'Đặc thù' kỳ lạ của ngành điện

11/01/2014 03:00 GMT+7

Tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 10.1, Thanh tra Chính phủ chính thức công bố kết luận thanh tra về việc chấp hành quy định pháp luật trong quản lý sử dụng vốn và tài sản tại Tập đoàn điện lực VN (EVN), trong đó chỉ ra hàng loạt sai phạm tại tập đoàn này.

* Gần 122.000 tỉ đồng bị đầu tư trái quy định, không hiệu quả; 600 tỉ đồng tiền xây biệt thự, sân tennis tính vào giá điện

Theo đó, gần 122.000 tỉ đồng đã bị EVN đầu tư ra ngoài ngành không mang lại hiệu quả kinh tế, trong khi vốn điều lệ chỉ có gần 77.000 tỉ đồng. Năm 2011, hệ số giữa nợ phải trả và vốn điều lệ là gần 2,8 lần; hệ số giữa nợ phải trả và vốn chủ sở hữu trên 3,2 lần. Đến nay cũng chưa cân đối được nguồn vốn để trả các khoản nợ quá hạn thanh toán.

Điều đáng nói, tập đoàn còn hướng dẫn hạch toán chuyển nguồn vốn không đúng tại 11 dự án đã hoàn thành và đang hoạt động làm tăng chi phí sản xuất điện trong năm 2011 gần 224 tỉ đồng; chưa xây dựng được quy định về việc trả lương, phụ cấp, tiền thưởng và chế độ khác cho người đại diện; phê duyệt định biên lao động chưa chính xác, còn có sự chênh lệch lớn giữa lao động kế hoạch và lao động thực tế nhưng chậm sửa đổi; mua xe ô tô vượt định mức quy định số tiền trên 3 tỉ đồng. Trong khi đó, từ năm 2005 đến tháng 12.2012, có đến 20 dự án bị triển khai chậm tiến độ dẫn đến việc thiếu hụt sản lượng điện và tăng chi phí đầu tư.

Tại các đơn vị thành viên cũng không ít sai phạm. Cụ thể, Tổng công ty  truyền tải điện quốc gia tạm ứng quỹ khen thưởng phúc lợi số tiền trên 7 tỉ đồng để chi cho cán bộ công nhân viên đến nay chưa có nguồn bù đắp. EVN HCM kinh doanh bất động sản 141 tỉ đồng; để chậm tiến độ 66 dự án làm phát sinh các chi phí liên quan; Tổng công ty điện lực miền Bắc cũng đầu tư ra ngoài ngành nghề kinh doanh chính trên 52 tỉ đồng.

“Làm khổ” 3 bộ

Đề cập đến trách nhiệm các bộ ngành liên quan, Thanh tra Chính phủ cũng chỉ rõ Bộ Công thương đã phê duyệt chi phí “khu nhà quản lý vận hành và sửa chữa” của EVN nhưng thực tế là nhà biệt thự đơn lập, nhà song lập, nhà liền kề, chung cư cao tầng, có bể bơi, sân tennis... với tổng số tiền gần 600 tỉ đồng vào chi phí đầu tư của 6 dự án nguồn điện là chưa đúng quy định. Bộ Công thương cũng đã xác định chi phí sản xuất điện của các nhà máy thủy điện hạch toán phụ thuộc EVN lớn hơn giá bán lẻ điện bình quân năm 2011 của các nhà máy thủy điện Đồng Nai, Sông Tranh, Đại Ninh và Tuyên Quang.

Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Bộ Tài chính phối hợp Bộ Công thương và Bộ Xây dựng rà soát khoản chi phí xây dựng khu nhà ở, nhà quản lý vận hành của ngành điện (trong đó có 6 dự án nguồn điện nêu trên) cũng như đối với các nhà máy, khu công nghiệp khác, có hướng dẫn cụ thể và phù hợp, báo cáo Thủ tướng trong tháng 2.2014.

Ngoài kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân tại EVN, Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Công thương kiểm điểm rút kinh nghiệm về một số tồn tại, khuyết điểm nêu trên. Đề xuất Bộ Tài chính xử lý số tiền trên 8,3 tỉ đồng (trong đó có trên 3,1 tỉ đồng do thẩm định tiền lương của lãnh đạo EVN chưa đúng trong năm 2010; trên 5,2 tỉ đồng do mua ô tô vượt định mức). EVN xử lý khoản tiền hơn 107 tỉ đồng do EVN TP.HCM hạch toán vào giá thành điện không đúng quy định, chi vượt định mức tiêu hao hợp lý. Đặc biệt, Bộ Công thương phải khẩn trương ban hành khung giá phát điện và khung giá bán buôn điện…

“Đặc thù của ngành điện”

Thanh tra Chính phủ phân tích, việc EVN bị lỗ hàng ngàn tỉ đồng không chỉ do đầu tư tràn lan ngoài ngành mà còn có nguyên nhân phải bù lỗ cho các đơn vị thành viên.

Ông Đinh Quang Tri, Phó tổng giám đốc EVN, thừa nhận: “Năm 2011, các tổng công ty của EVN lỗ hơn 3.000 tỉ đồng và các công ty con bị EVN giao lỗ. Bản thân EVN năm 2011 cũng lỗ nên buộc chúng tôi phải giao cho các công ty con cũng phải lỗ. Tổng hợp lại năm 2011, EVN lỗ gần 3.000 tỉ đồng”. Theo giải thích của ông Tri, việc giao chỉ tiêu lỗ này là do “đặc thù của ngành điện” bởi khâu sản xuất và sử dụng điện xảy ra đồng thời; khi các hộ tiêu dùng về điện tăng thì toàn hệ thống phát điện của EVN phải tăng lên, ngược lại khi nhu cầu giảm thì toàn hệ thống giảm.

Trả lời câu hỏi của Thanh Niên về việc EVN bù lỗ cho các công ty con phải chăng là nhằm né thuế thu nhập DN, ông Tri nói: “Tổng hợp lại thì EVN vẫn lỗ, về mặt pháp luật những công ty hạch toán độc lập nếu có lãi sau khi đã bù lỗ hết của những năm trước lũy kế thì mới phải nộp thuế. Chưa bù hết lỗ thì phải dùng lợi nhuận đó ra bù”.

Cho vay 2%/năm, vay lại 17%/năm

Trả lời PV Thanh Niên, ông Đinh Quang Tri thừa nhận có hiện tượng EVN cho Công ty CP Nhà máy nhiệt điện Phả Lại vay vốn lãi suất (LS) thấp nhưng sau đó lại vay lại của DN này với LS rất cao. Cụ thể, trong quá trình đầu tư xây dựng Nhà máy Phả Lại 2 thuộc Nhiệt điện Phả Lại, EVN đã cho DN này vay tổng cộng 300 triệu USD với LS khoảng 2%/năm. Nguồn gốc khoản cho vay này là do Chính phủ vay vốn ODA Nhật Bản với LS khoảng 1,8 - 2%/năm, sau đó cho EVN vay lại thông qua Bộ Tài chính. Tuy nhiên, sau đó EVN đã vay lại của Nhiệt điện Phả Lại khoản tiền 2.350 tỉ đồng để đầu tư vào các dự án nguồn điện với LS bằng vay các ngân hàng thương mại, khoảng 17%/năm.

Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, báo cáo tài chính hợp nhất đã được kiểm toán của EVN và Công ty CP Nhà máy nhiệt điện Phả Lại thể hiện năm 2012, nhà máy này còn nợ EVN hơn 6.900 tỉ đồng và phải trả khoản lãi vay là hơn 206 tỉ đồng. Trong khi đó, Nhiệt điện Phả Lại có khoản thu nhập lãi gần 330 tỉ đồng từ việc cho EVN vay 2.350 tỉ đồng. Năm 2011, Nhiệt điện Phả Lại cũng có khoản thu nhập trên 210 tỉ đồng từ khoản cho vay này.

Ông Tri cho rằng, trước đây Nhiệt điện Phả Lại trực thuộc EVN, sau đó chuyển thành công ty CP và hoạt động theo luật Doanh nghiệp. “Khi chuyển Nhiệt điện Phả Lại thành công ty CP, về mặt pháp lý EVN phải cho DN này vay lại để thu hồi vốn sau này trả lại Bộ Tài chính, cơ chế này đã được cơ quan chức năng chấp thuận. Lúc đầu chúng tôi cũng đề nghị Bộ Tài chính cho vay trực tiếp nhưng họ nói phải thông qua EVN vì là đầu mối quản lý về sản xuất điện”, ông Tri nói và giải thích thêm: “Khi thành công ty CP, niêm yết trên thị trường chứng khoán có rất nhiều cổ đông là các tổ chức cá nhân đầu tư tài chính, kể cả quốc tế thì họ không chấp nhận cho vay LS thấp mà phải theo thỏa thuận. Mà thỏa thuận thì phải lấy theo mức LS ngân hàng”.

Thái Sơn - Hoàng Trang

 >> Lợi nhuận đáng kinh ngạc của ngành điện
>> EVN vẫn còn hơn 1.000 tỉ đồng đầu tư ngoài ngành
>> EVN lại đề nghị tăng giá điện
>> Giá điện gánh cả chi phí xây biệt thự, bể bơi
>> Tăng giá điện có minh bạch? 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.