Dự thảo luật Phá sản còn nhiều bất cập

04/03/2014 02:35 GMT+7

Ngày 3.3, Ủy ban Kinh tế QH, TAND tối cao và Đoàn đại biểu QH TP.HCM phối hợp tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về một số nội dung của Dự án luật Phá sản (sửa đổi lần 2).

Tại hội thảo, luật sư Nguyễn Văn Hậu (Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM) chỉ ra nhiều mâu thuẫn trong dự luật. “Khoản 1 điều 15 dự thảo dẫn chiếu “quyền và nghĩa vụ của người tham gia thủ tục phá sản theo quy định tại điều 13 của luật này”, nhưng điều 13 lại quy định “nhiệm vụ, quyền hạn của chấp hành viên”, không liên quan gì đến người tham gia thủ tục phá sản. Tương tự, điều 16, 23, 29, 30, 40 dự thảo cũng dẫn chiếu sai điều luật. Ngoài ra, dự thảo quy định “lệ phí phá sản, tạm ứng phí phá sản và phí phá sản theo quy định của pháp luật” nhưng không nêu cụ thể là quy định nào vì hiện nay luật chưa có quy định nào về các loại phí, lệ phí này”, ông Hậu nói.

Bên cạnh đó, dự luật quy định doanh nghiệp (DN) lâm vào tình trạng phá sản khi mất khả năng thanh toán khoản nợ quá hạn mà chủ nợ yêu cầu; cho phép chủ nợ không có bảo đảm, chủ nợ có bảo đảm một phần có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi DN không thực hiện nghĩa vụ thanh toán các khoản nợ đến hạn trong thời hạn 3 tháng (kể từ ngày chủ nợ có yêu cầu). Nguyên Phó chánh án TAND TP.HCM Trần Văn Sự cho rằng việc không thanh toán các khoản nợ đến hạn không phản ánh tình hình kinh doanh của DN và không đồng nghĩa với việc phá sản. “Từng có chủ nợ chỉ vì đòi 30 triệu đồng không được đã nộp đơn yêu cầu một DN phá sản, trong khi tài sản DN này còn rất nhiều. Do đó, căn cứ xác định một DN phá sản phải dựa vào báo cáo tài chính, bảng cân đối tài sản và công nợ trên vốn sở hữu”, ông Sự phân tích.

Đặc biệt, nhiều ý kiến lo ngại khi người quản lý tài sản phá sản (viết tắt NQLTS, thay thế cho Tổ quản lý, thanh lý tài sản quy định trong luật Phá sản 2004) có quá nhiều quyền, liên quan đến tài sản của DN nhưng dự thảo lại quy định quá đơn giản. Luật sư Nguyễn Văn Hậu đánh giá: "Theo quy định của dự thảo, NQLTS được xem là một nghề mới nhưng dự thảo không quy định điều kiện xem xét cấp chứng chỉ hành nghề. Trong khi để đảm đương được nhiệm vụ thì người này phải đòi hỏi có kinh nghiệm và chuyên môn nghiệp vụ". Còn ông Sự băn khoăn: “DN đã lâm vào tình trạng phá sản rồi thì lấy đâu ra tiền để thuê NQLTS. Chưa kể, dự thảo quy định NQLTS phải thực hiện rất nhiều việc để tiến hành phá sản một DN nhưng lại không quy định chế tài nếu họ không thực hiện nhiệm vụ thì xử lý ra sao”…

Lê Nga

>> Xem lại 'hạn mức' phá sản
>> Quy định như dự luật sẽ có 99% doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản
>> Bưng bít nợ xấu, coi chừng phá sản!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.