Tết ở những khu chế xuất - Kỳ 2: Đếm từng ngày để gặp con

29/01/2014 15:30 GMT+7

(TNO) Với những người lao động nghèo, Tết không cứ là bánh chưng, bánh tét, bánh mứt, dưa cà… hay quà cáp đắt tiền. Niềm vui ngày Tết chỉ đơn giản là niềm vui được nhìn thấy con cái sau một năm xa cách.

>> Tết ở những khu chế xuất - Kỳ 1: Đói, mệt vẫn gắng tăng ca
>> Nồng ấm tết Việt

 
Anh Nguyễn Văn Nhân, bảo vệ khu lưu trú công nhân số 23 (Xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP.HCM) hồ hởi khoe quà vợ chồng anh chị dành cho con trong khi xếp vào túi xách  - Ảnh: Hoàng Quyên

Niềm vui cho con

Bước chân đến khu lưu trú số 23 ở ấp 7, xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, mới thấy yên ắng vô cùng. Dãy nhà trọ với mấy chục căn nhưng không có lấy một tiếng cười, tiếng nói của trẻ con.

Anh Nguyễn Văn Nhân, bảo vệ ở đây, cho biết những người trong khu trọ này đều là người miền Tây xa xứ làm ăn ở TP.HCM, để lại con cái ở quê nhà. Gia đình anh Nhân cũng không ngoại lệ.

Quê ở tận Cà Mau, anh Nhân và vợ là chị Tô Thị Trinh phải để con ở quê cho ngoại chăm sóc rồi vào TP.HCM mưu sinh, tính đến nay cũng đã hơn 4 năm.

 
“Năm nay vợ tui được thưởng Tết 1 tháng lương nên vui lắm. Vợ chồng tụi tui đã chuẩn bị 6 bộ quần áo cho 2 đứa con, một đôi giày, một ít quà quê cho nhà ngoại” – anh Nguyễn Văn Nhân (Cà Mau)

Làm bảo vệ quanh năm suốt tháng không một ngày nghỉ, anh Nhân kể đã 4 năm rồi, anh chưa được ăn Tết cùng gia đình ở quê. Phải đến khi hết Tết, công nhân quay lại khu nhà trọ, anh mới có thể về quê để gặp con cái vài ngày. Lúc anh về, cũng là lúc vợ anh quay vào Sài Gòn để tiếp tục công việc. Vì thế mà gia đình không thể ăn Tết cùng nhau.

Vừa kể câu chuyện gia đình, anh Nhân hào hứng mở túi đồ trong góc tường ra khoe: “Năm nay vợ tui được thưởng Tết 1 tháng lương nên vui lắm. Vợ chồng tụi tui đã chuẩn bị 6 bộ quần áo cho 2 đứa con, một đôi giày, một ít quà quê cho nhà ngoại”.

Không được về quê đúng dịp Tết, anh Nhân trân trọng xếp từng món quà nhỏ cho 2 đứa con nhỏ, một bé gái 8 tuổi và một cậu con trai 12 tuổi, để vợ có thể mang về Cà Mau trước. “Có con rồi mới hiểu, đi làm xa cả năm nhớ con lắm!”, anh Nhân tâm sự.

Chị Trinh nói: “Con bé nhỏ nghe mẹ về nên đang đếm từng ngày. Mà hai vợ chồng cũng đếm từng ngày để được gặp lại con. Thương lắm!”.

Chị bảo những ngày ở quê, không có ba mẹ ở bên cạnh, mỗi lúc ngoại bệnh, 2 đứa nhỏ phải tự chăm sóc lấy nhau. Có khi đứa bé phụ đứa lớn giặt đồ, rồi tự bắc ghế lên phơi.

Cũng vì thương 2 đứa trẻ ngoan ngoãn đang chờ ba mẹ, 2 vợ chồng anh Nhân, mặc dù đồng lương ít ỏi, tiền thưởng không bao nhiêu, nhưng vẫn cố gắng mua thật nhiều quà để bù đắp thời gian con cái vất vả cả năm trời thiếu bàn tay chăm sóc của ba mẹ.

Khu nhà trọ có phần vắng vẻ trong những ngày cuối năm do ai nấy đều bận rộn, tất bật tăng ca đêm và tranh thũ chợp mắt ban ngày. Nhưng trên khuôn mặt nhiều người, niềm vui chờ đón ngày đoàn tụ con cái ở quê xa đã bừng lên.

“Tết Ba sẽ gọi điện cho con”

Kế bên căn phòng trọ của anh Nhân trong khu lưu trú, anh Đặng Văn Hoàng, công nhân ở một công ty sản xuất thuốc trừ sâu, cũng quê ở Cà Mau, sống cùng vợ và gởi con lại cho nhà ngoại chăm sóc.

Anh Hoàng bộc bạch: “Nhìn những gia đình khác trong khu trọ dọn dẹp đồ đạc, gói quà quê mang về nhà mà tui chạnh lòng. Tết này 2 vợ chồng tui không có tiền về nên sẽ cố gắng gởi chút quà cho con”.

“Có con mới hiểu nỗi niềm xa con. Cả năm đi làm xa nhớ da diết lắm!”, anh tâm sự. Thế mà, năm nay, lần đầu tiên anh phải ở lại khu trọ này.

 
Một gia đình công nhân không thể về quê đón Tết mời bạn bè trong khu trọ ăn bữa cơm gia đình và lì xì cho trẻ nhỏ - Ảnh: Hoàng Quyên

Cà Mau tuy không xa TP.HCM là mấy, nhưng dịp Tết đến, giá vé xe tăng từ hơn 200.000 đồng lên gần 500.000 đồng. Nếu cả đi và về hai vợ chồng thì tốn gần 2 triệu, chưa kể tiền ăn uống, quà cáp ở quê.

“Tết này tui có dặn tụi nhỏ ở nhà là ba sẽ gọi điện về ngày Tết cho con”, anh ngậm ngùi.

Trong khu trọ này, không chỉ riêng 2 anh Nhân và Hoàng mà còn nhiều người khác, Tết họ sẽ ở lại, cùng nhau trải qua những ngày Tết xa quê.

Ngồi nhìn anh Nhân, anh Hoàng cười: “Tết này tính ra tui vẫn vui vì có anh. Chắc chắn 2 anh em tụi tui phải mua gì đó để rủ thêm vài anh em lai rai đêm giao thừa”.

Tết này con không về

Căn phòng trọ nhỏ nằm ở đầu hẻm D13, phường Tân Thạnh (nằm trong khu công nghiệp Tân Bình, TP.HCM) là nơi trú ngụ của 5 người thanh niên làm công nhân, đều cùng quê ở Nghệ An. Căn bếp lạnh tanh vì bấy lâu nay cả 5 anh tăng ca không ngừng nghỉ và chưa bao giờ về trước 23 giờ. Quê xa xôi, tàu xe đi lại khó khăn nên năm nay không ai trong phòng trọ này về tết cả.

Chỉ vào một thanh niên đang ngủ vùi dưới nền nhà, anh Hà Văn Lai (31 tuổi) làm ở công ty chuyên về hạt điều, bảo: “Đi tăng ca nhiều nên mệt, về là ngủ như chết đó”. Anh Hà Văn Lai cũng tâm sự, năm nay công ty anh thưởng tết bằng 1 tháng lương cơ bản nhưng chừng ấy tiền thưởng thì làm sao mà về quê. Ba năm rồi anh Lai chưa được về tết năm nào cả. Tiền làm công nhân, tháng nào anh Lai cũng gửi về cho em trai 1 triệu đồng để phụ gia đình nuôi em học rồi tiền phòng, tiền ăn nên chưa dành dụm được gì.

Ánh mắt anh đượm buồn: “Tiền làm còn chẳng đủ chi tiêu thì lấy đâu tiền mà về. Nhà lại ở xa về dịp tết tốn tiền lắm. để tiền ấy gửi về cho gia đình còn có ích hơn”.

 
Anh Lô Văn Tưởng năm nay ở lại TP.HCM ăn tết để tiết kiệm tiền tàu xe, gửi về gia đình

Ở cùng phòng với Lai còn có anh Lô Văn Tưởng (24 tuổi), cũng làm công nhân cho một công ty may rèm cửa đã mấy năm nay. Vì gia đình không có điều kiện để nuôi ăn học nên đến lớp 11, anh Tưởng phải nghỉ học và xa quê kiếm sống. Tết năm trước, mồng 6 Tưởng mới về quê vì lúc đó tiền tàu xe đi chiều ra Nghệ An đã rẻ.

Anh tâm sự: “Tiền làm còn chẳng đủ chi tiêu thì lấy đâu mà về. Nhà xa, dịp Tết vé xe lại đắt đỏ, để tiền ấy gởi về cho gia đình làm quà có ích hơn”.

Hà Minh

Hoàng Quyên

>> Thực phẩm tết giảm giá
>> Hội Tết truyền thống 2014: 6.000 bóng bay cá chép ngộ nghĩnh dành tặng các em nhỏ
>> Thanh Bùi: Tết Giáp Ngọ hạnh phúc nhất khi có vợ!
>> Tết cung đình xưa trong hồi ức đầu bếp Phan Tôn Tịnh Hải
>> Tết Giáp Ngọ, ngựa giấy bạc triệu đắt hàng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.