Mất hàng tỉ USD vì du lịch 'chui'

03/01/2014 09:00 GMT+7

Dù bị cấm nhưng nhiều doanh nghiệp nước ngoài, công ty liên doanh, các văn phòng đại diện nước ngoài tại VN vẫn công khai tổ chức đưa khách trong nước ra nước ngoài ( outbound ).

Mất hàng tỉ USD vì du lịch "chui"
Khách Việt do công ty du lịch trong nước đưa đi Hàn Quốc - Ảnh: N.T.Tâm

Theo luật du lịch và cam kết gia nhập WTO, những công ty du lịch có vốn đầu tư nước ngoài ở VN không được phép kinh doanh lữ hành nội địa và outbound. Hầu hết các nước đều quy định như vậy. Nhưng trên thực tế, hoạt động này vẫn được các công ty liên doanh công khai thực hiện.

Trang mạng của Công ty du lịch H. (một liên doanh với Nhật Bản) có nhiều nội dung quảng bá tour du lịch nước ngoài như Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật Bản… cho khách Việt. Liên hệ với Công ty E. (một liên doanh du lịch với Pháp), nhân viên cũng ngay lập tức gửi thông tin chương trình châu Âu kèm hợp đồng, báo giá tour. Khi chúng tôi đặt vấn đề về việc các công ty nước ngoài không được làm outbound thì nhân viên tư vấn nói khách không nên quá lo lắng, bởi công ty được phép kinh doanh lữ hành quốc tế outbound từ nhiều năm nay. Giá tour tương đương với các công ty du lịch VN. Như thế, việc các công ty du lịch nước ngoài bán tour outbound cho khách Việt đang khá phổ biển ở nước ta.

Sự bất nhất khó hiểu của cơ quan quản lý

 

Cần cải thiện nhiều mặt

Nguyên Tổng cục phó Tổng cục Du lịch Nguyễn Phú Đức cho rằng trong quá trình hội nhập, người VN ngày càng đi nước ngoài nhiều hơn. Tuy nhiên, xét về mặt kinh tế, thì điều này là thất thoát ngoại tệ. Vì thế, ngành du lịch VN cần cải thiện nhiều mặt để tăng sức hấp dẫn cả du khách nội địa và quốc tế như là cách để bù đắp lại nguồn chi phí khách Việt mang ra nước ngoài.

Theo Phó giám đốc Sở VH-TT-DL TP.HCM Lã Quốc Khánh, tùy theo điều kiện của mỗi quốc gia thì chính sách outbound khác nhau, nhưng tựu trung đều cố gắng giữ chân du khách ở lại du lịch trong nước nhằm tránh thất thoát ngoại tệ và gia tăng chi tiêu nội địa.

Tình trạng này bắt nguồn từ sự điều hành bất nhất của các cơ quan quản lý. Năm 2009, do khủng hoảng kinh tế, Tổng cục Du lịch triển khai thí điểm cho phép liên doanh lữ hành quốc tế làm outbound. Thời gian áp dụng từ năm 2009 đến hết năm 2010. Từ năm 2011, các doanh nghiệp nước ngoài phải chấm dứt nghiệp vụ này. Tuy nhiên, ngày 20.12.2010, ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch đã ký công văn chính thức cho Công ty H. được đưa khách ra nước ngoài kể từ 1.1.2011. Đến giữa tháng 7.2012 Công ty H. tiếp tục được Sở KH - ĐT Đà Nẵng cấp giấy chứng nhận đầu tư có ngành nghề là kinh doanh outbound. Dựa vào đó, tháng 12.2013 công ty này “làm tới” bằng việc đề nghị Sở KH-ĐT Hà Nội điều chỉnh giấy phép đầu tư để làm outbound nhưng trong công văn trả lời, ông Nguyễn Mạnh Cường đã bác bỏ yêu cầu này. Như vậy, với một công ty, cùng một người ký văn bản, lại có 2 hướng giải quyết khác nhau.

Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch VN (VITA) Vũ Thế Bình từng cho biết năm 2012 có khoảng 3,5 triệu lượt người VN đi du lịch nước ngoài, tăng 20% so với năm 2011, ước tính chi tiêu hơn 3,5 tỉ USD. Như vậy, với mức tăng bình quân khoảng 20%/năm thì năm 2013 đã có khoảng 4 triệu khách Việt ra nước ngoài. Nếu mỗi người chi tiêu trung bình 1.000 USD như cách tính trên thì đã có khoảng 4 tỉ USD bị chảy ra khỏi biên giới từ việc này.

Trong những năm qua, khách quốc tế đến VN tăng trưởng 10% trong khi thị trường outbound đang có mức tăng trưởng 20%/năm. Như vậy, chẳng mấy năm nữa thị trường outbound sẽ đuổi kịp thị trường đưa khách nước ngoài vào VN (inbound) và nguy cơ nhập siêu dịch vụ du lịch là rất rõ.

Du lịch bán... giấy phép

Hiện ở VN có nhiều văn phòng đại diện (VPĐD) của các cơ quan cũng như công ty du lịch nước ngoài, như Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Campuchia... Theo quy định, VPĐD không được phép kinh doanh nhưng bằng nhiều chiêu thức khác nhau, những đơn vị này kết nối với công ty du lịch trong nước bán tour cho khách Việt ra nước ngoài.

VPĐD Công ty du lịch H.N của Hàn Quốc tại VN thời gian gần đây quảng bá mạnh mẽ tour Hàn, thậm chí bán cả tour kết nối Hàn - Nhật ở thị trường VN. Trong một hội thảo về du lịch, VPĐD Công ty H.N phân phát tập quảng cáo tour nước ngoài, nội dung ghi đầy đủ chi tiết hành trình cũng như giá cả dịch vụ mà không hề ghi đơn vị du lịch VN nào thực hiện giao dịch, ký kết hợp đồng với khách. Khi chúng tôi điện thoại đến H.N để hỏi vấn đề trên, đơn vị này lập lờ rằng phần giao dịch với khách sẽ do Công ty du lịch B.T của VN thực hiện.

Trong thực tế, các VPĐD du lịch nước ngoài ở VN liên tục triển khai nhiều chương trình hấp dẫn để thu hút khách Việt. Tổng cục Du lịch Hàn Quốc ở VN mới đây trao giải cho các đơn vị lữ hành bán được nhiều tour du lịch khen thưởng tới Hàn Quốc trong năm 2013 với nhiều quyền lợi thiết thực; trước đó, cơ quan này còn hỗ trợ 70.000 USD cho doanh nghiệp lữ hành VN quảng cáo tour Hàn Quốc… Vì thế, có tháng, khách Việt đi Hàn Quốc tăng tới 30%, khách tham quan mùa đông Hàn Quốc tăng 25%.

Không chỉ chảy máu ngoại tệ, vai trò của doanh nghiệp lữ hành trong nước ngày càng mất đi và bị chi phối gần như hoàn toàn bởi các công ty du lịch nước ngoài ở ngay chính thị trường của mình. Cách làm này, giới kinh doanh du lịch gọi là “bán giấy phép”.

N.Trần Tâm

>> Hàng ngàn công ty du lịch “chui”
>> Du lịch chui?
>> Cẩn thận mất tiền oan với du lịch “chui” cuối năm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.