Phải để ca nô cứu hộ ở bờ biển để sẵn sàng ứng cứu

30/12/2013 18:50 GMT+7

(TNO) Một số chuyên gia trong ngành du lịch, cứu hộ cho rằng trong vụ bảy học sinh chết đuối ở bãi biển Cần Giờ trưa ngày 29.12, việc Ban quản lý bãi biển 30 tháng 4 đưa ca nô cứu hộ cất trong nhà là không đúng với chuyên môn ngành cứu hộ biển.

(TNO) Một số chuyên gia trong ngành du lịch, cứu hộ cho rằng trong vụ bảy học sinh chết đuối ở bãi biển Cần Giờ (TP.HCM) trưa ngày 29.12, việc Ban quản lý bãi biển 30 tháng 4 đưa ca nô cứu hộ cất trong nhà là không đúng với chuyên môn ngành cứu hộ biển.

>> Vụ 7 học sinh tắm biển chết đuối: Thời tiết xấu, ứng cứu chậm

 
Chiếc ca nô cứu hộ của Ban quản lý bãi biển 30 tháng 4 hôm xảy ra sự cố được
cất trong nhà, lại hết xăng. Khi đưa kéo vào để đưa ca nô ra biển thì xe kéo sụt bánh.
Hiện ca nô cứu hộ đã được kéo ra biển - Ảnh: Trung Hiếu

“Cất ca nô cứu hộ trong nhà là sai sót”

Từng là Giám đốc Khu du lịch Biển Đông và hiện là Phó tổng giám đốc Công ty du lịch Bà Rịa-Vũng Tàu, ông Nguyễn Niệm cho hay qua theo dõi thông tin có thể thấy cả nhà trường, công ty du lịch và lực lượng cứu hộ trong sự cố đau thương vừa qua chưa làm hết chức năng.

Ở Vũng Tàu, khi có đoàn du khách là học sinh luôn phải có thầy cô giám sát bên cạnh, hướng dẫn viên không bao giờ cho đi tự do tách đoàn. Vùng biển nào đã cầm tắm thì phải nghiêm khắc cấm không để cho du khách bén mảng tới.

 
 Ca nô cứu hộ lúc nào cũng phải để ở bờ hoặc mép biển và luôn được bảo dưỡng, tu sửa để khi cần là sử dụng được ngay mà không gặp phải trục trặc nào
Ông Nguyễn Niệm - Phó tổng giám đốc Công ty du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 
Riêng về lực lượng cứu hộ, theo ông Niệm, ở Vũng Tàu, lực lượng này do Ban quản lý các khu du lịch ở Vũng Tàu tổ chức, có đài cứu hộ trực suốt tuyến, luôn có người theo dõi nhất là ở khu vực nguy hiểm.

“Ở các khu vực nguy hiểm, nước sâu và xoáy luôn có cờ cảnh báo và có người túc trực ở đó”, ông Niệm nói.

Ông Niệm cho hay ngoài lực lượng cứu hộ của ban quản lý các khu du lịch, các khu du lịch cũng có lực lượng cứu hộ riêng của mình được đào tạo bài bản với đầy đủ trang thiết bị phương tiện. Thậm chí những nhân viên trong khu du lịch cũng được đào tạo về cứu hộ để khi có sự cố thì sẵn sàng ứng cứu.

Liên quan đến vấn đề ca nô cứu hộ, ông Niệm cho hay đây là mặt hàng kinh doanh để cho khách khi có nhu cầu nhưng cũng là vừa phương tiện cứu hộ hữu hiệu nhất. Thậm chí ở biển Vũng Tàu, các ca nô trượt nước cũng sẽ đưa vào cứu hộ nếu cần.

“Ban quản lý bãi biển đưa ca nô cất vào nhà là sai sót và không đảm bảo nguyên tắc cứu hộ. Ca nô cứu hộ lúc nào cũng phải để ở bờ hoặc mép biển và luôn được bảo dưỡng, tu sửa để khi cần là sử dụng được ngay mà không gặp phải trục trặc nào”, ông Niệm nói.

Cứu hộ phải được huấn luyện thường xuyên

Ông Trần Văn Trường - Giám đốc Ban quản lý các khu du lịch Vũng Tàu - cho hay ca nô cứu hộ sẽ được sử dụng trong tình huống sự cố ở cách xa bờ. Còn sự cố ở gần bờ nhân viên cứu hộ sẽ bơi ra ứng cứu.

“Thường những sự cố gần bờ, nhân viên bơi ra sẽ dễ xoay xở và hiệu quả hơn”, ông Trường nói.

Cho nên ngoài trang thiết bị máy móc cứu hộ, Ban quản lý các khu du lịch Vũng Tàu rất coi trọng yếu tố con người khi cứu hộ. Hàng năm vào những mùa biển lặng, nhân viên cứu hộ sẽ được đào tạo trong vòng 6 tuần.

Hiện Ban quản lý các khu du lịch Vũng Tàu có hơn 30 nhân viên cứu hộ chuyên nghiệp. Ngoài ra các khu du lịch đều có khoảng 3-4 nhân viên cứu hộ để sẵn sàng hỗ trợ. Các nhân viên cứu hộ ở Vũng Tàu đều được trang bị đồ lặn, chân vịt, đồ thở…

 

PV Thanh Niên Online đã tới trụ sở của Ban quản lý bãi biển 30 tháng 4 để tìm hiểu thêm vụ việc nhưng không thành vì bảo vệ ở đây cho biết các lãnh đạo đều bận công việc đi ra ngoài.

“Không biết các bãi biển ở các vùng khác thế nào, riêng ở Vũng Tàu, công tác cứu hộ luôn được coi trọng để bảo vệ tốt nhất tính mạng, tài sản của khách từ đó cũng thu hút du khách”, ông Trường khẳng định.

Trao đổi với PV Thanh Niên Online vào chiều 30.12, ông Lê Văn Thơm - Phó chủ tịch UBND huyện Cần Giờ - cho hay hiện huyện đang tập trung giải quyết hậu quả sau sự cố và chưa có thời gian đánh giá lại lực lượng cứu hộ.

Theo ông Thơm, sau sự cố xảy ra, anh em cứu hộ cũng đã cố gắng hết sức, trước đó họ cũng đã cố gắng cảnh báo nhiều lần. Thậm chí có trường hợp nhân viên cứu hộ ngất xỉu và tưởng chết khi cố gắng cứu các em học sinh bị sóng đánh trôi.

Trả lời câu hỏi ca nô cứu hộ thay vì để ngoài biển lại đưa vào nhà đúng hay sai, ông Thơm cho rằng biển Cần Giờ sóng to, ca nô để ngoài bờ biển sẽ dễ bị sóng đánh chìm ngay.

“Tàu lớn qua một đêm neo ở biển Cần Giờ cũng có khả năng bị đánh chìm. Cho nên đòi hỏi như vậy cũng khó cho chúng tôi”, ông Thơm nói.

Ông Thơm thừa nhận lực lượng cứu hộ ở bãi biển 30 tháng 4 là quá mỏng, tuy nhiên biên chế của huyện chỉ được chừng đó. Hiện lực lượng ở bãi biển 30 tháng 4 gồm 13 người nhưng có 2 người là quản lý, 7 người là bảo vệ trên bờ, chỉ còn 4 người là cứu hộ túc trực dưới biển.

“Về lâu dài chúng tôi cũng sẽ có tính toán về lực lượng cứu hộ cho hiệu quả”, ông Thơm nói.

Trung Hiếu

>> Vụ 7 học sinh tắm biển chết đuối: Thời tiết xấu, ứng cứu chậm
>> 7 học sinh Bình Dương chết đuối ở biển Cần Giờ
>> Một người chết dưới trời mưa rét
>> Diễn tập chữa cháy và cứu hộ tại đường hầm sông Sài Gòn
>> Cứu hộ 10 thủy thủ trên tàu mắc cạn
>> Cứu hộ trong rừng sâu
>> Leonardo DiCaprio bỏ ra 3 triệu USD... cứu hổ
>> Tàu cứu hộ và tàu cá gặp sự cố trên biển
>> Tăng cường y bác sĩ cứu hộ nạn nhân vụ nổ tại nhà máy pháo hoa
>> Sắp có thiết bị cứu hộ khi đuối nước

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.