Đuối vì độc quyền

09/01/2014 03:10 GMT+7

Nét nổi bật nhất của ngành đường sắt trong năm qua có lẽ là sự kiện khánh thành… hai cầu vượt bộ hành trong ga Hà Nội. Nhưng hai cây cầu này hoàn thành được không phải nhờ sự nhanh nhẹn của ngành đường sắt, mà phần lớn nhờ sức ép từ cấp trên.

Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng cũng đã thẳng thắn chỉ trích, nhắc nhở sự trì trệ, chậm thay đổi, làm mới mình của ngành đường sắt. Sự cũ kỹ của ngành đường sắt không chỉ là hệ thống đường ray đã hơn 100 tuổi, mà còn là việc duy trì quá lâu tư duy độc quyền. Nói như ông Thăng, ngành đường sắt không đổi mới được vì vẫn nghĩ mình là một “bộ đường sắt”, lẫn lộn giữa quản lý nhà nước và kinh doanh vận tải.

Trong khi đường bộ, đường hàng không đang tiến những bước dài và cạnh tranh quyết liệt, thì đường sắt ngày càng có vẻ đuối hơn bởi bộ máy cồng kềnh, lạc hậu, vận hành thiếu hiệu quả. Hình ảnh của ngành đường sắt trong mắt người dân hàng chục năm nay không có nhiều thay đổi, vẫn là hệ thống bán vé thủ công, dịch vụ trên tàu nghèo nàn, kém chất lượng, tàu chậm giờ. Nhưng giá vé tàu lại đắt đỏ, thậm chí cao hơn giá vé máy bay giá rẻ, khiến nhiều hành khách đi tàu đang có xu hướng chuyển sang các phương tiện khác thuận tiện hơn, rẻ hơn. Đáng nói là khi được hỏi, lãnh đạo ngành đường sắt vẫn cho rằng không thể giảm giá vé, do phải cân đối bù trừ.

Tuy nhiên, nếu nhìn sang ngành hàng không, lãnh đạo ngành đường sắt có lẽ sẽ phải nói khác. Trên thực tế, giá vé máy bay từng cao ngất ngưởng khi thị trường duy trì một hãng bay độc quyền. Nhưng câu chuyện đã hoàn toàn khác khi thị trường hàng không mở cửa với sự tham gia của nhiều hãng hàng không tư nhân, giá rẻ, đẩy mặt bằng giá máy bay hạ xuống thấp hơn trước rất nhiều, thậm chí có mức giá rẻ 0 đồng.

Việc hiện đại hóa hệ thống đường sắt hiện có, nâng cấp tốc độ chạy tàu tới thời điểm này vẫn mới chỉ dừng lại ở quy hoạch chi tiết, đang chờ phê duyệt. Nếu được duyệt, để tuyến đường mới đi vào hoạt động cũng mất ít nhất 5, 6 năm nữa. Trong khi đó, điều có thể làm được nhanh hơn để có được những chuyển biến quan trọng hơn, chính là sự tự đổi mới, tái cơ cấu bộ máy hoạt động của ngành đường sắt.

Chủ tịch HĐTV Tổng công ty đường sắt VN trong một cuộc họp với lãnh đạo Bộ GTVT đã gây bất ngờ khi khẳng định sẵn sàng từ chức nếu đường sắt không thực sự đổi mới trong năm 2014. Người dân đang chờ sự thay đổi của ngành đường sắt. Bởi cũng như con đường ngành hàng không đã trải qua, mở cửa thị trường, phá thế độc quyền, thay đổi tư duy bộ máy lãnh đạo cũng như tái cơ cấu triệt để là con đường duy nhất để ngành đường sắt phát triển.

Mai Hà

>> Bộ trưởng Đinh La Thăng 'chê' giá vé đường sắt đắt
>> 2.000 tỉ đồng cho tổng công ty đường sắt

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.