Cần một thế hệ doanh nghiệp đủ bản lĩnh

05/02/2014 03:05 GMT+7

Doanh nghiệp VN chưa thể cạnh tranh được với đối thủ nước ngoài. Nếu không “lột xác”, thay đổi tư duy và hành động, sẽ không thể bơi ra biển lớn, đặc biệt khi một loạt hiệp định về thương mại, kinh tế sẽ được ký kết trong thời gian tới.

Doanh nghiệp VN chưa thể cạnh tranh được với đối thủ nước ngoài. Nếu không “lột xác”, thay đổi tư duy và hành động, sẽ không thể bơi ra biển lớn, đặc biệt khi một loạt hiệp định về thương mại, kinh tế sẽ được ký kết trong thời gian tới.


Doanh nghiệp Việt đang yếu thế so với các doanh nghiệp ngoại, nhất là doanh nghiệp Trung Quốc - Ảnh: Ngọc Thắng

Các chuyên gia kinh tế đã có cùng nhận định như vậy khi trao đổi với Thanh Niên trong ngày đầu năm mới.

 

Thế hệ DN của VN hiện nay không thể cạnh tranh được với các đối thủ trong khu vực và quốc tế. Nhưng tôi tin thế hệ DN trẻ mới có đủ sức bật, bản lĩnh để cạnh tranh, tận dụng được mọi cơ hội mới, điều rất cần là phải có cơ chế bảo vệ, hỗ trợ cho họ

TS Lê Xuân Nghĩa (nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia)

Con số gần 70.000 doanh nghiệp (DN) phải giải thể, dừng hoạt động trong năm 2013 đang phản ánh một thực tế rất đáng lo ngại về khả năng cạnh tranh để tồn tại và phát triển với các đối thủ ngoại của DN Việt còn yếu kém. Kể từ khi nền kinh tế được mở cửa theo cơ chế thị trường, đã có những tập đoàn, DN tư nhân nổi lên ghi được dấu ấn trong nước và khu vực, nhưng tên tuổi vẫn chưa vươn xa ra thế giới.

Đầu vào lệ thuộc quá lớn

TS Lê Xuân Nghĩa (nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia), cho rằng thế hệ DN của VN hiện nay không thể cạnh tranh được với các đối thủ trong khu vực và quốc tế bởi năng lực quản lý yếu kém, sự ỷ lại vào Chính phủ, dựa vào tài nguyên đất đai, khoáng sản. Vẫn chưa có một thế hệ DN trẻ trung mới, đủ bản lĩnh để tận dụng được mọi cơ hội - khi VN đang chuẩn bị ký kết nhiều hiệp định thương mại với quốc tế, đặc biệt là Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Nhìn sang người hàng xóm Trung Quốc, các chuyên gia tỏ ra vô cùng lo ngại khi không chỉ các “ông lớn” của quốc gia này mà ngay cả lực lượng DN vừa và nhỏ của họ đang từng giờ, từng ngày lấn lướt các DN nước ta. Ông Nghĩa dùng hai chữ “thôn tính” khi nói về tình trạng chỉ trong thời gian ngắn, nhiều ngành công nghiệp của VN như hóa mỹ phẩm, nước giải khát bị mất thị phần; ngành thức ăn chăn nuôi bị nước ngoài “xơi tái”, sắp tới là thương mại điện tử. Chuyên gia này thống kê, năm 2011 có 44 DN trong ngành chăn nuôi phá sản, ông trùm ngành này là CP (Công ty CP chăn nuôi CP) bị Thái Lan thôn tính. Đáng chú ý, số cổ phần tại CP do Thái Lan mua đã được bán lại cho một tập đoàn của Trung Quốc. Trong ngành cà phê, Vinacafe cũng đang bị Trung Quốc thôn tính khi Gaoling - một quỹ đầu tư kín tiếng của Trung Quốc - đã chi hàng chục triệu USD mua lại cổ phần của DN này.

 

 
Trong mỗi chúng ta ai cũng muốn DN, đất nước ngẩng mày ngẩng mặt lên, đó mới là điều quan trọng. Tất cả thước đo cạnh tranh là môi trường rộng, toàn diện. Chúng ta cần tạo ra sân đua, nên đưa ra lựa chọn VN chọn sân đua nào toàn cầu, nếu chọn đúng thì chắc chắn sẽ cạnh tranh được.

(Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình)

 

Muốn ngăn chặn nguy cơ đổ vỡ, phá sản của DN, trong nỗ lực đột phá thể chế chúng ta cần xây dựng một khung chính sách cho khu vực tư nhân làm ăn, tốt và có cơ chế để bảo vệ họ. Cùng với đó, phải kiểm soát chặt chẽ các DN có vốn đầu tư nước ngoài, từ vấn đề chuyển giá làm dòng vốn bị méo mó đến các hoạt động đầu tư khác trong nước, tránh không bị lợi dụng như trường hợp các nhà đầu tư vào nói vốn nước ngoài, thực chất huy động vốn trong nước.

(Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học và xã hội Nguyễn Xuân Thắng)

Ông Tô Hoài Nam, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN vừa và nhỏ, phản ánh bức tranh mà theo ông là rất đáng ngại, khi hiện cả nước có khoảng 600.000 DN đang hoạt động, trong đó DN vừa và nhỏ chiếm 90%, đang èo uột và đối mặt với nguy cơ bị phá sản, bị nuốt chửng bất cứ lúc nào bởi các DN Trung Quốc. Không chỉ có quy mô, sức cạnh tranh tốt hơn, các DN Trung Quốc luôn có một thói quen đã vào thị trường nào là “đè bẹp” đối thủ tại thị trường đó. “Họ không quan tâm lắm đến môi trường, cũng như nguyên tắc đạo đức. Hôm nay họ bàn với ta thế này, mai lại lật lại bàn việc khác. Đặc biệt họ liên kết với nhau rất tốt, tất cả chung một tiếng nói để đè bẹp DN trong nước”, ông Nam lo ngại. Theo ông, nếu không có giải pháp để giảm bớt áp lực cạnh tranh cho khu vực DN này thì tình hình thực sự căng thẳng. Bởi hiện tại, quá nhiều ông chủ DN vừa và nhỏ đã ngừng sản xuất kinh doanh, giải thể, đóng cửa, khiến lao động mất việc, xã hội bất ổn.

Nhìn vào con số nhập siêu năm qua khoảng 23,7 tỉ USD từ Trung Quốc, Viện trưởng Viện Kinh tế VN, TS Trần Đình Thiên lo âu khi con số nhập siêu từ thị trường này của VN đã tăng rất nhanh. Năm 2001 là 200 triệu USD, giờ đã gấp hơn 100 lần. “Đầu vào lệ thuộc Trung Quốc quá lớn, chúng ta gỡ câu chuyện này như thế nào, đây là vấn đề nghiêm trọng không kém gì việc sản phẩm thương hiệu của VN bị thôn tính”, ông chia sẻ.

Tăng cường quản lý cạnh tranh

Ngoài nguyên nhân nội tại là sức đề kháng yếu, theo TS Lê Xuân Nghĩa, cuộc cạnh tranh khốc liệt thời gian qua đã bộc lộ một sự thật là Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) hoạt động quá yếu kém. Ông dẫn ví dụ, nước Mỹ mở cửa hàng hóa nhưng luôn gắn với kiểm soát độc quyền, đơn cử hãng Toyota của Nhật Bản 16 năm nộp đơn xin liên doanh tại Mỹ nhưng vẫn chưa được cấp phép. Vì vậy, ông Nghĩa mong muốn cần có sự cải tổ đối với Cục Quản lý cạnh tranh, mở cửa thị trường phải gắn với cạnh tranh bình đẳng, gắn với kiểm soát độc quyền, bảo vệ các DN trong nước. “Thế hệ DN của VN hiện nay không thể cạnh tranh được với các đối thủ trong khu vực và quốc tế. Nhưng tôi tin thế hệ DN trẻ mới có đủ sức bật, bản lĩnh để cạnh tranh, tận dụng được mọi cơ hội mới, điều rất cần là phải có cơ chế bảo vệ, hỗ trợ cho họ”, ông Nghĩa nói.

DN sau 3 năm sóng gió, TS Trần Du Lịch (Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM) tạm chia DN ra thành 3 nhóm: Nhóm 1 làm ăn bài bản, có chiến lược, đang sống khỏe và tìm cách thôn tính DN khác. Nhóm 2 đang cầm cự, có khả năng phục hồi. Nhóm 3 chỉ là các xác chết, không có khả năng vực dậy. Để tăng cường sức cạnh tranh, năng lực thực sự cho DN, TS Lịch cho rằng cần có thêm cơ chế để hỗ trợ các DN nhóm 2, đối với DN nhóm 3 cần khai tử, coi đó là một cuộc sàng lọc, đại phẫu của cả nền kinh tế.

Nói về thước đo cạnh tranh, Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình nhìn nhận, với bất cứ thước đo nào, DN cần nhận thức rằng mình đang thi đấu ở trong sân chơi đó nhưng với một môi trường rộng, toàn diện, tầm nhìn xa. Muốn cạnh tranh phải đưa vào sức mạnh cốt lõi đó là sức mạnh mà các quốc gia, DN khác muốn có cũng không có được. Hoặc muốn thì phải tốn rất nhiều tiền bạc, thời gian, công sức. Chọn đúng sân đua, lĩnh vực và thế mạnh đua thì DN ắt sẽ thành công.

Ông Tô Hoài Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội DN vừa và nhỏ, mong muốn trong năm nay Chính phủ cam kết đột phá thể chế, môi trường đầu tư và kinh doanh thì phải bảo vệ được quyền lợi của nhà đầu tư, từ cổ đông nhỏ đến đầu tư tư nhân trong nước.

Đột phá để phát triển

Đột phá đầu tư phát triển những dịch vụ và sản phẩm mới hay tập trung chuyên sâu vào lĩnh vực đang kinh doanh để ngày càng chuyên nghiệp hơn là điều mà nhiều doanh nghiệp sẽ thực hiện trong năm mới Giáp Ngọ.

 
Cán bộ kỹ thuật của AGPPS hỗ trợ cho nông dân trên cánh đồng mẫu lớn - Ảnh: AGPPS

Cổ phiếu cho nông dân

Công ty CP bảo vệ thực vật An Giang (AGPPS) là doanh nghiệp (DN) tiên phong liên kết với nông dân để xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn. Nếu như năm 2012, diện tích vùng nguyên liệu sản xuất lúa hàng hóa theo mô hình này đạt khoảng 19.500 ha thì đến cuối năm 2013, con số đó là 61.600 ha, số hộ tham gia cũng tăng gần 3 lần, lên 20.500 hộ. Với mô hình này, nông dân được cung ứng giống, thuốc, phân bón lãi suất 0% suốt vụ (120 ngày), được hỗ trợ miễn phí các khoản bao bì, vận chuyển, sấy và bao tiêu lúa theo giá thị trường. Nếu chưa ưng ý với giá lúa, nông dân có thể gửi trong kho 30 ngày không tính phí lưu kho. Nông dân cũng có quyền bán lúa ra ngoài sau khi thanh toán các khoản chi phí cho công ty được quy định trong hợp đồng.

 

Thành lập mới Gần 7.000 DN

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, trong tháng 1.2014 cả nước có khoảng 6.900 DN được thành lập với số vốn đăng ký trên 43.700 tỉ đồng, tăng 15,7% về số và tăng 11,5% về số vốn đăng ký so với tháng 12.2013. So với cùng kỳ năm trước, sức khỏe của cộng đồng DN đã khá hơn khi tháng 1 năm nay tăng 27,7% về số DN và tăng 79,5% về số vốn đăng ký. Số DN tạm ngừng hoạt động đã quay trở lại trong tháng 1 là 2.400 DN, tập trung chủ yếu ở hai vùng kinh tế trọng điểm là vùng đồng bằng sông Hồng (648) và vùng Đông Nam bộ (951). 

Anh Vũ

Không chỉ hợp tác bao tiêu cho nông dân, DN này còn chia lợi nhuận bằng cách bán cổ phiếu (CP) ưu đãi cho nông dân.

Trứng sạch ăn liền

Với ông Đàm Văn Hoạt, Tổng giám đốc Công ty Trại Việt (Vietfarm), chuyên kinh doanh trứng gia cầm thì hướng đột phá của công ty là phải có thêm nhiều sản phẩm từ trứng để giải quyết bài toán đầu ra. Vì nếu chỉ dựa vào sản phẩm trứng tươi thì việc tiêu thụ sẽ hết sức khó khăn. Sau một thời gian nghiên cứu thị trường các nước lân cận, ông Hoạt nhận thấy trứng đã được sử dụng rất phổ biến để chế biến thức ăn nhanh trong khi ở VN thì chưa. Từ đó, Vietfarm đã quyết định đầu tư vào sản phẩm trứng tiệt trùng ăn liền. “Đây là một ý tưởng đột phá vì tại VN chưa từng xuất hiện sản phẩm trứng ăn liền. Ở một số nước chỉ cần một gói mì và vài quả trứng tiệt trùng là những tài xế hay học sinh có thể bổ sung đầy đủ dinh dưỡng. Với niềm tin tạo ra được một thói quen tiêu dùng mới, chúng tôi đã đầu tư hệ thống chế biến quy mô lớn gồm 4 bồn nấu trứng bằng hơi nước, mỗi bồn nấu được 500 kg trứng, hệ thống 4 máy bóc vỏ trứng công suất 200 kg/giờ, hệ thống tiệt trùng ở nhiệt độ 121 độ C, hệ thống kho trứng và ướp gia vị và hệ thống đóng gói bao bì, ép chân không. Với dự án này công ty đã mất 15 tháng để xây dựng với vốn đầu tư 5 tỉ đồng. Do sản phẩm có thể bảo quản đến 3 tháng ở nhiệt độ bình thường nên có thể giải quyết khâu tiêu thụ cho nông dân chăn nuôi vì nhà máy có thể sản xuất số lượng lớn”, ông Hoạt giải thích. Đầu năm 2014, sản phẩm trứng tiệt trùng ăn liền đã chính thức có mặt trên thị trường.

Thay đổi không gian mua sắm

Một đơn vị bán lẻ hiện đại quen thuộc với người tiêu dùng ở TP.HCM là hệ thống siêu thị Saigon Co.opMart đã đưa ra những kế hoạch hành động cụ thể trong năm nay như tiếp tục thay đổi không gian mua sắm của toàn hệ thống siêu thị trên cả nước. Dự án này nhằm giúp hệ thống bán lẻ này chuẩn hơn, đẹp hơn và hiện đại hơn. Đồng thời năm nay đơn vị này triển khai giai đoạn 2 “Dự án Điện toán tập trung” để chuẩn hóa việc quản lý tồn kho và quản lý tài chính. Theo ông Lê Hoàng Anh, Giám đốc makerting của Saigon Co.opMart, đây là một dự án trọng điểm trong năm 2014 và Saigon Co.opMart liên kết với một nhà đầu tư để đột phá trong lĩnh vực này. Trong đó hệ thống công nghệ quản lý, kho vận, vận tải được chú trọng để tối ưu hóa hệ thống, giúp tiết giảm chi phí logicstic tại TP.HCM và các tỉnh miền Tây. Đồng thời, khi áp dụng dự án này Saigon Co.op cho phép các nhà cung cấp kết nối, chia sẻ thông tin. Ngoài ra, tiếp nối các năm trước, năm nay Saigon Co.op cũng tiếp tục mở rộng mạng lưới với dự kiến mở thêm 8 siêu thị Co.opMart trên nhiều tỉnh thành.

Cũng có kế hoạch mở rộng nhanh chóng hệ thống cửa hàng tiện ích trong năm mới, bà Lê Minh Trang, Tổng giám đốc Tổng công ty thương mại Sài Gòn (Satra) cho biết Satra dự kiến tiếp tục phát triển thêm 18 cửa hàng tiện ích Satrafoods để hết năm nay đạt con số 50 cửa hàng. Song song đó, Satra dự kiến mở thêm 2 siêu thị, xây mới Thương xá Tax và tiếp tục hoàn thiện chợ đầu mối Bình Điền sau khi đưa vào hoạt động kho lạnh Satra cuối năm 2013. “Chúng tôi cũng tiếp tục thực hiện Đề án tái cơ cấu tổng công ty, sẽ thoái vốn ở những ngành không phải thế mạnh, tập trung nguồn lực vốn, nhân sự cho các ngành thế mạnh như thương mại, hạ tầng thương mại, dịch vụ, thực phẩm”, bà Trang chia sẻ.

Thanh Niên

Chỉ nên kinh doanh lĩnh vực mình có lợi thế

 
Phần lớn các DN đã và đang nhận thức được việc tăng giá trị nội địa, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh sản phẩm là những mục tiêu quan trọng trong chiến lược. Tuy nhiên, bên cạnh các chính sách khuyến khích, hỗ trợ đồng bộ và hiệu quả của nhà nước, cộng đồng DN cần phải chủ động cứu mình bằng những giải pháp phù hợp. Để giảm tối đa rủi ro, DN chỉ nên kinh doanh ở lĩnh vực có lợi thế, các ngành nghề cốt lõi, không kinh doanh tràn lan, chạy theo đám đông. Lợi ích chính sách không đến ngẫu nhiên, thay vào đó cần phải chủ động cập nhật chính sách để có giải pháp phù hợp. Đồng thời, cần thiết lập kế hoạch kinh doanh rõ ràng và dài hạn.

(Bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký Phòng Thương mại - Công nghiệp VN - VCCI)

Tập trung về chất

 
Theo tôi các DN trong năm nay cần tập trung đẩy mạnh hoạt động đảm bảo chất lượng của hàng hóa. Điều đó hướng đến mục tiêu tạo được niềm tin của người dùng để giữ được ổn định sản xuất, quay vòng vốn đúng hạn và khi cần mở rộng, các ngân hàng cũng sẽ mở cửa ngay cho những DN này. Việc định hướng đúng sẽ tạo động lực phát triển cho DN.

(TS Đinh Thế Hiển - Chuyên gia tài chính - đầu tư)

Cơ hội cho hàng Việt vào Trung Quốc

Hành lang kinh tế Côn Minh - Hà Nội - Hải Phòng đang hình thành, cơ hội giao thương càng mở ra. Điều tất yếu nếu chúng ta không xuất khẩu vào Trung Quốc nhiều thì chúng ta sẽ phải tiêu dùng sản phẩm của họ nhiều. Có thể phải mất nhiều năm, chúng ta muốn xuất khẩu được thì phải có sự chuẩn bị, tập trung, phải có chiến lược tốt. Hiện nay, đứng trước nhiều khó khăn nên các DN Việt chưa mấy sẵn sàng tham gia lĩnh vực này. Sự phát triển bền vững của các DN có giá trị chế biến sâu chứ không phải xuất khẩu thô khi giao thương với thị trường phía tây, nam Trung Quốc. Tôi hoàn toàn tin tưởng giai đoạn tới sẽ có những DN thành công trên hướng đi này.

(Ông Nguyễn Trường Sơn, Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ VN)

“Chơi” ngắn hạn phải biết nắm bắt xu thế

 
Tại VN, DN nào muốn đầu cơ vẫn phải tính đến trong giai đoạn ngắn hạn khi thị trường còn rất rủi ro và méo mó. Chính phủ dù không thể còn gói kích cầu như năm 2009, nhưng vẫn đang tìm mọi cách hỗ trợ DN dù nhỏ, dù lớn. Do đó, với bản thân từng DN khi “chơi” với ngắn hạn, phải biết nắm bắt xu thế thế giới nói chung và trong nước nói riêng đang diễn ra.

(TS Võ Trí Thành - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư)

Kích thích thị trường địa ốc

Năm 2014 tiếp tục đặt ra những giải pháp triển khai Nghị quyết 02. Điều đáng mừng là Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất gói 30.000 tỉ đồng từ 6%/năm xuống còn 5%/năm. Tuy nhiên, điều này sẽ trở nên vô nghĩa nếu những vướng mắc về xác định điều kiện nhà ở, thu nhập không được tháo gỡ. Luật Đất đai đã được thông qua nên năm 2014 làm sao triển khai nhanh các thông tư hướng dẫn để tháo gỡ tiền sử dụng đất đang quá cao hiện nay mà gần như DN phải mua đất 2 lần. Nếu tiền sử dụng đất được giảm, tôi tin chắc giá nhà đất sẽ giảm mạnh.

 
 Ngoài ra, để giải quyết khó khăn, năm nay Bộ Xây dựng cần nhanh chóng sửa đổi luật Nhà ở và kinh doanh BĐS theo hướng cho Việt kiều được sở hữu nhà như người dân trong nước. Hiện Việt kiều là 4 triệu người, gửi về nước lượng kiều hối rất lớn, mỗi năm hàng chục tỉ USD. Nên mở rộng điều kiện cho họ mua nhà là hợp lý và giúp giải quyết hàng tồn kho, nhất là BĐS cao cấp. Tuy nhiên, chỉ nên cho mua nhà cao cấp để không cạnh tranh người nghèo trong nước và mua những khu vực cho phép. Người nước ngoài tại VN cũng không nên hạn chế. Hiện toàn quốc có 120.000 người Hàn Quốc, 10.000 người Nhật, 6.000 người Philippines... Nếu cho họ mua nhà, chắc chắn sẽ có một lượng lớn người nước ngoài bỏ tiền mua nhà đất, nhất là phân khúc cao cấp vốn đang tồn kho lớn hiện nay.

(Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM)

Đình Sơn (thực hiện)

Anh Vũ - Nguyệt Minh

 >> Hỗ trợ thanh niên vay vốn phát triển kinh tế
>> Bù lỗ làm méo mó nền kinh tế
>> Kỳ vọng kinh tế 2014

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.