố tình không hiểu ý nhau”. Mặt khác, những tay súng “lạ” ở Crimea ngày thứ 2 liên tiếp ngăn cản không cho các quan sát viên của Tổ chức An ninh và hợp tác châu u vào bán đảo này.

Ngoài ra, theo tờ Le Figaro, hạ viện Nga thông báo sẽ công bố dự luật về việc tiếp nhận lãnh thổ mới vào ngày 11.3 trong khi Thủ tướng Dmitri Medvedev ký sắc lệnh giao dự án xây cầu qua eo biển Kertch để nối nước này với Crimea cho Tập đoàn Rossavtotor. Cây cầu dài 7,5 km dự kiến được xây trong vòng 4 - 5 năm với tổng kinh phí 480 triệu euro. Phó chủ tịch chính quyền Crimea Roustam Temirgaliev tuyên bố đầy tự tin: “Nếu tổ chức trưng cầu, ít nhất 70% cử tri sẽ ủng hộ việc sáp nhập vào Nga. Nếu cử tri chọn ở lại với Ukraine và không tăng quyền tự trị, chúng tôi sẽ giải tán nghị viện và tổ chức tổng tuyển cử”.

Dù chưa tổ chức họp để thảo luận chính thức nhưng hôm qua, cả hai chủ tịch thượng và hạ viện Nga đều cho biết Quốc hội nước này sẽ ủng hộ “lựa chọn lịch sử” của cử tri Crimea trong cuộc trưng cầu. Như vậy, gần như quyết định “đón nhận” Crimea sẽ chỉ còn phụ thuộc vào Tổng thống Nga Vladimir Putin. Đến nay, ông vẫn chưa đưa ra bình luận gì về cuộc trưng cầu và cũng chưa giải quyết được bất đồng với Tổng thống Mỹ Barack Obama về vấn đề Ukraine sau cuộc điện đàm dài 1 giờ đồng hồ hôm 6.3.

Điều tra nghi án lính bắn tỉa

Hôm qua, cả Đức lẫn Nga đều yêu cầu mở cuộc điều tra về các tay súng bắn tỉa ở quảng trường Độc Lập trong giai đoạn diễn ra biểu tình rầm rộ ở thủ đô Kiev hồi cuối tháng 2, theo Đài tiếng nói nước Nga. Trước đó, trong một đoạn băng ghi âm vừa được công bố, Ngoại trưởng Estonia Urmas Paet đặt nghi vấn với Ngoại trưởng EU Catherine Ashton rằng những tay súng lạ mặt đã bắn chết hàng chục người cả phe biểu tình lẫn cảnh sát Ukraine này thực chất là liên quan mật thiết với phe chống đối (hiện là phe đa số ở chính phủ lâm thời) chứ không phải Tổng thống bị phế truất Viktor Yanukovych. Theo ông Paet, đến nay, chính phủ lâm thời Ukraine vẫn từ chối điều tra vụ việc.

Lan Chi

>> Crimea đòi nhập vào Nga
>> Quốc hội Nga ủng hộ việc Crimea sáp nhập vào Nga
>> Người Tatar ở Crimea dọa tiến hành chiến tranh du kích chống Nga
>> Chuyên gia Mỹ: Trung Quốc lúng túng với khủng hoảng Ukraine
>> Interpol cân nhắc lệnh truy nã quốc tế cựu Tổng thống Ukraine
>> Khủng hoảng Ukraine: Mỹ, Nhật tố Nga đe dọa hòa bình thế giới 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.