Đối mặt với bệnh của... nhà giàu

01/01/2014 03:05 GMT+7

Theo Viện Dinh dưỡng quốc gia, tỷ lệ trẻ béo phì tăng nhanh ở các cấp học hiện chiếm khoảng 5-6%. Tình trạng này kéo theo hệ lụy làm tăng bệnh mãn tính ở trẻ em và người trưởng thành.

 

7,3 triệu người Việt Nam thừa cân béo phì

Theo TS Nguyễn Thị Lâm, Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, bữa ăn cư dân đô thị đang thiếu rau xanh, hiện trung bình mới đạt khoảng 200 gr rau xanh/người/ngày trong khi khuyến cáo nên đạt từ 300 gr/người/ngày. Cần có các chương trình truyền thông về chế độ dinh dưỡng phù hợp cho cư dân đô thị; duy trì thói quen thể dục, vận động tích cực 30 phút/ngày. Khoảng 7,3 triệu người Việt Nam thừa cân béo phì, làm gia tăng các bệnh lý đái tháo đường, tăng huyết áp, các bệnh lý tim mạch.

Theo TS Đỗ Trung Quân, Trưởng khoa Khám bệnh theo yêu cầu, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), các trường hợp mắc đái tháo đường týp 2 ở trẻ em và người trẻ hiện nay về cơ bản có cùng căn nguyên: bữa ăn không hợp lý và thiếu vận động. Lười vận động và ăn uống dư năng lượng có thể được coi là “bệnh” của nhiều người, đặc biệt là ở thành thị.

Theo GS Nguyễn Văn Bình, Đại học Y Hà Nội, stress, áp lực công việc, học tập khiến chất lượng sống bị suy giảm. Stress là một trong những nguyên nhân gây thừa cân, béo phì và liên quan mật thiết đến đái tháo đường và bệnh lý tim mạch và stress chính là “bệnh” chưa được kiểm soát tốt. “Cần nhìn nhận toàn diện về chất lượng sống. Chất lượng không phải bữa ăn giàu đạm mà còn là điều kiện sống để có tinh thần thư thái. Trẻ em và người lớn đều đang thiếu sân chơi, thiếu cơ hội để vận động lành mạnh”, ông Tạ Văn Bình, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phòng chống đái tháo đường (ĐH Y Hà Nội), khuyến cáo.

“Cần báo động về sức khỏe của cư dân các thành phố lớn”, PGS-TS Nguyễn Thị Lâm, Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, khuyến cáo.

Theo TS Lâm,  khoảng 40% người trưởng thành ở Hà Nội và TP.HCM dư cân; 7-8% bị đái tháo đường. Đặc biệt tỷ lệ béo phì của toàn quốc chung khoảng 10% thì tại Hà Nội, TP.HCM là 18,6%; khoảng 40% người trưởng thành ở thành phố có rối loạn lipit (mỡ) máu. Tại VN 40% các ca tử vong do bệnh lý tim mạch, 14% do ung thư, 10% do các bệnh mãn tính không lây. Các bệnh này có liên quan mật thiết đến chế độ dinh dưỡng, vận động. “Cần có chiến lược truyền thông mạnh mẽ để nâng cao kiến thức phòng bệnh... nhà giàu cho cộng đồng”, TS  Lâm nêu ý kiến.

Liên Châu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.