Sài Gòn 18 độ C

29/12/2013 03:00 GMT+7

Theo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, nhiệt độ thấp nhất tại TP.HCM vào sáng hôm qua là 18 độ C (đo tại Trạm Tân Sơn Nhất, Q.Tân Bình). Tuy nhiên, đây chưa phải là nơi lạnh nhất ở Nam bộ, mà là Tây Ninh với mức nhiệt độ xuống 16,8 độ C.

* Bệnh nhân nhập viện tăng cao do rét đậm

Sài Gòn 18 độ C
Giữ ấm cho trẻ để phòng các bệnh đường hô hấp ngày giá rét - Ảnh: Thúy Anh

Nhìn chung, hầu hết khu vực Nam bộ hôm qua có nhiệt độ thấp nhất từ 19 - 20 độ C, chỉ có vài nơi từ 21 - 22 độ C. Dự báo Nam bộ sẽ còn tiếp tục lạnh tương tự vào hôm nay 29.12, những ngày sau đó có khả năng sẽ ấm lên.

Trong khi đó, theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, ở các tỉnh Bắc bộ và bắc Trung bộ trời tiếp tục rét đậm, rét hại trên diện rộng và có khả năng kéo dài đến hết tháng 12.2013.

Người lớn đề phòng tăng huyết áp

Hôm qua dù là ngày cuối tuần nhưng khoa Khám bệnh, Bệnh viện (BV) Bạch Mai (Hà Nội) vẫn đông bệnh nhân đến khám, trong đó tập trung các chuyên khoa: nhi, huyết áp - tim mạch, hô hấp. Số bệnh nhân bị tăng huyết áp đến khám những ngày lạnh tăng khoảng 10 - 15% so với các tuần trước đây. Tại Viện Tim mạch (BV Bạch Mai), số người đến khám cũng tăng 15 - 20% trong hai tuần gần đây với trung bình khoảng 130 bệnh nhân/ngày, nhiều trường hợp tai biến do huyết áp tăng cao đột ngột. Bệnh nhân vào khoa Cấp cứu do các bệnh lý huyết áp, tim mạch cũng tăng lên.

 

Trong lịch sử, năm 1975 Sài Gòn đã từng lạnh 14 độ C. Nhiệt độ này lặp lại một lần vào năm 1999 (đo ở Trạm Tân Sơn Nhất, Q.Tân Bình). Những năm gần đây thì nhiệt độ xuống thấp nhất cũng chỉ ở mức 19 - 20 độ C.

Theo TS-BS Đỗ Doãn Lợi, Viện trưởng Viện Tim mạch, trời rét khiến mạch máu co lại gây tăng huyết áp. Khi huyết áp tăng cao đột ngột dễ dẫn đến các biến chứng như: nhồi máu cơ tim, làm nặng thêm tình trạng suy tim, tai biến mạch máu não. Bác sĩ lưu ý, hết sức tránh cơ thể bị lạnh, hoặc thay đổi đột ngột về nhiệt độ. Ngay trong nhà, khi ra khỏi chăn ấm cũng cần khoác thêm áo giữ nhiệt; không tập thể dục ngoài trời sáng sớm, nên tập nhẹ nhàng trong nhà để cơ thể không bị lạnh đột ngột.

Người bị huyết áp cao cần lưu ý các dấu hiệu cảnh báo tai biến như đột ngột tê (hay yếu) một bên mặt, một bên tay hoặc một bên chân; nói khó, nói ngọng; đột ngột choáng. Rất lưu ý vào lúc sáng sớm hoặc chiều tối là thời điểm nhiệt độ thay đổi trong ngày, tác động nhiều đến mạch, huyết áp.

Cảnh giác viêm phổi, tiêu chảy... ở trẻ em

Theo TS-BS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai, số trẻ bị viêm phế quản, viêm phổi khám, điều trị những ngày rét đậm tăng khoảng 20% so với các tuần trước. Bác sĩ lưu ý, do nhiệt độ khá chênh lệch: rét buốt vào sáng và ấm hơn vào 2 - 3 giờ chiều nên cần giữ ấm phù hợp. Khi thời tiết ấm hơn, trẻ vận động nhiều cần bớt áo, khăn quàng cổ để tránh đổ mồ hôi. Khi trẻ bị mồ hôi gây ẩm vùng lưng là yếu tố khiến trẻ bị nhiễm lạnh.

Tiêu chảy do vi rút hiện cũng là bệnh thường gặp vào ngày đông, rét. Trẻ thường sốt, có nôn thậm chí nôn nhiều, đi ngoài nhiều lần trong ngày, có thể 15 - 20 lần. Bệnh không nguy hiểm nhưng vẫn có thể dẫn đến tử vong do gây nên tình trạng mất nước, mất cân bằng điện giải. Bác sĩ Dũng lưu ý, quan trọng trước tiên tại gia đình là cần bù nước oresol khi trẻ bị nôn, tiêu chảy. Trong mọi trường hợp, không tự ý mua thuốc điều trị tiêu chảy cho trẻ vì bệnh có nhiều nguyên nhân khác nhau. Trẻ bị tiêu chảy cần được khám, kê thuốc điều trị đúng.

Liên Châu - M.Vọng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.