Về đâu tiếng vó ngựa đua

31/12/2013 03:00 GMT+7

Vùng Xuân Thới Thượng, Xuân Thới Sơn (H.Hóc Môn, TP.HCM) từng nổi tiếng với nghề nuôi ngựa đua khi trường đua Phú Thọ còn hoạt động. Bây giờ, sau nhiều năm trường đua đóng cửa, nhiều người bỏ nghề, số ngựa cũng chẳng còn là bao, nhưng nơi đây vẫn có những người bám trụ với nghề nuôi ngựa đua.

Vùng Xuân Thới Thượng, Xuân Thới Sơn (H.Hóc Môn, TP.HCM) từng nổi tiếng với nghề nuôi ngựa đua khi trường đua Phú Thọ còn hoạt động. Bây giờ, sau nhiều năm trường đua đóng cửa, nhiều người bỏ nghề, số ngựa cũng chẳng còn là bao, nhưng nơi đây vẫn có những người bám trụ với nghề nuôi ngựa đua.

Về đâu tiếng vó ngựa đua

Ông Ba Trí ngồi lau lại chiếc cúp vô địch một thời đã qua - Ảnh: Công Nguyên

 

Về đâu tiếng vó ngựa đua1

Đua ngựa một thời tại trường đua Phú Thọ - Ảnh: tư liệu

Về đâu tiếng vó ngựa đua2

Hằng ngày, ông Baudron vẫn nuôi dưỡng, thương yêu những con ngựa đua của mình, mong một ngày trường đua mở trở lại - Ảnh: Công Nguyên

Với họ, ngựa đã trở thành ký ức, tuổi trẻ, máu thịt; nuôi ngựa không phải là nghề để mưu sinh mà đã trở thành cái nghiệp đeo bám họ suốt cuộc đời còn lại.

Bỏ nước Pháp đến VN nuôi ngựa

 

Tôi không thể hiểu tại sao môn đua ngựa lại bị cấm, cờ bạc thì thiếu gì cách, không đua ngựa thì cờ bạc cũng tràn lan ra đó

Jean Yves Baudron, một người Pháp gốc Việt

Tới xã Xuân Thới Thượng và xã Xuân Thới Sơn hỏi thăm vùng này còn ai nuôi ngựa, mọi người đều nhắc đến ông Ba Trí và ông Jean Yves Baudron, người Pháp gốc Việt, còn có tên gọi thân mật là chú Sáu.

“Tôi sinh năm ngựa, Nhâm Ngọ 1942. Có lẽ vì vậy mà cuộc đời tôi gắn với ngựa…”. Ông Ba Trí mở đầu câu chuyện của mình trong căn nhà thuê xập xệ bằng một đúc kết như vậy. Từ nhỏ, ông đã theo ông ngoại, là một người chuyên chữa bệnh cho ngựa, đi khắp nơi. Những cuộc đua ngựa xôm tụ ở Sài thành và vùng lân cận, ông ngoại đều đưa ông theo. Hình ảnh những chú ngựa với những trận đua kiêu hùng, mạnh mẽ đã ám vào cậu bé Trí, kể cả trong giấc ngủ những năm tháng lánh giặc ở Củ Chi, Bà Điểm với tiếng vó ngựa khuya sớm khuyên trên đường quê.

Con ngựa đầu tiên Ba Trí sở hữu là con Xích Thú, mua năm 1963. Lúc mua chỉ 17.000 đồng, hai năm sau Xích Thú thắng trong một giải đua, giá của nó đã vọt đến 100.000 đồng, tương đương một chiếc xe hơi thời đó.

Ông Ba Trí bắt đầu nghiệp nuôi ngựa đua từ đấy. Lúc nghề thịnh nhất trong tay ông có đến ba chục con ngựa, mười mấy đệ tử cùng chăm sóc và đua ngựa. Mỗi dịp cuối tuần, tại trường đua Phú Thọ, ngựa của ông đều tham gia rất rôm rả. Thế nhưng, thời vang bóng ấy kết thúc khi trường đua Phú Thọ giải tán, các giải đua không còn được tổ chức. Những con ngựa không còn giúp ông và các đệ tử có thể mưu sinh. Số lượng ngựa vì vậy cũng hao mòn dần. Nhưng ông không thể dứt nghề được, nó đã trở thành nghiệp trong cuộc đời ông. Với ông Ba Trí, mỗi con ngựa là một người bạn, là cơ duyên cuộc đời. Ông hiểu tâm tính của từng con ngựa đã nuôi để mỗi khi nhắc lại, trong mắt ông lại ánh lên một nụ cười. “Trong cuộc đời nuôi ngựa của tôi, tôi nhớ nhất là con Long Vân, được mua lại từ một người bên Gò Vấp. Nó dữ đến nỗi cắn đứt gân tay của một người. Chủ cũ của nó nản quá đành bán rẻ lại cho tôi. Tôi nghĩ ngựa cũng như con người, có thể thuần phục được nếu biết cách, nên tôi dắt nó về và đổi tên là Xích Tu Long cho đúng với họ của tất cả các con ngựa của tôi. Sau mấy tháng ở với tôi, nó không còn dữ nữa, biết điều lắm”, Ba Trí kể về con ngựa như đang nói về đứa cháu trai mà ông rất đỗi yêu thương.

Cũng mê ngựa như ông Ba Trí, ông Baudron đã bỏ lại cả gia đình ở nước Pháp để đến VN gắn bó với những con ngựa đua. Bố người Pháp, mẹ người Việt, lớn lên ở Pháp, nhưng từ 1992 đến nay Baudron sống ở VN nhiều hơn ở Pháp, lý do chỉ là nơi đây có những con ngựa. Ông gọi những con ngựa của mình là “con”, như một phần máu thịt. “Những con ngựa đua thu hút tôi từ nhỏ, nhưng với địa vị của tôi ở bên đó thì không thể động đến một cọng lông ngựa, nó chỉ dành cho tầng lớp giàu có, quý tộc. Còn khi ở VN, tôi được sở hữu những con ngựa đua rất tốt, thỏa niềm đam mê”, ông Baudron tâm sự.

Hằng tháng, Baudron nhận đồng lương hưu ít ỏi của mình, xin thêm tiền của vợ con từ Pháp để về nuôi những chú ngựa. Vợ con nhiều lần phàn nàn, ông vẫn không thể bỏ mặc những con ngựa bởi một lý do nghe thật xót xa, qua giọng nói như nghẹn lại: “Tôi sợ những con ngựa đua còn lại ở VN sẽ bị giết hết mất!”.

Những người đang duy trì nuôi ngựa ở vùng Hóc Môn này đều có tâm trạng chung như ông Ba Trí, ông Baudron, nuôi ngựa vì niềm đam mê nhưng luôn trăn trở, lo lắng vì tương lai không biết lúc nào những giải đấu, trường đua được mở lại. Số phận những con ngựa đua cũng vì vậy mà chông chênh. “Số lượng ngựa còn lại ở vùng này chỉ khoảng 400 con, trong vòng ba năm đóng cửa trường đua Phú Thọ có hơn 3.000 con ngựa đua bị giết thịt ở các lò mổ”, ông Baudron trầm ngâm. Tình trạng này vẫn chưa chấm dứt, khi nhiều con ngựa đua vẫn đang bị giết thịt dần vì chủ của nó không đủ kinh phí để nuôi. Còn những người có thể duy trì việc nuôi ngựa thì cũng không biết mình sẽ gắn bó với ngựa đến lúc nào nữa. “Mỗi khi ngắm những con ngựa ăn, tôi rớt nước mắt vì không biết tương lai nó đi về đâu nữa. Những con ngựa có dòng dõi quý mà giờ nuôi nó không có mục đích gì. Tôi năm nay 68 tuổi rồi, không biết những con ngựa đua này sẽ đi về đâu? Hay lại vào các lò mổ đây? Tôi không thể hiểu tại sao môn đua ngựa lại bị cấm, cờ bạc thì thiếu gì cách, không đua ngựa thì cờ bạc cũng tràn lan ra đó”, ông Baudron thở dài.

Không nguôi hy vọng

Mặc dù không còn nhà để ở, phải đi ở thuê trong căn nhà xập xệ, nhưng ông Ba Trí vẫn cố gắng nhịn ăn, nhịn mặc để duy trì đàn ngựa đua của mình. Không còn tiền của để đầu tư như trước, giờ ông nuôi ngựa theo kiểu con nhà nghèo liệu cơm gắp mắm. Đàn ngựa gần 20 con được ông thả ngoài đồng, ăn hết bãi cỏ này ông lại dong chúng tới bãi cỏ khác. Mỗi ngày, ông chỉ dám cho chúng ăn một ít lúa. Hai chuồng ngựa cũng đã xập xệ, rách nát lắm, nhưng những chú ngựa dường như biết phận mình, nằm ngoài mưa gió mà chẳng mấy khi đau bệnh, cùng chủ bám trụ qua ngày để chờ có một trường đua nào sẽ mở lại, để lại được tung vó so tài. Tuy lay lắt như vậy, nhưng khi có người hỏi mua ngựa, Ba Trí vẫn kiên quyết không bán vì ông biết nếu bán những con ngựa của ông cũng sẽ bị giết thịt. “Thương đứt ruột chú ơi! Thôi thì duy trì được đến đâu hay đến đó. Tôi vẫn tin những con ngựa của mình sẽ lại được tung vó trên đường đua”, ông nghẹn ngào nhưng đôi mắt vẫn ánh lên hy vọng.

Có điều kiện hơn Ba Trí một chút, Baudron thuê một mảnh đất ở ấp 1, xã Xuân Thới Thượng để làm chuồng nuôi 9 con ngựa đua của mình. Hằng tháng, chi phí cho bầy ngựa mất khoảng 20 triệu đồng. Không đành lòng đứng nhìn những con ngựa bị xẻ thịt dần, Baudron đứng ra tập hợp những người còn đam mê với nghề trong vùng lại để xin phép thành lập “Hội thể dục thể thao ngựa đua”, đồng thời mượn đất để tổ chức một đường đua tập dượt. Hiện nay, đã có hơn 200 chủ ngựa đăng ký tham gia hội. Còn đường đua tuy chỉ là nơi để những chú ngựa tập dượt cho đỡ chồn chân, nhưng cũng là cách để ông động viên anh em không bán ngựa cho các lò mổ. “Những con ngựa đua đều thuộc dòng giống cao quý, nó sinh ra để tung vó kiêu hãnh, giá trị của nó nằm ở những lần vươn lên giành chiến thắng, là tinh thần nó mang lại chứ không chỉ là thân xác nó. Vì vậy, xin hãy để những chú ngựa được đua, đừng bắt nó phải biến thành thịt, thành cao, xót xa lắm”, ông Baudron nói như rút từng lời gan ruột. Bên ngoài, những chú ngựa đua vẫn đang tung tăng gặm cỏ.

Công Nguyên

>> Lâm Đồng sẽ có trường đua ngựa lớn nhất nước
>> Lên Bắc Hà xem đua ngựa
>> Đua ngựa truyền thống Gò Thì Thùng
>> Tôi đi cá cược đua ngựa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.