Người làm được việc sẽ không sợ mất ghế

28/02/2014 01:35 GMT+7

Là bộ trưởng đầu tiên “cách chức” lãnh đạo doanh nghiệp do không thực hiện cổ phần hóa đúng tiến độ, Bộ trưởng Giao thông vận tải Đinh La Thăng khẳng định chỉ những doanh nghiệp yếu kém mới sợ cổ phần hóa.

Là bộ trưởng đầu tiên “cách chức” lãnh đạo doanh nghiệp do không thực hiện cổ phần hóa đúng tiến độ, Bộ trưởng Giao thông vận tải Đinh La Thăng khẳng định chỉ những doanh nghiệp yếu kém mới sợ cổ phần hóa.

Người làm được việc sẽ không sợ mất ghế
Bộ trưởng Đinh La Thăng - Ảnh: N.Thắng

 

Theo ông, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã thực hiện cổ phần hóa (CPH) với 44 doanh nghiệp (DN), năm 2014 sẽ tiếp tục CPH 11 công ty mẹ - tổng công ty (TCT) lớn.

Nhà nước sẽ nắm giữ bao nhiêu phần trăm vốn sau CPH, đặc biệt với các DN vị thế độc quyền như Vietnam Airlines, thưa Bộ trưởng?

Cổ phần chi phối của nhà nước và cổ đông chiến lược là hai nhiệm vụ quan trọng nhất của CPH. Quan điểm của Bộ với các đơn vị nhà nước không cần nắm cổ phần chi phối, dứt khoát bán hết. Vietnam Airlines là hàng không quốc gia, nhà nước giữ cổ phần chi phối là 51%. Với các đơn vị xây lắp, nhà nước sẽ không nắm cổ phần chi phối, không giữ ở mức độ có thể biểu quyết (dưới 36%). Tỷ lệ nhà nước nắm giữ bao nhiêu là yếu tố quan trọng để thu hút nhà đầu tư chiến lược và có tác động tới việc IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng - NV) có thành công hay không. Như TCT xây dựng đường thủy có tới 3 nhà đầu tư quan tâm, mỗi nhà đăng ký mua 30%. Thặng dư vốn sau CPH đều nộp về nhà nước, Bộ và DN không giữ lại.

 

Tất cả đã trên một con đường, đi cùng một con tàu, anh không đi thì phải ở lại, không thể vì mình anh mà kéo cả đoàn tàu lại

Với hai DN thua lỗ nặng nề như TCT hàng hải VN (Vinalines) và TCT công nghiệp tàu thủy VN (Vinashin trước đây), việc CPH sẽ được thực hiện như thế nào?

CPH Vinalines và Vinashin khó khăn hơn các DN khác, nhưng không phải không có cách làm. Như với Vinalines, trong năm 2014, cùng với CPH các công ty con, cảng biển sẽ thực hiện CPH công ty mẹ. Theo lộ trình cuối năm 2014 phải xong được đề án CPH công ty mẹ để báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, quý 1/2015 phải IPO xong. Việc xác định giá trị DN khó, nhưng đã thuê các đơn vị tư vấn độc lập. Cienco 8 lỗ, mất vốn còn làm được thì Vinalines cũng làm được. Chủ tịch Vinalines cũng đã hứa, và tôi cũng đã khẳng định, nếu không làm được thì mời các anh sang một bên.

CPH thì bộ trưởng không có quyền bổ nhiệm chủ tịch, tổng giám đốc các DN. Việc quyết liệt CPH có thể xem như ông tự “lấy dao chặt tay” không?

Làm bộ trưởng là làm công tác quản lý nhà nước, anh phải tạo được cơ chế cho DN phát triển, tạo được thị trường, việc làm. Lúc đó tiếng nói của anh mới quan trọng. Bộ cũng không muốn có quyết định cụ thể với DN. Hiện nay DN giao thông không được tham gia vào các dự án của WB (Ngân hàng Thế giới - NV) và ADB (Ngân hàng Phát triển châu Á - NV) mà phải đi làm thầu phụ cho nhà thầu nước ngoài, thậm chí cho DN tư nhân yếu hơn. CPH sẽ giúp các DN tham gia vào các dự án lớn này, thị trường của DN càng mở rộng. Còn để DN nhà nước, dù cơ sở pháp lý của chúng ta khá đồng bộ, nhưng cơ chế kiểm tra, kiểm soát chưa đồng bộ, trong khi mình không thể nắm tay 24 giờ được, DN mà làm sai thì mình cũng chịu trách nhiệm. Tốt nhất để DN hoạt động theo pháp luật và tự chịu trách nhiệm.

Bộ trưởng cũng chịu trách nhiệm

Không CPH được thì làm việc khác. Bộ trưởng có thể cho biết rõ hơn về quyết định cách chức chủ tịch, Tổng giám đốc Cienco 8 do chậm CPH?

Ban Cán sự Đảng của Bộ GTVT đã ra nghị quyết về CPH, trong đó xác định trách nhiệm người đứng đầu là chủ tịch, tổng giám đốc các đơn vị thành viên. Nếu không hoàn thành lộ trình và tiến độ CPH sẽ phải đi làm việc khác. Nói cách chức thì không đúng vì không có quy định về cách chức, nhưng đưa đi làm vị trí thấp hơn. Ví dụ Cienco 8 chúng tôi điều chủ tịch HĐQT về làm Vụ phó Vụ Quản lý DN của Bộ, tổng giám đốc cho nghỉ hưu, kế toán trưởng điều đi làm việc khác, thay toàn bộ bộ máy quyết định đến CPH. Đã là chủ trương thì không có chuyện thích làm hay không làm, tất cả đã trên một con đường, đi cùng một con tàu, anh không đi thì phải ở lại, không thể vì mình anh mà kéo cả đoàn tàu lại.

Các DN ngành giao thông dường như chịu nhiều áp lực hơn từ khi ông giữ cương vị Bộ trưởng, không làm được bị điều chuyển, chậm CPH cũng bị điều chuyển?

Người muốn làm việc thực sự không sợ điều chuyển, làm được việc sẽ không sợ mất ghế. Những anh yếu kém sợ CPH vì sợ mất chức, sợ cổ đông không bầu. Các DN làm tốt đều thích CPH. Đã có công nghệ, kinh nghiệm rồi, khi CPH thành tư nhân sẽ làm tốt hơn. Sau CPH, đại hội cổ đông sẽ rất công khai, minh bạch, làm không tốt cho anh “bay”, không xin ai được, đó là khách quan nhất.

Điều chuyển khi không thực hiện CPH đúng tiến độ không phải quyết định riêng của Bộ trưởng mà có nghị quyết của Ban Cán sự Đảng Bộ GTVT. Không chỉ tôi, các thứ trưởng cũng chịu chung áp lực này. Ngành giao thông đã thống nhất chủ trương, áp lực này cũng là động lực để các DN phấn đấu. Nếu DN không CPH được thì người quản lý ngành là bộ trưởng cũng chịu trách nhiệm. Thủ tướng phê bình Vinalines CPH chậm thì trước hết Bộ trưởng GTVT phải chịu trách nhiệm, các đồng chí thứ trưởng cũng phải chịu trách nhiệm. Nhưng trách nhiệm thực hiện trước hết là chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc của DN.

Thực tế cho thấy các DN đã CPH, nợ vốn chủ sở hữu giảm đi một nửa, doanh thu, lợi nhuận, việc làm của DN được tăng trưởng.

Mai Hà
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.