Vi tướng tham mưu lỗi lac

09/02/2014 03:10 GMT+7

Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nói về Đại tướng Hoàng Văn Thái: “Có thể nói anh đã làm công tác tham mưu suốt cả cuộc đời”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nói về Đại tướng Hoàng Văn Thái: “Có thể nói anh đã làm công tác tham mưu suốt cả cuộc đời”.

Vi tướng tham mưu lỗi lac

Đại tướng Hoàng Văn Thái -  Ảnh: Tư Liệu

Người cầm cờ

 

Đại tướng Hoàng Văn Thái được đánh giá là một trong những tướng lĩnh có ảnh hưởng quan trọng nhất trong việc hình thành và phát triển của Quân đội nhân dân Việt Nam. Ông là vị tướng tham mưu tài giỏi, là linh hồn của Bộ Tổng tham mưu. Người Mỹ đã từng coi ông là người số 1 trong danh sách Việt cộng tại miền Nam Việt Nam

Buổi lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân ngày 22.12.1944 đã diễn ra trong điều kiện nhiều thiếu thốn. Nhưng không vì thế mà nó bớt hào hùng. Đã có những trái tim quả cảm. Và cả âm nhạc vang lên. Đó là nhạc hiệu của đội - bài hát Phất cờ Nam tiến. Lời bài ca hào sảng, khí thế: Cờ giải phóng phất cao mau thẳng tiến/... Mau bước đều lên, tiến tới cho kịp thời cơ/Phong trào lên đang sục sôi chuẩn bị khởi nghĩa/... Tung cờ giải phóng trên đất Thăng Long/Trên thành Huế, trên Sài Gòn, mũi Cà Mau...”.

Ít người biết rằng một trong số 34 đội viên đầu tiên của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã sáng tác bài hát đó. Nó được viết trong đêm trước ngày thành lập. Người đội viên ấy sau này chính là Đại tướng Hoàng Văn Thái. Trong bức ảnh về buổi lễ đó, Đại tướng chính là người cầm cờ. Ông cũng được phân công phụ trách tình báo và kế hoạch tác chiến.

Sau lần cầm cờ vẻ vang đó, cuộc đời ông còn gắn với nhiều lần phất cờ khác. Theo hồi ức của các đồng đội, trong trận đánh đồn Nà Ngần, ông cũng là người cắm lá cờ chiến thắng. Không chỉ Hoàng Văn Thái mà cả vợ ông cũng “có duyên” với lá cờ trong những ngày trọng đại. Trong buổi lễ độc lập thiêng liêng ngày 2.9.1945 ở Hà Nội, bà Đàm Thị Loan - phu nhân của ông - là một trong hai người kéo lá cờ đỏ sao vàng trên kỳ đài...

Tầm nhìn chiến lược

Ngày 7.9.1945, Chủ tịch Chính phủ lâm thời Hồ Chí Minh ra chỉ thị thành lập Bộ Tham mưu và chỉ định Hoàng Văn Thái làm Tham mưu trưởng. Ông trở thành Tổng tham mưu trưởng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam khi mới 30 tuổi. Trong suốt những chặng đường binh nghiệp về sau, Đại tướng Hoàng Văn Thái luôn tâm niệm và thực hiện đúng lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác tham mưu trong ngày giao nhiệm vụ cho ông:  “... tổ chức, huấn luyện quân đội cho giỏi; tổ chức nắm địch, nắm ta rõ ràng, bày mưu kế khôn khéo; tổ chức chỉ huy thông suốt, bí mật nhanh chóng, kịp thời, chính xác để đánh thắng mọi kẻ thù, bảo vệ cách mạng”.

Kháng chiến toàn quốc  bùng nổ tại Hà Nội, ông cùng với Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp hoàn thiện và phê duyệt kế hoạch tác chiến của Tư lệnh Mặt trận Hà Nội Vương Thừa Vũ. Cuộc chiến đấu kiên cường của quân dân Hà Nội đã kìm giữ, tiêu hao quân Pháp trong thành phố hai tháng, thêm thời gian chuẩn bị cho kháng chiến lâu dài.

 

Đại tướng Hoàng Văn Thái (1915 - 1986) tên thật là Hoàng Văn Xiêm, sinh tại làng An Khang, tổng Đại Hoàng, Thái Bình. Tốt nghiệp tiểu học Pháp - Việt loại ưu nhưng do gia cảnh ông phải bỏ học đi làm thuê. Năm 1936, do bãi công chống lại chủ mỏ thiếc Tĩnh Túc (Cao Bằng), ông bị đuổi việc. Năm 1938, ông trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1941, ông cùng với Hoàng Minh Thảo, Đàm Quang Trung, Vũ Lập được cử đi học tại Trường Quân sự Liễu Châu (Trung Quốc). Năm 1944, Hoàng Văn Xiêm về nước với bí danh mới Hoàng Văn Thái. Ngày 22.12.1944, Hoàng Văn Thái là một trong số 34 đội viên đầu tiên của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Năm 1945, ông trở thành Tổng tham mưu trưởng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Năm 1953, ông được cử làm Tham mưu trưởng chiến dịch Điện Biên Phủ. Năm 1980, ông được phong đại tướng. Ông được nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng và nhiều huân huy chương cao quý khác.

Ngày 20.1.1948, Hoàng Văn Thái nhận quân hàm thiếu tướng trong đợt phong quân hàm cấp tướng đầu tiên. Cùng đợt này còn có Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trung tướng Nguyễn Bình và các thiếu tướng Lê Thiết Hùng, Nguyễn Sơn, Chu Văn Tấn, Hoàng Sâm, Trần Tử Bình, Văn Tiến Dũng, Lê Hiến Mai, Trần Đại Nghĩa.

Năm năm sau, thiếu tướng Hoàng Văn Thái dẫn đầu đoàn cán bộ tiền trạm Bộ Tư lệnh tiền phương lên đường đi Tây Bắc. Ông được bí mật cử làm Tham mưu trưởng chiến dịch Điện Biên Phủ. Ông cũng dừng lại nghiên cứu tập đoàn cứ điểm Nà Sản rất kiên cố của Pháp. Trước đó, quân đội ta từng công kích tập đoàn này mà không thể đánh thắng. Chính những nghiên cứu thực địa kỹ lưỡng này đã giúp ông có nhiều kinh nghiệm cho trận quyết chiến Điện Biên Phủ với công sự kiên cố của quân Pháp.

Khi soạn kế hoạch tác chiến cho hai năm 1975 - 1976, Hoàng Văn Thái nhận định: “Dù bằng cách nào và bất cứ khi nào thời cơ chiến lược xuất hiện, bản kế hoạch yêu cầu các lực lượng phải ngay lập tức hành động và khai thác triệt để thời cơ, mở cuộc tấn công bằng mọi sức mạnh có thể có để giành toàn thắng trong thời gian ngắn nhất có thể được trước khi “đối phương có xu hướng can thiệp”, nghĩa là trước khi Hoa Kỳ và Trung Hoa kịp có phản ứng”.

Lịch sử đã chứng minh những nhận định này hoàn toàn chính xác, thể hiện tầm nhìn của một vị tướng chiến lược tài ba. Trong trận tổng công kích mùa xuân năm 1975, là một chỉ huy giàu kinh nghiệm chiến trường, ông được phân công là Phó chủ tịch thứ nhất Hội đồng chi viện, Phó tổng tham mưu trưởng thứ nhất. Trên thực tế ông đã đảm nhiệm vai trò tổng tham mưu trưởng lần thứ ba, thay cho tướng Văn Tiến Dũng bí mật vào Nam để trực tiếp chỉ huy chiến trường.

Năm 1980, ông được phong quân hàm đại tướng. Trước Đại hội Đảng lần thứ VI, một kỳ đại hội được dự đoán sẽ có những thay đổi lớn, 5 giờ 7 phút ngày 2.7.1986, ông đột ngột qua đời sau một cơn đau tim.

Hơn 45 năm gắn bó với từng bước trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam, đi qua hai cuộc kháng chiến, tham gia chỉ huy 15 chiến dịch lớn, Đại tướng Hoàng Văn Thái được đánh giá là một trong những tướng lĩnh có ảnh hưởng quan trọng nhất trong việc hình thành và phát triển của Quân đội nhân dân Việt Nam. Ông là vị tướng tham mưu tài giỏi, là linh hồn của Bộ Tổng tham mưu. Người Mỹ đã từng coi ông là người số 1 trong danh sách Việt cộng tại miền Nam Việt Nam.

Tài hoa, tình cảm

Là một tướng chỉ huy và tham mưu, nhưng Hoàng Văn Thái có thể chất tốt như một nhà thể thao (ông cao 1 m 75). Ông còn là một người yêu âm nhạc, là một nhạc công có tài kéo nhị. Cũng ít người biết từ năm 1949, Hoàng Văn Thái đã đề xuất hệ thống ký hiệu tổ chức đơn vị quân đội Việt Nam theo ký hiệu ABC. Từ đó đến nay, các ký hiệu chỉ từng cấp đơn vị được sử dụng thống nhất trong toàn quân.

Là một vị tướng, nhưng Hoàng Văn Thái luôn chăm sóc, dành tình thương của mình cho các chiến sĩ. Ông đã khóc khi nghe bộ đội (vẫn) trả lời “No ạ!” với phần cơm ít ỏi đạm bạc trong kháng chiến. Đối với đồng nghiệp, cấp dưới trong cơ quan, ông sống có tình có nghĩa, thường xuyên thăm hỏi động viên. Từ thời còn ở Chiến khu Việt Bắc, một số người “Việt Nam mới” (những sĩ quan Nhật ở lại Việt Nam theo Việt Minh kháng chiến) trong Bộ Tổng tham mưu đã nhận xét về tướng Hoàng Văn Thái: “Có được một cấp chỉ huy hiểu thấu lòng người như vậy thì nhân tài nào mà không thu phục được”. Ông là người rất gắn bó với quê hương. Những bí danh của ông như An hay Mười Khang được lấy từ tên làng An Khang nguyên quán, hay Quốc Bình, Hoàng Văn Thái lấy từ tên tỉnh quê hương Thái Bình đã nói rõ điều này.

Sinh thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đánh giá về tướng Hoàng Văn Thái: “Ông là vị tướng trận mạc, sống nhân hậu, tình nghĩa được quân đội ta và nhân dân ta mến phục”. Thượng tướng - GS Hoàng Minh Thảo khi bình về các tướng lĩnh Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến đã sắp xếp: “Tất nhiên đầu tiên là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Thứ hai là tướng Lê Trọng Tấn. Thứ ba là tướng Hoàng Văn Thái và thứ tư là tướng Nguyễn Hữu An”. 

Ngô Vương Anh

>> Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, nhà chính trị - quân sự lỗi lạc, là hình ảnh tiêu biểu “Anh bộ đội Cụ Hồ”
>> Lê Duẩn - một nhà lãnh đạo lỗi lạc, một tư duy sáng tạo lớn của cách mạng Việt Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.