15 năm Tư vấn mùa thi: Chọn hướng đi vừa sức

03/03/2014 03:25 GMT+7

Ngành học nào dễ đậu, ra trường có cơ hội việc làm cao vẫn luôn là mối quan tâm hàng đầu của thí sinh và phụ huynh trong chương trình Tư vấn mùa thi diễn ra tại TP.Kon Tum ngày hôm qua.

15 năm Tư vấn mùa thi: Chọn hướng đi vừa sức

Học sinh Trường PT dân tộc nội trú Kon Tum đặt câu hỏi với ban tư vấn - Ảnh: Nguyễn Tập

Chương trình do Báo Thanh Niên phối hợp với Bộ GD-ĐT tổ chức, Đài phát thanh - truyền hình Kon Tum phát sóng trực tiếp với sự tham gia của hơn 1.000 học sinh lớp 12 trong TP.Kon Tum.

Đừng đổ xô vào ĐH khi không đủ năng lực

Học sinh Văn Đinh Ngọc Lan, lớp 12A4 Trường THPT chuyên Kon Tum đã khiến các chuyên gia tư vấn suy nghĩ khi đặt câu hỏi: “Em thấy học CĐ, trung cấp và học nghề ra cơ hội việc làm cao, công việc ổn định nhưng không hiểu vì sao các bạn cứ đổ xô thi vào ĐH. Trong khi thực tế thất nghiệp rất nhiều. Vậy việc thi ĐH là do nhu cầu xã hội cần trình độ ĐH hay do tâm lý?”.

Tiến sĩ Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM đánh giá: “Đây là câu hỏi hay nhất trong quá trình tôi đi tư vấn. Trước khi làm hồ sơ, các em cần lưu ý đến năng lực mình phù hợp với lĩnh vực nghề nghiệp nào, bậc học nào? Nhu cầu nhân lực của ngành đó hiện nay và trong vài năm nữa ra sao? Nếu lực học không khá giỏi, thà các em chọn học bậc CĐ hoặc trung cấp, ở một ngành nghề mà xã hội đang thiếu còn hơn là cố gắng vào ĐH nhưng học một ngành mình không yêu thích và lao động ngành đó đang dư thừa”.

Thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM nhận định thêm: “Do tâm lý ai cũng muốn mình có bằng ĐH nên nhiều em không lưu ý đến năng lực bản thân, điều kiện gia đình. Nhu cầu lao động bậc ĐH cũng chỉ chiếm một tỷ lệ nhất định, thấp hơn tổng nhu cầu nhân lực tốt nghiệp bậc CĐ và trung cấp. Việc phân luồng trình độ đào tạo của nước ta cũng cần phải xem xét lại”.

Thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ khuyên các thí sinh và phụ huynh cần nhận thức lại và xem xét năng lực của bản thân, nhu cầu của xã hội để tránh tình trạng đổ xô học ĐH nhưng ra trường lại thất nghiệp. Trong khi đó, thí sinh vẫn có thể chọn bậc học thấp, rồi trong quá trình làm việc nếu có điều kiện thì tiếp tục học liên thông lấy bằng ĐH vẫn chưa muộn.

Ngành nhiều chỉ tiêu nhưng ít thí sinh chọn

Trong khi đó, nhiều học sinh muốn biết về các ngành học dễ trúng tuyển ở các trường ĐH. Các chuyên gia tư vấn đã đưa ra nhiều thông tin khá thú vị, theo đó, các ngành học nhiều chỉ tiêu nhưng ít thí sinh lựa chọn và các ngành học mới mở sẽ giúp cho thí sinh có nhiều cơ hội trúng tuyển hơn cả.

Thạc sĩ Vũ Thu Hương, Phó GĐ Cơ sở 2 Trường ĐH Lâm nghiệp cho biết thêm: “Cơ sở 2 Trường ĐH Lâm nghiệp có ngành mới mở là công nghệ chế biến lâm sản”. Thạc sĩ Bùi Thanh Đạo, Trưởng ban Tuyển sinh Trường ĐH Quang Trung cũng thông tin năm nay trường mới bắt đầu tuyển sinh ngành ngôn ngữ Anh chuyên ngành thương mại du lịch với chỉ tiêu 100. “Ngành này đào tạo chuyên sâu về ngôn ngữ, văn hóa Anh. Ngoài ra còn có kiến thức bổ sung về thương mại, du lịch, nhà hàng khách sạn… Ra trường các em có thể làm việc tại các công ty trong và ngoài nước trong lĩnh vực thương mại, du lịch. Ngoài ra ngành kinh tế nông nghiệp hằng năm tuyển khoảng 200 chỉ tiêu nhưng số lượng thí sinh dự thi còn ít” - thạc sĩ Bùi Thanh Đạo chia sẻ.

Thạc sĩ Trần Hải Nguyên (Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng) cho rằng thí sinh có nhiều cơ hội đậu nếu thi vào ngành giáo dục thể chất, trong đó có các chuyên ngành về võ cổ truyền và công nghệ spa - y sinh học, thể dục thể thao. Còn ở Trường ĐH Lạc Hồng, thí sinh ít quan tâm đến nhiều ngành học khối C nên nếu thí sinh thi vào sẽ có nhiều khả năng trúng tuyển. Bên cạnh đó, các ngành công nghệ hóa, sinh học, môi trường chỉ lấy điểm chuẩn khoảng 13, 14.

Chương trình Tư vấn mùa thi sẽ tiếp tục diễn ra ở các tỉnh miền Trung từ ngày 7.3.

Mỹ Quyên - Phạm Anh

>> 15 năm Tư vấn mùa thi: Giúp hoc sinh tiếp cận thông tin mới
>> 15 năm Tư vấn mùa thi: Giải đáp những thắc mắc cụ thể
>> 15 năm Tư vấn mùa thi: Nhiều phương thức hỗ trợ học phí

Tư vấn mùa thi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.