Phe biểu tình khởi động 'chiếm Bangkok'

06/01/2014 03:25 GMT+7

Ngày 5.1, phe biểu tình Thái Lan huy động hàng ngàn người xuống đường để khởi động và thị uy cho chiến dịch 'chiếm Bangkok' vào tuần sau.

 Ông Suthep Thaugsuban và người biểu tình trong cuộc vận động chiến dịch “chiếm Bangkok” hôm qua - Ảnh: Minh Quang
Ông Suthep Thaugsuban và người biểu tình trong cuộc vận động chiến dịch
“chiếm Bangkok” hôm qua - Ảnh: Minh Quang

Người biểu tình chủ yếu diễu hành xung quanh China Town, một trong 20 địa điểm mà phe chống đối dự kiến phong tỏa bắt đầu từ ngày 13.1. Trong những ngày tới, phe này sẽ tiếp tục tiến hành xuống đường ở các địa điểm còn lại để “tiền trạm”.

Được cho là học theo phong trào “Chiếm phố Wall” tại Mỹ hồi năm 2011, thủ lĩnh phe biểu tình Thái Lan Suthep Thaugsuban tuyên bố người biểu tình sẽ chiếm giữ các giao lộ ở các khu vực trung tâm tài chính và hành chính của Bangkok và sẽ không cho bất kỳ phương tiện nào lưu thông. Theo ông Suthep, mục tiêu của chiến dịch kéo dài khoảng 10 - 20 ngày này là làm chính phủ mất mặt với người dân, khách nước ngoài và cả cộng đồng quốc tế và phải tuân theo “các yêu cầu của nhân dân”. Trước đó phe biểu tình cũng cam kết không phong tỏa các sân bay và ngành du lịch “sẽ không bị ảnh hưởng”.

Đáp lại, giới chức Thái Lan cảnh báo chiếm giữ thủ đô là hành động vi phạm pháp luật và sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế. Thủ tướng Yingluck Shinawatra kêu gọi những người bất mãn với chính phủ hãy gạch tên bà trong cuộc bầu cử vào đầu tháng 2 chứ đừng xuống đường chống đối, gây hại cho đất nước và làm xáo trộn cuộc sống của người dân. “Tôi cũng không muốn nhìn thấy lại cảnh bạo động như hồi 2010 vốn đã gây ra mất mát và hậu quả quá lớn cho Thái Lan”, bà Yingluck phát biểu. Lo ngại cuộc phong tỏa Bangkok  làm ảnh hưởng đến cả nước, nhiều người dân ở thủ đô Thái Lan tỏ thái độ bất bình và kêu gọi tẩy chay phe biểu tình.

Trong khi đó, phe áo đỏ ủng hộ chính phủ cũng tuyên bố sẽ tổ chức chiến dịch “giải phóng Bangkok”. Dù phe này cho biết chỉ tập trung bên ngoài thủ đô để tránh đụng độ nhưng nhiều ý kiến lo ngại sẽ lại xảy ra đổ máu như vụ 3 người thiệt mạng hồi tháng 12.2013. Trước tình hình căng thẳng dâng cao, cảnh sát Thái Lan được quân đội hỗ trợ sau khi phát hiện lượng giao dịch vũ khí và đạn dược tăng một cách bất thường trong vài ngày qua. Hội đồng an ninh quốc gia thì đề nghị Thủ tướng Yingluck ban bố tình trạng khẩn cấp ở Bangkok trước ngày 13.1 nhưng bị nhiều bên, bao gồm cả quân đội, phản đối. 

Lãnh đạo biểu tình Campuchia sẽ hầu tòa

Hai thủ lĩnh phe biểu tình ở Campuchia, cũng là lãnh đạo của đảng đối lập CNRP, là Sam Rainsy và Kem Sokha vừa nhận trát triệu tập ra tòa ở thủ đô Phnom Penh vào ngày 14.1 với cáo buộc tội kích động bạo lực và bất ổn xã hội.

Tờ Cambodia Herald dẫn lời người phát ngôn của Hội đồng bộ trưởng Campuchia Keo Remy cho biết đã có bằng chứng cho thấy các thành viên CNRP cung cấp thực phẩm cho người biểu tình và kích động họ gây ra các hành vi bạo lực trong cuộc biểu tình hôm 3.1, làm 5 người thiệt mạng và 40 người bị thương.

Hôm qua, Sam Rainsy và Kem Sokha tuyên bố sẽ ra trình diện nhưng vẫn tiếp tục chống đối chính phủ. Trước đó có tin đồn ông Sam Rainsy sẽ trốn ra nước ngoài.

Minh Quang
(VP Bangkok)

 >> Phe biểu tình Thái Lan đòi 'đóng cửa' Bangkok
 >> Campuchia giải tán biểu tình
 >> Campuchia: Đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình
 >> Phe biểu tình dọa làm tê liệt Bangkok
 >> Xả súng vào người biểu tình Thái Lan, 1 người chết
 >> Biểu tình tại Thái Lan: Một cảnh sát bị bắn chết
 >> Thái Lan: Cảnh sát và phe biểu tình lại đụng độ
 >> Thủ tướng Thái Lan đáp ứng yêu sách phe biểu tình
 >> Thái Lan sẽ bắt nóng lãnh đạo phe biểu tình
 >> Biểu tình ở Thái Lan: Cha 'từ' con vì con xuống đường biểu tình
 >> Phe biểu tình Thái Lan vây điểm đăng ký tranh cử
 >> Hàng trăm ngàn người biểu tình ở Bangkok, Phnom Penh
 >> Phe chống chính phủ Thái Lan lại chuẩn bị biểu tình lớn
 >> Phe biểu tình Thái Lan vây sứ quán Mỹ

 

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.