Màn hát quan họ mừng chiến thắng Điện Biên Phủ

31/12/2013 03:25 GMT+7

Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Đoàn chèo Quân đội đã dựng vở Sáng trong như ngọc một con người. Trước hôm khởi dựng, các nghệ sĩ trong đoàn đã đến dâng hương tại gia đình Đại tướng.

 Một cảnh trong vở Sáng trong như ngọc một con người - Ảnh: B.N.L
Một cảnh trong vở Sáng trong như ngọc một con người - Ảnh: B.N.L

Màn hát quan họ bị phản đối

Ngôi nhà 47 Phan Đình Phùng (Hà Nội) hiện được xem như ngôi nhà chung của cả gia đình Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Tại đây, những người con của Đại tướng đã dành không gian trang trọng và ấm cúng nhất để trưng bày những tư liệu, hiện vật và hình ảnh về cuộc đời hoạt động cách mạng của cha. Khi tôi đến, chị Nguyễn Thanh Hà (con gái Đại tướng) đang tiếp Đoàn chèo Quân đội. Câu chuyện Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã có một ứng xử thật đẹp với tiết mục quan họ trong đêm diễn mừng chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 được ôn lại.

Chuyện được nhà thơ Hoàng Cầm (nguyên đoàn trưởng Đoàn văn công Tổng cục Chính trị) kể lại trong cuốn Vị tướng khởi nguồn gió Đại Phong. Trong bài viết, nhà thơ Hoàng Cầm kể rằng sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Nguyễn Chí Thanh đã tổ chức lễ “mừng công và khao quân” vào trung tuần tháng 5.1954.

Trước đó một tuần, nhà thơ Hoàng Cầm được Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị giao nhiệm vụ “chuẩn bị chương trình biểu diễn đặc sắc nhất để mừng công”. Đối tượng phục vụ của đêm diễn là toàn thể cán bộ từ tiểu đoàn trưởng trở lên, ước chừng một ngàn người”. Chương trình được sắp xếp 10 tiết mục, nhưng lựa chọn mãi chỉ có 9 tiết mục. Nhà thơ viết: “Đang băn khoăn chưa biết lựa chọn tiết mục gì thì từ tâm linh sâu thẳm, tôi bỗng như nghe thấy tiếng hát của mẹ tôi... Tôi quyết định ngay trong cuộc họp chuyên môn, phải thêm một màn quan họ, từ 20 đến 25 phút.

Đêm diễn mừng công mở màn đúng 7 giờ 30 tối. “Hội trường đông nghịt… Tôi thấy Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngồi chính giữa, bên trái là đồng chí Hoàng Văn Thái (Tổng tham mưu trưởng), bên phải là đồng chí Nguyễn Chí Thanh... rồi đến các vị Trần Độ, Vũ Lăng, Nam Long, Vương Thừa Vũ... Sau các tiết mục ca ngợi chiến thắng sôi nổi, tiếng vỗ tay dồn dập... đến lúc mở màn tiếng hát quan họ, khi đến bài Lý cây đa thì bên dưới vẫn im ắng, như nín thở lắng nghe từng giọt... Nhưng từ hàng ghế thứ tư trở xuống đến vài ba hàng nữa, tôi thấy hình như các vị trung đoàn có ghé tai nhau “mách giúp, bảo giùm” nhau một cái gì đó hơi nghiêm trọng. Tốp nữ hát khổ đầu thật bay bướm, thật lẳng lơ, mắt cô nào cũng long lanh, lúng liếng, miệng cô nào cũng như búp hoa hàm tiếu: “Yêu nhau cởi áo cho nhau/Về nhà mẹ hỏi qua cầu gió bay...”. Khi đến câu: “Gió giục cái đêm đông trường/Nửa chăn, nửa chiếu nửa giường để đó chờ ai” thì bỗng như tiếng sét nổ giữa trời quang mây tạnh, từ hàng ghế thứ tư về phía bên trái từ sân khấu nhìn xuống: “Hạ màn xuống! Đả đảo!”. Tiếp theo như một hồi sấm động tháng ba và liên tiếp sấm sét lan xuống mấy hàng ghế nữa, có hàng trăm người đồng thanh hưởng ứng: “Đả đảo văn công! Hạ màn xuống! Vứt hết đi! Lãng mạn! Suy đồi! Chim chuột nhau trên sân khấu đấy. Đả đảo!”.

Tài ứng xử của nhà chính trị

Trong bài viết, nhà thơ Hoàng Cầm kể tiếp: “Tôi nhìn xuống thấy Đại tướng Võ Nguyên Giáp quay lại phía sau nhìn xem cái gì. Nét mặt ông tướng chiến thắng ấy vẫn bình thản. Đồng chí Nguyễn Chí Thanh bước rất nhanh lên sân khấu, nói như hét: “Các ông làm loạn đấy à. Kia, có phải ông Th.D không? Các ông toàn là quân đội lâu năm, các ông vô kỷ luật đến thế à. Tổng cục nuôi đoàn văn công, văn công nuôi lại các ông, nuôi toàn thể quân đội bằng những món ăn tinh thần. Vậy mà các ông chưa chi đã đả đảo người nuôi mình. Các ông vừa chiến thắng một trận lớn thật đấy, nhưng vẫn là nhỏ so với công lao xây dựng quân đội của dân… Các ông thật là vô kỷ luật. Đáng lẽ tôi thi hành kỷ luật các ông ngay lập tức, nhưng thôi, đây là tiệc ăn mừng, các ông vừa chiến thắng, các ông hách dịch, ra oai, tôi tạm tha. Bây giờ, ông nào không ưa văn công nữa, xin mời các ông ấy về nhà ngủ, ông nào muốn xem tiếp thì ở lại, nhưng phải có trật tự, có kỷ luật. Nào, ai về thì về đi!”.

Quả nhiên ông Th.D và năm sáu người nữa kéo nhau ra khỏi hội trường. Nhưng vừa lách qua hàng ghế sắp ra đến cửa thì đồng chí Nguyễn Chí Thanh gọi giật lại: “Này, các ông, các ông bỏ về hả? Được! Nhưng nhớ chiều mai, đúng 2 giờ, tôi mời văn công đến nhà riêng diễn lại màn quan họ này, cái tiết mục mà các ông đả đảo ấy, diễn lại ở sân nhà tôi. Có cả kẹo bánh và thuốc lá Tây thua trận đấy. Các ông nào đả đảo hay hoan nghênh tôi xin mời cả. Mai các ông sẽ tranh luận và tha hồ ý kiến”. Nói dứt lời, đồng chí Nguyễn Chí Thanh hô to: “Anh Hoàng Cầm! Cho mở màn, diễn lại!”. (Còn tiếp)

Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (1.1.1914 - 1.1.2014), sáng 30.12 tỉnh Thừa Thiên-Huế tổ chức lễ khánh thành và đón nhận 4 bức tượng do gia đình Đại tướng trao tặng, trong đó có một tượng đứng cao 2 m, mô phỏng hình ảnh Đại tướng khi còn trẻ và trên cương vị Chủ tịch Hội LHTN VN.

Dịp này, gia đình Đại tướng trao tặng cho quỹ khuyến học xã Quảng Thọ và quỹ học bổng Trường Nguyễn Chí Thanh 100 triệu đồng; Ngân hàng Đầu tư phát triển VN (BIDV) cũng trao 20 bộ máy tính cho Trường THPT Nguyễn Chí Thanh và Trường tiểu học số 1 Quảng Thọ (H.Quảng Điền).

Chiều 30.12, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, MTTQ tỉnh Thừa Thiên-Huế tổ chức trọng thể lễ dâng hoa tưởng niệm Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại công viên tượng đài Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, thị trấn Sịa.

B.N.L

Bùi Ngọc Long

 >> Những câu chuyện chưa kể về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh
 >> Những bức thư tình của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh
 >> Triển lãm về cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh
 >> Hội LHTN VN đón nhận tượng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh
 >> Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, nhà chính trị - quân sự lỗi lạc, là hình ảnh tiêu biểu “Anh bộ đội Cụ Hồ”
 >> Dâng hoa tại tượng đài Đại tướng Nguyễn Chí Thanh
 >> Nhân kỷ niệm 90 năm ngày sinh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.