Báu vật đờn ca tài tử - Kỳ 9: 70 năm chép bài bản cổ kim

26/02/2014 03:25 GMT+7

Ở tuổi 'gần đất xa trời', nghệ nhân - nhạc sĩ Tăng Phát Vinh mới công bố quyển sách viết tay những bài bản đờn ca tài tử mà 70 năm qua ông dày công sưu tầm, biên soạn.

 >> Báu vật đờn ca tài tử - Kỳ 8: Ngón đờn anh lái heo
 >> Báu vật đờn ca tài tử - Kỳ 7: Đệ nhất nguyệt cầm
 >> Báu vật đờn ca tài tử - Kỳ 6: Gánh hát toàn nữ nông dân

Nghệ nhân Tăng Phát Vinh vi ngón đờn kìm sâu lắng, gân guốc - Ảnh: T.Trình
Nghệ nhân Tăng Phát Vinh vi ngón đờn kìm sâu lắng, gân guốc - Ảnh: T.Trình 

Tài tử thứ thiệt

Tiếng đờn kìm réo rắt hòa cùng lời nam ai ai oán của thiếu nữ khiến người khách trú mưa không cưỡng lại được bước chân mê đắm. Chủ nhà, lão nhạc sĩ Tăng Phát Vinh, niềm nở mời người lỡ đường góp mặt vào buổi quây quần ấm cúng. Ông lão ngồi với đôi mắt lim dim, nắn nót ngón đờn kìm. Bên cạnh, thiếu nữ đẹp cất giọng như chất chứa nỗi niềm: “Trời chiều xuân, lòng buồn nhớ đến lang quân. Nơi biên ải nghìn trùng, chàng nhập ngũ binh nhung...”. Hết đoạn, ông lão lại truyền tay đờn cho người đàn ông ngồi kế. Hết bản, người này lại truyền cho người bạn ngồi gần... điệu Giang nam, Xuân tình, Nam xuân, Phụng hoàng, Tây thi... lần lượt trỗi lên. Thời gian như trôi dài bất tận. Dứt đờn, các tài tử lại rót rượu mời nhau, lại nghe ông lão góp ý... Thỉnh thoảng, ông lão lại ôm đờn thị phạm cho “các con” làm theo.

Có mặt hôm đó, chỉ có tôi là người lạ. Còn lại thì người là sĩ quan cấp tá, người là giảng viên thanh nhạc, người là doanh nhân, người làm công chạy gạo từng ngày... Không họ hàng quyến thuộc, nhưng tất cả đều gọi ông lão bằng “ba” và xưng “con”. Căn nhà ấm cúng nằm ở ngoại vi thành phố Cà Mau (ấp Cây Trâm, xã Định Bình, TP.Cà Mau) là chốn họ lui tới mỗi khi nhớ ông, khi muốn đắm mình trong tiếng tơ bổng trầm.

Nghệ nhân - nhạc sĩ Tăng Phát Vinh (88 tuổi) - cây đại thụ của đờn ca tài tử Nam bộ được biết đến như là “bộ từ điển” của bộ môn nghệ thuật này. Không chỉ lưu giữ các bài bản, ông còn là cao thủ với ngón đờn kìm “gân guốc”, thâm sâu. Mấy mươi năm, ông Ba Vinh đã thu nhận hàng trăm đệ tử, trong đó không ít người đã có danh, có phận với tiếng đờn, lời ca. Dạy học trò không lấy tiền, thỉnh thoảng thấy có người gặp khó, ông còn xin tiền vợ để cho. Ông tâm sự: “Đờn ca tài tử là tình yêu. Mà đã yêu thì không vụ lợi”. Nên các học trò của ông cũng chẳng có ai gọi ông là “thầy”. Họ gọi ông là "ba” - “Ba Vinh”.

Lo đờn ca tài tử bị “bác học hóa”

Ông nói, mình có một nỗi lo là sợ đờn ca tài tử bị “bác học hóa”, khó chơi, khó giữ cho lớp thế hệ sau. “Đờn ca tài tử là bộ môn... không có giai cấp. Đừng vì hèn mà nghĩ nó sang, mà cũng đừng vì sang mà nghĩ nó hèn”.

Nghệ nhân Tăng Phát Vinh với xấp tài liệu đờn ca tài tử ông lưu giữ hơn 70 năm
Nghệ nhân Tăng Phát Vinh với xấp tài liệu đờn ca tài tử ông lưu giữ hơn 70 năm

Thời gian trước, khi Cà Mau cùng các tỉnh ra sức sưu tầm tài liệu để đóng góp vào hồ sơ trình UNESCO công nhận đờn ca tài tử là di sản nhân loại, bất ngờ ông Ba Vinh gọi cán bộ văn hóa đến trao cho quyển sách do ông viết tay dày trên 400 trang. Trong đó, ông sưu tầm gần như đầy đủ các bài của loại hình nghệ thuật này, có cả những bài gần như thất truyền. Ông tâm sự, để có quyển sách này ông đã bỏ nhiều năm ngồi chép lại những gì được ông sưu tầm, lưu giữ trong... 70 năm. Trong quyển sách mà ông gọi là “chiếc la bàn” của người chơi đờn ca tài tử này chứa cả trăm bài cổ kim. Nó gồm 20 bản tổ, 7 bản oán biến thể, 8 bản ngự và các bản ông sưu tầm từ các tiền bối, nghệ nhân, bạn bè và hàng chục bản do chính ông sáng tác, sắp xếp, bố cục lại. Đặc biệt trong số này, có những bản còn rất ít người biết đến như: Nam xuân, Nam ai, Đảo ngũ cung, Phụng cầu, Phụng hoàng, Giang nam, Tứ đại... Có những đoạn như “sự tích bản Nam ai” được ông chép lại từ năm 1942 mà tới nay dường như chưa nghe ai nhắc tới, kể cả trong giới nghiên cứu bộ môn này. Hay có lần nghe một nghệ nhân ở Bạc Liêu ca bài Liêu giang hay quá, ông lại lặn lội gặp vị này để xin chép lại. Đi đám tiệc, thấy người ta biểu diễn bài bản hay là ông chép lại... Không chỉ sưu tầm, biên chép, ông còn sáng tác nhiều bài bản được lưu truyền rộng rãi.

Thỉnh thoảng, những ai cần bài bản đờn ca tài tử tìm đến ông, ông đều tỉ mẩn chép tay lại để tặng họ, để lưu truyền không bị “tam sao thất bổn”. Và để sau này khi ông ra đi, thế hệ nghệ nhân, tài tử không còn tìm ông được nữa thì vẫn nhớ “những căn bản của tổ tiên”.

Tiến Trình

 >> Báu vật đờn ca tài tử - Kỳ 5: Những 'tài tử huyền thoại
 >> Báu vật đờn ca tài tử - Kỳ 4: 80 năm, một tiếng đờn
 >> Báu vật đờn ca tài tử - Kỳ 3: Nguyễn Vĩnh Bảo - đệ nhất danh cầm
 >> Báu vật đờn ca tài tử - Kỳ 2: Bạch Công Tử bị bỏ quên
 >> Báu vật' đờn ca tài tử
 >> Tổ chức Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ nhất 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.