Trang web uy tín của Mỹ xin lỗi 'cha đẻ' Flappy Bird

11/02/2014 18:35 GMT+7

(TNO) Ông Stephen Totilo, người điều hành trang bình luận và tổng hợp tin tức trò chơi điện tử uy tín Kotaku (Mỹ), xin lỗi Nguyễn Hà Đông, tác giả Flappy Bird, vì những bài bình luận mang tính chỉ trích.

(TNO) Ông Stephen Totilo, người điều hành trang bình luận và tổng hợp tin tức trò chơi điện tử uy tín Kotaku (Mỹ), vào hôm 10.2 đã lên tiếng xin lỗi Nguyễn Hà Đông, tác giả Flappy Bird, vì những bài bình luận mang tính chỉ trích trò chơi này. 


Bài viết xin lỗi Nguyễn Hà Đông trên trang Kotaku - Ảnh chụp màn hình

Dong Nguyen, tôi xin lỗi vì những gì mà chúng tôi đã bình luận về đồ họa của trò chơi do anh tạo ra”, ông Totilo viết trong bài xã luận mang tựa đề “Thảm họa Flappy Bird”.

“Và tôi xin lỗi nếu những gì chúng tôi đã viết gây ra bất kỳ sự phiền phức nào cho anh. Thậm chí nếu nó không như thế, tôi cũng mong ước rằng chúng tôi đã làm khác đi”, người điều hành trang Kotaku nói.

Ông Totilo rõ ràng muốn nói về bài viết mang tựa đề “Flappy Bird kiếm 50.000 USD/ngày nhờ đồ họa chôm” đăng tải trên trang Kotaku vào hôm 7.2 của tác giả John Schreier.

Trong bài này, Schreier cho rằng những hình ảnh được xây dựng trong Flappy Bird (những cái ống, con chim và cảnh nền) giống y chang với họa tiết trong trò chơi nổi tiếng Mario của Nintendo.

Anh này thậm chí còn kết luận rằng: “Không có gì trong Flappy Bird là bản gốc cả”.

Đích thân Schreier cũng đã lên tiếng bày tỏ hối hận về cáo buộc của mình đối với Flappy Bird.

“Trong vài ngày qua, tôi đã bỏ ra rất nhiều thời gian để đọc phản hồi đối với bài viết tôi đã xuất bản hồi tuần trước. Tôi cũng đã hối tiếc rất nhiều về bài viết đó. Bài viết của tôi cẩu thả, hấp tấp và đạt dưới chuẩn thông thường”, Schreier phát biểu trong bài viết của ông Totilo.

“Đối với Kotaku, tôi xin lỗi vì đã để cho việc như vậy xảy ra. Đối với Dong Nguyen, tôi xin lỗi vì cách dùng từ ngữ nghèo nàn của mình và tôi mong bạn sẽ có được sự thanh thản”, Schreier phân trần.

Ông Totilo cũng đã thừa nhận rằng chữ “chôm” trong tựa đề bài viết của Schreier quá nặng nề và cả ông lẫn tác giả bài viết đã cảm thấy hối tiếc vì nó.

Người điều hành Kotaku nói thêm rằng tựa bài viết đã được đổi thành “Flappy Bird kiếm 50.000 USD/ngày nhờ đồ họa giống trò chơi Mario”.

“Tôi hối tiếc vì đã cho qua một bài viết mà đã không đưa ra được cái tôi cho rằng là một tranh luận rõ ràng hoặc công bằng”, theo ông Totilo.

“Tại sao một nhà làm game lại không nên xào lại đồ họa của một game cổ điển? Lý do gì mà một trò chơi phải là nguyên bản? Tại sao nó không thể pha trộn giữa các kiểu đồ họa và cách chơi hiện hành?”, ông này đặt vấn đề.

“Phóng viên của chúng tôi đã thất bại trong việc giải quyết các vấn đề này và vì thế chúng tôi đã khiến bạn đọc cũng như Dong Nguyen thất vọng với bài viết đó”, ông Totilo nói thêm.

Được biết, Tập đoàn Nintendo (Nhật Bản) vào ngày 10.2 đã lên tiếng khẳng định họ không liên quan đến việc game Flappy Bird bị gỡ khỏi hai kho ứng dụng trực tuyến App Store và Goolge Play.

Một phát ngôn viên của Nintendo khẳng định với AFP rằng: “Công ty chúng tôi đã không có bất kỳ động thái nào”.

Hoàng Uy

>> Tác giả Flappy Bird: Gỡ bỏ vì trò chơi 'gây nghiện
>> Bác tin đồn 'cha đẻ' Flappy Bird tự tử bằng súng
>> Đấu giá iPhone có cài sẵn Flappy Bird với giá khủng
>> Xuất hiện tin đồn thất thiệt về việc tác giả Flappy Bird tự sát
>> Nintendo khẳng định không kiện tác giả Flappy Bird
>> Gỡ bỏ Flappy Bird: Nguyễn Hà Đông và 'cuộc chơi' chính mình
>> Flappy Bird chính thức bị gỡ bỏ
>> Tuyên bố gỡ Flappy Bird của Nguyễn Hà Đông gây sốc
>> Cha đẻ Flappy Bird, một nạn nhân của sự đố kỵ?
>> Những đoạn tweet cuối cùng trước khi Flappy Bird bị gỡ bỏ
>> Nguyễn Hà Đông tuyên bố gỡ Flappy Bird khỏi App Store và Google Play  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.