Bệnh sởi quay trở lại tấn công trẻ

08/01/2014 15:19 GMT+7

(TNO) Ngày 8.1, khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) có 20 trẻ bị sởi nằm điều trị. Kể từ lúc bệnh sởi quay lại từ đầu tháng 12.2013 đến nay, khoa Nhiễm đã có hơn 100 trẻ nhập viện điều trị bệnh sởi.

(TNO) Ngày 8.1, khoa Nhiễm, Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1 (TP.HCM) có 20 trẻ bị sởi nằm điều trị. Kể từ lúc bệnh sởi quay lại từ đầu tháng 12.2013 đến nay, khoa Nhiễm đã có hơn 100 trẻ nhập viện điều trị bệnh sởi.

Trẻ điều trị bệnh sởi tại khoa Nhiễm, BV Nhi đồng 1 TP.HCM 1
Trẻ điều trị bệnh sởi tại khoa Nhiễm, BV Nhi đồng 1 TP.HCM - Ảnh: Hà Minh

Nằm thiêm thiếp trên giường bệnh, bé Tạ Hoàng Thắng (9 tháng tuổi, ở quận 12) bị sởi nổi khắp người. Mẹ bé cho biết, bé bị bệnh sởi và đã biến chứng sang viêm phổi. Trước đó, bé bị sốt hai ngày, nổi ban ở mặt và bụng nên chị đưa bé đến BV Nhi đồng 1 khám.

Nhập viện được một ngày, bé Lê Bùi Hoàng Tiến (10 tháng tuổi, ở Đắk Lắk) hay quấy khóc do sởi nổi khắp người. Mẹ bé cho biết, khi bé bắt đầu sốt, người nhà tưởng sốt bình thường nên mua thuốc cho bé uống nhưng vẫn không hết sốt. Sau đó, bé quấy khóc, sổ mũi và sốt cao hơn nên gia đình đưa bé đến BV Nhi đồng 1.

Mẹ bé Tiến còn cho hay, lúc 9 tháng tuổi, gia đình định đưa bé Tiến đi tiêm phòng sởi nhưng do bé hay bị sốt, cảm cúm nên gia đình chưa thể đưa bé đi, một phần khác là vì các thông tin trẻ tử vong do chích ngừa nên gia đình chị rất sợ.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, sau mấy năm vắng bóng, bệnh sởi đã quay trở lại tấn công nhiều trẻ em từ đầu tháng 12.2013 đến nay.

“Trẻ phải được chích ngừa sởi từ lúc 9 tháng tuổi và sau đó cần tiêm nhắc lại. Có những trường hợp, sau 9 tháng tuổi mới tiêm hay tiêm một mũi rồi không tiêm nhắc lại đều có thể bị sởi”, bác sĩ Khanh nói.

Trẻ bị bệnh sởi có thể biến chứng thành viêm phổi, viêm tai, tiêu ra máu, viêm não. Đã có ba trẻ phải dùng máy thở kéo dài và dùng kháng sinh mạnh tại phòng cấp cứu của khoa Nhiễm. Với trẻ suy dinh dưỡng kết hợp bị sởi sẽ dễ dẫn đến viêm phổi và suy dinh dưỡng nặng hơn.

Để nhận biết bệnh sởi ở trẻ, bác sĩ Khanh lưu ý các triệu chứng như sốt cao, ho nhiều, sau đó nổi ban khắp người. Phụ huynh khi thấy trẻ sốt quá cao, co giật, thở mệt, tiêu ra máu, chảy mủ tai thì phải đưa trẻ đến bệnh viện ngay.

Phụ huynh không nên kiêng ăn, kiêng tắm, kiêng gió cho trẻ bị bệnh sởi và cần phải thúc trẻ ăn nhiều vì thường bị bệnh này trẻ hay biếng ăn. Nhiều phụ huynh kiêng ăn, cho trẻ uống thuốc lá sẽ làm trẻ bệnh nặng hơn.

Hà Minh

>> Bệnh sởi trái mùa ở trẻ gia tăng
>> Chữa bệnh sởi cho trẻ
>> TP.HCM: tiếp tục giám sát tình hình bệnh sởi
>> Bệnh sởi
>> Sơn La: Xuất hiện bệnh sởi ở người lớn
>> TP.HCM: Bệnh sởi không bùng phát ở người lớn
>> Bài thuốc dành cho trẻ bị bệnh sởi
>> Cách phòng và chữa bệnh sởi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.