Vụ 7 học sinh tắm biển chết đuối: Thời tiết xấu, ứng cứu chậm

30/12/2013 10:21 GMT+7

(TNO) Một số người dân chứng kiến sự cố 7 học sinh ở trường Nguyễn Bỉnh Khiêm, huyện Dầu Tiếng (Bình Dương) đi du lịch dã ngoại ở bãi biển Cần Giờ bị chết đuối cho hay nếu công tác cứu hộ được tổ chức bài bản hơn thì có thể người chết không nhiều như vậy.

Vụ 7 em học sinh tắm biển chết đuối: Ca nô cứu hộ hết xăng, sút bánh?
Nhiều người dân cho hay nếu công tác cứu hộ chuyên nghiệp hơn thì số người chết không nhiều đến như vậy. Trong hình là cha của em Võ Tấn Tài đưa xác em về Bình Dương. Tài cũng là nạn nhân cuối cùng tìm thấy xác

>> Vụ 7 học sinh mất tích: Đón con ở nhà xác bệnh viện
>> Vụ 7 học sinh mất tích: Đã có lúc tôi tưởng em Long được cứu sống
>> Vụ 7 học sinh mất tích trên biển Cần Giờ: Tìm được 7 thi thể
>> Vụ 7 học sinh mất tích trên biển Cần Giờ: Tiếp tục tìm kiếm nạn nhân

Ứng cứu chậm

Bà Nguyễn Thị Hằng, nhà ở xã Long Thạnh, huyện Cần Giờ, hằng ngày buôn bán ở gần bãi biển 30 tháng 4 cho biết thời điểm xảy ra sự cố rất đông học sinh nhưng chỉ có một vài em ra biển tắm.

“Lúc xảy ra sự cố, tôi bán hàng gần đó, thấy mấy cái đầu ngoi lên, tay vẫy vẫy nhưng bất lực không làm gì được. Lúc đó chỉ trông chờ vào lực lượng cứu hộ của bãi biển”, bà Hằng nói.

Tuy nhiên, điều bà Hằng cảm thấy bất bình nhất là việc cứu hộ rất chậm, lại thiếu phương tiện, người cũng rất ít nên hiệu quả cứu hộ rất kém.

Vụ 7 em học sinh tắm biển chết đuối: Ca nô cứu hộ hết xăng, sút bánh?
Tại thời điểm xảy ra sự cố, ca nô cứu hộ của ban quản lý bãi biển 30 tháng 4 được cất trong nhà nên cũng kéo dài thời gian cứu hộ kịp thời. Hiện ca nô đã được kéo ra bãi biển

Bà Hằng nói: “Họ để ca nô ở đâu trên nhà nghỉ. Khi đem ra ca nô không còn xăng, lại phải kêu xe kéo ra. Nhưng xe kéo ca nô bị sút bánh phải sửa. Khi ca nô ra tới nơi thì không còn thấy đầu của mấy em nữa. Nếu cứu hộ phản ứng nhanh, có đầy đủ phương tiện thì có lẽ cũng cứu được vài em, nhất là ba em cố gắng bám trụ khá lâu”.

Bà Hằng tôi không nhớ rõ chính xác bao lâu ca nô mới ra được vị trí bị nạn nhưng thấy các em phải chịu đựng lâu mới thấy ca nô cứu hộ ra.

“Ba em cuối cùng có lẽ bơi rất giỏi vì trụ được rất lâu. Tôi nghĩ lúc đó các em đang ôm phao mà hóa ra không phải”, bà Hằng nói.

Việc lực lượng cứu hộ mỏng và phương tiện cứu hộ chậm ứng cứu trong sự cố này đã được một số người dân chứng kiến vụ việc xác nhận với PV Thanh Niên Online.

Vụ 7 em học sinh tắm biển chết đuối: Ca nô cứu hộ hết xăng, sút bánh?
Ông Tý - một trong những người đầu tiên tiếp cận cứu hộ các em học sinh

Cứu hộ quá mỏng

Ông Tý, người thuộc lực lượng cứu hộ của bãi biển 30 tháng 4 - một trong những người đầu tiên ra cứu mấy em học sinh cho hay giờ muốn ông nói thông tin thì phải xin phép ý kiến của lãnh đạo, ở đây là Ban quản lý du lịch 30 tháng 4.

“Giờ dư luận cũng đang dòm tụi tôi”, ông Tý nói.

Ông Tý cho hay lúc đó lực lượng cứu hộ có 4 người, thêm 4-5 bảo vệ.

Trả lời câu hỏi vì sao phương tiện cứu hộ đưa ra quá chậm, ở đây là ca nô cứu hộ, ông Tý cho hay vì thời tiết quá xấu, xuồng đưa ra cũng không làm gì được.

Về câu hỏi tại sao ca nô cứu hộ không để gần bờ để sẵn sàng ứng cứu khi có sự cố xảy ra, ông Tý cho hay thời tiết mấy hôm nay quá xấu nên phải đưa ca nô vào cất ở khu du lịch.

Vụ 7 em học sinh tắm biển chết đuối: Ca nô cứu hộ hết xăng, sút bánh?
Mặc dù bãi biển nơi các em học sinh gặp nạn có biển cấm tắm và cảnh báo nguy hiểm nhưng vẫn có nhiều du khách đến tắm

Ông  Đinh Quân Tuấn - đội trưởng lực lượng bảo vệ của khu du lịch 30 tháng 4 - cho biết khi phát hiện ra sự cố, mấy em học sinh cũng mệt lử rồi vì rơi vào dòng chảy mạnh.

“Còn khi đưa ca nô xuống, đi ra được một đoạn bị sóng đánh phải quay vô”, ông Tuấn nói.

Ông Tuấn cho hay khu vực xảy ra sự cố có biển báo cấm tắm, nguy hiểm, lực lượng bảo vệ thường xuyên nhắc nhở khách nhưng vẫn có khách vào tắm bất kể lời cảnh báo.

Về đoàn học sinh bị nạn, ông Tuấn cho biết bảo vệ đã xuống nhắc nhở mấy em không được xuống tắm, dặn cả thầy cô giáo lưu ý nhưng thầy cô chưa kịp làm thì sự cố xảy ra.

“Lực lượng cứu hộ quá mỏng, chỉ có bốn người trong khi phải đảm bảo an toàn cho 400-500 người. Với lại do thời tiết quá xấu chứ chúng tôi cũng tổ chức tốt lực lượng cứu hộ ở bãi biển này”, ông Tuấn khẳng định.

Thời tiết xấu khiến cứu hộ gặp nhiều khó khăn

Ông Lê Văn Thơm - Phó chủ tịch UBND huyện Cần Giờ - cho biết sau khi sự cố xảy ra, cơ quan chức năng đã tổ chức khoảng 180 người để tìm kiếm thi thể các em.

“Sau khi sự cố xảy ra, lực lượng cứu hộ của ban quản lý bãi biển 30 tháng 4 cũng đã nhanh chóng ra ứng cứu và cứu được năm em. Tuy nhiên do sóng lớn, nước chảy xiết nên có một thành viên trong đội cứu hộ ngất xỉu. Thời tiết xấu khiến công tác cứu hộ gặp nhiều khó khăn”, ông Thơm nói.

Ông Thơm khẳng định trên thực tế lực lượng bảo vệ, cứu hộ của các bãi biển ở Cần Giờ luôn cảnh báo du khách, đặc biệt là đoàn du khách là học sinh các trường.

Trung Hiếu

>> Vụ 7 học sinh mất tích trên biển Cần Giờ: Trắng đêm tìm kiếm
>> Vụ 7 học sinh mất tích trên biển Cần Giờ: 'Duy ơi, con đang ở đâu, về với ba đi con...
>> Vụ 7 học sinh mất tích trên biển Cần Giờ: Tìm kiếm thâu đêm
>> Vụ 7 học sinh mất tích trên biển Cần Giờ: Huy động thợ lặn tìm kiếm
>> Vụ 7 học sinh mất tích trên biển Cần Giờ: Đã tìm thấy 2 nạn nhân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.