Thi vào nhóm ngành quản trị - dịch vụ: Thí sinh cần nhiều kỹ năng mềm

04/03/2014 13:20 GMT+7

(TNO) Tiếp tục chương trình trực tuyến truyền hình với chủ đề 'Chọn nghề phù hợp’, buổi tư vấn về những lưu ý khi dự thi nhóm ngành quản trị - dịch vụ vào lúc 14 giờ 30 chiều nay (4.3) đã giải đáp nhiều yếu tố về kỹ năng mềm giúp học sinh có thể thành công khi chọn khối ngành này.

>> Thi khối ngành y, dược, sức khỏe và nông lâm: Thí sinh cân nhắc thật kỹ
>> Thí sinh chọn khối ngành kinh tế, tài chính, luật: Việc làm trong tầm tay

Tham dự chương trình có chuyên gia đến từ các trường ĐH, CĐ gồm:

  • Thầy Châu Minh Quí- Phó Trưởng phòng Đào tạo  Trường ĐH Tài chính - Marketing
  • Thạc sĩ Võ Văn Tuấn, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Văn Lang
  • Thạc sĩ Hoàng Đức Bình, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Hoa Sen
  • Thạc sĩ Nguyễn Quốc Hợp, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Hiến
  • Thạc sĩ Ngô Thị Quỳnh Xuân, Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề du lịch Sài Gòn
  • Cô Nguyễn Thị Viển, Trưởng phòng Thanh tra Trường CĐ Văn hóa nghệ thuật và du lịch Sài Gòn.

Bạn đọc quan tâm có thể gửi câu hỏi về chương trình qua địa chỉ: www.thanhnien.com.vn hoặc điện thoại vào đường dây nóng trực tuyến số: (08).39256248.

 
Các thầy cô nhận hoa từ Ban tổ chức chương trình tư vấn tuyển sinh - Ảnh: Đ.N.T

14 giờ 30 phút, chương trình tư vấn tuyển sinh trực tuyến về chủ đề những lưu ý khi dự thi nhóm ngành quản trị - dịch vụ bắt đầu.

Nhà báo Thùy Ngân, Phó ban Thanh Niên - Giáo dục báo Thanh Niên, cho biết theo thông tin từ Trung tâm dự báo nguồn nhân lực và thị trường lao động TP.HCM, trong năm 2014 nhóm ngành du lịch, công nghệ thông tin, cơ khí, kinh tế… sẽ lên ngôi. Dự đoán, năm này nhu cầu tuyển dụng của nhóm ngành du lịch - nhà hàng - khách sạn tăng khoảng 50% so với năm 2013. Nhưng sinh viên ra trường mỗi năm chỉ đáp ứng 60% nhu cầu.

Đặc biệt năm 2015, khi VN bước vào cộng đồng kinh tế ASEAN, trong đó quản lý và du lịch là 2 lĩnh vực ngành nghề VN phải cạnh tranh nhiều nhất.

Mở đầu chương trình, nhà báo Võ Ba, Trưởng ban Thanh niên  - Giáo dục, Báo Thanh Niên tặng hoa cho các thầy cô tham gia buổi tư vấn.

Thi, xét tuyển ngành du lịch, dịch vụ

Một bạn đọc gửi câu hỏi đến chương trình: “Em muốn theo học ngành quản trị thương hiệu nhưng không rõ lắm công việc sau này ra làm là gì? Em muốn học song song hai ngành trong một trường được không?".

Thầy Châu Minh Quí, Phó trưởng Phòng Đào tạo, Trường ĐH Tài chính – Marketing, tư vấn: ĐH Tài chính – Marketing có ngành Quản trị Marketing, là ngành chủ lực của trường. Trong đó có chuyên ngành quản trị thương hiệu. Ngành này giúp phát triển thương hiệu của một doanh nghiệp: xây dựng chiến lược giúp người tiêu dùng từ chưa biết được một thương hiệu, cho đến biết và sử dụng thương hiệu; giúp triển khai một sản phẩm của một doanh nghiệp đến người tiêu dùng.

Hiện nay, trường cũng mở thêm một chuyên ngành mới là Truyền thông marketing, dựa trên sự phát triển mạnh của công nghệ thông tin, trong đó đào tạo các công cụ truyền thông để xây dựng chiến lược kinh doanh, quảng bá thương hiệu.

 
Thầy Châu Minh Quí, Phó trưởng Phòng Đào tạo, Trường ĐH Tài chính – Marketing - Ảnh: Đ.N.T

"Ngành quản lý khách sạn khác với quản trị kinh doanh như thế nào? Em dự định đăng ký thi vào ngành quản lý khách sạn nhưng thấy ra trường khó xin việc làm quá, còn làm về phục vụ hay tiếp viên nhà hàng thì mình chỉ cần học trung cấp là có thể đi làm được rồi, vậy học trình độ đại học ngành này là mình ra làm gì trong đó, em chưa hình dung được. Em muốn kinh doanh nhà hàng, khách sạn thì em nên học ngành Quản trị kinh doanh hay Quản lý khach sạn?", một bạn đọc ở Bình Dương đặt câu hỏi.

Thạc sĩ Hoàng Đức Bình, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Hoa Sen cho biết: trường có ba ngành liên quan đến dịch vụ là: dịch vụ du lịch và lữ hành, khách sạn và quản trị dịch vụ ăn uống được đào tạo bậc đại học. Còn em thích quản trị khách sạn nhưng sợ nhu cầu tuyển dụng ít? Tôi khẳng định xã hội đang phát triển nhanh về dịch vụ, nhu cầu ở ngày càng gia tăng.

 
Thạc sĩ Hoàng Đức Bình, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Hoa Sen - Ảnh: Đ.N.T

Ở TP.HCM,  nhiều khách sạn cao cấp được mọc lên nhưng đội ngũ này chưa có nhiều chuyên môn. Do đó em có thể yên tâm với nhu cầu tuyển dụng trong ngành này. Đặc biệt, nhu cầu tuyển dụng nhóm ngành này càng ngày càng khắt khe. Đối với câu hỏi liên quan đến nhà hàng và dịch vụ ăn uống, tôi xin trả lời cũng có nhiều kiểu nhà hàng, có thể là quán ăn, tiệm ăn nhưng có thể đó là nhà hàng 4-5 sao, cụm vui chơi giải trí, dịch vụ cao… đòi hỏi trình độ cao, tính chuyên nghiệp cao.

 
Thạc sĩ Võ Văn Tuấn, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Văn Lang - Ảnh: Đ.N.T

Thạc sĩ Võ Văn Tuấn, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Văn Lang chia sẻ thêm: Quản trị kinh doanh và quản trị khách sạn đều thuộc nhóm ngành quản lý kinh doanh. Trường có 6 ngành liên quan lĩnh vực này: quản trị kinh doanh, dịch vụ du lịch lữ hành, quản lý nhà hàng khách sạn, quản trị thương mại, kế toán, tài chính.

Quản trị khách sạn đào tạo kỹ năng, nghiệp vụ liên quan quản lý khách sạn; còn quản trị kinh doanh thì rộng hơn. Nếu mong muốn theo ngành du lịch thì thi quản trị khách sạn. Quản trị kinh doanh rộng hơn nhưng không chuyên lĩnh vực du lịch.

Một bạn đọc Sóc Trăng thắc mắc: “Em thi khối C vào ngành Quản trị du lịch và lữ hành được không? Thi khoảng bao nhiêu điểm thì đậu?".

Thạc sĩ Nguyễn Quốc Hợp, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Hiến, cho biết: Trường ĐH Văn Hiến có hai ngành khối C đào tạo về du lịch là Quản trị dịch vụ du lịch và Quản trị khách sạn – nhà hàng. Tùy nguyện vọng và năng lực của em thì em có thể xét tuyển vào ngành này.

 
Thạc sĩ Nguyễn Quốc Hợp, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Hiến - Ảnh: Đ.N.T

Theo thạc sĩ Ngô Thị Quỳnh Xuân, Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề du lịch Sài Gòn bổ sung thêm: Trường hệ CĐ nghề nên xét tuyển dựa vào kết quả học tập trên học bạ của cấp THPT vào ngành Quản trị lữ hành. Học ngành này ra trường, sinh viên có thể làm thiết kế tour của các công ty du lịch.

Cô Nguyễn Thị Viển, Trưởng phòng Thanh tra Trường CĐ Văn hóa nghệ thuật và du lịch Sài Gòn thông tin, trường hiện có số lượng sinh viên học ngành du lịch đông nhất toàn quốc và có số lượng sinh viên đi tour du lịch đông nhất cả nước.

Một học sinh khác hỏi trực tiếp tại buổi tư vấn: "Có trường nào liên kết với nước ngoài hay không? Em muốn học phải làm gì?".

Thạc sĩ Hoàng Đức Bình, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Hoa Sen cho biết: Nhóm ngành dịch vụ của trường có nhóm ngành liên kết với Pháp. Chương trình này học tại Hoa Sen, do giáo viên nước ngoài và trong nước giảng dạy. Đây là chương trình đào tạo về quản trị nhà hàng, được nhiều doanh nghiệp đánh giá cao. 

Chương trình đào tạo trong 3 năm. Các em có 3 học kỳ thực tập ở các khách sạn 4-5 sao, 3 học kỳ học ở nhà trường. Khi sinh viên ra trường các em có được 1,5 năm kinh nghiệm làm tại các khách sạn. Tốt nghiệp, trường sẽ giới thiệu việc làm cho các khách sạn đối tác của trường. Các em có thể thi tuyển để vào nhóm ngành này, hoặc thi tuyển đầu vào riêng biệt do Pháp yêu cầu.

Thầy Châu Minh Quí, Phó Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Tài chính - Marketing bổ sung thêm: Từ năm 2012, trường có chương trình đào tạo chất lượng cao và đặc biệt. Các em phải thi tuyển đầu vào. Trường có chính sách là các em học sau 2 năm tại trường rồi có thể đăng ký học ở một trường ở Mỹ, Pháp… Muốn học chương trình này, các em phải có khả năng tài chính bởi học phí khá cao và cần phải có khả năng ngoại ngữ. Bằng tốt nghiệp do trường nước ngoài cấp. Một chương trình khác là trường liên kết với đại học Malaysia. Các em có thể tìm hiểu trong website của trường hay tại trường.

Thạc sĩ Võ Văn Tuấn, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Văn Lang lưu ý: Trường không tổ chức thi tuyển mà tổ chức xét tuyển theo quy định của Bộ GD - ĐT. Trường có hai ngành hợp tác với nước ngoài là: ngành quản trị khách sạn và du lịch lữ hành. Học phí nhóm ngành này chỉ cao hơn một tí. Thời gian học trong hai năm đầu không bắt buộc em phải giỏi tiếng Pháp. Hai năm tiếp theo nếu em thi lấy được bằng tiếng Pháp sẽ được học tiếp và học những môn chuyên ngành bằng tiếng Pháp, do giảng viên của Pháp dạy. Tốt nghiệp, sinh viên được cấp hai văn bằng gồm bằng của trường và bằng của trường bên Pháp.

"Học du lịch xong có cần học thêm chứng chỉ nghề để làm hướng dẫn viên du lịch không?", Phương Anh, học sinh lớp 12 Trường THPT Vĩnh Viễn thắc mắc.

 
 Thạc sĩ Ngô Thị Quỳnh Xuân, Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề du lịch Sài Gòn - Ảnh: Đ.N.T

Trả lời câu hỏi này, thạc sĩ Ngô Thị Quỳnh Xuân, Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề du lịch Sài Gòn nói: Muốn làm hướng dẫn viên du lịch nội địa chỉ cần tốt nghiệp trung cấp nghề hoặc trung cấp chuyên nghiệp. Hướng dân viên quốc tế chỉ cần bằng cao đẳng. Tùy theo phân ngành mà có quy định học nghiệp vụ 1 - 3 tháng.

Nếu yêu thích làm hướng dẫn viên thì xem sở thích, khả năng như thế nào vì ngành này cần kỹ năng thực hành nhiều hơn kiến thức. Trong quá trình đào tạo, trường có ít nhất từ 5- 6 tour du lịch đi trong nước hoặc ở nước lân cận. Trong quá trình học thường yêu cầu sinh viên phải mạnh dạn thể hiện bằng các lần thuyết minh trong lớp.

 
Cô Nguyễn Thị Viển, Trưởng phòng Thanh tra Trường CĐ Văn hóa nghệ thuật và du lịch Sài Gòn - Ảnh: Đ.N.T

Cô Nguyễn Thị Viển, Trưởng phòng Thanh tra Trường CĐ Văn hóa nghệ thuật và du lịch Sài Gòn tư vấn thêm: Ở trường chúng tôi hiện nay có các đợt kiến tập cho sinh viên, mỗi đợt kiến tập có quá trình thuyết trình trên xe. Sinh viên trước khi đi kiến tập phải chuẩn bị, viết đề tài... Với nghề hướng dẫn viên du lịch sinh viên phải mạnh dạn, yêu ngành nghề của mình, rèn luyện sức khỏe để đi tour.

"Em học khối D, điểm thi thử khoảng 14-15 điểm. Em muốn học quản trị du lịch và dịch vụ ở trường Văn Hiến có được không? Em học ở Quảng Ngãi 2 năm nhưng năm nay chuyển vào học ở TP.HCM, vậy có được điểm ưu tiên không?" - một học sinh đặt câu hỏi qua điện thoại cho chương trình.

Thạc sĩ Nguyễn Quốc Hợp, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Hiến giải đáp: Điểm xét tuyển của trường trong những năm gần đây thường xấp xỉ cao hơn điểm sàn 1 điểm. Điểm của em 14-15 điểm, có khả năng trúng tuyển. Năm nay dự kiến sẽ bỏ điểm sàn xét tuyển. Vậy em cần theo dõi quy chế xét tuyển sẽ được bộ GD - ĐT ban hành từ ngày 10.3.

Về câu hỏi thứ hai, căn cứ vào quy chế tuyển sinh năm 2013, trong ba năm cuối cấp em học ở đâu lâu hơn thì được xét tuyển theo khu vực đó. Ví dụ trong 3 năm cấp 3, em học ở Quảng Ngãi 2 năm, TP.HCM 1 năm thì được xét tuyển theo khu vực Quảng Ngãi. Trong trường hợp thời gian học bằng nhau thì điểm ưu tiên xét tuyển sẽ dựa theo thời gian học sau cùng của em.

Những yếu tố cần trong ngành du lịch, khách sạn

"Em thích ngành quản lý nhà hàng - khách sạn nhưng không yêu thích ẩm thực. Vậy cho em hỏi ngành Quản trị nhà hàng - khách sạn có đòi hỏi phải yêu thích ẩm thực không? Ngành này đòi hỏi tố chất gì?", một bạn đọc thắc mắc.

Thạc sĩ Hoàng Đức Bình, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Hoa Sen nói thêm: Trước khi làm nghề gì đó ta phải yêu nghề trước mới làm quản lý ngành được. Nếu chỉ quản lý thôi thì không thể dấn thân được. Riêng lĩnh vực nhà hàng - dịch vụ - ăn uống phải có hiểu biết, đam mê, nếu không thì không thể quản lý thành công được.

Một bạn đọc ở An Giang gửi câu hỏi cho chương trình: Em thấy Trường ĐH Văn Hiến có Ngành Việt Nam học gồm hai chuyên ngành là hướng dẫn viên du lịch và văn hóa du lịch. Thầy cho em biết hai ngành này ngành nào dễ xin việc làm hơn?

Thạc sĩ Nguyễn Quốc Hợp, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Hiến, cho biết: Ngành Việt Nam học của trường năm nay có mở chuyên ngành Văn hiến Việt Nam, đào tạo về kiến thức văn hóa, văn hiến của Việt Nam. Tuy nhiên, để ra làm hướng dẫn viên du lịch thì em nên chọn ngành Quản trị Du lịch và Dịch vụ lữ hành.

Theo quy định hiện hành, học sinh - sinh viên học ngành hướng dẫn viên du lịch của trường nào mà trong bảng điểm có tên chuyên ngành hướng dẫn viên du lịch thì sẽ có thể nộp hồ sơ, được Sở VH – Thể thao và Du lịch xem xét cấp thẻ hành nghề hướng dẫn viên du lịch.

Còn học ngành khác có liên quan thì phải đi học thêm khóa đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ hướng dẫn viên du lịch thì mới có thẻ hành nghề. Trường ĐH Văn Hiến hiện có các khóa đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ này.

 
Nhiều câu hỏi được học sinh gửi đến buổi tư vấn tuyển sinh - Ảnh: Đ.N.T

Một học sinh đặt câu hỏi: "Tính em rất sâu sắc, cẩn thận, nhạy cảm, theo thầy em nên theo học ngành nào?"

Thầy Châu Minh Quí, Phó Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Tài chính - Marketing trả lời: Câu hỏi này rất khó. Có trường hợp tôi gặp một em học sinh rất nhút nhát hỏi nên học ngành nào. Em này nói rất thích học sư phạm vì yêu trẻ em. Sau khi hai thầy trò nói chuyện cuối cùng tôi thấy em này đã rất tự tin. Quan trọng là em yêu trẻ, đó là yếu tố cần thiết cho nghề sư phạm.

Ngành nghề nào cũng đòi hỏi sự cẩn thận, yêu nghề. Ở đây em sâu sắc, nhạy cảm có thể hướng đến những ngành có chiều sâu. Đối với nhóm ngành kinh tế ở trường chúng tôi cần phải cẩn thận, có tính nhạy cảm. Cái này cũng phải rèn luyện. Nhóm ngành kỹ thuật cũng cần cẩn thận, nhạy cảm. Đây là một số ví dụ để em chọn lựa.

“Em thích làm hướng dẫn viên du lịch nhưng bị say xe vậy em nên chọn ngành nào trong khối ngành du lịch cho phù hợp”, một bạn đọc băn khoăn.

Thạc sĩ Ngô Thị Quỳnh Xuân, Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề du lịch Sài Gòn, tư vấn: Qua quá trình đào tạo, cô nhận thấy một số bạn học hướng dẫn viên cũng say xe trong chuyến đi đầu tiên. Tuy nhiên, ngành này cần sự đam mê, yêu thích, sức khỏe và phải có sự rèn luyện từ từ.

Trong quá trình học tập sinh viên sẽ được rèn luyện từng bước từ tour một ngày đến tour xuyên Việt dài ngày. Có những bạn đi tour đầu lên xe mặt xanh lè nhưng qua thời gian dài đào tạo, rèn luyện đã có thể đi những tour xuyên Việt dài mà vẫn tỉnh, không những không say xe mà còn có thể thuyết minh, hát, đọc thơ, tổ chức các hoạt động trong suốt chuyến đi. Cô nghĩ chỉ cần đam mê là em có thể rèn luyện sức khỏe và khả năng thích ứng, hết say xe của mình.

Câu hỏi thú vị khác của bạn đọc ở Long An chuyển đến chương trình: Em muốn khi tốt nghiệp mình sẽ được làm quản lý các công việc, điều hành các tour du lịch, em nên chọn ngành nào cho phù hợp. Và xin hỏi thêm muốn nhanh thăng tiến trong công việc ngoài chuyên môn em được học ở trường, em cần rèn luyện bản thân như thế nào?

Cô Nguyễn Thị Viển, Trưởng phòng Thanh tra Trường CĐ Văn hóa nghệ thuật và du lịch Sài Gòn tư vấn: Làm nghề nào em phải có niềm đam mê với ngành mới có thể yêu nghề và tập trung làm việc tốt. Ngoài học ở trường cũng phải trau dồi kiến thức bên ngoài để học hỏi kinh nghiệm những người đi trước.

"Em rất thích du lịch, nhưng em học môn sử và địa chỉ đạt ở mức trung bình. Theo thầy em nên chọn ngành văn hóa du lịch và văn hóa Việt Nam có phù hợp không? Với sức học của em thì khả năng trúng tuyển như thế nào. Ngành này có dễ xin việc khi tốt nghiệp không?", một bạn đọc ở Hà Nam đặt câu hỏi.

Thạc sĩ Nguyễn Quốc Hợp, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Hiến giải đáp: Làm trong ngành du lịch cần có kiến thức nền tảng về đất nước, xã hội, văn hóa, phong tục, tập quán... Nếu có sở trường 2 môn sử, địa thì có thể đăng ký xét tuyển theo khối C, các ngành du lịch, Việt Nam học (năm nay có chuyên ngành mới Văn Hiến Việt Nam). Trường chuyên đào tạo xã hội và nhân văn nên em có thể lựa chọn các ngành khác liên quan khối C như ngữ văn, tâm lý học, xã hội học, đông phương học.

"Em muốn hỏi trường CĐ du lịch Sài Gòn là muốn thi vào trường có cần phải có ngoại hình không, một số yêu cầu của trường ra sao?", Bùi Trọng Toàn, học sinh trường THPT Vĩnh Viễn (TP.HCM) thắc mắc.

Thạc sĩ Ngô Thị Quỳnh Xuân, Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề du lịch Sài Gòn lý giải cặn kẽ: Du lịch có hai mảng khách sạn và lữ hành. Đối với mảng lữ hành đòi hỏi người học năng động, còn với mảng khách sạn thì đòi hỏi một chút về ngoại hình. Tôi xin nhấn mạnh ngoại hình ở đây là sự duyên dáng, thân thiện, ánh nhìn cởi mở sẵn sàng phục vụ khách của bạn. Riêng ở khách sạn 4-5 sao, có thể họ sẽ đòi hỏi cao hơn về ngoại hình.

Bạn đọc hỏi: “Em muốn học du lịch - lữ hành nhưng tính em lại không năng động lắm vậy em cần phải rèn luyện như thế nào để học ngành này? Học lực khối D1 của em chỉ ở mức trung bình thì em nên chọn thi ngành nào?".

Thạc sĩ Võ Văn Tuấn, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Văn Lang tư vấn: Năng động là một yếu tố được đòi hỏi khi làm ngành du lịch - lữ hành này. Người nào năng động thì có thể đi theo các tour, còn không thì chỉ làm việc văn phòng. Tuy nhiên, tôi nghĩ bất cứ ngành nghề nào muốn phát triển thì cũng cần năng động. Em cần rèn luyện thêm cho mình kỹ năng này.

Nếu em học khối D1 chỉ có học lực trung bình thì hiện các ngành liên quan đến kinh tế khối D1 những năm gần đây chỉ lấy bằng điểm sàn.

"Học ngoại ngữ không tốt lắm em có thể thi vào học ngành tài chính, marketing, tài chính, ngân hàng được không?", Đình Nhân, học sinh Trường THPT Vĩnh Viễn TP.HCM đặt câu hỏi tại buổi tư vấn.

Thầy Châu Minh Quí, Phó Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Tài chính - Marketing thông tin: Người giỏi ngoại ngữ thì trước hết phải có năng khiếu. Nếu chúng ta không có năng khiếu thì cần cù cũng có thể bù đắp được phần nào. Khi tốt nghiệp ra trường cần một số kỹ năng để đi làm tốt, ngoại ngữ là một trong những kỹ năng đó.

 
Các học sinh trường Vĩnh Viễn chăm chú theo dõi buổi tư vấn tuyển sinh - Ảnh: Đ.N.T

Đối với ngành tài chính ngân hàng, nếu chuyên tâm học ngoại ngữ em sẽ dễ thành công hơn khi ra trường bên cạnh kiến thức chuyên môn học được.

Đòi hỏi kỹ năng ngoại ngữ

Nhà báo Thùy Ngân đặt vấn đề cho các khách mời tư vấn thêm cho các em về ngoại ngữ và những kỹ năng quan trọng đối với sinh viên ngành du lịch - dịch vụ để có thể cạnh tranh trên thị trường lao động và thành công trong bối cảnh hội nhập hiện nay.

Thạc sĩ Hoàng Đức Bình, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Hoa Sen: Ngành du lịch, nhà hàng, khách sạn đòi hỏi nhiều kỹ năng rất cao. Các kỹ năng này cần được giảng dạy, thực hành trong môi trường chuyên nghiệp. Trong đó, truyền thông là vấn đề quan trọng, nói cụ thể đó là nghe – nói ngôn ngữ Quốc tế mà hiện giờ là tiếng Anh. Các bạn phải nói được mà không chỉ nói để người ta nghe mà người ta phải hiểu, phải thuyết phục được người ta. Làm du lịch mà không biết tiếng Anh thì không thể phát triển được.

Thạc sĩ Nguyễn Quốc Hợp, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Hiến, đánh giá kỹ năng ngoại ngữ là yêu cầu quan trọng để sinh viên ra trường có thể tham gia vào thị trường lao động, hội nhập quốc tế. Hiện nay, nhiều trường đã đặt chuẩn đầu ra về ngoại ngữ đối với sinh viên. Các bạn cần học để đáp ứng được chuẩn ngoại ngữ đầu ra và yêu cầu của thị trường lao động.

Thầy Châu Minh Quí, Phó Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Tài chính - Marketing cho rằng đây là điều lo lắng không chỉ của sinh viên, nhà trường mà cả xã hội. “Tôi thấy các em học nhiều lắm nhưng ra trường không sử dụng được ngoại ngữ. Với trường, có giải pháp: khi sinh viên trúng tuyển, chúng tôi sẽ kiểm tra Toeic và sẽ được đào tạo nâng cao trình độ ngoại ngữ khi ra trường”, thầy Quí nói.

Thạc sĩ Võ Văn Tuấn, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Văn Lang, khuyên học sinh, sinh viên cần bổ sung thêm kỹ năng ngoại ngữ vì đây là kỹ năng quan trọng. Bên cạnh đó là ngoại hình, sự chỉn chu và cần nhất là "đẹp" trước mặt mọi người" khi nở nụ cười thân thiện.

Đặc biệt, qua quá trình đào tạo của trường thì những sinh viên nào giỏi tiếng Anh đều rất thành công trong lĩnh vực này. Học du lịch, ngoài tiếng Anh, để giỏi sinh viên cần phải học thêm một ngoại ngữ phụ, tối thiểu là hai ngoại ngữ.

Thạc sĩ Ngô Thị Quỳnh Xuân, Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề du lịch Sài Gòn, chia sẻ: Kết quả điều tra của EU về việc các doanh nghiệp du lịch mong đợi gì ở nhân sự ngành du lịch thì đầu tiên là thái độ, tác phong phục vụ; thứ hai là ngoại ngữ mà hiện nay là tiếng Anh và thêm một ngoại ngữ phụ. Đối với trường thì ngoại ngữ là kỹ năng mà trường chú trọng đào tạo sinh viên. Học tốt ngoại ngữ thì sinh viên ra trường mới thành công. Thứ ba mới là kỹ năng nghề. Cuối cùng là kỹ năng mềm.

Cô Nguyễn Thị Viển, Trưởng phòng Thanh tra Trường CĐ Văn hóa nghệ thuật và du lịch Sài Gòn lưu ý thêm: Nhà trường hàng năm có tổ chức hùng biện về tiếng Anh do người bản xứ dạy. Nhà trường rất quan tâm tới những học sinh và dành cho những suất học bổng (giá trị 1 năm). Giảm học phí cho học sinh thi đầu vào có điểm tiếng Anh cao.

 
Toàn cảnh buổi tư vấn trực tuyến - Ảnh: Đ.N.T

"Năm nay các trường có ngành nào mới, chính sách học bổng, học phí đối với sinh viên ra sao?", một học sinh đặt câu hỏi.

Thạc sĩ Hoàng Đức Bình, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Hoa Sen cho biết: Trường có 21 ngành đại học, 8 ngành cao đẳng. Trường tổ chức thi, một số ngành sẽ xét tuyển. Các em sẽ học một số ngành có giáo trình tiếng Anh và có ngành thì 100% bằng tiếng Anh. Trường có chương trình học bổng tổng trị giá 6,4 tỷ đồng. Năm rồi trường cấp khá nhiều học bổng toàn phần hoặc 75% - 50% cho sinh viên. Các em tìm hiểu thông tin đầy đủ thì lên website của trường.

Thạc sĩ Nguyễn Quốc Hợp, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Hiến: Trong những năm gần đây trường luôn cam kết mức học phí thấp, khoảng 7 triệu/học kỳ, tức 13-14 triệu/năm. Trường có nhiều chế độ cho người học như học bổng thu hút, năm 2014 trường dành 2,5 tỷ đồng cho dạng học bổng này, trong đó tập trung vào nhóm ngành xã hội, nhân văn. Nhóm học bổng đầu vào cho thí sinh thi vào trường có học bổng tài năng. Các em xem chi tiết ở website của trường. Trường kí hợp đồng với hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM để tạo điều kiện các em có việc làm sau khi ra trường.

Thầy Châu Minh Quí- Phó Trưởng phòng Đào tạo  Trường ĐH Tài chính - Marketing nói thêm: Năm nay trường có mở chuyên ngành mới là truyền thông marketing, ngành tài chính ngân hàng có chuyên ngành hải quan, ngành hệ thống thông tin quản lý có chuyên ngành tin học quản lý.

Trường mở chương trình đào tạo chất lượng cao, chương trình đặc biệt, chương trình liên kết với nước ngoài.

Học phí hỗ trợ năm 2013 theo học chế tín chỉ là 220.000 đồng/tín chỉ. Nếu học một năm thì khoảng 6 – 6,5 triệu/năm. Hàng năm có học bổng hỗ trợ sinh viên nghèo, vượt khó.

Thạc sĩ Võ Văn Tuấn, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Văn Lang cho biết: Trường tuyển sinh 18 ngành năm 2014, xét tuyển theo kì thi 3 chung. Đang dự kiến tuyển thêm khối H1 và B1. Trường tuyển chỉ tiêu 2.000 cho tất cả các ngành.

Học phí của trường không thay đổi trong suốt khóa học. Trường cho vay trung bình 10 triệu đồng/năm. Anh chị em học cùng trường được giảm học phí. Bạn học có anh chị em đã tốt nghiệp cũng được giảm 8%.

Có 5 mức học bổng công bố theo từng lớp từ 100% - 10% nếu đủ 7 điểm/môn trở lên.

Thạc sĩ Ngô Thị Quỳnh Xuân, Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề du lịch Sài Gòn bổ sung thêm: Trường chỉ xét tuyển học bạ, không tổ chức thi tuyển. Trường tập trung đào tạo du lịch. Năm nay có thêm 2 ngành mới là bếp (kỹ thuật chế biến món ăn) và quản trị nhà hàng.

Học phí trung bình 5 triệu đồng/học kì, không thay đổi học phí trong suốt 3 năm liền. Có học bổng doanh nghiệp, học bổng của người sáng lập trường, các giải thưởng dành cho sinh viên tài năng.

Cô Nguyễn Thị Viển, Trưởng phòng Thanh tra Trường CĐ Văn hóa nghệ thuật và du lịch Sài Gòn nói tiếp: Trường đào tạo 4 nhóm ngành du lịch, kinh tế, ngoại ngữ, nghệ thuật. Trường vừa tuyển sinh theo phương thức thi tuyển và xét tuyển.

Đúng 16 giờ 40, buổi tư vấn kết thúc. Hẹn gặp lại vào buổi tư vấn trực tuyến truyền hình kế tiếp diễn ra vào lúc 14 giờ 30 ngày 6.3 với chủ đề lưu ý khi thi vào các trường nhóm: công nghệ thông tin, viễn thông.

Mời các bạn xem clip buổi tư vấn:

Tư vấn chọn khối ngành công nghệ - viễn thông

Lúc 14 giờ 30 (ngày 6.3) chương trình tiếp tục với nội dung tìm hiểu khối ngành công nghệ - viễn thông tại địa chỉ www.thanhnien.com.vn.

Tham dự chương trình có chuyên gia đến từ các trường ĐH, CĐ gồm: ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM, ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông, ĐH Hoa Sen, ĐH Công nghệ TP.HCM và CĐ Kinh tế kỹ thuật Vinatex TP.HCM.

THANH NIÊN ONLINE

>> Học lực trung bình khá vẫn có cơ hội vào khối ngành kỹ thuật - công nghệ
>> Tư vấn trực tuyến truyền hình nhóm ngành y dược, sức khỏe và nông lâm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.