Rùa cướp gươm nên gọi là... hoàn kiếm

20/01/2014 16:11 GMT+7

(TNO) Cư dân mạng chia sẻ và bình luận râm ran về tờ lịch ngày 1.1.2014 (Tết Dương lịch). Trên tờ lịch này có ghi: 'Hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội) gắn liền với truyền thuyết Rùa Thần đòi gươm. Một lần nhà Vua dạo chơi bằng thuyền trên hồ bắt gặp một sinh vật là Rùa lớn nổi lên bơi về phía Ngài, bấy giờ Vua liền rút gươm ra để xua Rùa đi nơi khác, nhưng Rùa bất ngờ ngậm lấy thanh gươm rồi lặn mất xuống lòng hồ. Từ đó hồ được đặt tên là Hồ Hoàn Kiếm'.

 Tờ lịch lan truyền trên mạng xã hội Facebook
Tờ lịch lan truyền trên mạng xã hội Facebook

Tờ lịch không rõ của nhà xuất bản nào nhưng theo những gì in trên đó thì đó là lịch của Ngân hàng SHB đặt, vì có in dòng chữ cuối cùng rất rõ ràng (ảnh).

Cộng đồng mạng đã có nhiều bình luận hết sức bức xúc và cũng rất... khôi hài. Nhiều người còn cho rằng Ngân hàng SHB cố tình làm thế để... PR cho mình. Tôi thì nghĩ, chuyện này SHB khó mà kiểm soát được, đây là lỗi của nhà xuất bản.

Thực ra nội dung truyền thuyết về hồ Hoàn Kiếm như đã trích dẫn ở trên từng xuất hiện trên Wikipedia tiếng Việt, hiện đã được sửa lại. Truyền thuyết này cũng được nhiều sách như Tang thương ngẫu lục, Đại Nam nhất thống chí, Hà thành kim tích khảo... chép khác nhau. Đã là truyền thuyết thì chấp nhận có nhiều dị bản, nhưng dị bản phải gắn liền với tên hồ làm sao cho hợp lý thì mới... có lý (hồ Hoàn Kiếm còn có tên khác là hồ Gươm; hồ Tả Vọng, Hữu Vọng...). Gọi là hồ Hoàn Kiếm thì truyền thuyết phải gắn với có mượn, có trả (hoàn), chứ "Vua liền rút gươm ra để xua Rùa đi nơi khác, nhưng Rùa bất ngờ ngậm lấy thanh gươm rồi lặn mất xuống lòng hồ" thì không thể gọi là "hoàn" mà là "cướp" kiếm.

Sách Lam Sơn thực lục của Nguyễn Trãi có chép:

"Khi ấy Nhà vua cùng người ở trại Mục sơn là Lê Thận cùng làm bạn keo sơn. Thận thường làm nghề quăng chài. Ở xứ vực Ma viện, đêm thấy đáy nước sáng như bó đuốc soi. Quăng chài suốt đêm, cá chẳng được gì cả. Chỉ được một mảnh sắt dài hơn một thước, đem về để vào chỗ tối. Một hôm Thận cúng giỗ (ngày chết của cha mẹ), nhà vua tới chơi nhà. Thấy chỗ tối có ánh sáng, nhận ra mảnh sắt, nhà vua bèn hỏi:

- Sắt nào đây?

Thận nói:

- Đêm trước quăng chài bắt được.

Nhà vua nhân xin lấy. Thận liền cho ngay. Nhà vua đem về đánh sạch rỉ, mài cho sáng, thấy nó có chữ "Thuận Thiên", cùng chữ "Lợi". Lại một hôm, nhà vua ra ngoài cửa, thấy một cái chuôi gươm đã mài-dũa thành hình, nhà vua lạy trời khấn rằng:

- Nếu quả là gươm trời cho, thì xin chuôi và lưỡi liền nhau!

Bèn lấy mảnh sắt lắp vào trong chuôi, thành ra một chiếc gươm hoàn chỉnh. Tới hôm sau, hoàng hậu ra trông vườn cải, bỗng thấy bốn vết chân của người lớn, rất rộng, rất to. Hoàng hậu cả kinh, vào gọi nhà vua ra vườn, được quả ấn báu, lại có chữ Thuận Thiên (sau lấy chữ này làm niên hiệu) cùng chữ Lợi. Nhà vua thầm biết ấy là của trời cho, lòng lấy làm mừng, giấu giếm không nói ra. Truyền thuyết kể tiếp rằng, sau Lê Lợi dùng thanh gươm báu đó làm gươm chiến đấu, xông pha chém địch nhiều trận, cuối cùng đuổi được quân Minh, lên làm vua Đầu năm 1428, Lê Thái Tổ cùng quần thần bơi thuyền ra hồ Tả Vọng. Ra giữa hồ, có Rùa vàng nổi lên mặt nước, chắn trước thuyền của vua gọi to:

- Xin nhà vua hãy hoàn lại gươm thần cho Long Vương!

Lê Thái Tổ rút gươm trả, rùa vàng ngậm lấy gươm lặn xuống nước đi mất. Từ đó hồ Tả Vọng được đặt tên là hồ Hoàn Kiếm".

Truyền thuyết trên đã được đưa vào sách giáo khoa một cách ngắn gọn và mạch lạc hơn, bao nhiêu thế hệ đã nằm lòng về một truyền thuyết đẹp nay "bỗng dưng... cướp kiếm" thì mọi người bức xúc là phải.

Nguyễn Thế Thịnh

>> Người khóc rùa Hồ Hoàn Kiếm
>> CITES nâng mức bảo vệ rùa hồ Hoàn Kiếm
>> Chợ ngoại tệ ven hồ Hoàn Kiếm vẫn “xôm”
>> Đi tìm rùa hồ Gươm trong lịch sử : Truyền thuyết hồ Hoàn Kiếm
>> Thành lập tổ công tác bắt rùa tai đỏ hồ Hoàn Kiếm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.