Ăn tết ở Trường Sa

28/01/2014 09:40 GMT+7

(TNO) Tết Giáp Ngọ 2014 này là cái Tết thứ hai liên tiếp, anh Nguyễn Văn Nga, nhân viên khí tượng, hải văn ở Trường Sa, ăn tết ở đảo Trường Sa Lớn.

(TNO) Tết Giáp Ngọ 2014 này là cái Tết thứ hai liên tiếp, anh Nguyễn Văn Nga, nhân viên khí tượng, hải văn ở Trường Sa, ăn tết ở đảo Trường Sa Lớn.

Biên đảo không xa đâu: Ăn tết ở… Trường Sa 1
Đảo Trường Sa lớn

“Nếu không có gì thay đổi, em còn ăn thêm một cái tết năm sau rồi mới vào đất liền anh ạ”, Nga nói. Tết năm nay là gần 2 năm Nga nhận nhiệm vụ ở đảo Trường Sa lớn và từ đó đến nay chưa một lần vào đất liền.

Năm 2011, tốt nghiệp Cao đẳng Tài nguyên môi trường TP.HCM, Nga xin vào làm ở Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Trung Bộ. Sau đó, chàng trai trẻ này được điều đi khắp các tỉnh Nam Trung Bộ, từ Nha Trang, Tuy Hòa, rồi đến Phan Rang và về lại Tuy Hòa.

“Lúc học vẫn biết nghề này phải đi nhiều nhưng không ngờ khi đi làm phải luân chuyển nhiều nơi như thế”, Nga tâm sự.

Khi nghe tin Đài khí tượng thủy văn Nam Trung Bộ thông báo tìm người đi Trường Sa, Nga đăng ký đi. Theo quy định, Nga sẽ phải ở đảo Trường Sa Lớn trong ba năm liền.

Hằng ngày, công việc của Nga và 6 nhân viên khí tượng ở Trường Sa Lớn là đo nhiệt độ, áp suất gió mưa, đo độ mặn của mực nước biển sau đó báo về cho Đài khí tượng thủy văn Nam Trung Bộ.

Biên đảo không xa đâu: Ăn tết ở… Trường Sa 2
Trẻ em ở Trường Sa lớn

Biên đảo không xa đâu: Ăn tết ở… Trường Sa 3
Anh Nguyễn Văn Nga đang kiểm tra dữ liệu thời tiết. Dù tết nhưng nhân viên ở đảo Trường Sa lớn vẫn phải cập nhật thông tin liên tục gửi về đất liền

Biên đảo không xa đâu: Ăn tết ở… Trường Sa 4
Đưa hàng và quà ra nhà giàn DK ở quần đảo Trường Sa

Nga kể tết năm nay bộ đội và anh em hải đăng, khí tượng trên đảo Trường Sa sẽ có cái tết tinh tươm hơn tết năm trước.

Mới đây khi tàu cập đảo, Nga và đồng nghiệp đã mua hàng dự trữ tết, chủ yếu là rau củ quả, bánh kẹo tiếp khách trong mấy ngày tết.

“Tết  năm ngoái sóng biển và gió quá lớn, tàu không cập được đảo khiến tụi em phải ăn đồ hộp suốt mấy ngày tết”, Nga nói.

Từ 25 tháng Chạp mọi người trên đảo đã bắt đầu gói bánh chưng. Những người khéo tay sẽ được giao nhiệm vụ làm hoa mai giả gắn lên cây cho có không khí tết.

 

Năm nay thời tiết ở Trường Sa khá lạnh, gió và sương muối rất nhiều. Hơn mười con gà tụi em nuôi để đãi khách nhưng thời tiết khắc nghiệt quá giờ chỉ còn hai con

Nguyễn Văn Nga, nhân viên khí tượng, hải văn ở Trường Sa

“Năm nay thời tiết ở Trường Sa khá lạnh, gió và sương muối rất nhiều. Hơn mười con gà tụi em nuôi để đãi khách nhưng thời tiết khắc nghiệt quá giờ chỉ còn hai con”, Nga cười nói.

Cũng như đất liền, đêm 30 tết là thời khắc thiêng liêng nhất của cư dân ở đảo Trường Sa lớn. Theo lời Nga, tất cả mọi người trên đảo hầu như không ai ngủ trong đêm giao thừa thiêng liêng ấy.

Năm ngoái, đến thời khắc chuyển giao giữa năm mới và năm cũ, bánh kẹo được bóc ra, Nga và đồng nghiệp uống với nhau chén rượu chúc mừng năm mới rồi mọi người gọi điện về chúc tết gia đình ở đất liền.

Sau đó, anh em khí tượng sẽ sang chúc tết anh em hải đăng sống ở căn nhà ở gần đó, rồi mọi người kéo nhau qua chúc tết bộ đội và các hộ dân sống ở Trường Sa Lớn.

Hai năm sống ở Trường Sa đầy nắng, gió đã khiến chàng trai trẻ mới ngày nào bỡ ngỡ ra đảo giờ đây cứng cáp hơn nhiều. Nhưng trong câu chuyện về cái tết ở Trường Sa, giọng Nga bỗng chùng xuống khi nhắc đến người mẹ thân yêu của mình ở đất liền.

Nga kể cha mất sớm khi Nga còn nhỏ, mẹ Nga từ đó ở vậy nuôi con. Từ ngày Nga ra đảo, người mẹ tần tảo sống một mình ở một huyện miền núi của Ninh Thuận.

“Mấy hôm nay em điện về mẹ bảo dạo này không được khỏe. Lúc trước ở nhà cứ đến tết là mẹ lo hết mọi thứ. Giờ đi xa mới thấy thương mẹ. Điều ước lớn nhất trong năm mới là em chỉ mong cho mẹ thêm nhiều sức khỏe”, Nga tâm sự.

Quần đảo Trường Sa có hai trạm đo khí tượng, thủy văn ở hai đảo lớn là Trường Sa Lớn và Sinh Tồn.

Do Trường Sa Lớn là đảo cấp 1 nên công tác cập nhật thời tiết phải thường xuyên. Một ngày chia làm 8 “ốp” (ca). Cứ cách nhau 3 giờ đồng hồ, nhân viên khí tượng phải thay nhau ghi lại thông số kỹ thuật; ra  biển đo mực nước báo cho đất liền.

Về mùa mưa, cứ cách một tiếng, thậm chí 30 phút, nhân viên phải đo một lần. Theo quy định, nhân viên khí tượng sẽ ở Trường Sa lớn một mạch ba năm rồi về luôn đất liền.

Bài, ảnh: Trung Hiếu

>> Mang tết ra Trường Sa
>> Giữa mùa biển động: Nơi ấy là Trường Sa
>> Trường Sa mùa biển động: Món quà nhỏ từ đất liền
>> Trường Sa mùa biển động: Tưởng niệm các anh hùng yên nghỉ giữa lòng biển
>> Trường Sa mùa biển động: Cờ Tổ quốc trên biển Đông
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.