Tham vọng không - hải của Trung Quốc

12/01/2014 09:00 GMT+7

Sau gần nửa thế kỷ, Bắc Kinh vẫn đang ngụp lặn trong chiến lược hoàn thiện khả năng kết hợp không - hải chiến.

Sơ đồ bố trí lực lượng không quân Trung Quốc - Đồ họa: N.M.T
Sơ đồ bố trí lực lượng không quân Trung Quốc - Đồ họa: N.M.T

Nhân 40 năm Trung Quốc tấn công, chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa, đại tá Nguyễn Thành Trung, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và cũng là phi công được “Việt cộng” cài vào không quân Việt Nam Cộng hòa, đã kể lại với Thanh Niên về kế hoạch dùng không quân tái chiếm Hoàng Sa. Trong đó, không quân Việt Nam Cộng hòa dự định triển khai 120 chiến đấu cơ F-5 để tấn công 41 chiến hạm Trung Quốc trên biển Đông.

Đại tá Nguyễn Thành Trung kể: “Cất cánh từ Đà Nẵng ra Hoàng Sa, tụi tôi thừa sức đánh với họ trong 20 phút, thừa dầu bay về Đà Nẵng. Cự ly từ Hải Nam ra Hoàng Sa xa hơn Đà Nẵng ra Hoàng Sa chút xíu, nhưng không quân Trung Quốc chỉ có MiG-21, ra tới Hoàng Sa thì không còn dầu để quay về. MiG-21 không dám bén mảng ra Hoàng Sa, mà ra đến đấy tụi tôi đánh cũng rớt, hoặc không có dầu về. F-5 vừa mang bom, tên lửa, vừa có súng, hai bên 2 cây 20 li, mỗi bên cánh 2 quả bom và chùm 3 quả ở giữa, hai bên đầu cánh là 2 tên lửa đối không Sidewinder. Hỏa lực của F-5 hồi đấy là quá mạnh”. (xem chi tiết trên Thanh Niên Online)

Thực sự, điều ông Trung nói (khả năng tác chiến không quân ở những vùng biển xa bờ - NV) là thách thức mà Bắc Kinh tìm cách khắc phục suốt gần nửa thế kỷ qua.

Trông chờ tàu sân bay

Theo báo cáo thường niên mang tên Military and Security Developments Involving the People’s Republic of China 2013 - do Bộ Quốc phòng Mỹ công bố đánh giá năng lực quân sự của Trung Quốc, Bắc Kinh hiện chủ yếu sử dụng các loại chiến đấu cơ J-7, J-8, J-10, J-11, JF-17 do nước này tự sản xuất và Su-27, Su-30 có xuất xứ từ Nga. Đây là những loại chiến đấu cơ đa nhiệm, trang bị nhiều vũ khí hiện đại gồm pháo, tên lửa đối không, đối hạm, tấn công mặt đất và bom... Trong đó, chỉ có 3 loại J-10, J-11 và JF-17 được cho là đủ khả năng tác chiến tầm xa. Tuy nhiên, để đạt được bán kính chiến đấu trên 1.000 km, đủ sức vươn đến quần đảo Trường Sa hay Senkaku/Điếu Ngư, thì chúng phải được tiếp nhiên liệu trên không. Bắc Kinh không thiếu máy bay tiếp liệu nhưng để số phi cơ này hoạt động an toàn thì đòi hỏi một cơ số không nhỏ chiến đấu cơ hộ tống đi kèm.

Hồi đầu năm 2012, khi rộ lên thông tin Israel triển khai chiến đấu cơ tấn công Iran, giới chuyên gia quân sự từng nhận định Tel Aviv phải sử dụng tổng cộng khoảng 100 chiến đấu cơ thì mới đủ sức đảm bảo cho một phi đội tấn công chủ lực chưa đến 10 chiếc đi kèm máy bay tiếp liệu vượt qua quãng đường dài. Khi đó, chỉ cần mạng lưới phòng không của đối phương hoạt động hiệu quả thì kế hoạch tấn công dễ bề phá sản. Trở lại với khu vực Đông Á, cả vùng biển Đông lẫn Hoa Đông đều đang được phòng thủ bởi những loại tên lửa đối không tối tân như S-300, Patriot. Vì thế, với năng lực hiện tại, nếu Trung Quốc triển khai không quân hỗ trợ hải quân để tham chiến ở hai vùng biển này nhằm thực hiện tuyên bố chủ quyền, thì Bắc Kinh sẽ đối mặt với một rủi ro cực lớn.

Bởi thực tế trên, nhiều năm qua, Trung Quốc nỗ lực phát triển lực lượng tác chiến tàu sân bay để sở hữu khả năng tác chiến không quân tầm xa theo hướng ít rủi ro nhất. Tuy nhiên, giới chuyên gia quốc tế nhận định rằng dù đã sở hữu tàu sân bay nhưng đây là một chiến hạm cũ kỹ, nên Bắc Kinh vẫn phải chờ đợi nhiều năm nữa mới đạt mục tiêu trên.

Đoạn trường sao chép

Để củng cố sức mạnh không quân, hướng đến hoàn thiện khả năng tác chiến tầm xa, Trung Quốc liên tục cho ra đời nhiều dòng chiến đấu cơ mới. Đầu tháng này, nhiều trang mạng xuất hiện hình ảnh được cho là của dòng máy bay chiến đấu đa nhiệm J-16 mà Bắc Kinh đang phát triển. Tuy nhiên, CNA dẫn ý kiến từ một số chuyên gia nhận định đây chỉ là phiên bản sao chép từ loại Su-30 do Nga sản xuất. Cho nên, J-16 chỉ thuộc thế hệ 3++ chẳng thể xem là đối thủ của dòng Su-35, thuộc thế hệ 4++, như cách mà truyền thông Trung Quốc “tự sướng”.

Thực tế, J-16 chẳng phải là dòng chiến đấu cơ đầu tiên của Bắc Kinh bị tố đã sao chép từ nước ngoài. Cuối năm 2012, khi Trung Quốc liên tục thông tin về loại chiến đấu cơ tàng hình J-31, CNN dẫn lời một số chuyên gia nhận định: “J-31 giống F-22 đến 75% từ phần thân dưới, còn phần đầu thì rất giống F-35”. Tương tự, báo The Diplomat đăng bài bình luận nhận định: “Nó (J-31 - NV) giống F-22 ở một số góc độ và giống cả F-35 trong một số đặc điểm khác. Công phu hơn, chuyên trang quân sự Defense Tech còn dùng hình ảnh chi tiết để chỉ ra những bộ phận của J-31 được sao chép từ chiến đấu cơ Mỹ.

Cũng trong năm 2012, khi xuất hiện hình ảnh dòng chiến đấu cơ J-15 mà Bắc Kinh trang bị cho tàu sân bay Liêu Ninh, truyền thông quốc tế cũng dẫn lời giới chuyên gia nhận định loại phi cơ này được “thửa lại” từ Su-33 của Nga. Theo RIA-Novosti, vào năm 2006, Nga đã từ chối việc Trung Quốc đề nghị mua máy bay chiến đấu Su-33 Flanker-D nhưng chỉ muốn nhận trước 2 chiếc để “bay thử”. Vì thế, Trung Quốc chuyển sang mua 1 chiếc Su-33 Falcon-D từ Ukraine và chẳng quá lâu sau thì J-15 ra đời với nhiều nét tương đồng. Ngoài ra, hồi năm 1995, Moscow từng chịu bài học cay đắng khi chuyển giao công nghệ để Bắc Kinh sản xuất 200 chiếc Su-27SK đặt tên là J-11 để rồi Trung Quốc tự ý nội địa hóa nhiều hơn thỏa thuận khiến Nga phải hủy thỏa thuận. Với “thành tích” như vậy, chiến đấu cơ do Bắc Kinh chế tạo luôn bị đánh giá thấp về chất lượng. 

Phân bổ lực lượng không quân Trung Quốc

Phân bổ lực lượng không quân Trung Quốc

SĐ: Sư đoàn (Nguồn: Lầu Năm Góc)

Ngô Minh Trí

>> Không quân Trung Quốc tập trận lớn
>> 5 tàu hải quân Trung Quốc đến gần hải phận Nhật
>> Kịch bản giả định chiến tranh Đông Bắc Á - Kỳ 3: Hải quân Trung Quốc thắng chật vật
>> Tàu hải quân Trung Quốc sắp tuần tra phi pháp Trường Sa
>> Hải quân Trung Quốc liên tục tập trận
>> Hải quân Trung Quốc diễn tập bắn đạn thật
>> Vũ khí Trung Quốc mạnh tới đâu?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.