Người đưa thơ Việt ra thế giới

19/01/2014 03:05 GMT+7

Vượt qua lằn ranh ngôn ngữ để cùng san sẻ những gì thuộc về tâm hồn Việt với bạn bè thế giới. Nhà thơ Nguyễn Bảo Chân đã nói về điều này một cách chân thành mà cũng rất sâu sắc.

Vượt qua lằn ranh ngôn ngữ để cùng san sẻ những gì thuộc về tâm hồn Việt với bạn bè thế giới. Nhà thơ Nguyễn Bảo Chân đã nói về điều này một cách chân thành mà cũng rất sâu sắc.

 Người đưa thơ Việt ra thế giới
Nhà thơ Nguyễn Bảo Chân -  Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nguyễn Bảo Chân là một trong những tác giả Việt Nam hiếm hoi có thể sử dụng tốt tiếng Anh, từng có mặt trong nhiều cuộc gặp gỡ với đồng nghiệp quốc tế: Liên hoan Thơ Medellin - Colombia 2008; Liên hoan Thơ Parnassus - London, Vương quốc Anh, 6.2012; và gần đây là Liên hoan Thơ quốc tế Pháp do Hội đồng vùng Val-de-Marne (ngoại ô Paris) tổ chức tháng 5.2013.

Đọng lại rõ nhất trong chị sau những cuộc gặp gỡ quốc tế là gì?

Một niềm vui nhỏ và một chút tiếc nuối. Tôi vui vì thấy mình được góp phần, dù ít ỏi, giới thiệu văn học Việt Nam với bạn bè. Ở một số festival, tôi không chỉ đọc thơ mình, mà còn mang theo thơ của nhiều nhà thơ khác, để bạn bè có thêm ví dụ về thơ Việt. Trong một số hội thảo ở trường đại học, tôi đã trình bày những hiểu biết khiêm tốn của mình về văn học Việt Nam qua tham luận và trả lời các câu hỏi của sinh viên. Tôi tiếc khi thấy văn học Việt Nam chưa có nhiều cơ hội “ra khơi”. Bởi biết bao lý do chủ quan và khách quan, dường như ta vẫn loanh quanh chỉ ở bờ bến của chính mình.

Chị có bị mặc cảm từ một nền văn hóa chưa được biết tới và một đất nước gần như bị lãng quên trong nhiều mặt?

Tôi không bị mặc cảm nào cả. Khi mang thơ mình đến các liên hoan thơ quốc tế, tôi tự hào vì mình là người Việt, điều khiến tôi khác họ. Nếu họ chưa biết ta, lãng quên ta, thì ta phải cất lời, phải làm gì đó để họ biết ta là ai, và đang tồn tại một cách sống động. Trong khu rừng lớn, bên cạnh những đại thụ, còn biết bao loài cây khác. Mỗi loài đều có quyền xanh và đều muốn vươn lên như nhau.

 

Nhà thơ Nguyễn Bảo Chân sinh năm 1969, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hiện đang là biên tập viên Ban Văn nghệ, Đài truyền hình Việt Nam.

Tác phẩm: Dòng sông cháy (NXB Thanh Niên, giải thưởng của Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Việt Nam năm 1994), Chân trần qua vệt rét (NXB Hội Nhà văn, 1999), Những chiếc gai trong mơ (song ngữ Anh - Việt, NXB Thế giới, 2010).

Khi tự dịch thơ mình sang tiếng Anh, chị có tin đã chuyển đúng những gì mình muốn lan tỏa đến người đọc nước ngoài?

Có lẽ nói thế này chính xác hơn, tôi không dịch thơ mình sang tiếng Anh, tôi viết lại những bài thơ ấy bằng ngôn ngữ thứ hai, ngôn ngữ mà tôi yêu, tôi sống, vui buồn với nó đã nhiều năm nay. Có lẽ bởi vậy mà tập thơ song ngữ Những chiếc gai trong mơ (Thorns in Dreams) của tôi được bạn đọc tiếng Anh chấp nhận. Năm 2011, nó được bán tại một số trường đại học Philippines và năm 2012 được bán ở Anh với sự giúp đỡ của nhà sách Foyles. Tại Ngày thơ Việt Nam ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám xuân 2011, những khách du lịch Đan Mạch, Úc, Ấn Độ mua sách của tôi, vì đó là cuốn song ngữ duy nhất. Thật vui khi hai trong số họ sau đó đã trao đổi thư từ và chúng tôi trở thành bạn bè.  

Theo chị, để văn học Việt Nam được phổ biến sâu và rộng trên thế giới, cần những điều kiện nào?

Sẽ chẳng có cây cầu nào bắc qua sông nếu tất cả mọi người bằng lòng với việc đi đò, hoặc những người có trách nhiệm cũng đã nghĩ đến việc xây cầu nhưng lại chẳng có tiền. Thực ra, điều quan trọng nhất khiến văn học Việt Nam chưa được phổ biến sâu, rộng vẫn là chúng ta đang thiếu những tác phẩm đỉnh cao, lại không có đội ngũ chuyên nghiệp dịch từ tiếng Việt sang tiếng Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Trung Quốc...

Chị nhìn nhận thế nào về những tác giả gốc Việt đã nhận các giải thưởng văn chương cao ở một số quốc gia?

Tôi chỉ đọc hai tác phẩm của Linda Le (Pháp) và Nam Le (Úc). Tôi thấy họ được hưởng nền tảng giáo dục tốt của phương Tây. Nếu không sinh ra thì cũng lớn lên ở nước ngoài, nên họ viết như người bản xứ vậy. Hai nhà văn này đều giành những giải thưởng uy tín của Pháp và Úc. Tôi không gắn chữ “gốc Việt” vào những giải thưởng của họ. Tôi thích tập truyện Lại chơi với lửa của Linda Le. Có thế thấy bóng dáng tác giả trong từng truyện ngắn, một nhà văn, một người đàn bà ẩn mình, đơn độc, trong thế giới kỳ dị, đầy ảo giác. Cuốn Con thuyền (The Boat) của Nam Le, tôi đọc qua nguyên bản tiếng Anh, thực hơn, với những trải nghiệm đau đớn của một người trẻ tuổi trước sóng gió của số phận. Nhà văn có những thử nghiệm thú vị khi đưa được những từ tiếng Việt và hơi hướm văn hóa Việt vào văn học Anh ngữ, như lối xưng hô và ứng xử giữa các nhân vật. Nhưng Nam Le không chỉ viết về người Việt, nhân vật trong truyện của anh đa dạng và hấp dẫn.

Ngô Thị Kim Cúc

>> Nhà thơ của tình yêu
>> Nỗi ân hận của nhà thơ
>> Nhà thơ Tạ Hữu Yên qua đời
>> Nhà thơ bị “trả em cay đắng…”
>> Giao lưu thơ Việt - Mỹ
>> Thơ Việt Nam hiện đại nhìn từ miền Trung  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.