Cơ hội trong tầm tay

25/01/2014 03:00 GMT+7

Bước chân ra các nước tiên tiến, dù khi còn rất trẻ hoặc đã trưởng thành, mỗi người VN đều ý thức rằng đi là để mở mang, vun đắp cho mình và cho đời.

Cơ hội trong tầm tay 1
Nhiều du học sinh quay về quê hương để lập nghiệp và thực hiện những ước mơ - Ảnh: Như Lịch

Trở về nước hay làm việc ở nơi khác, mỗi một cá nhân đều nhận thấy đã trưởng thành rất nhiều từ những trải nghiệm. Những thay đổi dù nhỏ hay lớn, những góp sức dù ít hay nhiều từ nguồn lực này đã từng bước giúp VN mỗi ngày được biết đến nhiều hơn trên thế giới.

Câu chuyện cuối năm với Thanh Niên từ những người đã hoặc đang trải qua những năm tháng du học, ở từng lĩnh vực, trong từng  cương vị khác nhau cho thấy những điều họ học được, khi trở về, đều có một ý nghĩa nhất định nào đó. Và trên hết, qua trải nghiệm thực tế, họ có những đóng góp để VN không chỉ là nguồn cội để mọi người quay về mà thật sự là nơi hội tụ của người tâm huyết, tài năng.

Học cách hy sinh cái nhỏ vì cái lớn

Cơ hội trong tầm tay 2
Ảnh: Nhân vật cung cấp

Trần Đăng Khoa (ảnh), tốt nghiệp ĐH Quốc gia Singapore, là một diễn giả quen thuộc với nhiều người. 

Anh tâm sự: “Là một người Việt đầy lòng tự hào dân tộc, tôi khao khát tạo nên sự khác biệt cho con người và đất nước VN. Từ Singapore, tôi bắt đầu từ những việc nhỏ nhất tôi có thể làm. Quyển sách Tôi tài giỏi, Bạn cũng thế! vừa là một dự án kinh doanh, vừa là một hành động nhỏ của tôi, với mong muốn làm điều gì đó ý nghĩa cho đất nước”.

Theo anh Đăng Khoa, một du học sinh muốn quay về VN cần phải học cách bỏ đi cái "tôi là du học sinh" của mình. Bởi vì ở VN, bạn sẽ làm việc với rất nhiều người được đào tạo trong nước. Ở đâu cũng có người giỏi và người chưa giỏi, du học sinh chưa chắc đã giỏi. Khi chúng ta biết khiêm nhường học hỏi lẫn nhau, chúng ta sẽ học được rất nhiều điều. Ngoài ra học cách hy sinh cái nhỏ vì cái lớn. Nếu bạn thật sự yêu đất nước mình và mong muốn phát triển ở VN, bạn phải dám chấp nhận coi đồng lương nhiều nghìn đô mỗi tháng ở nước ngoài là cái nhỏ, và coi cơ hội ở VN là cái lớn.

Học được nhiều điều ngoài sách vở

Cơ hội trong tầm tay 3
Ảnh: Nhân vật cung cấp

Châu Thanh Vũ (ảnh), cựu học sinh Trường phổ thông năng khiếu (ĐH Quốc gia TP.HCM), được 7 trường ĐH của Mỹ, một của Đức và một của Canada cấp học bổng. Hiện Vũ đang học tại ĐH Princeton (Mỹ).

Theo Vũ, ở ĐH Princeton tạo rất nhiều thuận lợi cho sinh viên trong học tập và nghiên cứu. “Chẳng hạn như, em đã tham gia một chuyến đi của trường đến bang Florida để hiểu rõ hơn về hậu quả của bong bóng bất động sản. Một lần khác, để học về nền kinh tế của Nhật, chúng em đã được tạo điều kiện để sống ở Tokyo trong gần 2 tháng, đồng thời đi đến các vùng khác của nước Nhật để tìm hiểu về cuộc sống của các nạn nhân trong thảm họa sóng thần. Ngoài ra, trường còn cho rất nhiều học bổng để học sinh có thể thực tập trong hè hoặc nghiên cứu một đề tài mình thích”, Vũ cho biết.

Điều ấn tượng nhất của Vũ khi du học là học sinh phải tham gia nhiều hoạt động xã hội. “Em nghĩ những hoạt động này không những mang tính chất giải trí mà còn đào tạo con người hoàn thiện hơn, dạy cho chúng em các kỹ năng sống cần thiết ngoài sách vở”, Vũ cho biết.

Khuyến khích tư duy, sáng tạo

Cơ hội trong tầm tay4
Ảnh: Lê Thanh

Từng có 3 năm du học tại Trường ĐH Nottingham (Anh), thạc sĩ Lê Huy Bình (ảnh) đang là trợ lý nghiên cứu và giảng dạy của Trường ĐH Việt Đức.

Theo thạc sĩ Lê Huy Bình, cái khác biệt trường ĐH nước ngoài so với trong nước là phương pháp giảng dạy của họ hạn chế tối đa việc học thuộc lòng và khuyến khích người học tự tìm hiểu, tư duy những điều mới lạ.

Thạc sĩ Bình chia sẻ, trong quá trình học có một giáo sư đã nói rằng không cần phải học thuộc lòng và nhớ hết những công thức bởi vì con người không thể nhớ bằng máy tính được. Mình chỉ cần tư duy thôi còn những gì không biết thì tìm hiểu. Quan trọng là khi gặp vấn đề cần giải quyết thì phải biết tìm gì và tìm hiểu ở đâu.

Vì thế, khi trở về VN, trong quá trình hướng dẫn sinh viên, thạc sĩ Bình luôn khuyến khích sinh viên chú trọng về phương pháp. Theo Bình, khi tiếp cận với một vấn đề nào đó, quan trọng là biết cách tư duy logic, tìm được hướng đi. Sau đó, dùng nhiều phương pháp khác nhau để giải.

Hãy có một giấc mơ

Cơ hội trong tầm tay 5
Ảnh: Nhân vật cung cấp

Ông Giản Tư Trung (ảnh),  Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển giáo dục (IRED) là một người tâm huyết với giáo dục. Ông cho rằng muốn kiến tạo quốc gia thì cần có nhiều chuyên gia ở tầm quốc tế trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau. Và một trong những cách nhanh nhất để có nhiều chuyên gia ở tầm quốc tế như thế chính là con đường “Tây du”.

Ông Trung đặt vấn đề: Tại sao nước Mỹ có thể thu hút nhân tài khắp thế giới đổ về? Bởi ngay từ ngày lập quốc, người Mỹ đã có một giấc mơ, đó là phải biến nước Mỹ thành một nơi mà ở đó bất cứ ai cũng có thể thành công nếu có tài năng và lao động cật lực. Vì vậy, những người thành công ở Mỹ nếu không thành công ở nước nào khác thì nước đó phải xem lại. Không hẳn là lỗi của họ mà là lỗi của nhà quản lý, “lỗi hệ thống”. Nên xem lại vấn đề quản trị quốc gia như thế nào mà người tài năng không về mà phải ở lại nước họ du học.

Điều khác biệt là dám nghĩ dám làm

Cơ hội trong tầm tay 6
Anh Trần Hữu Tài cùng các nhân viên - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Sau 5 năm du học ở Mỹ ngành tài chính - marketing, anh Trần Hữu Tài đã về nước và làm việc trong một ngân hàng lớn. Anh từng giữ chức phó giám đốc phòng định chế tài chính, trợ lý phó tổng giám đốc của ngân hàng này.

Anh Tài cho hay trong thời gian đó, anh vẫn luôn ấp ủ dự định mở công ty riêng. Đang phân vân tìm lối đi thì vợ Tài sinh con đầu lòng. “Chúng tôi nhận ra mình hết sức lúng túng vì không có kỹ năng, kinh nghiệm chăm sóc con. Điều đó rất dễ ảnh hưởng đến sự phát triển lâu dài của bé. Mặt khác, vợ tôi còn đối diện với vấn đề tăng cân, sức khỏe cũng như vóc dáng đều sa sút toàn diện”, anh Tài chia sẻ. Chính những trăn trở trên đã làm nền tảng cho Công ty Care With Love thành hình, nhằm cung cấp dịch vụ chăm sóc bé sơ sinh, bà bầu trước và sau khi sinh tại nhà.

“Đâu là điều khác biệt của anh - một du học sinh khi xây dựng thương hiệu?”, chúng tôi thắc mắc. Anh Tài nhìn nhận: “Đó  chính là việc dám nghĩ dám làm”.

Khác với mong đợi nhưng có nhiều cơ hội

Cơ hội trong tầm tay 7
Ảnh: Nhân vật cung cấp

Phạm Anh Khoa (ảnh) từng du học sinh Mỹ, hiện là Giám đốc điều hành Học viện Yola, cho rằng du học sinh một khi đã quyết tâm về nước để bắt đầu sự nghiệp thì phải xác định thực tế ở VN sẽ khác với những gì bạn mong đợi nhưng VN luôn có rất nhiều cơ hội.

Theo Anh Khoa, hiện nay có hàng trăm tổ chức du học sinh VN lớn nhỏ trên thế giới nên rất cần một mạng lưới phi lợi nhuận kết nối, hợp lực các tập thể này với nhau. Còn trong nước, nên thành lập một ban chỉ đạo liên ngành hoặc ủy ban hỗn hợp liên ngành, để tạo ra các chính sách, hành động triển khai sứ mệnh xây dựng và kết nối các nguồn lực du học sinh một cách đồng bộ.

Làm việc tốt nhất là một cách cống hiến

Cơ hội trong tầm tay 8
Ảnh: Như Lịch

Chị Đỗ Thị Thúy Hằng (ảnh), Tổng giám đốc Công ty iVIVU.com, du học và làm việc ở Mỹ suốt 9 năm, chia sẻ với phóng viên Thanh Niên rằng kinh nghiệm chị học được nhiều nhất trong quãng thời gian sống ở Mỹ chính là tính kiên trì, cởi mở, không ngại làm các việc dù là nhỏ nhất.

Tự nhận bản thân vốn “ham chơi”, thích xem phim, giải trí, nên khi mới quay về VN, chị hăng hái làm trong lĩnh vực giải trí. Nhưng sau một giai đoạn “say nắng”, thấy tình hình không khả quan, chị đã chuyển sang lĩnh vực thương mại điện tử gắn với thương hiệu iVIVU.com. Chị chia sẻ: “Là một người thích du lịch, mình có nhiều hy vọng xây dựng iVIVU.com thành trang đặt phòng khách sạn tin tưởng cho người Việt, đem lại dịch vụ tư vấn và chăm sóc khách hàng tốt nhất. Từ đó, tạo lợi thế cạnh tranh với những đối thủ lớn nước ngoài”. Theo chị Hằng, các du học sinh có thể cống hiến rất nhiều cho đất nước, bằng cách làm việc tốt nhất dù ở bất cứ đâu.

Không được dễ dãi trong nghiên cứu

Cơ hội trong tầm tay 9
Ảnh: Nhân vật cung cấp

Hiện là giảng viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, tiến sĩ Nguyễn Bá Hải (ảnh) cho biết: “Thời gian học cao học rồi nghiên cứu sinh tại Hàn Quốc đã cho tôi rất nhiều vốn sống quý”.

Anh kể: “Điều thay đổi ở tôi trước hết là sự kiên nhẫn. Trong khoảng thời gian hơn 4 năm kể từ khi về nước, sản phẩm thiết bị dẫn đường cho người khiếm thị của tôi đã được cập nhật 8 phiên bản khác nhau. Dù vậy, tôi vẫn xem như quá trình này mới bắt đầu và luôn muốn tìm tòi để tiếp tục cải tiến mà không cảm thấy chán nản. Tôi đã tự rút ra rằng, điểm dừng trong hoạt động sáng tạo là vô tận. Bản thân tôi còn trưởng thành hơn nhiều về thói quen sống có kỷ luật. Khi trở về VN, tôi cũng truyền đúng những điều mình học được. Tôi nghĩ rằng, sự dễ dãi trên giảng đường và đặc biệt trong nghiên cứu sẽ không thể tạo ra những kết quả tốt nhất”.

Kết nối và hỗ trợ du học sinh

Cơ hội trong tầm tay 10
Ảnh: Như Lịch

Anh Nguyễn Việt Quế Sơn (ảnh), Phó chủ tịch Hội Du học sinh TP.HCM, chia sẻ những kế hoạch kết nối du học sinh giúp họ không bỡ ngỡ khi quay về nước làm việc. 

Theo anh Sơn, có những bạn khi đi du học chỉ chăm chú vào việc học. Điều này dẫn đến thực trạng có kiến thức nhưng trơ trọi, không có mối quan hệ với ai, rất khó khăn khi trở lại cộng đồng. Cũng có những bạn đi du học lâu quá, thậm chí gần 10 năm mới trở về nên cũng khó nắm bắt tình hình trong nước. Chính vì vậy, kế hoạch của Hội Du học sinh TP.HCM sắp tới là sẽ mở rộng, kết nối nhiều hơn với các hội, đội nhóm du học sinh VN ở các nước. Sự kết nối này nhằm hỗ trợ du học sinh, nhất là những bạn mới ra nước ngoài thêm phần tự tin và phát triển những mối quan hệ hữu ích.

Cần tầm nhìn xa

Cơ hội trong tầm tay 11
Ảnh: Đ.N

Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh (ảnh), Phó giám đốc Trung tâm bồi dưỡng và hỗ trợ chất lượng, Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập, từng được biết đến như một trong những chuyên gia có kinh nghiệm về công tác kiểm định, đo lường, đánh giá giáo dục.

Tiến sĩ Phương Anh cho biết  để sử dụng được nguồn chất xám của du học sinh, nhà nước nên có những kế hoạch vĩ mô và tầm nhìn xa vài chục năm. Chẳng hạn, hiện nay liệu chúng ta nên đầu tư vào ngành nông nghiệp chất lượng cao, công nghệ cao nhưng chẳng mấy ai chọn ngành này vì các chính sách cho nông nghiệp, nông dân, và sử dụng người sau khi đi học về vẫn còn quá thiếu và kém hiệu quả. Muốn có nhân tài, muốn tạo ra sự thay đổi thì không chỉ cho người du học là xong, mà còn phải nghĩ đến làm sao thu hút họ về thì mới có thể tạo ra sự thay đổi lớn thông qua việc cử người đi học. “Còn như hiện nay, tôi nghĩ vẫn thấy tiêng tiếc: đi học rất nhiều, người giỏi không thiếu, nhưng chưa thấy làm được gì thực sự lớn”, tiến sĩ Phương Anh nhận định.

Cách học hoàn toàn khác

Cơ hội trong tầm tay 13
Ảnh: Nhân vật cung cấp

Trang Đỗ (ảnh), nghiên cứu sinh cao học ngoại giao và chính trị tại Trường ĐH Queen Mary (London, Anh) đang rất nổi tiếng trên mạng qua bộ ảnh “Follow me - Cùng em đi khắp thế gian”.

Theo Trang, du học chỉ là trải nghiệm một cuộc sống mới, vì không chắc học ở nước ngoài sẽ giỏi về kiến thức hơn học ở VN. Nhưng nó giống như một chuyến phiêu lưu đầu đời khó quên để trải nghiệm những nền văn hóa mới, gặp gỡ những người mới, thử xem mình trong một xã hội hoàn toàn khác biệt sẽ như thế nào… Đi du học cũng đồng nghĩa với tự lập. Đi du học cũng biết được cách học hoàn toàn khác với những gì đã được học ngày trước ở VN.

Có nhiều cách để ra biển lớn

Cơ hội trong tầm tay 12
Ảnh: Bích Thanh

Hiện là Tổng giám đốc Công ty xây dựng Bachy Soletanche (Pháp), tiến sĩ Lê Nguyễn Minh Quang (ảnh) nhớ lại: Khi đề tài nghiên cứu về công nghệ chôn lấp chất thải nguy hại trong lòng đất lấy bằng phát minh của Pháp, tôi nhận được lời đề nghị ở lại Pháp để tiếp tục phát triển đề tài hoặc có thể sang Hồng Kông làm việc. Tuy nhiên với suy nghĩ, nếu ở lại, đề tài của mình chỉ phục vụ người Pháp nhưng nếu làm một công trình nào đó tại VN thì chắc chắn sẽ có ý nghĩa nhiều hơn. Vì vậy mà tôi quyết định trở về dù gặp nhiều khó khăn với quyết tâm “có nhiều cách để ra biển lớn”.

Sau khi làm xong luận án tiến sĩ chuyên ngành xây dựng, anh Quang trở về VN vào năm 1996. Anh Quang tâm sự: “Đa số du học sinh khi về nước đều mang hoài bão, mong muốn đóng góp. Thật lòng mà nói nếu chỉ mong tìm được đồng lương cao, cuộc sống tiện nghi thì chắc chắn ở lại nước ngoài là tốt hơn”. Theo anh Quang, muốn thu hút người giỏi thì phải có chế độ đãi ngộ xứng đáng, nghĩa là dành cho họ cơ hội được phát huy hết khả năng, giao trọng trách, quyền hạn thực sự để họ làm việc.  

Thanh Niên

>> Giúp học sinh thêm cơ hội học tập phù hợp
>> Cơ hội dự hội thảo quốc tế tại Nhật Bản
>> Cho thêm cơ hội
>> Khát vọng Việt: Tìm cơ hội thành công trong nghịch cảnh
>> Cơ hội mới cho hồ tiêu Phú Quốc  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.