Vận tải biển chưa thoát khó

08/02/2014 09:00 GMT+7

Khó khăn kéo dài từ cuối năm 2011 đến nay khiến các doanh nghiệp vận tải biển trong nước chưa thể gượng dậy.

Khó khăn kéo dài từ cuối năm 2011 đến nay khiến các doanh nghiệp vận tải biển trong nước chưa thể gượng dậy.

 Vận tải biển
Vận tải biển tiếp tục khó khăn - Ảnh: Lưu Quang Phổ

Lớn lỗ nhiều, bé... ngắc ngoải

Nhìn lại năm 2013, ông Trịnh Quốc Đạt, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải biển Diêm Điền (Thái Bình) ngao ngán khi nhiều doanh nghiệp (DN) nhỏ thuộc hiệp hội rơi vào cảnh sống dở chết dở. Hiệp hội có hơn 100 tàu, trong đó có 1/3 đi các tuyến quốc tế như Đông Nam Á, Bắc Á… nhưng hầu hết là “chết”, vì không đấu thầu, cạnh tranh được với tàu nước ngoài. Tuyến nội địa có khá hơn do hàng từ nam ra bắc khá đều, như đưa gạo miền nam ra bắc xuất sang Trung Quốc nhưng từ tháng 1 năm nay đang bị đóng cửa đường biên với mặt hàng này nên cũng gặp khó khăn. Những năm trước, tàu của hiệp hội vận chuyển nhiều than từ miền bắc vào nam, nhưng năm ngoái cũng thưa vắng các đơn hàng. “Hàng không có nên cứ tàu to lỗ nhiều, tàu bé thì lỗ ít. DN vận tải biển lớn của nhà nước thì được khoanh nợ, giãn nợ, nhưng DN tư nhân như chúng tôi không được hưởng chính sách này. Đơn hàng không có, lãi suất cao, nhiều DN tàu để không, không hoạt động nhưng cũng không tuyên bố phá sản được vì vướng thủ tục”, ông Đạt nói.

 

Chủ yếu hoạt động trong khu vực

Theo Cục Hàng hải VN, tính đến hết năm 2013, thị phần vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu của đội tàu VN mới chỉ chiếm khoảng 10 - 12%, chủ yếu đi các thị trường gần trong khu vực như Trung Quốc, Đông Nam Á, châu Á. Các thị trường lớn như châu Mỹ vẫn do các hãng tàu nước ngoài đảm nhận.

Tương tự, Hiệp hội Vận tải biển Đoàn Kết - An Lư (Hải Phòng) cũng đang rất khó khăn. Từng có tới hàng trăm tàu chạy các tuyến nội địa và quốc tế, nhưng các DN thành viên hiệp hội cũng rơi vào tình cảnh thua lỗ, nợ nần khoảng 2, 3 năm trở lại đây. 

Không chỉ DN nhỏ, nhiều DN lớn trong ngành cũng cùng cảnh ngộ. Công ty mẹ Vosco đã báo lỗ gần 200 tỉ đồng năm 2013. Công ty CP vận tải biển Vinaship lũy kế cả năm lỗ 108 tỉ đồng (trong khi năm 2012 công ty lỗ 28,3 tỉ đồng). Công ty CP vận tải và thuê tàu biển VN lỗ cả năm lên tới 226 tỉ đồng, gần gấp đôi khoản lỗ của năm 2012 (128 tỉ đồng). Bên cạnh lỗ, mỗi DN này còn gánh theo khoản nợ ngắn hạn hàng trăm tỉ đồng.

Theo thống kê, số lượt tàu vào và rời cảng biển trên toàn quốc năm 2013 đạt hơn 85.000 lượt, chỉ bằng 87% năm 2012; lượng hàng hóa qua cảng tăng nhẹ, tăng 11% so với năm 2012. Cục Hàng hải VN nhìn nhận năm 2013 là năm khó khăn với vận tải biển, bởi giá cước vận tải và dịch vụ vẫn duy trì ở mức thấp.

Khó kỳ vọng năm 2014

Ông Trịnh Quốc Đạt hy vọng năm 2014 thị trường vận tải biển sẽ ấm dần lên, nếu thị trường hàng hóa khởi sắc hơn, để “DN nào chết thì đã chết rồi, DN nào vốn tự có nhiều khả năng trụ được”. Nhưng theo Cục Hàng hải VN, dù dự báo năm 2014 kinh tế sẽ tiếp tục tăng trưởng, song khó khăn của năm 2013 vẫn để lại dư âm kéo dài trong năm 2014, DN vận tải biển bởi vậy chưa hoàn toàn thoát khỏi khó khăn. Hoạt động kinh doanh vận tải biển, khai thác cảng và dịch vụ hàng hải chưa có nhiều dấu hiệu để khởi sắc.

Ông Nguyễn Văn Quỳnh, Chủ tịch Hiệp hội Chủ tàu VN, nhận định năm 2014 thị trường ít nhiều được cải thiện ở phân khúc tàu lớn, nhưng tàu trọng tải nhỏ chưa có nhiều tín hiệu sáng sủa. “Việc thị trường vận tải phục hồi trở lại hay không phụ thuộc nhiều vào yếu tố ổn định của kinh tế thế giới, nguồn hàng. Về thị phần nội địa, tín hiệu tích cực với các DN trong nước là Bộ GTVT dừng cấp phép vận chuyển container tuyến nội địa cho tàu ngoại, nên với các chủ tàu vận chuyển hàng container tuyến bắc - nam sẽ tương đối tốt và ổn định. Nhưng với các mặt hàng phụ thuộc vào tàu chuyên dụng nước ngoài như xi măng rời, hóa chất thì tàu trong nước vẫn khó chen chân”, ông Quỳnh phân tích.

Dự báo của Tổng công ty Hàng hải VN (Vinalines) cũng cho thấy giai đoạn 2014 - 2015 ngành vận tải biển thế giới tiếp tục dư thừa cung trọng tải, trong khi giá cước thấp hơn giai đoạn 2008 tới gần 3 lần, chi phí vận hành lại gia tăng. Bản thân Vinalines cũng đã kiến nghị lên Bộ GTVT, Chính phủ về cơ chế giãn nợ, giảm lãi vay, ưu tiên vận chuyển hàng xuất nhập khẩu, bảo hộ vận tải nội địa… để vực dậy hoạt động của các DN vận tải biển hiện nay. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng giai đoạn đáy là thời điểm các DN, đặc biệt là Vinalines, đẩy mạnh tái cơ cấu đội tàu, bán và thanh lý các tàu cũ, kém hiệu quả (dự kiến đội tàu biển VN giữ lại làm nòng cốt đến năm 2015 có trọng tải gần 4,7 triệu tấn), làm lành mạnh “cơ thể” nhằm tăng tốc trong thời gian tới.

Mai Hà  

>> Ngành vận tải biển mất 100 triệu USD/năm do thủ tục thông quan chậm trễ
>> Vận tải biển ngày càng bế tắc
>> Èo uột vận tải biển Việt Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.