Đại tướng làm nông nghiệp

01/01/2014 00:30 GMT+7

Vừa được phong quân hàm Đại tướng một năm, năm 1960, Nguyễn Chí Thanh được điều sang phụ trách nông nghiệp. Nói về việc điều động này, Đại tướng hóm hỉnh: “Khi Đảng cần, Đại tướng cũng trưng dụng”.

Cơn gió Đại Phong

 
Mô hình phong trào thi đua Gió Đại Phong diễu hành ở quảng trường Ba Đình năm 1962 - Ảnh: tư liệu

Cuối năm 1960, khi tình hình nông nghiệp ở miền Bắc gặp khó khăn, Đại tướng được phân công làm Trưởng ban Nông nghiệp T.Ư.

Trong cuốn Vị tướng khởi nguồn gió Đại Phong (NXB Thời đại, 2012) có rất nhiều bài viết về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với những đóng góp to lớn cho nông nghiệp miền Bắc.

Theo bài viết Đại tướng và Gió Đại Phong, cuối năm 1960, công cuộc cải tạo nông nghiệp cơ bản hoàn thành ở miền Bắc. Trong buổi đầu, kinh nghiệm làm ăn tập thể chưa có, phong trào không tránh khỏi một số khó khăn. Bác Hồ mời Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đến và bảo: “Phong trào mới nhóm, trầm trầm. Chú hãy cố gắng tìm cho được điển hình tốt, rút kinh nghiệm và phát huy nó lên để đánh tan bầu không khí kém phấn khởi”. “Thực hiện chỉ thị của Bác, anh bôn ba ngược xuôi, nghe ở đâu có HTX làm ăn tốt, có sáng kiến hay là anh tìm đến nghiên cứu” - tác giả Phan Quang viết.

Và Đại tướng đã tìm ra HTX Đại Phong (xã Phong Thủy, H.Lệ Thủy, Quảng Bình), một điển hình trong sản xuất nông nghiệp thời bấy giờ. Tác giả Đặng Ngọc Tuân cho biết bố ông cũng là Chủ nhiệm HTX Đại Phong (ngay sau thời kỳ của ông chủ nhiệm được phong tặng Anh hùng lao động Nguyễn Ngọc Ánh), mẹ ông cũng là cán bộ HTX. Những câu chuyện được bố mẹ của ông kể lại về Đại tướng thời kỳ này thật xúc động: “Với bộ áo quần nhuộm nâu, đôi dép cao su, tơi, nón lá, chiếc gậy tre cầm tay, Đại tướng đã cùng với Chủ nhiệm Nguyễn Ngọc Ánh, Phó chủ nhiệm Võ Trạo, Đoàn Tiệp lội khắp mọi xứ đồng, vào tận các chuồng trâu kiểm tra. Đại tướng nhắc nhở: “đông che hè thoáng” và dặn dò mọi người, con trâu là đầu cơ nghiệp, đối với nông dân ta phải bảo vệ. Có hôm nghe tin xã bên để trâu chết rét, Đại tướng đạp đò ngang sang tận nơi, gọi cán bộ khiển trách rồi yêu cầu cho người che chắn chuồng trại. Phải làm xong trước mặt ông, ông mới chịu về. Có hôm đêm trăng, bà con xã viên cấy ruộng Cồn Tu, vừa cấy vừa hò khoan. Bốn giờ sáng, ông trở dậy lội xuống đồng vỗ tay với mọi người. Trời tối, có người tưởng nhầm ông là người đi cày nên mắng: “Đi cày mà không lo cày bỏ trâu xuống đây hò khoan à”. Khi trời sáng nhận ra Đại tướng, mấy o, mấy chị mới cười vang. Rồi ông lội xuống cấy thi với bà con, cũng tay mạ, tay cấy thoăn thoắt, nhanh và thẳng hàng. Mọi người đứng cả lên để nhìn. Rồi Đại tướng lội ruộng, chân xăm xăm kiểm tra xem thợ cày Đại Phong cày bừa có kỹ không…”.

Sau khi phát hiện những nhân tố mới từ Đại Phong, Đại tướng đã trực tiếp cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc với bà con và xây dựng HTX nông nghiệp Đại Phong thành một mô hình điểm về sản xuất nông nghiệp giỏi trên toàn miền Bắc. Về sau, dân Đại Phong đã suy tôn ông là Thành hoàng làng. Chính ông là người đã phát động phong trào “Nghiêng đồng đổ nước ra sông”, khoanh vùng làm thủy lợi, cải tạo giống lúa có năng suất cao. Vừa trồng lúa giỏi, HTX vừa phát triển 26 ngành nghề và thực hiện khai hoang làm kinh tế ở vùng Bến Tiến. Năng suất lúa rất cao, bộ mặt nông thôn đổi mới. Phong trào lan rộng...

Tầm nhìn vượt thời gian

Theo tác giả Ngô Tư (đại tá, nguyên cán bộ Phòng Chính trị Bộ Tham mưu Miền (B2) kể, lại mùa hè năm 1965, tại Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua Quân giải phóng miền Nam, được tổ chức tại một cứ điểm thuộc vùng căn cứ miền Đông Nam bộ, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Bí thư T.Ư Cục miền Nam, đã đến dự. Giờ giải lao, Đại tướng xuống chỗ các chiến sĩ thi đua đang quây quần trò chuyện.

Sau khi nói chuyện chiến đấu, đột nhiên Đại tướng chuyển sang đề tài kinh tế nông nghiệp: “Miền Nam ruộng đồng bao la, mưa thuận gió hòa, đất đai phì nhiêu, tiềm năng kinh tế rất lớn, tuy cũng có khó khăn hạn hán, ngập lụt nhưng không như miền Bắc đất đai khô cằn, màu mỡ cạn kiệt, gặp úng thì phải “nghiêng đồng đổ nước ra sông” khó khăn chừng ấy mà đồng bào miền Bắc còn sản xuất đủ ăn, nuôi quân đánh giặc năm này qua năm khác. Tớ nói thật, hết chiến tranh tớ sẽ xin Trung ương vào Nam làm nông nghiệp. Hiện cả miền Nam chỉ sản xuất được khoảng mười triệu tấn gì đó, như vậy là quá thấp. Hòa bình, sản lượng nông nghiệp cả nước phải đạt từ ba mươi triệu tấn, trên ba mươi triệu tấn thóc/năm không có gì là khó khăn cả. Lương thực chừng ấy đủ nuôi chín mươi triệu đến một trăm triệu dân là chắc chắn…”.

Không chỉ đưa phong trào sản xuất nông nghiệp ở miền Bắc phát triển đủ ăn và chi viện cho miền Nam đánh Mỹ, khi trên cương vị Bí thư T.Ư Cục miền Nam, ông vẫn luôn trăn trở về nông nghiệp. Không những thế, ngay từ thời kỳ đó, Đại tướng đã tiên tri dân số VN sẽ chạm ngưỡng 90 - 100 triệu dân và sản lượng lương thực đạt trên 30 triệu tấn/năm. Thực tế đã chứng minh ngày 1.11.2013, dân số VN đã chạm ngưỡng 90 triệu và từ năm 2004 VN không chỉ đảm bảo an ninh lương thực mà còn trở thành nước xuất khẩu gạo đứng thứ hai trên thế giới, sau Thái Lan.

Bùi Ngọc Long

>> Trao tặng 4 bức tượng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh
>> Những câu chuyện chưa kể về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh
>> Những bức thư tình của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh
>> Hội thảo khoa học về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh
>> Triển lãm về cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.