Mỹ Châu giờ không còn Đức Minh

16/01/2014 09:25 GMT+7

Bến phà Rạch Miễu giờ chỉ còn là quá khứ, nhưng nó vẫn là một kỷ niệm khó quên đối với nghệ sĩ Đức Minh .

Mỹ Châu giờ không còn Đức Minh
Vợ chồng Đức Minh - Mỹ Châu - Ảnh: T.L

Những buổi chiều phụ gia đình đưa đò cho khách qua sông, những đêm trăng sáng giữa mênh mang sông nước đã gieo vào tâm hồn cậu thiếu niên Lê Văn Nhuận tình yêu vọng cổ, để rồi mấy mươi năm sau khán giả vẫn còn nhớ về ông...

Một thiên bẩm sân khấu

Đức Minh là một nghệ sĩ được trời phú cho một thiên bẩm sân khấu. Lúc nhỏ, dù không rành bài bản, nhịp nhàng nhưng chất giọng trong sáng, mộc mạc chân phương của ông đã thu hút được khách đi đò. Trong số các nhà sư đang tu tại chùa Ông Đạo Dừa ở Cồn Phụng, Bến Tre, có một người trước kia là nhạc sĩ cổ nhạc, thấy Nhuận có giọng ca hay nên dạy cho ông căn bản về vọng cổ.

Từ đó, Nhuận ca càng thêm điêu luyện nhưng chưa có ý định theo nghiệp tổ. Mãi đến năm 1968, cha của Nhuận muốn cho ông theo đoàn hát để trốn quân dịch. Ông được gửi gắm theo người bà con ở một đoàn hát nhỏ của tỉnh, sau vài tháng thì lên Sài Gòn thọ giáo lò đào tạo của danh cầm Văn Vỹ. Học được một thời gian, ông và cô bạn học được thầy Văn Vỹ giới thiệu vào đoàn Trúc Giang. Gương mặt điển trai, vóc dáng cao ráo, lý tưởng, Nhuận được ông bầu giao ngay cho vai kép nhì và đặt nghệ danh là Đức Minh. Tư chất thông minh nên dần dần ông đảm nhận thành công vai diễn trong các vở Cây đèn thần, Chim bay về núi, Đời cô Hạnh... Chỉ hai tháng sau, ông đã có thể thế vai kép chánh khi người này bị bệnh bất ngờ. Ông bầu đoàn hát Trường Sơn nghe danh Đức Minh, lặn lội từ miền Trung vào mời ông ký hợp đồng về biểu diễn. Ban đầu ông còn hát chia vai với kép chánh Nhật Quỳnh trong các vở Chàng Cuội lên cung trăng, Luật giang hồ, Trường hận Huyết Lan... nhưng sau đó thì được giao hẳn vì lực hút về doanh thu vượt xa Nhật Quỳnh.

Khoảng cuối 1972, ''vua Tao Đàn'' Thanh Hải và ''vua vọng cổ hài'' Văn Hường hùn vốn lập đoàn với lực lượng rất hùng hậu gồm  Út Trà Ôn, Thanh Hải, Đức Lợi, Ngọc Bích, Tô Kim Hồng, Văn Hường... nhưng Đức Minh vẫn chấp nhận về làm kép ba để tìm đường tiến thân ở Sài Gòn. Tuy đoàn chỉ hoạt động được hơn một năm thì giải thể, nhưng giọng ca ngọt ngào của ông đã được hãng đĩa Việt Nam mời thu một số bài tân cổ chung với Lệ Thủy, Lệ Quyên. Nhờ đó, Đức Minh được nhiều đoàn đại ban khác chú ý, mời về cộng tác. Đến 1974, ông về Đoàn cải lương Việt Nam - Minh Vương, hát chung với Minh Vương, Thanh Nga, Hà Bửu Tân, Kim Lệ Thủy, Văn Ngà, Tuấn Hùng…

Sau 1975, Đức Minh về đoàn Sài Gòn 3. Vai diễn Sa Rin trong vở Nàng Sa Rết đã tạo cơ hội cho ông thể hiện bản lĩnh. Đến vai tù trưởng Hà Mẫn Đạt trong vở Tình ca biên giới, tên tuổi của ông lên ngang hàng với Thanh Điền, Thanh Kim Huệ, Minh Thiện...

 

Nghệ sĩ Đức Minh tên thật là Lê Văn Nhuận, sinh năm 1952 tại Châu Thành, Bến Tre. Ông qua đời tại Atlanta, Georgia (Mỹ), lúc 2 giờ ngày 14.1.2014 (theo giờ địa phương) vì bệnh ung thư, hưởng thọ 62 tuổi.

Năm 1980, bầu gánh hát Trùng Dương - Vũng Tàu mời Đức Minh cộng tác. Ở đây, ông có dịp thể nghiệm nhiều dạng vai khác nhau. Trong đó nổi danh nhất là hai vai Tony Done trong vở Hoa thiên lý và Tú Uyên trong vở Người đẹp trong tranh. Đặc biệt là lớp độc diễn của Tú Uyên đã lấy không ít nước mắt của khán giả.

Năm 1984, Đức Minh trở về TP.HCM theo đoàn cải lương Văn công thành phố, hát chung với các nghệ sĩ Minh Phụng, Mỹ Châu, Thoại Miêu, Thanh Hồng, Tô Kiều Lan, Hoàng Giang, Hùng Minh... Trong hơn 6 năm gắn bó với đoàn, ông đã tạo dấu ấn qua các vở Khúc hát đoạn tình, Tiếng sáo đêm trăng, Mùa thu trên non cao, Hai phương trời thương nhớ, Dốc sương mù… Với vai Điền Minh trong Tiếng sáo đêm trăng, ông diễn rất ăn ý với NSƯT Mỹ Châu, tạo thành một liên danh rất ăn khách ở TP.HCM và khi lưu diễn ở miền Trung. Đến vai đạo diễn Tâm trong Dốc sương mù, ông đã tạo một dấu ấn khó quên trong sự nghiệp của mình khi lần đầu tiên đoạt HCV ở Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc 1985. Đến cuối 1989, tình yêu giữa Đức Minh và Mỹ Châu chớm nở, tiến tới hôn nhân sau nửa năm. Năm 1994, vợ chồng ông về đoàn Tiếng Chuông Vàng - Minh Phụng, hát những vở tuồng cải lương trong thời hoàng kim của sân khấu Kim Chung như Người gọi đò bên sông, Kiếp chồng chung, Hội chọn chồng… Đến 2001, ông được bảo lãnh sang Mỹ định cư.

Hạnh phúc muộn màng

Trong ký ức, tôi vẫn nhớ về Đức Minh là một nghệ sĩ tóc hơi quăn quăn, mặt móm duyên và hiền, có giọng ca thật ngọt ngào. Năm 2003 Mỹ Châu được ông đón sang Mỹ, và cả hai cùng đi đi về về Việt Nam mỗi năm. Mỹ Châu và Đức Minh cưới nhau khi bà đã 40 tuổi, và ông đã có con trưởng thành. Họ ráp lại với nhau như một tổng hòa cuối đời thật đẹp.

Bà và ông không có con với nhau, nhưng chính vì vậy mà bà thương con của ông nhiều hơn. Người con riêng của Đức Minh cũng rất thương bà. 

Lại thắc mắc bà nổi tiếng hơn ông, vậy ông có… buồn không. Bà buột miệng: “Nửa đời người mới gặp được nhau, chỉ nhìn vào tâm hồn, phẩm cách, chứ ai lo nhớ mấy chuyện công danh. Khi cánh màn nhung khép lại, mình về nhà thì nên “thoát ra” một chút cho dễ thở, dễ sống chứ”.

Nhưng từ đây, Mỹ Châu không còn cơ hội cùng chồng sóng đôi trở lại quê hương nữa rồi. Giọng ca buồn của bà không biết còn buồn đến mức nào đây…

Hoàng Kim - Vũ Anh

>> Chồng của NSƯT Mỹ Châu qua đời tại Mỹ vì ung thư
>> Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ: Châu Âu nên biết ơn về chương trình do thám
>> Ván cờ tình báo Mỹ - châu Âu
>> Mỹ, châu Âu triệt phá 328 website bán hàng giả

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.