Phạt 1 triệu đồng nếu mắng chồng, chửi vợ

27/12/2013 17:22 GMT+7

(TNO) Từ ngày mai, 28.12, Nghị định 167/2013 của Chính phủ về "xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình" sẽ có hiệu lực thi hành.

(TNO) Từ ngày mai, 28.12, Nghị định 167/2013 của Chính phủ về "xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình" sẽ có hiệu lực thi hành.

>> Đưa phòng chống bạo lực gia đình vào giảng dạy
>> Bạo lực gia đình: “nhịn là chết”
>> Phạt 'ngoại tình' có khả thi ?

Mua dâm bị phạt tối đa 5 triệu đồng

Theo nghị định này, hành vi mua dâm sẽ bị phạt tiền từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng, nếu mua dâm nhiều người cùng một lúc mức phạt tối đa 5 triệu đồng.

Với hành vi bán dâm, mức phạt tối thiểu là 100 nghìn đồng, tối đa là 300 nghìn đồng; nếu bán dâm cho nhiều người cùng lúc bị phạt tối đa 500 nghìn đồng.

Cũng theo nghị định, hành vi mua các số lô, số đề sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200 – 500 nghìn đồng; mức phạt tăng lên tới 2 triệu đồng áp dụng với một trong số các hành vi như đánh bạc trái phép bằng một trong các hình thức như xóc đĩa, tá lả, tổ tôm, tú lơ khơ, tam cúc, 3 cây, tứ sắc, đỏ đen, cờ thế hoặc các hình thức khác mà được, thua bằng tiền, hiện vật; đánh bạc bằng máy, trò chơi điện tử trái phép; cá cược bằng tiền hoặc dưới các hình thức khác trong hoạt động thi đấu thể thao, vui chơi giải trí, các hoạt động khác…

Hành vi tổ chức đánh bạc bị phạt tới 10 triệu đồng; tổ chức đánh đề bị phạt tối đa 20 triệu đồng.

Phạt 300 nghìn nếu tiểu tiện bậy

Với quy định xử phạt hành chính về phòng, chống bạo lực gia đình, nghị định quy định mức xử phạt tối đa 1,5 triệu đồng áp dụng với hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình; mức phạt tối đa 2 triệu đồng áp dụng đối với một trong những hành vi như sử dụng các công cụ, phương tiện hoặc các vật dụng khác gây thương tích cho thành viên gia đình; không kịp thời đưa nạn nhân đi cấp cứu điều trị trong trường hợp nạn nhân cần được cấp cứu kịp thời hoặc không chăm sóc nạn nhân trong thời gian nạn nhân điều trị chấn thương do hành vi bạo lực gia đình, trừ trường hợp nạn nhân từ chối.

Mức xử phạt tối đa 2 triệu đồng cũng được áp dụng với trường hợp có hành vi đối xử tồi tệ với thành viên gia đình, như bắt nhịn ăn, nhịn uống, bắt chịu rét, mặc rách, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân; bỏ mặc không chăm sóc thành viên gia đình là người già, yếu, tàn tật, phụ nữ có thai, phụ nữ nuôi con nhỏ.

Đáng chú ý, Điều 51 của nghị định quy định mức phạt tiền từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng đối với hành vi lăng mạ, chì chiết, xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình.

Mức phạt nhẹ hơn, từ 100 – 300 nghìn đồng áp dụng với một trong các hành vi như cấm thành viên gia đình ra khỏi nhà, ngăn cản thành viên gia đình gặp gỡ người thân, bạn bè hoặc có các mối quan hệ xã hội hợp pháp, lành mạnh nhằm mục đích cô lập, gây áp lực thường xuyên về tâm lý đối với thành viên đó; không cho thành viên gia đình thực hiện quyền làm việc; không cho thành viên gia đình tham gia các hoạt động xã hội hợp pháp, lành mạnh.

Mức phạt trên đồng thời áp dụng với một trong các hành vi, như: Từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng sau khi ly hôn; từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ nuôi dưỡng giữa anh, chị, em với nhau, giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu theo quy định của pháp luật; từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, nuôi dưỡng cha, mẹ; nghĩa vụ cấp dưỡng, chăm sóc con sau khi ly hôn theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, mức phạt tối đa 300 nghìn đồng cũng sẽ áp dụng với hành vi tiểu tiện ở đường phố.

Trao đổi với phóng viên Thanh Niên Online, một cán bộ Vụ pháp chế, Bộ Công an cho biết, hiện Bộ này đang soạn thảo thông tư hướng dẫn thực thi cụ thể nội dung nghị định trên.  

Bảo Cầm - Thái Sơn 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.