Học ngành tài chính - ngân hàng chỉ làm việc ở các ngân hàng?

01/03/2014 14:35 GMT+7

(TNO) * Cho em hỏi, học ngành tài chính - ngân hàng có phải ra trường chỉ làm việc tại các ngân hàng đúng không? (một học sinh Trường THPT Nguyễn Chí Thanh, TP. Pleiku, Gia Lai).

(TNO) * Cho em hỏi, học ngành tài chính - ngân hàng có phải ra trường chỉ làm việc tại các ngân hàng đúng không? (một học sinh Trường THPT Nguyễn Chí Thanh, TP. Pleiku, Gia Lai).

 Thí sinh thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013 - Ảnh: Đăng Nguyên
Thí sinh tham gia kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013 - Ảnh: Đăng Nguyên

- Thạc sĩ Dương Tôn Thái Dương, Phó trưởng phòng đào tạo, Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM): Học ngành tài chính - ngân hàng ra trường làm việc ở ngân hàng chỉ là một mảng của ngành này. Ngoài ra, các em còn có thể làm việc tại phòng phân tích tài chính, phân tích kinh doanh của các doanh nghiệp.

Một công việc khá lạ khác là các em có thể tìm hiểu thêm về quỹ đầu tư và công ty chứng khoán. Hiện nay các công ty chứng khoán đang xuống dốc, tuy nhiên thời gian này là để tạo bước đà cho thị trường chứng khoán mạnh hơn.

Sắp tới lĩnh vực ngân hàng, tài chính là cơ hội tốt cho sinh viên ra trường. Nhưng xin lưu ý là các cơ quan, doanh nghiệp cần người nhưng là nhân lực tốt. Sinh viên học cần phải trang bị cả kỹ năng và thái độ làm việc chuyên nghiệp để đáp ứng nhu cầu trong thời điểm hiện nay.

* Thưa các thầy cô trong ban tư vấn, em là học sinh ban D và có dự định thi vào ngành Ngôn ngữ Anh của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM). Em có một số câu hỏi mong được các thầy cô giải đáp:

1. Khi thi vào ngành này, điểm ngoại ngữ có được nhân đôi không? Nếu em đậu vào ngành học này của trường thì sẽ được học những kiến thức gì? Học ngành này ra trường em có thể làm việc ở đâu, ở những bộ phận hay vị trí nào?

2. Hiện nay tiếng Anh đã khá phổ cập, em không biết sau khi ra trường nhu cầu xã hội như thế nào, có dễ xin được việc làm không? (một học sinh Trường THPT Lê Lợi, TP.Pleiku, Gia Lai)

- Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM): Khi em thi vào ngành này, điểm ngoại ngữ sẽ được nhân đôi. Khi vào học, nếu có chứng chỉ tiếng Anh bên ngoài, trường sẽ kiểm tra lại xem các em có đủ điều kiện để miễn các kỹ năng đầu hay không. Nếu được miễn, thời gian học sẽ được rút ngắn. Về kiến thức, 2 năm đầu các em sẽ học các môn khoa học xã hội nhân văn, các kỹ năng nghe - nói - đọc - viết. Sau đó sẽ có các chuyên ngành để các em lựa chọn: giảng dạy, biên - phiên dịch, văn hóa văn học (Anh - Mỹ). Tùy theo chuyên ngành lựa chọn, các em sẽ học kiến thức dựa trên nền tảng đó để đi làm… Sinh viên ra trường có thể làm tại các cơ quan đối ngoại, truyền thông, đi giảng dạy, làm tại các cơ quan có sử dụng tiếng Anh.

Việc làm có thuận lợi hay không còn phụ thuộc vào việc trước đó các em có học chuyên ngữ không? Nếu học chuyên Anh ngay từ đầu, các em đã có lợi thế đi về ngôn ngữ. Tiếng Anh hiện nay rất thông dụng nhưng để giỏi thì không đơn giản. Nếu đã có nền tảng tốt, kỹ năng tốt, lại được đào tạo tại trường thì càng thuận lợi. Sinh viên giỏi tại trường đi dạy tại các trung tâm tiếng Anh có uy tín rất nhiều, thu nhập cao. Nhưng các em cần phải giỏi, chứ làng nhàng thì rất khó tìm việc trong thời điểm hiện nay. 

Đáp ứng yêu cầu của thí sinh, Báo Thanh Niên mở Hộp thư tư vấn tuyển sinh năm 2014. Khi có bất cứ thắc mắc nào về thông tin tuyển sinh của các trường, quy chế, quy định trong tuyển sinh, lựa chọn ngành nghề… thí sinh có thể gửi câu hỏi đến địa chỉ tuvanmuathi@thanhnien.com.vn.

Chúng tôi sẽ chuyển những thắc mắc của thí sinh đến các chuyên gia để có câu trả lời chính xác nhất. Phần trả lời sẽ cập nhật liên tục tại website:www.thanhnien.com.vn.

Đăng Nguyên (ghi)

>> Con gái có nên học bác sĩ đa khoa?
>> 18 điểm có trúng tuyển ngành luật?
>> Muốn trở thành nhân viên bán hàng học ngành nào?
>> Muốn thi vào ngành đạo diễn, điêu khắc
>> Trúng tuyển có được chuyển ngành?
>> Thích chế tạo robot, thi ngành nào?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.