Đột phá từ cổ phần hóa

06/02/2014 03:00 GMT+7

Cải cách thể chế tạo sức đột phá cho nền kinh tế đang trở thành yêu cầu cấp bách nếu chúng ta muốn tránh rơi vào sự trì trệ và khủng hoảng trong bối cảnh đang ngày càng hội nhập sâu vào sân chơi chung của thế giới.

Thời gian qua, đề án tái cấu trúc nền kinh tế đã được triển khai một bước nhưng vẫn còn khá chậm.

Nguyên nhân có nhiều, nhưng căn bản vẫn xuất phát từ sự nhận thức về chủ trương vẫn còn hạn chế. Bên cạnh đó, các chủ trương chính sách mới chưa có các điều khoản cụ thể được quy định rõ ràng trong luật, kèm với các cơ chế, chỉ tiêu, giám sát, trách nhiệm.

Trong các nhân tố cần tái cấu trúc như đầu tư công, ngân hàng... cải cách doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thông qua cổ phần hóa (CPH) tập đoàn, tổng công ty cũng được ví như mũi nhọn quan trọng nhất để Việt Nam đột phá thể chế kinh tế thị trường, tạo làn sóng đổi mới đối với thế giới.

Chúng ta đang thấy một thực trạng rất rõ ràng là thị trường không dung nạp được cơ chế xin cho, điển hình là sự thất bại của Vinashin, hay Vinalines thời gian qua. Muốn dẹp bỏ cơ chế này thì trước hết phải tập trung vào cải cách DNNN, minh bạch hóa và xóa bỏ độc quyền, như vậy sẽ tạo một động lực tự nhiên góp phần thúc đẩy cải cách bộ máy nhà nước, cải cách thể chế kinh tế thị trường.

Trong năm 2014, nên xác định CPH là một nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, cấp bách. Để làm được phải thực hiện hai yêu cầu, một là Chính phủ yêu cầu các bộ trưởng phải liệt kê danh sách buộc CPH trong năm 2014 - 2015 và mức độ CPH. Đồng thời công khai hóa danh sách trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Thứ hai, các bộ và Chính phủ cần phản ứng rất nhanh trước vướng mắc quá trình CPH cả về mặt pháp lý và kỹ thuật để hỗ trợ quá trình chuyển đổi.

Hai điều kiện cần này sẽ tạo áp lực hành chính và áp lực giám sát xã hội để triển khai, nếu không cuối cùng người ta bảo đó là việc của ai, không phải việc của tôi vì tôi chưa được điểm danh để CPH.

Chúng ta đã bàn rất nhiều lần về áp lực sản xuất kinh doanh và áp lực thực hiện nhiệm vụ chính trị, các bộ trưởng phải xác định được giữa nhiệm vụ công ích và nhiệm vụ chính trị cho từng DNNN và công khai minh bạch nhiệm vụ này. Trên thực tế, DNNN ở bên dưới có nơi; có lúc cũng không phân biệt nhiệm vụ nào là chính trị, nhiệm vụ nào là công ích. Trong khi đó, nhiều khi nhiệm vụ giao quá đột xuất khiến tình hình càng khó xử lý hơn.

Nhưng chỉ điều kiện cần thôi thì chưa đủ. Điều quan trọng nhất, ngay bản thân các bộ, ngành cần phải tăng cường quản lý, giám sát chuyển giao quyền sở hữu; giao mục tiêu, chỉ tiêu ngay từ đầu cho các DNNN. Qua khảo sát tại các DNNN nhiều lỗ hổng rất lớn về cầu nối giữa chủ sở hữu và các doanh nghiệp đã bộc lộ. Điều này đòi hỏi lãnh đạo các bộ phải thiết lập được cơ chế, năng lực chuyên trách. Trong đó muốn giám sát được phải có mục đích, mục tiêu, tiêu chí đánh giá. Sau đó mới đánh giá được năng lực, hiệu quả; còn nếu như để DNNN báo cáo như thế nào, bên trên biết như thế ấy thì rủi ro rất khó lường.

Trong 2014, hai điều kiện cần và một điều kiện đủ này nếu thực thi được một cách rốt ráo sẽ giúp đẩy nhanh CPH, qua đó tạo động lực mạnh mẽ để kích hoạt thị trường và tạo ra một sự đột phá, lột xác cho cả nền kinh tế.

TS Nguyễn Đình Cung
(Quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương)

>> Quyết liệt cổ phần hóa 500 DNNN
>> Năm nay cổ phần hóa Vietnam Airlines
>> Tái cơ cấu DNNN không đủ điểu kiện cổ phần hóa
>> Đề xuất cổ phần hóa doanh nghiệp công ích

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.