Cải cách trước, cách mạng sau

26/02/2014 03:15 GMT+7

Không phải bản thân động thái tấn phong 19 hồng y giáo chủ mới mà những hàm ý từ việc này mới là biểu hiện tiếp theo của Giáo hoàng Francis về quyết tâm và định hướng thay đổi nhà thờ Thiên Chúa giáo để thích ứng với những chuyển biến trên thế giới và trong giáo dân. Có vẻ giáo hoàng không chủ định phát động ngay một cuộc cách mạng triệt để mà thiên về cải cách từng bước.

Nhìn vào hàng ngũ những vị hồng y mới này đủ để thấy Giáo hoàng Francis nhằm vào 3 mục đích chính. Thứ nhất là tăng cường vị thế của các giáo phận ở các nước đang phát triển và nghèo, đặc biệt ở khu vực Mỹ La tinh.

Thứ hai, bớt quyền của bộ máy lãnh đạo ở Vatican và tăng quyền cho những vị chức sắc ở vùng ngoại vi xa.

Thứ ba, đề cao vị thế và ảnh hưởng của nhà thờ Thiên Chúa giáo ở những nước nghèo và đang phát triển. Chiều hướng được khẳng định qua đó là Giáo hoàng muốn nhà thờ trở nên đa dạng hơn, toàn cầu hơn và có tính đại diện cao hơn.

Động thái ấy phù hợp với định hướng cải cách của Giáo hoàng Francis, bao trùm cải cách hành chính ở Vatican, thay đổi tương quan ảnh hưởng giữa trung tâm với bên ngoài cũng như giữa châu Âu và phần còn lại của thế giới. Cũng được chú trọng không kém là chấn chỉnh lại tài chính và chi tiêu của tòa thánh, siết chặt kỷ cương và đạo đức, cởi mở và chân thực hơn trong việc xử lý những vụ bê bối… Giáo hoàng Francis chứng tỏ ông ý thức sâu sắc về các nguy cơ đối với Thiên Chúa giáo nên dù chưa làm được cách mạng thì cũng đã bước đầu cải tổ để cứu nguy. 

La Phù

 >> Giáo hoàng Francis vẫn dùng hộ chiếu Argentina
 >> Giáo hoàng Francis 'nổi tiếng' hơn Tổng thống Mỹ Obama
 >> Tổng thống Syria viết thư cảm ơn Giáo hoàng Francis
 >> Giáo hoàng Francis trở thành Nhân vật của năm 2013
 >> Mafia Ý muốn ám sát Giáo hoàng Francis?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.