Bảo vật quốc gia - Kỳ 19: Bộ khóa đai lưng 2.500 năm

20/01/2014 03:00 GMT+7

Bộ khóa đai lưng bằng đồng được tìm thấy ở Phú Thọ cho hình dung về thời kỳ cách đây 2.500 năm.


Ảnh: Hoàng Long 

Ông Nguyễn Xuân Các, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Phú Thọ cho biết bộ khóa đai lưng bằng đồng được khai quật năm 1976, tại mộ táng số 33 thuộc di chỉ khảo cổ học Làng Cả, P.Thọ Sơn, TP.Việt Trì, tỉnh Phú Thọ và hiện được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Phú Thọ.

Bộ khóa đai lưng trên dài 21 cm, rộng 5,5 cm, nặng 380 gr, được làm từ chất liệu đồng thau, màu xanh xám, gồm 4 cặp rùa (8 con) móc lại với nhau. Đáng tiếc là khi được tìm thấy, nó đã bị gãy mất một móc ở phía dưới và 5 móc phía trên.

Cũng theo ông Các, quá trình đánh giá của các nhà khảo cổ học đã xác định được bộ khóa đai lưng này có niên đại cách ngày nay khoảng 2.300 đến 2.500 năm, thuộc giai đoạn văn hóa Đông Sơn.

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, lịch sử, hiện vật này là vật biểu trưng cho quyền lực của thời Hùng Vương. Người đeo bộ khóa đai lưng bằng đồng này là các thủ lĩnh. Cụ thể, trong cuốn Lịch sử Quân sự Việt Nam (tập 1) đã nêu rõ: “Đối với các thủ lĩnh, một trang bị biểu thị cho quyền uy là chiếc đai lưng có khóa bằng đồng”. Cũng theo các nhà nghiên cứu thì “cùng với kiếm, những chiếc khâu dùng để đeo kiếm, đeo dao găm… đai lưng được du nhập từ bên ngoài, không phổ biến với người Việt quen ở trần, đóng khố tiện cho sinh hoạt vùng nóng ẩm, nhiều sông nước”. Tuy nhiên, khi được du nhập từ bên ngoài vào, chiếc khóa đai lưng bằng đồng đã được “Việt hóa” bằng cách tạo hình trang trí các con rùa, chim… là những con vật thân quen.

Như vậy, bộ khóa đai lưng bằng đồng này đã góp phần xác định rõ sự có mặt của tổ tiên ta từ hơn 2.000 năm trước trên vùng núi Nghĩa Lĩnh thuộc tỉnh Phú Thọ ngày nay.

Tư duy thẩm mỹ cao

Cùng với giá trị chứng minh lịch sử, bộ khóa đai lưng bằng đồng tìm được tại Phú Thọ còn thể hiện trình độ luyện kim đồng thau tinh xảo, tư duy thẩm mỹ cao của tổ tiên chúng ta thời Hùng Vương.

Về chế tác đồng, bộ khóa gồm 2 bộ phận có cấu tạo gần giống nhau về hình dáng. Các nghệ nhân thời kỳ Hùng Vương đã biết chế tạo ở 2 đầu bộ phận trên 4 vòng tròn gồm 2 vòng tròn kín và 2 vòng tròn hở để tạo thành bộ khóa đai lưng, khi móc nối với nhau tạo thành một chiếc đai khá đẹp và độc đáo.

Nghệ thuật trang trí rất tinh tế và có tính biểu tượng cao với việc tạo hình mặt ngoài của mỗi bộ phận trong đai lưng là hình 4 con rùa xen lẫn với các hoa văn xoắn ốc hình chữ S. Đáng chú ý là hình rùa chạm trên mặt đai lưng đã được cách điệu, lưng nhô lên giống rùa thật nhưng không có đường vạch tạo thành mai rùa. Xung quanh mỗi con rùa là đường viền trang trí có gạch chéo ở giữa. Miệng rùa hơi nhọn, 2 mắt của rùa đều nằm ở đỉnh đầu. Khoảng cách giữa các con rùa và khóa lưng đều nhau và được nối bằng các đường hoa văn xoắn ốc và các đường thẳng.

Có thể là nhạc khí

Nhưng điều còn chưa rõ là việc liệu đây có phải là nhạc khí hay không. Bởi những bao tay chân có nhạc là hiện vật từng tìm thấy của văn hóa Đông Sơn. Thông thường, những nhạc đồng tìm thấy trong đồ trang sức Đông Sơn đều nhỏ nhắn, bên trong không có quả lắc. Phần chuôi là vòng khuyên gắn vào quai treo trên hiện vật.

“Các loại hình nghệ thuật như ca, múa, nhạc được phản ánh sinh động trên mặt các trống đồng Ngọc Lũ, Hoàng Hạ, Cổ Loa. Chúng được kết hợp với nhau khi trình diễn trong các dịp vui chơi của cư dân mộ thuyền Đông Sơn”, PGS-TS Bùi Văn Liêm, Phó viện trưởng Viện Khảo cổ nói.

“Trong lễ hội ấy, cư dân thời đó thường đội mũ lông chim, mặc váy xòe đuôi chim, hát múa những làn điệu dân dã hay kêu gọi sức mạnh thần linh trong các điệu múa vũ trang, trong tiếng âm vang của các nhạc cụ như trống, chuông, cồng, chiêng, khèn, sáo, xênh, phách... Những lời ca điệu múa của cư dân Đông Sơn không còn chứng tích tự thân, song lưu ảnh của nó vẫn ghi lại trên các di vật thời đó cũng như trong tâm thức và trong sinh hoạt văn hóa dân gian của người Việt sau này. Trong các mộ thuyền Đông Sơn vẫn phát hiện những trống đồng, chuông đồng, nhạc đồng, sáo đồng ở các mộ Việt Khê, Phú Lương, Đồng Long”.

Về bộ khóa đai lưng bằng đồng này, ông Liêm cho rằng chức năng biểu tượng của nó rất rõ. Còn chức năng nhạc khí có thể có tuy chưa rõ rệt.

Mặc dù vậy, ông Liêm lại nhìn thấy nét tính cách mà người Việt thời đó đề cao. “Qua phân tích một số nghệ thuật của chủ mộ thuyền Đông Sơn có thể nhận ra một số tính cách của người Việt cổ thời đó là tính cách cần cù, nhẫn nại, chịu đựng, bền bỉ... mà hình tượng con rùa được tạo tác trên khóa đai lưng... thầm nói lên”, ông Liêm nói.

Tuy nhiên, cùng với những giá trị độc đáo trên, nguyên nhân khiến các nhà nghiên cứu, khảo cổ đề nghị xếp bộ khóa đai lưng bằng đồng thời Hùng Vương này vào danh mục bảo vật quốc gia còn vì sự hiếm có của nó. Tính đến thời điểm hiện nay, tại vùng đất tổ Phú Thọ đã tìm thấy rất nhiều hiện vật như dao, kiếm, trống đồng và các vật dụng sinh hoạt có niên đại văn hóa Đông Sơn. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên và duy nhất tìm được một chiếc đai lưng bằng đồng có niên đại văn hóa này.

Hoàng Long - Trinh Nguyễn

>> Đờn ca tài tử được UNESCO công nhận di sản văn hóa phi vật thể
>> Đờn ca tài tử Nam bộ được công nhận di sản văn hóa phi vật thể
>> Triển lãm dấu ấn di sản văn hóa Pháp ở Việt Nam
>> 800 bức ảnh khổ lớn về di sản văn hóa Việt Nam đã được trưng bày triển lãm dọc đất nước
>> Đề xuất công nhận dù kê là di sản văn hóa phi vật thể
>> Món sushi của Nhật sắp thành di sản văn hóa phi vật thể
>> Bảo tồn di sản văn hóa không đồng nghĩa “giữ nguyên hiện trạng”

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.