Hải quan phải biết rõ hàng lậu

15/01/2014 03:25 GMT+7

* Chưa thống nhất luật hóa lấy phiếu tín nhiệm Tại phiên thảo luận của Ủy ban Thường vụ QH về luật Hải quan (sửa đổi) chiều 14.1, nhiều đại biểu đã nhấn mạnh đến quy định thẩm quyền của cơ quan hải quan.

* Chưa thống nhất luật hóa lấy phiếu tín nhiệm

Tại phiên thảo luận của Ủy ban Thường vụ QH về luật Hải quan (sửa đổi) chiều 14.1, nhiều đại biểu đã nhấn mạnh đến quy định thẩm quyền của cơ quan hải quan.

“Hải quan là tai mắt ở biên giới, bất kỳ hàng lậu gì qua biên giới các đồng chí cũng phải biết, đừng nói luồng xanh, luồng đỏ. Luật phải quy định rõ, hải quan phải biết rõ hàng lậu và phải chịu trách nhiệm, vì nhà nước giao cho anh giữ cửa khẩu”, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh. Ông cũng đề nghị quyền hạn, trách nhiệm giao cho hải quan phải đầy đủ (như quy định tạm giữ người trong trường hợp bắt quả tang buôn hàng lậu qua biên giới, nhưng phải có quy định chặt chẽ về thời gian, trường hợp nào được giữ và người giữ phải chịu trách nhiệm).

Tại phiên thảo luận, Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng việc trên cùng địa bàn thành lập tới 2 - 3 cục hải quan như Hà Nội và TP.HCM là đi ngược xu thế phát triển. Theo bà Ngân, việc tách các cục hải quan (đường bộ, đường không…) vừa tăng bộ máy, chi phí, trong khi số thu như cũ, chưa kể phối hợp giữa các cục có vấn đề, thậm chí cạnh tranh nhau. Về điều này, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết: “Bộ sẽ cân nhắc, không tăng thêm tổ chức hải quan nữa (hiện cả nước có 34 cục hải quan - PV)”.

Buổi sáng cùng ngày, phiên thảo luận về nội dung sửa đổi luật Tổ chức QH đã ghi nhận nhiều ý kiến về việc có nên luật hóa quy định lấy phiếu tín nhiệm vốn chưa được đưa vào nội dung Hiến pháp sửa đổi.

Đại diện cho cơ quan trình dự luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng: “Chúng tôi vẫn đề nghị nên đưa quy định lấy phiếu tín nhiệm vào luật vì kết quả rất tốt”. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Kim Khoa góp ý dù Hiến pháp không quy định, nhưng lấy phiếu tín nhiệm là quy trình để tiến tới bỏ phiếu tín nhiệm theo quy định của Hiến pháp nên cũng không trái Hiến pháp. Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Trần Văn Hằng thì đề nghị nên chờ T.Ư cho ý kiến thêm tại Hội nghị T.Ư 9 để hoàn thiện thêm quy định về lấy phiếu tín nhiệm, chứ không nên bỏ nội dung này khỏi luật. Một số ý kiến khác đề nghị nên áp dụng quy định lấy phiếu tín nhiệm vài năm nữa rồi mới luật hóa.

Ngoài nội dung trên, qua thảo luận, nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ QH đề nghị nâng số đại biểu QH chuyên trách lên nhiều hơn tỷ lệ 35% như đề xuất của ban soạn thảo. 

Mai Hà - Bảo Cầm

 >> Tôi đi làm thủ tục hải quan ở sân bay Tân Sơn Nhất
 >> ‘Lọt lưới’ gần 230 kg ma túy: Khâu kiểm soát của Hải quan Tân Sơn Nhất có vấn đề?
 >> Không làm thủ tục hải quan nếu còn nợ thuế
 >> Làm giả con dấu, chữ ký cán bộ hải quan để xuất khẩu chui
 >> Chỉ còn 5% doanh nghiệp làm thủ tục hải quan thủ công

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.